Chương 7 => Thư Gửi Tín Hữu Do-Thái | Kinh Thánh Tân Ước (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
1. Ðức Kitô cao trọng hơn các tư tế Lêvi
Ông Men-ki-xê-đê
(1) Quả vậy, ông Menkixêđê là vua Salem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Ápraham, lúc ông này đang trên đường về sau khi bánh bại các vua. (2) Ông Ápraham đã chia cho ông Menkixêđê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Menkixêđê, nghĩa là "vua công chính"; rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là "vua bình an". (3) Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.
Ông Men-ki-xê-đê nhận một phần mười chiến lợi phẩm của ông Áp-ra-ham
(4) Anh em hãy coi xem: ông Menkêxêđê cao trọng biết bao! Ông Ápraham là tổ phụ, mà cũng đã dâng cho ông một phần mười chiến lợi phẩm tốt nhất. (5) Trong hàng con cháu ông Lêvi, những ai lãnh chức tư tế, thì theo Lề Luật, được lệnh thu một phần mười hoa lợi của dân, tức là của anh em mình, mặc dù những người này cũng từ lòng ông Ápraham mà sinh ra. (6) Còn ông Menkixêđê, tuy không thuộc dòng tộc Lêvi, lại thu một phần mười chiến lợi phẩm của ông Ápraham và chúc lành cho ông là người đã nhận được lời hứa. (7) Ðiều không ai chối cãi được là chỉ người dưới mới nhận lời chúc lành của người trên. (8) Hơn nữa, một đàng các tư tế Lêvi thu một phần mười hoa lợi là những người phàm phải chết; một đàng ông Menkixêđê, người thu một phần mười chiến lợi phẩm, lại là nhân vật đang sống, như lời Kinh Thánh chứng nhận. (9) Có thể nói rằng: chính ông Lêvi, người thu một phần mười hoa lợi, cũng đã nộp một phần mười chiến lợi phẩm qua ông Ápraham, (10) vì ông còn ở trong lòng ông tổ Ápraham, khi ông Menkixêđê ra đón gặp ông này.
Từ chức tư tế Lê-vi
đến chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê
(11) Chức vụ tư tế Lêvi là nền tảng của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho Dân. Vậy giả như người ta đạt được sự hoàn thiện nhờ chức vụ tư tế đó rồi, thì còn cần chi phải đặt lên một tư tế khác theo phẩm trật Menkixêđê, thay vì theo phẩm trật Aharon? (12) Quả thế, một khi chức tư tế thay đổi, thì nhất thiết phải thay đổi Lề Luật. (13) Thật ra những điều nói trên nhắm đến một người thuộc một chi tộc khác, chi tộc này chưa hề có ai đã phục vụ bàn thờ. (14) Hiển nhiên là Chúa chúng ta đã xuất thân từ chi tộc Giuđa, một chi tộc không được ông Môsê nói gì đến, khi bàn về các tư tế.
Bãi bỏ Lề Luật cũ
(15) Ðiều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác tương tự như ông Menkixêđê xuất hiện; (16) vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt. (17) Quả thật, có lời chứng nhận rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. (18) Như vậy, một đàng, quy luật cũ đã bị bãi bỏ, vì có nhược điểm và vô ích, (19) thật thế, Lề Luật đã chẳng làm cho cái gì nên hoàn hảo; đàng khác, một niềm hy vọng tốt đẹp hơn đã được đưa vào thay thế, nhờ đó chúng ta đến gần Thiên Chúa.
Ðức Kitô là Thượng Tế đời đời
(20) Hơn nữa, điều ấy đã xảy ra không phải là không có lời thề. Một đàng, các tư tế Lêvi đã trở nên tư tế mà không có lời thề; (21) còn Ðức Giêsu khi trở nên tư tế, thì lại có lời thề của Ðấng nói với Người: Ðức Chúa đã thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế. (22) Do đó, Ðức Giêsu đã trở nên Ðấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn. (23) Lại nữa, trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. (24) Còn Ðức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. (25) Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.
Vị Thượng Tế thập toàn
(26) Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. (27) Ðức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. (28) Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng manh yếu đuối trong mình, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.