Chương 5 => Thư Gửi Tín Hữu Do-Thái | Kinh Thánh Tân Ước (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



(1) Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. (2) Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; (3) mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. (4) Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi. (5) Cũng vậy, không phải Ðức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, (6) như lời Ðấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. (7) Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. (8) Dầu là Con Thiên Chúa, người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; (9) và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, (10) vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.

 

III. Ðức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế Ðích Thực

 

Ðời sống Kitô hữu và vấn đề đạo lý

(11) Về vấn đề này, chúng tôi còn có nhiều điều phải nói, nhưng khó mà cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên uể oải không muốn nghe. (12) Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. (13) Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người vẫn là trẻ con. (14) Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.