MỤC TỬ NHÂN LÀNH (26.4.2015 – Chúa nhật 4 Phục sinh, Năm B - Chúa nhật Chúa Chiên Lành)
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Lời Chúa: Ga 10, 11-18
Khi ấy, Đức Giêsu nói: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục
tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là
mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà
chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và
không thiết gì đến chiên. Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên của
tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và
tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc
ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một
đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng
sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi
tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống
ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
Suy niệm:
Mục tử và
đàn chiên trên đồng cỏ
là một hình ảnh quen thuộc đối với
người Palestin.
Giữa người và chiên có một mối
tương quan mật thiết.
Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người
mục tử.
Mục tử nhân lành khác với người
chăn thuê,
vì dám hy sinh mạng sống mình cho
đoàn chiên,
chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp
sói dữ.
Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức
Giêsu Kitô.
Giữa Ngài và từng con chiên, có mối
dây gắn bó.
Tôi biết chiên của tôi và chiên của
tôi biết tôi,
như Cha biết tôi và tôi biết Cha.
Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết
hai chiều.
Chiên không phải là một con vật ngờ
nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị
tự do.
Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng
giọng quen thuộc.
Chiên nghe tiếng của Ngài và đi
theo.
Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên
có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận
ra nhau dễ dàng,
và một sự trân trọng quý mến nhau
đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao
cho Phêrô sứ mạng
chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của
Ngài.
Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình
yêu.
Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn
chiên Ngài.
Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và
gương mẫu.
Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá
giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Mọi mục tử phải noi gương Ngài,
dám chết để cho chiên được sống.
Ngày nay,
Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,
để lo cho đoàn chiên trên thế giới.
Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập
gia đình.
Ðiều đó thật là tốt đẹp.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số
bạn trẻ
ở bên Ngài cách đặc biệt để được
Ngài sai đi.
Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập
một tổ ấm,
để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao
la hơn.
Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên
ở ngay nơi lời nài xin của con
người.
Những người đói khát Lời Chúa, đói
khát tình thương,
đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa
cuộc sống.
Khước từ tiếng kêu của con người là
khước từ tiếng Chúa.
Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn
thấy đám đông bơ vơ.
Những người bệnh hoạn tật nguyền,
những trẻ em đường phố,
những người lầm lỡ, tự đặt mình ở
bên lề xã hội...
Thấy họ bằng trái tim và để cho tim
mình đáp lại.
Tạ ơn
Chúa đã cho Hội Thánh biết bao đại chủng sinh,
các linh mục, và các tu sĩ nam nữ,
các nhà thừa sai.
Nhưng đồng lúa chín vàng vẫn cần
nhiều thợ gặt,
tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị
lợi hơn.
Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ
mời gọi
để đứng trong đội ngũ những người
phục vụ đó!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ