Thật phúc cho anh em (30.4.2015 – Thứ năm Tuần 4 Phục sinh)
Thật phúc cho anh em
Lời Chúa: Ga 13, 16-20
Sau khi đã rửa chân
các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi
không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết
những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã
cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay
từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy
Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón
tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”
Suy niệm:
Khi giảng
cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện
như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước
Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16
tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn,
chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho
những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu
và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của
mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người
vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho
anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ
mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ
của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của
chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy
Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ
không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là
kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm
điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm
cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị
thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được
sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của
Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa
các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã
biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c.
17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân
thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi
việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi
việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh
phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ
Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho
những người cùng khổ.
Hôm nay,
Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người
đang cúi xuống,
âm thầm,
nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy
Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một
cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất
ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến
với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của
mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt
của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút
ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất
thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì
chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất
chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con
hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân
nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho
anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không
xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di
chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi
theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục
nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi
xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống
trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ