Khước từ và giũ bụi chân - Chúa Nhật XV Thường Niên B
KHƯỚC TỪ VÀ GIŨ
BỤI CHÂN
(Chúa
Nhật XV Thường Niên B, Am 7, 12-15; Ep 1, 3-10; Mc 6, 7-13)
Tác giả: Jaime L.
Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao BIển
Từ: americamagazine.org (17.6.2021)
WGPNT (08.7.2021) - Tin
mừng hôm nay đưa ra những chi tiết về Đức Giêsu - một chiến lược gia. Chúng ta
chứng kiến cách Đức Giêsu chuẩn bị cho Mười hai Tông đồ thi hành sứ vụ truyền
giáo. Những chỉ dẫn này vừa cho thấy một số trở ngại đã xuất hiện vào thời đầu
của Kitô giáo, vừa có thể truyền cảm hứng cho chúng ta khi thi hành nhiệm vụ mà
gặp phải chống đối.
Bài Tin mừng Máccô tuy ngắn nhưng lại đầy những thông tin
đáng giá về công việc truyền giáo vào thời đầu Kitô giáo. Trước tiên, Đức Giêsu
khuyên các môn đệ đi từng hai người một, cho thấy trước việc rao giảng Tin mừng
như một nỗ lực của tập thể chứ không phải là công việc làm một mình. Khi đi
cùng với một người khác, các tông đồ có bạn đồng hành và cảm giác an toàn, đặc
biệt là khi đi đến những vùng đất xa lạ.
Các môn đệ cũng được trao ban quyền năng để xua trừ các thần
ô uế và xức dầu chữa lành bệnh nhân. Quyền năng này liên kết việc chúc lành và
chữa lành vào sứ vụ của các môn đệ, bắt chước theo hành động của chính Đức
Kitô. Hãy nhớ lại phần đầu của Tin mừng Máccô. Khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại
Galilê, Ngài kêu gọi các môn đệ và sau đó giảng dạy trong hội đường như “Đấng
có uy quyền” thông qua lời nói và hành động. Dấu chỉ quyền năng đầu tiên của Đức
Giêsu là quát mắng thần ô uế. Sau đó, Ngài chữa khỏi bệnh cho mẹ vợ của Simon,
tiếp theo là chữa lành nhiều bệnh khác (Mc 1,21-34). Sứ mạng mà Đức Giêsu trao
cho nhóm Mười hai họa lại sứ vụ ban đầu của Ngài.
Ngoài ra, các tông đồ được hướng dẫn không mang theo những vật
dụng thiết yếu như lương thực, bao bị, tiền bạc hoặc nhiều quần áo. Tại sao vậy?
Lẽ nào Đức Giêsu không muốn các tông đồ chuẩn bị cho cuộc hành trình? Dường như
Đức Giêsu có hai mục đích muốn trình bày: thứ nhất, phân biệt các tông đồ với
những nhà giảng thuyết lưu động khác vào thời đó; và thứ hai là khuyến khích
các tông đồ sống dựa vào lòng hiếu khách. Đức Giêsu đã xác định mục tiêu này
khi bảo các ông hãy ở tại nhà dân chúng trong khi đi rao giảng.
Viễn cảnh của Đức Giêsu dành cho các tông đồ không quá lý tưởng.
Trong khi hướng dẫn họ rao giảng sứ điệp về sự ăn năn, Ngài cảnh báo rằng họ sẽ
bị từ chối. Không phải ai cũng mở rộng vòng tay chào đón những Kitô hữu sơ
khai, và Đức Giêsu bảo các môn đệ hãy lường trước sự từ chối và tiếp tục công
việc: “Bất cứ nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi
đó, hãy phủi bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Nhìn bề ngoài, cử chỉ này lên án sự
từ chối Tin mừng và thiếu lòng hiếu khách. Hơn nữa, hành động này cũng có ý
nghĩa tượng trưng nhằm giúp các tông đồ tiếp tục công việc của mình một cách
nhanh chóng, không nản lòng vì bị từ chối. Đức Giêsu nói rất rõ ràng rằng các
môn đệ không cần chú ý đến những người khước từ Tin mừng.
Bài đọc một từ sách ngôn sứ Amốt cũng âm vang tâm tình này.
Khi vị ngôn sứ đi từ Giuđa sang Israel để lên án sự thối nát của các nhà lãnh đạo
tôn giáo và chính trị của đất nước này, ông đã bị từ chối: “Này thầy chiêm ơi,
mau chạy về đất Giuđa!” Nhiều nhà lãnh đạo của Israel đã khép kín hoặc không
đón nhận những lời chỉ trích của Amốt, nhưng ông vẫn kiên trì nói tiên tri.
Bài Tin mừng hôm nay và bài
đọc thứ nhất đưa ra những ví dụ về cách thế tiếp cận một sứ vụ quan trọng. Các
bài đọc nhắc nhở chúng ta phải có óc thực tế để nhận ra rằng không phải ai cũng
sẽ có những phản ứng tích cực, nhất là nếu họ đang bị phê phán hoặc yêu cầu
thay đổi hành vi. Mặc dù vậy, sứ vụ vẫn phải tiếp tục, và thái độ kiên trì có
thể giúp ích khi chúng ta biết trước sự từ chối nhưng vẫn không nản lòng.
Nguồn: giaophannhatrang.org