Đức Giêsu, khuôn mẫu của nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái (Chúa Nhật XVI Thường Niên B)


Hình bởi Sylvain Brison on Unsplash

ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH, KHUÔN MẪU CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

(Chúa Nhật XVI Thường Niên B, Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34)

Tác giả: Jaime L.Waiters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Nguồn:
americamagazine.org (17.6.2021)

WGPNT (16.7.2021) - Trong các Chúa nhật trước, chúng ta đã được nghe kể về vai trò của việc giảng dạy, rao giảng và chữa lành trong sứ vụ của Đức Giêsu. Các bài đọc hôm nay tập trung vào việc đào tạo người lãnh đạo, vốn cũng là một yếu tố cần thiết của việc rao giảng Tin mừng.

Đoạn Tin mừng theo thánh Máccô hôm nay chính là phần dẫn nhập cho câu chuyện Đức Giêsu nuôi đám đông dân chúng mà chúng ta sẽ nghe vào Chúa nhật tới. Các tông đồ trở về gặp Đức Giêsu để thuật lại những gì họ đã rao giảng và đã thực hiện. Đáp lại những nỗ lực này, Đức Giêsu nhấn mạnh rằng các ông phải tách mình ra khỏi đám đông để nghỉ ngơi, giúp những người lãnh đạo ‘tương lai” có thời gian hồi tâm và hồi phục trong hành trình truyền giáo. Bài Tin mừng gắn thêm việc chăm sóc bản thân và tái tạo năng lượng như là điều cần thiết cho các nhà lãnh đạo tốt. Sau đó, cả nhóm chèo thuyền đến một nơi thanh vắng để ở đó một mình.

Bởi vì sứ vụ của Đức Giêsu đã được nhiều người biết đến nên dân chúng đã nhận ra thầy trò Đức Giêsu và vội vã đến gặp họ. Mặc dù cần có thời gian ở một mình, nhưng Đức Giêsu sẵn sàng thay đổi kế hoạch khi có người cần gặp, vì Ngài xót thương họ. Ngài “chạnh lòng thương” và nhận ra họ khao khát được ở với Ngài. Đức Giêsu còn đưa ra một mô hình lãnh đạo khác, đó là quan tâm và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ngài chọn việc giảng dạy đám đông vì thấy được nhu cầu cần có người lãnh đạo, bởi họ như “bầy chiên không có người chăn dắt”.

Lời này cũng vang vọng nơi bài đọc một trích sách ngôn sứ Giêrêmia. Trong bài giảng, vị ngôn sứ phê phán việc thiếu vắng người lãnh đạo trong cộng đoàn của ông, với những người cầm quyền (các mục tử) đã góp phần trong việc tàn phá và lưu đày dân Giuđa (đàn chiên). Ngôn sứ Giêrêmia đã lên án những mục tử xấu xa này nhưng đồng thời ông cũng hy vọng rằng sau cuộc lưu đày ở Babylon, số sót lại của đàn chiên sẽ hồi hương và xây dựng lại cộng đoàn. Ông loan báo về một nhà lãnh đạo tương lai từ dòng dõi vua Đavít sẽ cai trị cộng đoàn hồi hương này cách khôn ngoan, thực hiện “công lý và đức công bình trên đất nước”. Vị lãnh đạo tương lai này có thể được hình dung như là Zêđêkia hoặc Zêrubaben, vì văn bản tiếng Do Thái dùng lối chơi chữ ám chỉ đến một hay cả hai nhà lãnh đạo này. Sau đó nhiều thế kỷ, các tác giả Tin mừng đã liên kết vị lãnh đạo công chính từ dòng tộc Đavít này với Đức Giêsu.

Các bài đọc hôm nay hướng dẫn vài yếu tố quan trọng về lãnh đạo. Bài Tin mừng đưa việc nghỉ ngơi, tĩnh tâm và tái tạo năng lượng vào công việc truyền giáo. Hơn thế nữa, Lời Chúa cũng đòi việc lãnh đạo phải được thấm nhuần lòng thương xót. Đức Giêsu nhận ra việc thiếu vắng người lãnh đạo và nhu cầu của dân chúng nên Ngài bước lên để dẫn dắt họ. Về điểm này, Đức Giêsu là hiện thân cho niềm hy vọng của ngôn sứ Giêrêmia về những nhà lãnh đạo gương mẫu, những người sẽ là hiện thân cho công lý và công bình. Những mục tử tốt lành sẽ cai quản cách công minh và khôn ngoan vì lợi ích của toàn dân.

Chúa nhật tới, chúng ta sẽ nghe trình thuật của thánh Gioan về việc nuôi đám đông dân chúng, và bài Tin mừng hôm nay là phần dẫn nhập của thánh Máccô về câu chuyện phép lạ quan trọng này. Khi chạnh lòng thương, Đức Giêsu không chỉ dừng lại, kết nối với dân chúng và giảng dạy họ, nhưng còn cho họ ăn khi đói. Lãnh đạo là một cuộc gặp gỡ và cam kết thiết thực để có thể nuôi dưỡng mọi người về tinh thần lẫn thể chất.

Nguồn: giaophannhatrang.org