Muốn lãnh đạo? Hãy học cách phục vụ (CN XVII TN B)
Xuống hàng cứu trợ Sài Gòn trong đại dịch Covid-19, Hình: tgpsaigon.net
MUỐN LÃNH ĐẠO? HÃY HỌC CÁCH PHỤC VỤ
Chúa Nhật XVII Thường Niên B
(2 V 4, 42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15)
Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Từ: americamagazine.org
(17.6.2021)
WGPNT
(22.7.2021) - Những câu chuyện phép lạ trong các Tin mừng mời gọi chúng ta
suy gẫm về sự chăm sóc của Thiên Chúa và đưa ra những chiến lược để chúng ta có
thể quan tâm lẫn nhau. Tin mừng hôm nay tập trung vào câu chuyện nổi tiếng Đức
Giêsu cho đám đông dân chúng ăn bánh và cá, một câu chuyện đã gợi hứng cho các
dịch vụ cứu trợ, đó là mang lương thực đến cho những ai có nhu cầu. Bốn Tin mừng
đều kể câu chuyện này, và hôm nay chúng ta nghe trình thuật của thánh Gioan.
Thánh Gioan đã đưa ra những
chi tiết độc đáo mang ý nghĩa biểu tượng về sự kiện này. Ngài đặt phép lạ này
diễn ra gần ngày lễ Vượt Qua, vốn gắn liền với quyền năng cứu độ của Thiên Chúa
trước cuộc Xuất hành cũng như với bánh không men. Thật phù hợp, Đức Giêsu cũng
phân phát bánh cho đám đông. Tương tự trong Tin mừng Gioan, vào lúc kết thúc sứ
vụ, Đức Giêsu chịu đóng đinh vào ngày lễ Vượt Qua. Vì thế, dấu lạ diễn ra vào
thời điểm này cho thấy có sự nối kết giữa dấu lạ này với những biến cố cứu độ
trong quá khứ cũng như với ơn cứu độ qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.
Khi đã lánh lên một ngọn
núi, Đức Giêsu và các môn đệ vẫn bị đám đông dân chúng đi theo. Thánh Gioan ghi
lại rằng Đức Giêsu biết mình sẽ làm một dấu lạ vào dịp này, tuy chi tiết này
không được rõ ràng trong các Tin mừng Nhất lãm. Nếu Đức Giêsu đã dự định cho
dân chúng ăn thì những câu hỏi mà Ngài đặt ra cho các môn đệ mang một ý nghĩa mới.
Chẳng hạn, câu hỏi của Đức Giêsu với ông Philipphê là có thể mua lương thực ở
đâu được hiểu như một phép thử. Có thể Đức Giêsu muốn thử xem ông Philipphê có
nhận ra quyền năng của Ngài hoặc xem ông có lòng trắc ẩn với đám đông hay
không.
Dường như Philipphê đã
không vượt qua được phép thử này khi ông không nhận ra quyền năng của Đức Giêsu
cũng như không sẵn lòng giúp đỡ dân chúng. Thay vào đó, ông lại chú trọng đến sự
khó khăn khi phải lo cho quá nhiều người ăn. Khi Anrê cho nhóm biết là có năm
chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu bảo các môn đệ sắp xếp đám đông để Ngài có
thể phục vụ họ.
Đức Giêsu cầm lấy bánh và
dâng lời tạ ơn. Chỉ Tin mừng Gioan kể Đức Giêsu chính là người đã phân phát
bánh. Trong các Tin mừng Nhất lãm, Đức Giêsu đã sai các môn đệ phân phát bánh
và cá. Có thể Gioan có chủ đích nhấn mạnh đến sự chăm sóc cá nhân và khả năng của
Đức Giêsu. Ngài đã nêu gương và làm mẫu cho các môn đệ, những lãnh đạo tương
lai, về sự quan tâm và chăm sóc đối với người khác.
Khi để Đức Giêsu phân
phát thức ăn, thánh Gioan khắc họa lại cách rõ ràng hơn những hành động tương tự
của các ngôn sứ trong Cựu ước. Chẳng hạn, trong bài đọc một trích sách các Vua
quyển thứ hai, chúng ta nghe câu chuyện của ngôn sứ Êlisa cho nhiều người ăn.
Dù rằng đồ đệ của ông cũng giống như các môn đệ của Đức Giêsu đều phản đối khi
họ phải lo việc ăn uống cho quá nhiều người, nhưng với một ít bánh mì và bánh
lúa mạch, Êlisa đã phân chia của ăn cho rất nhiều người mà vẫn còn dư.
Những câu chuyện phép lạ,
hay chính xác hơn là những dấu chỉ của quyền năng, được các Kitô hữu tiên khởi
sử dụng cho nhiều mục đích. Các truyền thống xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ
có thể thực hiện biết bao việc lạ lùng và nhờ đó đã thu hút được nhiều người
gia nhập vào cộng đoàn đức tin. Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu sẽ được
củng cố bằng những việc làm phi thường của Ngài trong suốt cuộc sống. Hơn thế,
những câu chuyện này còn đưa ra những kiểu mẫu và nguyên tắc cho những môn đệ Đức
Giêsu. Nhận ra những nhu cầu của cộng đoàn, Đức Giêsu đáp lại cách nhanh chóng
và hiệu quả, thể hiện lòng vị tha, khả năng ứng biến và quan tâm đến lợi ích của
người khác. Đức Giêsu thậm chí còn đảm bảo rằng thức ăn dư sẽ được thu lại để
không hoang phí, qua đó nhắc nhở đừng lãng phí nhưng hãy bảo tồn tài nguyên cho
tương lai. Khi suy gẫm về câu chuyện này, chúng ta được thôi thúc để có ý thức
áp dụng những nguyên tắc quan tâm này vào chính cuộc sống của mình.
Nguồn: giaophannhatrang.org