Mối liên hệ giữa đức tin và việc chữa lành
MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ VIỆC CHỮA LÀNH
Chúa Nhật XIII Thường Niên B
Kn
1, 13-15; 2, 23-25; 2 Cr 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43
Tác giả: Jaime L. Waters
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
Từ: americamagazine.org
(20.5.2021)
WGPNT
(24.6.2021) - Sách Bài đọc đề nghị một bài ngắn và một bài dài cho bài Tin mừng
Maccô của Chúa nhật XIII quanh năm. Bài ngắn tập trung vào việc chữa lành cho một
bé gái. Nếu chọn đọc bài dài thì chúng ta sẽ nghe thêm việc chữa lành cho người
phụ nữ. Nên ưu tiên chọn bài dài để thấy được sự nối kết giữa hai lần chữa
lành.
Thánh Maccô thường sử dụng một kỹ thuật viết văn
là khi đã kể một câu chuyện, ngài lại thêm vào một câu chuyện khác rồi mới kết
thúc câu chuyện đầu tiên. Phương pháp kể chuyện này báo trước cho người đọc mối
liên hệ cũng như việc cung cấp thông tin giữa hai trình thuật.
Trình thuật đầu tiên nói về con gái của ông trưởng
hội đường. Ông Giairô kể cho Chúa Giêsu về đứa con gái đang đau nặng, mà sau đó
chúng ta biết em này được 12 tuổi, và ông nài xin Chúa Giêsu đến đặt tay chữa
lành cho con gái mình. Đang trên đường đến chữa con ông Giairô thì một người phụ
nữ bị băng huyết 12 năm chạm vào áo của Đức Giêsu với hy vọng bệnh của bà được
thuyên giảm. Hành động này liền có hiệu quả, bà được lành bệnh ngay lập tức.
Khi đến nhà ông Giairô, dù nghe nói đứa bé đã chết, thế nhưng Đức Giêsu vẫn bước
vào nhà cùng với Phêrô, Giacôbê, Gioan và cha mẹ của em. Ngài hồi sinh đứa bé
khi chạm vào tay và truyền cho em chỗi dậy.
Tại sao Maccô lại gộp đọc chung hai việc chữa
lành với nhau? Một trong những nét tương đồng là cả hai câu chuyện đều liên
quan đến người nữ đang mắc bệnh. Bé gái được chữa lành nhờ vào đức tin của cha
mẹ, và người phụ nữ được chữa lành nhờ vào chính đức tin của bà. Một điểm chung
khác đó là thời gian. Người phụ nữ bị bệnh băng huyết trong khoảng thời gian
tương đương với tuổi của cô bé, điều này nhấn mạnh đến nỗi thống khổ cùng cực của
người phụ nữ này. Em bé gái đang trong tình trạng nguy kịch, gần kề cái chết,
nhưng bài đọc không cho biết chi tiết bệnh tật của em.
Phương pháp chữa bệnh của Chúa Giêsu cũng rất
đáng lưu ý. Ông Giairô nài xin Đức Giêsu đến đặt tay trên con gái mình, nhưng
khi chữa lành, Ngài nắm lấy tay em và tuyên bố em sẽ sống lại. Việc chữa lành
này hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của em, vì cha mẹ em đã xin chữa lành thay
cho em. Còn phép lạ với người phụ nữ thì xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Bà
ta bắt đầu tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” và việc
lành bệnh xảy ra ngay lập tức. Đức Giêsu không hề chạm vào bà ấy và dường như
cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, vì Ngài hỏi ai đã chạm vào mình. Khi nhận
ra hành động của người phụ nữ, Đức Giêsu ca ngợi bà, cho rằng phép lạ xảy ra
không chỉ do quyền năng của chính Ngài, mà còn là nhờ vào chính đức tin của bà.
Những câu chuyện chữa lành trong các sách Tin mừng
có nhiều mục đích. Chúng biểu lộ cách hiển nhiên và rõ ràng quyền năng của Đức
Giêsu. Các ngôn sứ trong thời Cựu ước như Êlia và Êlisa cũng thường được mô tả
làm những hành động phi thường chữa lành tương tự như là dấu hiệu của việc được
nối kết với quyền năng thần linh. Ngoài chức năng trên, những câu chuyện chữa
lành này còn truyền đạt các chân lý thiết yếu để hiểu Tin mừng.
Trong cả hai phép lạ này, Chúa Giêsu nhắc lại tầm
quan trọng của đức tin. Ngài khen ngợi lòng tin của người phụ nữ. Tương tự, khi
đám đông nói với ông Giairô rằng con gái ông đã chết, Đức Giêsu đáp: “Ông đừng
sợ, chỉ cần tin thôi.” Hãy nhớ lại bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước. Khi các
tông đồ kinh hãi đang lúc thuyền gặp sóng gió, Chúa Giêsu bảo các ông: “Sao
nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4,40). Những câu chuyện
như thế tỏ bày quyền năng của Chúa Giêsu cũng như những hành động cần có nơi những
kẻ đi theo Ngài. Hai câu chuyện của Chúa nhật này là lời nhắc nhớ quan trọng về
sức mạnh của đức tin để vượt qua cả những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Nguồn: giaophannhatrang.org