Phải đề phòng (28.11.2015 – Thứ bảy Tuần 34 Thường niên)
Phải đề phòng
Lời Chúa:
Lc 21, 34-36
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề
phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo
Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập
xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, hầu đử sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con
Người.”
Suy niệm:
Tháng
9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev
gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.
Mỗi năm tính bình quân mỗi người
dân uống khoảng 18 lít,
gấp đôi lượng rượu được coi là nguy
hiểm cho sức khỏe.
Nửa số người Nga chết giữa khoảng
15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.
Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ
còn là 59.
Vì nhiều người chết nên dân số Nga
sụt giảm mỗi năm.
Làm gì để cai nghiện cho hơn hai
triệu người Nga,
đó là chuyện nhức đầu cho các nhà
lãnh đạo.
Nhưng tại sao người ta lại bị nặng
nề bởi rượu Vodka?
Bài Tin
Mừng hôm nay nhắc chúng ta
về những thứ nặng nề đè trên trái
tim người Kitô hữu.
Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời
điểm không đoán trước được,
chúng ta có thể bị vướng vào những
thú vui buông thả.
Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu
nhẹt, say sưa,
đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân
xác.
Chỉ cần đi một vòng thành phố hay
các vùng quê vào ban đêm,
chúng ta thấy ngay cả một thế giới
của ăn uống, hưởng thụ.
Nhưng trái tim con người còn có thể
trở nên nặng nề
bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8,
14).
Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi?
làm sao thêm lương và lên chức?
Những nỗi lo toan về cuộc sống vật
chất vắt kiệt con người,
khiến con người không còn khả năng
mở ra trước Chúa và tha nhân.
Con người giàu lên, nhưng lại thấy
mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.
Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì
tự tử ở Nhật.
Trái tim nặng nề nên nhiều người
mắc bệnh tim mạch.
Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng
tầm thường ở trên mặt đất,
nên con người bị còng xuống, không
ngước lên được điều trên cao.
Ngày Chúa
đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,
không phải chỉ trên người Do Thái,
nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt
địa cầu (c. 35).
Cả thế giới phải chịu phán xét
chẳng trừ ai.
Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của
người môn đệ
là luôn luôn thức tỉnh và cầu
nguyện,
để có sức mà thoát khỏi mọi điều
sắp xảy ra (c. 36).
Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì
phải sống đều đặn cái hàng ngày.
Làm sao để khi Con Người là Đức
Giêsu trở lại trên mây trời,
Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế
đứng thẳng,
không phải xấu hổ cúi đầu, không bị
ràng buộc bởi đam mê,
nhưng vui sướng vì mình đã không
uổng công chờ đợi.
Có những
lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.
Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống
và bắt tôi làm nô lệ.
Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức
và cầu nguyện, để đứng lên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày
Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ