Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 01/01/2018: Giáng Sinh trên thế giới
31/12/2017 12:00:00 SA

1. Đức Thánh Cha lên tiếng về những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Maradiaga

Vatican News hôm 26 tháng 12 cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại cho Đức Hồng Y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, Tổng giám mục Tegucigalpa.

Ngài nói với Đức Hồng Y rằng: “Tôi rất buồn vì những điều gian ác họ đã làm để chống lại Đức Hồng Y, nhưng ngài đừng lo lắng”.

Đức Hồng Y đáp lại: “Thưa Đức Thánh Cha, tôi bình yên – tôi thanh thản trong Chúa Giêsu, Đấng biết hết mọi chuyện.”

Hôm thứ Năm 21 tháng 12, chỉ vài ngày trước khi Đức Hồng Y Maradiaga nộp đơn nghỉ hưu khi đến tuổi 75 theo luật định, và cũng chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, tờ L'Espresso tung ra những cáo buộc rất nghiêm trọng nhằm mạ lị vị Hồng Y Điều Hợp Viên của nhóm 9 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha.

Tờ báo này mỉa mai rằng tuy là một nhà hùng biện đấu tranh cho người nghèo, mỗi năm Đức Hồng Y nhận từ Đại học Công Giáo Honduras 600,000 Mỹ Kim; và đã làm thiệt hại 1.2 triệu Mỹ Kim tiền của Giáo Hội khi đầu tư vào thị trường chứng khoán London.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Suyapa, Đức Hồng Y đã mạnh mẽ phản bác những lời cáo buộc này.

Những cáo buộc này thực ra không phải là mới. Chúng đã được tung ra hơn một năm trước sau khi tổng giáo phận Tegucigalpa sa thải một viên quản lý của trường đại học vì tội biển thủ.

Đại học Công Giáo Honduras thuộc quyền sở hữu của Tổng Giáo Phận. Mỗi tháng, Tổng Giáo Phận, chứ không phải đích thân Đức Hồng Y, đã nhận được các khoản chi trả hàng tháng xấp xỉ con số 41,400 Mỹ Kim nhằm mục đích trợ giúp các hoạt động mục vụ của Tổng Giáo phận. Số tiền này, đã được chuyển đến để “trả học phí cho các sinh viên, tài trợ cho việc xây dựng và tu bổ các nhà thờ và trợ giúp kinh tế cho các linh mục ở các giáo xứ ở nông thôn hay các linh mục gặp khó khăn trong cuộc sống.”

Trước những cáo buộc tàn bạo này, Đức Hồng Y nhìn nhận ngài cũng cảm thấy nản chí:

“Tôi đã làm Giám Mục trong 39 năm, với 25 năm là Tổng giám mục của Tegucigalpa. Tôi bị cám dỗ muốn nghỉ hưu trong an bình.”

2. Nữ Hoàng Anh nói về niềm tin Kitô của mình trong thông điệp Giáng Sinh

Trong thông điệp Giáng Sinh, được truyền hình trên cả nước, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị, năm nay 91 tuổi, đã nói về niềm tin Kitô giáo của mình. Bà nói rằng Chúa Kitô đã truyền cảm hứng cho bà “trong lúc thuận lợi cũng như vào những thời điểm đầy thử thách”.

Trong thông điệp hàng năm của mình, Nữ hoàng đã tập trung vào chủ đề gia đình và ca ngợi các tình nguyện viên đang cung cấp những bữa ăn cho những người vô gia cư trong ngày Giáng sinh.

“Chúng ta hãy ghi nhớ Chúa Giêsu Kitô đã phải chào đời trong một chuồng gia súc tại Bếtlêhem. Ngài hiểu rõ thế nào là bị từ chối, truân chuyên, và bị bách hại”, Nữ hoàng nói.

“Nhưng mà, chính là tình yêu quảng đại của Chúa Giêsu Kitô và gương sáng của Người đã truyền cảm hứng cho tôi trong lúc thuận lợi cũng như vào những thời điểm đầy thử thách. Bất kể bạn đã phải kinh qua những gì trong năm nay, dù bạn đang ở đâu và dù bạn theo dõi chương trình này bằng cách nào, tôi chúc bạn Giáng sinh an lành và vui vẻ.”

Nữ hoàng cũng ca ngợi London và Manchester đã cùng nhau tập luyện sau những vụ tấn công khủng bố trong năm nay, và chào mừng những thành tích mạnh mẽ của hai thành phố này.

Nữ hoàng, và chồng bà là Quận Công của Edinburgh và các thành viên trong gia đình đã tham dự lễ Giáng Sinh của giáo hội Anh giáo vào buổi sáng Giáng sinh gần nhà của Nữ hoàng ở Sandringham.

Vị hôn thê của Hoàng tử Harry là cô Meghan Markle đã tham gia buổi lễ với Hoàng gia lần đầu tiên trong năm nay.

3. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những nạn nhân bão lụt ở Phi Luật Tân

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người bị mắc kẹt trên đảo Mindanao tại Phi Luật Tân, nơi có ít nhất 200 người thiệt mạng vì lũ lụt và sạt lở đất và nhiều người bị mất tích.

Sau kinh truyền tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn bảo đảm lời cầu nguyện của tôi với người dân trên quần đảo Mindanao ở Phi Luật Tân, nơi đã gánh chịu một cơn bão gây ra thiệt hại nặng cho rất nhiều nạn nhân và tàn phá rất nghiêm trọng”.

“Nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận linh hồn của những người quá cố, và an ủi những người đau khổ vì thiên tai này”.

Các nhân viên cứu cấp ở Phi Luật Tân đang tìm kiếm những người còn sống sót sau cơn bão Tembin.

Chính phủ Phi Luật Tân bày tỏ lo ngại rằng số người chết có thể sẽ tăng lên khi các toán cứu cấp đến được cộng đồng nông trại xa xôi và các khu vực ven biển. Theo các quan chức Phi Luật Tân 159 người bị liệt kê là mất tích trong khi khoảng 70,000 người đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ.

Binh lính và cảnh sát đã tham gia cùng các nhân viên tình nguyện để khẩn cấp tìm kiếm những nạn nhân và những người bị mất tích, làm sạch môi trường và khôi phục lại điện và đường giao thông.

Phi Luật Tân còn phải gánh chịu thêm một tai họa khác là cái chết của ít nhất 37 người trong một đám cháy tại một trung tâm mua sắm vào đêm Giáng sinh ở thành phố Davao.

4. Kinh truyền tin lễ thánh Stephano tử đạo

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12, lễ thánh Stephano tử đạo, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa Cha và yêu thương tha nhân.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự tham dự của hai mươi ngàn người, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Thánh Stephano bị cáo buộc là đã rao giảng việc phá hủy đền thờ Jerusalem. Họ buộc tội thánh nhân là đã quả quyết: “Đức Giêsu người thành Nazareth sẽ phá hủy Đền thờ này và sẽ đảo lộn những tập tục mà Môisê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6,14).

“Quả thực, sứ điệp của Chúa Giêsu gây khó chịu và làm cho chúng ta không thoải mái, vì sứ điệp ấy thách thức giới cầm quyền tôn giáo trần tục và khiêu khích các lương tâm. Sau khi Chúa đến, điều cần là hoán cải, thay đổi não trạng, từ bỏ lối tư duy như trước. Thánh Stephano đã trung thành với sứ điệp của Chúa Giêsu cho đến chết”.

Đức Thánh Cha phân tích thái độ của thánh Stephano khi bị hành hình. Những lời cuối Người thốt lên là “Lạy Chúa Giêsu, con xin phó linh hồn con cho Chúa” và “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,59-6), những lời này phản ứng trung thực những lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) và “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc họ làm” (v.34).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Thánh Stephano đã có thể nói những lời ấy chỉ vì Con Thiên Chúa đã đến trên trần thế, chịu chết và sống lại vì chúng ta. Trước những biến cố ấy, những thành ngữ như vậy là điều không thể tưởng tượng được về phương diện con người”.

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu: “Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và hòa giải chúng ta không những với Chúa Cha, nhưng cả giữa chúng ta với nhau nữa. Người là nguồn mạch tình yêu thương, mở ra cho chúng ta sự hiệp thông với anh chị em, loại bỏ mọi xung đột và oán hận. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, đã sinh ra vì chúng ta, giúp chúng ta đảm nhận hai thái độ: tín thác nơi Chúa Cha, và yêu thương tha nhân; đó là thái độ biến đổi cuộc sống và làm cho nó trở nên đẹp đẽ và phong phú hơn”.

Trong phần chào thăm các tín hữu, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu tham dự cuộc hành hương toàn quốc Ukraine và nói: “Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và đất nước của anh chị em”.

Ngài nói thêm rằng: “Trong những tuần qua, tôi đã nhận được rất nhiều sứ điệp chúc mừng. Vì không thể trả lời mỗi người được, hôm nay tôi nhiệt liệt cám ơn tất cả nhất là về hồng ân lời cầu nguyện. Chân thành cám ơn anh chị em và xin Chúa trả công cho anh chị em vì lòng quảng đại!

5. Bầu khí Giáng Sinh tại Thánh Địa

Tại Thánh Địa Giêrusalem, quê hương của Chúa Giêsu Kitô, bầu khí Giáng Sinh năm nay bị lu mờ vì bạo lực. Hôm mùng 6 tháng 12 vừa qua sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Giêrusalem là thủ đô của Israel và Mỹ sẽ rời toà đại sứ về Giêrusalem, tình hình lập tức trở nên căng thẳng. Người Palestine đã biểu tình ở khắp nơi, đốt cờ Hoa Kỳ, hình và hình nộm của tổng thống Trump. Phong trào Hamas đã phát động chiến dịch Antifada lần thứ ba “để giải phóng Giêrusalem”. Trong dải Gaza cũng như trong các thành phố vùng Cisgiordania đã có các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ chống Hoa Kỳ và Israel. Giới trẻ Palestine đốt bánh xe, dựng hàng rào cản, và dùng gạch đá chống lại súng bắn đạn cao su, khói cay và có khi là đạn thật của quân đội Israel. Trong thành cổ Giêrusalem và tại Hebron quân đội Israel đã giải tán các nhóm biểu tình. Đã có hàng trăm người bị thương và bầu khí xung đột lan tràn khắp nơi. Tại nhiều nước thuộc khối A rập như Thổ Nhĩ Kỳ, dân chúng cũng xuống đường biểu tình đốt cờ Hoa Kỳ và hình hay hình nộm của tổng thống Trump.

Trước tình hình căng thẳng gia tăng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư mùng 6 tháng 12. Ngài nói nói: “Giờ đây tôi nghĩ tới Giêrusalem. Về vấn đề này, tôi không thể không nói lên sự âu lo sâu xa của tôi về tình trạng diễn ra trong những ngày này, đồng thời tôi tha thiết kêu gọi dấn thân tôn trọng quy chế hiện tại của thành Giêrusalem, phù hợp với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Giêrusalem là thành độc nhất, thánh thiêng đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, tại đó họ tôn kính các nơi thánh của các tôn giáo liên hệ và có một ơn gọi đặc biệt về hoà bình. Tôi cầu xin Chúa để cho căn tính ấy của Giêrusalem được bảo tồn và củng cố để mưu ích cho Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới; cầu cho sự khôn ngoan và thận trọng được trổi vượt, để tránh tăng thêm những yếu tố căng thẳng mới trong bối cảnh đã bị co quắp và ghi đậm bao nhiêu cuộc xung đột tàn ác”.

6. Lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Mosul sau khi được giải phóng khỏi tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Hôm thứ Hai 25 tháng 12, lần đầu tiên sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong và xung quanh thành phố Mosul bị đánh đuổi, các Kitô hữu đã có thể cử mừng lễ Giáng sinh.

Những bài thánh ca và những tiếng nhạc Giáng Sinh đầy niềm vui tràn ngập các nhà thờ và các trung tâm thương mại khắp miền bắc Iraq.

Nhưng cũng vẫn có một cảm giác lo lắng, và các Kitô hữu tự hỏi không biết rồi đây liệu cuộc sống của họ có giống như trước hay không.

Hàng chục ngàn Kitô hữu ở vùng bình nguyên Nineveh đã trốn khỏi đất nước, xin tị nạn ở nước ngoài, trong khi hầu hết các Kitô hữu tị nạn vẫn còn ở lại trong các thành phố vùng Kurdistan chưa trở về vì nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị tàn phá.

Bạo lực vẫn còn, với những căng thẳng đang gia tăng ở phía bắc giữa chính phủ trung ương ở Baghdad và người Kurd, là những người đang muốn giành độc lập

Tại Mosul, thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô đã được bắt đầu với quốc ca Iraq.

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako là Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nói: “Với thánh lễ này, chúng ta đang gửi một sứ điệp về hoà bình và yêu thương. Chúa Kitô là sứ giả của bình an.”

Vào đêm Giáng sinh cũng tại nhà thờ Thánh Phaolô này, hàng trăm người Hồi giáo đã quây quần với các Kitô hữu và các quan chức địa phương chung quanh những cây thông Giáng Sinh.

Cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 của Hoa Kỳ và cuộc tấn công chiếm đóng Mosul của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2014 đã đẩy 90 phần trăm dân số Kitô hữu của Mosul ra khỏi thành phố này.

Các lực lượng Iraq cuối cùng đã đánh đuổi được bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi Mosul hồi tháng 7 sau nhiều tháng chiến đấu ác liệt.

7. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Chile

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng năm 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13 tháng Giêng1 năm 2017:

- Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15 tháng Giêng năm 2018 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

- Sáng thứ ba, 16 tháng Giêng năm 2018, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các Giám Mục Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, Ðức Thánh Cha viếng với tư cách riêng Ðền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các Linh Mục cùng dòng tại đây.

- Sáng thứ tư, 17 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Ðền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

- Sáng thứ năm, 18 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

8. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Peru

- Sáng thứ sáu, 19 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, Ðức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

- Sáng thứ bẩy, 20 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

- Sáng Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt các thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chile tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ Hai, 22 tháng Giêng năm 2018.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/240790.htm

CÁC TIN KHÁC: