Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
01/08/2014 06:17:00 SA

1. Sau chuyến tông du Hán Thành, Đức Thánh Cha sẽ thăm Á Châu lần thứ hai vào tháng Giêng năm tới

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 29 tháng 7, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du Á Châu trong vòng 1 tuần lễ kể từ ngày 12 đến 19 tháng Giêng năm tới

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Sri Lanka từ ngày 12 đến 15, sau đó ngài sẽ thăm viếng Phi Luật Tân. Chương trình chi tiết chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha tại hai nơi sẽ được công bố sau.

Giới quan sát tại Vatican nhận định công cuộc truyền giáo tại lục điạ Á Châu là một trong những ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Lục địa này chỉ có 3.2% dân số là người Công Giáo. Tuy nhiên, số tín hữu mỗi ngày một gia tăng, ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ cũng gia tăng một cách đáng khích lệ. Do vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành hai chuyến tông du đến lục điạ này. Một là cuộc thăm viếng Nam Hàn trong các ngày 14 đến 18 tháng 8 tới đây. Hai là đến Phi Luật Tân và Sri Lanka từ ngày 12 -19 tháng Giêng năm tới.

Chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Giáo Hoàng là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nhóm chủng tộc Sinhalese và Tamil vì cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983-2009 có nguy cơ làm tan vỡ sự thống nhất ngay trong khối 7% người Công Giáo ở Sri Lanka.

Tại Phi Luật Tân nơi có 90 triệu người, tức 83% dân số là người Công Giáo, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm những vùng bị tàn phá nặng nề do cơn bão Yolanda vào năm 2013.

2. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói: sẽ không có bên nào thắng trong cuộc chiến tại dải Gaza

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã lặp lại lập trường chính thức của Đức Giáo Hoàng về cuộc xung đột Palestine-Israel, và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Ngài nói:

"Về lâu dài, không có ai là người chiến thắng trong thảm kịch hiện nay, chỉ chồng chất thêm những đau khổ. Hầu hết các nạn nhân là dân thường, là những người mà luật nhân đạo quốc tế cho rằng cần phải được bảo vệ."

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã không đổ lỗi cho một bên nào cụ thể trong việc leo thang xung đột tại Thánh Địa trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, ngài mô tả là "không thể chấp nhận" được con số rất lớn các thường dân Palestine bị thiệt mạng, cũng như tình trạng các tên lửa được bắn bừa bãi vào lãnh thổ Israel.

Sau khi nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Thánh Địa vào tháng Năm vừa qua, cũng như buổi cầu nguyện cho hòa bình vào tháng Sáu tại Vatican, Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói thêm:

"Với bạo lực, những người nam nữ trong vùng đất này sẽ tiếp tục sống như những kẻ thù truyền kiếp, nhưng với hòa bình họ có thể sống như anh chị em với nhau."

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva đã triệu tập một phiên họp đặc biệt để thảo luận về cuộc tấn công Gaza. Nhưng Hội Đồng này xem ra càng ngày càng mất dần uy tín. Tổng số các nghị quyết chống lại Israel do Hội Đồng thông qua nhiều những nghị quyết chống lại tất cả các nước khác cộng lại, trong khi Hội Đồng chẳng hề đoái hoài gì đến các vấn đề nhạy cảm khác. Các nhà phê bình cũng tố cáo sự tham gia trong Hội Đồng của các nước thường xuyên chà đạp dân chủ, vi phạm nhân quyền trầm trọng hàng đầu trên thế giới như Việt Nam.

3. Đức Thánh Cha thăm viếng giáo phận Caserta

Thượng tuần tháng 7 vừa qua, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là Đức Giáo Hoàng sẽ đến Caserta, một thành phố ở phiá Nam Rôma để thăm một người bạn trong kỳ nghỉ hè của ngài và chuyến viếng thăm này hoàn toàn có tính riêng tư.

Tuy nhiên, trước sự khẩn khoản của Đức Giám Mục địa phương muốn mời ngài đến thăm thành phố nhân lễ kính thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và là bổn mạng của thành phố, Đức Thánh Cha đã phải đổi kế hoạch để đến thăm thành phố này đến hai lần cách nhau chưa đến 48 giờ.

Lúc 3:00 giờ chiều thứ Bẩy 26 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp trực thăng từ Vatican đến Caserta. Chuyến bay kéo dài chỉ 45 phút. Tại sân trực thăng của học viện không quân thành phố, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các linh mục giáo phận.

Hai giờ sau đó, lúc 06:00 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ở phía trước Cung điện Hoàng gia thành Caserta trước sự hiện diện của 200,000 người.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy ước mong, và kiếm tìm Chúa Giêsu là kho tàng, là viên ngọc qúy, mà chúng ta cần hy sinh hết mọi sự để chiếm hữu và đặt lên hàng đầu trong cuộc sống.

Giải thích ý nghĩa Bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 17 Mùa Quanh Năm, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để trình bầy Nước Trời giúp chúng ta hiểu rằng Nước Trời có khả năng thay đổi thế giới như men làm dậy bột, như hạt cải mọc lên thành cây lớn. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là kho tàng, là viên ngọc qúy, biến đổi cuộc sống con người, khiến cho chúng ta rộng mở lòng mình đối với các nhu cầu của tha nhân. Đó là một sự hiện diện mời gọi chúng ta tiếp đón các anh chị em ngoại kiều, những người di cư ty nạn. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa nơi họ vì chính Chúa đi tìm chúng ta và chờ đợi chúng ta, trong nhiều thời điểm và trạng huống khác nhau, nhiều khi rất tình cờ.

Cuộc gặp gỡ khám phá ra Thiên Chúa trao ban niềm vui, sự hăng say, biến đổi lối sống của chúng ta theo luận lý của tình yêu thương và phục vụ vô vị lợi. Để chiếm hữu Nước Trời phải để chỗ nhất cho Thiên Chúa, phải có can đảm nói không với sự dữ, với bạo lực, đàn áp, để sống một cuộc đời phục vụ tha nhân, thăng tiến công ích, biết nói không với mọi hình thức gian tham hối lộ, phục vụ chân lý, tôn trọng thiên nhiên và môi sinh.”

Đức Thánh Cha đã trở về Vatican ngay sau khi Thánh Lễ kết thúc. Tuy nhiên, ngài trở lại Caserta chỉ hai ngày sau đó vào ngày thứ Hai 28 tháng 7. Lần này, ngài gặp riêng với Giovanni Traettino, một mục sư Tin Lành và là người bạn thân của ngài”.

4. Đức Thánh Cha gặp gỡ người phụ nữ Sudan anh hùng

Hôm 24 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp bà Meriam Ibrahim và gia đình chỉ vài giờ sau khi bà đến được Rôma theo sau một dàn xếp ngoại giao giữa Ý và Sudan.

Đức Thánh Cha đã nồng nhiệt cám ơn chứng tá đức tin của bà Meriam Ibrahim. Bà đã bị bỏ tù, bị đe đọa giết chết nếu không từ bỏ đức tin Công Giáo. Bà cũng bị cáo buộc tội ngoại tình với hình phạt đánh 100 roi vì đã kết hôn với người theo Kitô giáo. Luật Hồi giáo ở Sudan cấm người Hồi giáo không được kết hôn với người tôn giáo khác, phủ nhận các hôn phối này và kết tội ngoại tình với những bản án nặng nề.

Đức Thánh Cha tiếp bà Meriam Ibrahim và gia đình trong vòng 30 phút tại nhà khách của nhà trọ Thánh Martha. Gia đình bà gồm chồng là ông Danien Wani, người Mỹ, và hai người con là Martin, một tuổi và Maya 2 tháng tuổi được sinh ra khi bà Meriam Ibrahim đang trong tù.

Cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đã tỏ ra hết sức thương cảm cho hoàn cảnh tù đầy của bà và đã ngỏ lời tri ân bà vì đã can đảm giữ vững đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Vào tháng 5 năm, 2014, tòa án Sudan kết tội bà Meriam Ibrahim vì đã bỏ Hồi Giáo với lập luận rằng bà có gốc Hồi giáo vì có thân phụ là người Hồi giáo. Tuy nhiên, ông bố này đã bỏ mẹ con bà lúc bà Meriam được 6 tuổi và mẹ bà đã nuôi dưỡng bà trong đức tin Kitô giáo.

Khi toà án Sudan tuyên án tử hình cho bà Meriam Ibrahim thế giới và các tổ chức nhân quyền phản đối và gây áp lực nên tòa án tại Sudan đã thu hồi án tử hình. Ngày 23 tháng 6 bà Meriam Ibrahim cùng chồng và gia đình ra phi trường Kharthoum rời khỏi Sudan. Nhưng tại đây bà lại bị nhà cầm quyền Sudan bắt lại với tội danh giả mạo giấy tờ. Sau hai ngày bị giam giữ, tội danh của bà cũng được tha và gia đình bà đã về trú ngụ tại tòa đại sứ Ý ở thủ đô Khartoum từ ngày 26 tháng 6 cho đến khi rời khỏi Sudan vào ngày 23 tháng 7.

Theo báo Corriere della Sera phát hành ở Ý thì trên chuyến bay từ Khartoum về Rome, gia đình bà Meriam đã được ông Lapo Pistelli,Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Ý đi cùng vì ông này đặc trách hồ sơ bà Meriam. Ngoài ra, khi đến phi trường Roma, Thủ Tướng Ý là ông Matteo Renzi đã đón gia đình bà Meriam Ibrahim và gọi đây là ngày mừng rỡ.

Báo chí cho biết gia đình bà Meriam Ibrahim đã ở lại Ý vài ngày trước khi lên đường sang New York.

5. Đức Thánh Cha Gửi Sứ Điệp Nhân Kỷ Niệm 50 Năm Đền Thánh Pantaleone Ở Buenos Aires

Trong sứ điệp gửi các tín hữu tổng giáo phận Buenos Aires nhân kỷ niệm 50 năm Đền thánh Pantaleone, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người tiếp tục tiến bước trong việc làm chứng tá cho Chúa và trong đời sống cầu nguyện.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Tôi ước mong gần gũi anh chị em trong dịp này để sống lại các lần tôi đã có thể đền Đền thánh giúp các linh mục giải tội. Tôi trở về nhà được củng cố trong tinh thần bởi chứng tá đức tin của anh chị em. Không thể tưởng tượng được tất cả thiện ích tôi đã nhận được, và tôi xin cám ơn anh chị em về thiện ích đó. Xin Chúa thưởng công tràn đầy cho anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, cho gia đình của anh chi em, cho đền thánh và cho các linh mục”.

Đức Thánh Cha cho biết nhiều gương mặt, nhất là của các cộng sự viên, đi qua trong tâm trí ngài. Biết bao nhiêu cử chỉ hy vọng trong khi xếp hàng để kính viếng ảnh tượng thánh Pantaleone. Tất cả chứng tá đó giúp ngài tin tưởng và cầu nguyện nhiều hơn. “Đền thánh như một đền thờ xem ra đứng yên, nhưng dân Chúa hành hương làm cho nó di chuyển. Và như thế đền thờ đã bước đi trong 50 năm qua trong con tim của biết bao nhiêu tín hữu đến tôn kính thánh nhân, để xin ơn khỏe mạnh và tuyên xưng đức tin của họ. Như thế đền thánh đã bước đi trong khu phố và dãi tỏa ra toàn thành phố. Tôi cầu xin Chúa ban cho anh chị em ơn tiếp tục bước đi, tiếp tục cuộc hành hương này trong con tim và trong toàn thành phố. Tôi gần gũi anh chị em, và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Để chuẩn bị cho ngày hành hương kỷ niệm 50 năm đền thánh vào Chúa Nhật 27 tháng 7, tín hữu tổng giáo phận đã làm tuần cửu nhật bắt đầu từ ngày 18-7. Ngày 27 tháng 7 đền thánh đã mở cửa từ lúc 5 giờ sáng cho tới nửa đêm và đã có 10 thánh lễ được cử hành. Chiều ngày mùng 3-8 sẽ có buổi rước kiệu kết thúc tháng kính thánh Pantaleone, thầy thuốc thành Nicodemia, là vị thánh bổn mạng của đền thánh.

6. 46 năm Thông điệp Humanae Vitae 25/7/1968 – 25/7/2014

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố bảy thông điệp trong triều đại giáo hoàng kéo dài 15 năm của ngài.

Thông điệp cuối cùng là Humanae Vitae, có lẽ một trong những tài liệu gây tranh cãi nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.

Cha Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriô nói:

"Đối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác."

Năm 1968, Hoa Kỳ và nhiều nước trong thế giới phương Tây đã trải qua những thay đổi đáng kể về phương diện văn hóa và xã hội.

Các thế hệ sinh viên mới của những năm cuối thập niên 1960 đã nổi dậy chống lại các giá trị của cha mẹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức và tình dục.

Cha Roberto Regoli nói thêm:

"Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã phải thực hiện những thay đổi sâu rộng được Công đồng Vatican II đưa ra giữa một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, vượt ra ngoài Giáo Hội, đó là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và văn hóa."

Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng " hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản."

Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo.

Cha Roberto Regoli cho biết:

"Đó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài."

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo về những hậu quả mà phong cách sống mới này có thể gây ra cho gia đình. Những hậu quả như ngoại tình, mất sự tôn trọng đối với phụ nữ, và các biện pháp tránh thai trở thành quốc sách của các nhà nước trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông điệp Humanae Vitae có tính tiên tri và Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có "can đảm đi ngược lại với đa số," khi quyết liệt "bảo vệ kỷ luật đạo đức."

Chủ đề của Thượng Hội Đồng đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là về gia đình. Và thật là một bất ngờ nho nhỏ vì ngày sau đó Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ được phong chân phước vào ngày 19 tháng 10, ngày cuối cùng của Thượng Hội Đồng.

7. Đức Thánh Cha an ủi Đức Thượng Phụ Louis Sako trước sự dửng dưng của thế giới

Chiều thứ Sáu 25 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại an ủi Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê thành Babylon. Ngài bày tỏ sự gần gũi và chia sẻ liên đới với các tín hữu Kitô đang bị bách hại tại Iraq.

Đức Thượng Phụ Louis Sako cho biết trong mấy ngày gần đây, bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS đã vẽ chữ “N” bằng tiếng Ả Rập lên tường phiá trước nhà của Kitô hữu, có nghĩa là “Nazara” (Kitô hữu). Những người Hồi Giáo Shiite cũng cùng chịu chung số phận. Bọn khủng bố Hồi Giáo Sunni viết chữ “R” nghĩa là “Rwafidh” (thệ phản hay bác bỏ) trước nhà của họ.

Trước cung cách đe dọa tàn bạo như thế, ban đêm các Kitô hữu đã phải lặng lẽ bỏ trốn tiền bạc, của cải nhà cửa ruộng vườn của họ bị người Hồi cưỡng chiếm. Phụ nữ, trẻ em, người già và các bệnh nhân phải đi bộ rời khỏi thành phố với hai bàn tay trắng. Đã vậy, họ còn bị chặn lại và cướp sạch mọi thứ trên người ngoại trừ bộ quần áo che thân.

Ngày 24 tháng 7 Đức Thượng Phụ Sako đã viết thư cho ông Ban Ki Moon, Tổng thư Ký Liên Hiệp quốc, và kêu gọi cộng đồng thế giới đừng ngồi yên nhìn các bạo lực tàn ác xảy ra cho các tín hữu Kitô tại Iraq, cũng như các vi phạm nhân quyền trầm trọng, do các lực lượng Hồi cuồng tín gây ra cho họ.

Đức Thượng Phụ Sako than thở rằng: “Tình hình Iraq ngày càng thê thảm vì đất nước này bị tàn phá bởi liên tiếp các cuộc xung đột giữa các lực lượng Sunni và Shiite. Tình hình bất ổn càng gia tăng thì càng có nhiều những cuộc tấn kích nhắm vào các Kitô hữu và các nhóm thiểu số.”

Đức Thượng Phụ cũng cho biết rằng ngày càng có nhiều nhà thờ và tu viện bị các lực lượng Hồi cướp bóc và đốt phá.

Đầu tuần qua, nhà tranh đấu nhân quyền của Iraq là bà Pascale Warda đã từ Baghdad tới Hoa Thịnh Đốn để báo động với Bộ Ngoại Giao và các thành viên Quốc Hội. Bà được tháp tùng bởi Đức Cha Yousif Habash, Giám Mục giáo phận Qaraqosh, một thị trấn cách Mosul 15 dặm, vừa bị ISIS tràn ngập. Người Kitô hữu tại đây vẫn còn nói tiếng Aramaic, là tiếng nói mà chính Chúa Giêsu từng sử dụng hàng ngày.

Chuyến đi của Đức Cha Habash và bà Pascale Warda thất bại. Hoa Kỳ, và hầu hết các nước dửng dưng và tỉnh bơ trước những tiếng kêu tuyệt vọng của các tín hữu Kitô Iraq.

8. Tòa Thánh gửi tiền trợ giúp các Kitô hữu bị đuổi khỏi Mosul.

Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum đã khẩn cấp gửi 40,000 Mỹ kim trợ giúp những Kitô hữu bị đuổi khỏi Mosul phía bắc Iraq. Họ bị lực lượng quá khích Hồi Giáo Sunni ra lệnh muốn ở lại Mosul, phải cải sang Hồi Giáo, hoặc trả thuế, nếu không sẽ bị tử hình. Do lệnh này mà hàng ngàn tín hữu Thiên Chúa Giáo đã phải bỏ nhà cửa rời khỏi Mosul.

Tất cả nhà cửa đất đai của các người Thiên Chúa Giáo rời bỏ Mosul bị nhà nước Hồi Giáo gọi tắt ISIS tịch thu làm tài sản nhà nước.

Số tiền 40,000. Mỹ Kim chỉ là tiền cứu trợ ban đầu. Điều đó có nghiã là Vatican sẽ còn tiếp tục gửi tiển trợ cấp cho các nạn nhân Iraq.

Hôm thứ Hai ngày 21/7 /2014 Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc lên án nhóm phiến quân Sunni quá khích đã khủng bố người Thiên Chúa Giáo và các nhóm thiểu số khác, đồng thời Hội Đồng cũng cảnh cáo việc khủng bố như thế bị coi là tội ác chống nhân loại.

Trước năm 2003 là năm Mỹ đem quân vào Iraq thì nước này có khoảng hơn hơn 1,000,000 người Thiên Chúa giáo, trong đó 600,000 sống ở Baghdad và 60,000 sống ở Mosul, còn lại sống ở các thành phố có dầu hoả là Kirkuk và Basra.

Nhà nước Hồi Giáo, gọi tắt là ISIS đã được bọn khủng bố Sunni quá khích tuyên bố thành lập hôm 29 tháng Sáu tại giải đất phía bắc Iraq và Syria. Như vậy, sau lệnh buộc phải cải đạo thì ngày nay, Mosul thủ phủ Kitô Giáo đã có từ thời các thánh Tông Đồ không còn người Kitô hữu nào sinh sống.

9. Xuất bản tem bưu chính về Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 03 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Nữ hoàng Elizabeth lần đầu tiên. Tin tức đó đã là đầu đề của báo chí quốc tế. Bây giờ thời điểm đó đang được tái hiện lại một lần nữa, thông qua các tem bưu chính.

Đảo quốc St. Vincent và Grenadines đã phát hành một loạt các tem đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên tại nhà trọ Santa Marta của Vatican. Một số là những hình ảnh được chụp trực tiếp từ cuộc họp đó. Những hình khác được thiết kế bao gồm gương mặt của Đức Giáo Hoàng và Nữ hoàng.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Giáo Hoàng hôm 27 Tháng 3, cũng được đánh dấu bằng một con tem. Trong hình, hai vị đang ngồi trò chuyện, và sau đó có một bộ tem, về thời điểm khi họ trao đổi quà tặng.

Không chỉ có đảo quốc St. Vincent và Grenadines, Bolivia cũng phát hành một bộ tem riêng về Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những hàng chữ rất tự hào, "Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Nam Mỹ."

10. Những tweets phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng cho đến nay

Một hoặc hai ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô tweets một tin nhắn trên account @ Pontifex của mình. Ngài truyền tải không chỉ những tin nhắn, nhưng cả sự gần gũi và khiêm nhường của mình. Trên tất cả, ngài đưa ra những lời khuyên và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Tweet phổ biến nhất của Đức Giáo Hoàng đưa ra vào lễ Phục sinh năm 2014, và chỉ dài bốn từ. Nó được retweet 39,400 lần, nghĩa là được người xem gởi tiếp cho những người khác, và được 36,000 người đưa vào danh sách những tweets được ưa thích.

Lòng hâm mộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng tăng lên từ ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ngài đứng thứ hai trong danh sách những người có đông người theo dõi trên Tweeters, và cái tweet đầu tiên của ngài được retweet 36,000 lần.

Một vài ngày sau đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra tin nhắn về một Giáo Hội nghèo cho người nghèo trong đó ngài nêu bật vai trò của Giáo Hội trong việc giúp đỡ "những người nghèo, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương." Tin nhắn này có 24,700 retweets.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục sử dụng Twitter để tố cáo “nền văn hóa loại bỏ” và "sự toàn cầu hóa sự thờ ơ." Thông điệp của ngài thỉnh cầu những lời cầu nguyện cho các nạn nhân cơn bão ở Philippines đã được retweeted bởi 34,000 người theo dõi.

Đức Giáo Hoàng cũng có một vị trí đặc biệt cho những người trẻ tuổi. Ngài yêu cầu họ tin tưởng vào Thiên Chúa, và sử dụng tài năng Thiên Chúa ban cho họ trong việc thăng tiến cuộc sống.

Trong những tweets hàng đầu của ngài, ta cũng tìm thấy những tham chiếu đến thể thao, bao gồm cả World Cup vừa qua, hoặc những trách nhiệm mà Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt. Và tất nhiên, tweet "Xin hãy cầu nguyện cho tôi," là một trong những tweet phổ biến nhất.

11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Tám

Ý chung: Cầu cho những người tị nạn, buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bạo lực, nhận được sự tiếp đón quảng đại và bảo đảm được các quyền lợi của mình.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Đại Dương biết hân hoan truyền bá đức tin cho các dân sống trong đại lục mình.

12. Trên 280 Luật Gia Tây Ban Nha ký tên vào Tuyên Ngôn Yêu Cầu Bảo Vệ Quyền Của Thai Nhi

Trong những ngày vừa qua trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên ủng hộ một tuyên ngôn kêu gọi bảo về quyền căn bản của các thai nhi.

Tuyên ngôn nói trên đã được đề ra trong khuôn khổ các giới hàn lâm tại Madrid và Barcelona và rồi truyền đi qua mạng Internet. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đã có trên 270 luật gia tên tuổi ký tên ủng hộ. Trong số này, có trên 100 giáo sư thuộc 39 đại học Tây Ban Nha, cùng với nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật nổi bật trong ngành lập pháp và hành pháp. Các luật gia này yêu cầu chú trọng đến việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của sự sống con người ngay cả trong giai đoạn tiên khởi của nó, khi còn ở trong lòng mẹ. Tuyên ngôn nói trên, theo các luật gia, là cơ hội duy nhất để xã hội có thể tiến triển trên lãnh vực luân lý và xã hội, nhìn nhận toàn bộ quyền pháp nhân của các phôi thai và bảo vệ cho phụ nữ trước khi mang thai.

Các luật gia ký tên ủng hộ tuyên ngôn này minh xác quyền của phôi thai được bảo vệ sự sống, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi quyền của người mẹ. Họ xác tín rằng phá thai không phải là quyền của phụ nữ theo tinh thần hiến chương quốc gia và hiến pháp của tòa án châu Âu về quyền con người. Chính quyền các nước phải đề ra những chính sách bảo vệ thai nghén nhất là đối với những phụ nữ mang thai và khẳng định rằng quy chế cho phép phá thai phải tôn trọng quyền phản kháng vì lương tâm của các nhân viên y tế trong lãnh vực này.

13. Khủng bố Hồi Giáo nổ bom đánh sập ngôi hầm mộ tiên tri Giôna

Hôm 24 tháng 7, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã đặt bom làm nổ tung khu hầm mộ của tiên tri Giôna. Khu hầm mộ với hàng trăm năm lịch sử và truyền thống đã biến mất chỉ trong một vài giây.

Khu hầm mộ này ghi dấu nơi chôn cất tiên tri Giôna, được tôn kính trong nhiều thế kỷ bởi cả người Hồi giáo và người Kitô Giáo. Hôm thứ Năm, địa điểm này đã trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch tàn phá các đền đài bởi bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan ISIS.

Video thu được bởi người dân địa phương cho thấy hậu quả của sự phá hủy khu hầm mộ này. Toàn bộ các phần của cấu trúc bị sụp đổ. Những phần khác xem ra vẫn đứng vững, nhưng bị hư hỏng nặng.

Một đoạn video khác do chính bọn khủng bố ISIS tung lên YouTube cho thấy một tên khủng bố đang sử dụng một búa tạ để phá hủy các bia mộ thiêng liêng cổ đại.

Điều đáng nói là khu hầm mộ chôn cất tiên tri Giôna này nằm trong một đền thờ Hồi Giáo, và được người Hồi Giáo địa phương rất sùng mộ.

Hôm 29 tháng Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo bao gồm cả Iraq và Syria. Từ đó, nhiều đền thờ Hồi Giáo Shiite và các nhà thờ Kitô Giáo lần lượt bị đặt bom để đánh sập.

Trong một diễn biến tệ hại khác, hôm thứ Bảy 19 tháng 7, người Kitô hữu cuối cùng của Mosul, nơi đã từng là thủ phủ Kitô Giáo trong 16 thế kỷ, đã phải rời khỏi thành phố theo sau một tối hậu thư của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS. Các Kitô hữu ở thành phố Mosul bị buộc phải từ bỏ Kitô giáo và nhận Hồi giáo làm tôn giáo của mình, hoặc phải nộp thêm thuế cho các tòa án Hồi giáo Sharia, nếu không sẽ bị tử hình.

Cho đến nay, thành phố, nơi đã từng có 60,000 Kitô hữu trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, đã không còn một sự hiện diện Kitô giáo nào.

Liên Hiệp Quốc đã mô tả cuộc đàn áp chống người Kitô hữu này là tội ác chống lại nhân loại.

14. Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq

Trong bản văn, được công bố trực tuyến trên Website của Đài phát thanh Vatican hôm thứ Sáu 25 tháng 7, Đức Hồng Y Louis Sako là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, đã cảm ơn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lên án sự đàn áp tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS.

Tuy nhiên, Thượng Phụ Sako nói ra nghị quyết lên án thôi thì không đủ. Ngài kêu gọi Liên Hiệp Quốc gây áp lực với chính phủ Iraq để bảo vệ tất cả các nhóm thiểu số, cũng như để tăng tốc độ phân phối viện trợ "khẩn cấp".

Đức Thượng Phụ nói rằng các Kitô hữu Iraq "gánh chịu nặng nề hơn bất cứ ai trong chính sách tàn bạo này." Ngài tố cáo cuộc đàn áp các cộng đồng Kitô kỳ cựu ở Mosul là một cuộc “thanh lọc sắc tộc”.

Bức thư của Đức Thượng Phụ kết thúc bằng một thỉnh cầu Liên Hiệp Quốc hãy tìm mọi cách để "bảo vệ và bảo tồn các di sản của chúng tôi đang bị cướp phá và đốt cháy bởi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS."

Đức Thượng Phụ đã công bố lá thư này cùng với một lá thư của tất cả các tổng giám mục thuộc mọi hệ phái Kitô tại Mosul.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Mosul cũng kêu gọi việc bồi thường các tài sản bị hư hỏng như các nhà thờ và tu viện. Các ngài cũng kêu gọi người dân Iraq và thế giới áp lực với bọn khủng bố Hồi Giáo để chặn đứng việc phá hủy các nơi thờ phượng, trong đó có nhiều địa điểm có lịch sử hàng nhiều thế kỷ.

15. Caritas Mali Tái Kêu Gọi Hòa Giải Quốc Gia

Trong các ngày vừa qua ông Theodore Togo, tổng thư ký tổ chức Caritas Mali, đã tố cáo các xung đột giữa các nhóm dân địa phương khiến cho dân chúng lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc bắn giết này.

Ông Tổng thư ký Caritas Mali đã đúc kết tình hình hiện nay tại miền bắc Mali, là nơi đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt hồi trung tuần tháng 7 này, làm cho gần 40 người thiệt mạng. Theo tin chính thức, thì thủ phạm là hai lực lượng phiến quân hoạt động tích cực tại đây; đó là Mặt trận Ảrập Azawad, gọi tắt là MAA, và phong trào giải phóng quốc gia Azawad, gọi tắt là MNLA, là phong trào đòi độc lập cho các nhóm dân người Tuareg và đã từng tham gia làn sóng chống chính quyền hồi năm 2012.

Vụ xung đột này xảy ra trong một thời điểm tế nhị. Tại Algeri, cuộc thương thuyết gay go giữa chính quyền Bamako và các phe phiến quân vừa tái mở lại. Một trong những vấn đề được bàn thảo là tương lai của miền bắc, mệnh danh là Azawad. Các nhóm phiến quân vũ trang muốn vùng này được thể chế tự trị rộng rãi, trong khi chính quyền Bamako chỉ đồng ý thảo luận về một hình thức tổ chức hành chánh tốt hơn mà thôi. Hướng đến cuộc đối thoại này, ông tổng thư ký Caritas Mali đã kêu gọi cả hai bên hãy nghĩ đến vấn đề chung của tất cả mọi người, lắng nghe tiếng nói của dân chúng miền Bắc, và ngồi vào bàn hội nghị với ý thức trọn vẹn về mọi vấn đề. Nếu không, những thỏa hiệp đạt được sẽ chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi.

Theo ông Togo, cần phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng và rộng rãi hơn cả là vấn đề hòa giải quốc gia. Để thực sự hòa giải quốc gia, cần phải tôn trọng và giải quyết những lo âu của cả hai bên, nhất là của dân chúng, chứ không phải chỉ chú trọng đến các nhóm vũ trang mà thôi. Ông cũng cho biết là Caritas địa phương nỗ lực cứu trợ dân chúng, nhất là trong các lãnh vực thực phẩm, thuốc men và nước uống, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay có rất nhiều chiều kích khác nhau. Các nhóm hồi giáo quá khích vẫn chưa hoàn toàn bị đánh bại. Bằng chứng là cuộc đánh bom tự sát hôm 14 tháng 7 tại GAO do nhóm khủng bố Al Murabtun, phò Al Qeda, thực hiện khiến cho một binh sĩ Pháp bị thiệt mạng. Ngày hôm trước đó, chính quyền Paris đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch SERVAL khởi đầu hồi tháng giêng 2013 để trợ lực quân đội chính quy Mali tái chiếm miền Bắc nước này.

16. Cuộc Biểu Tình Ủng Hộ Tín Hữu Kitô Iraq.

Tại thủ đô Baghdad của Iraq, khoảng 200 người Hồi giáo đã tụ họp trước nhà thờ thánh Giorgio của Giáo Hội Công Giáo Chanđê để bày tỏ liên đới với các tín hữu Kitô, nạn nhân của bạo lực mù quáng đang chịu bách hại từ phía quân binh thánh chiến hồi giáo ISIS.

Hôm Chúa Nhật 20 tháng 7, trong bài giảng thánh lễ, Đức Thượng Phụ Maronít Liban Bechara Rai có đề cập đến hạn tối hậu mà lực lượng của lãnh tụ hồi Al- Baghdadi đưa ra cho các tín hữu Kitô ở Mossul và ngài đã hỏi là “Những người Hồi Giáo ôn hòa nói gì về điều này?”

Cuộc biểu tình của các tín hữu Hồi vừa nói trên đây có thể được xem như là câu trả lời cho vấn nạn Đức Thượng Phụ Bechara Rai đưa ra. Có rất nhiều người mang những biểu ngữ viết hàng chữ “Kulluna Masihiyyun”, chúng tôi đều là người Kitô, hay là mặc áo có mang chữ N, là dấu hiệu mà bọn khủng bố Hồi Giáo ghi lại trên cửa gia cư của các tín hữu Kitô. Sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Giorgio, các tín hữu Kitô ra khỏi nhà thờ và cùng đoàn người Hồi Giáo biểu tình, hát quốc ca, trước khi kết thúc bằng lời kinh Lạy Cha của Công Giáo và đoạn sura 1 của kinh Coran. Đức Tổng Giám Mục Louis Sako của Baghdad đã cám ơn ban tổ chức cuộc biểu tình liên đới này.

Ngài nói: “Cuộc biểu dương liên đới này mang lại hy vọng cho một nước Iraq mới. Tôi nghĩ đến người trẻ, là những người có bổn phận và sứ mạng thay đổi cục diện hiện nay. Thật là điều đáng xấu hổ và là một tội ác khi đánh đuổi những người vô tội ra khỏi nhà cửa và tịch thu gia sản của họ chỉ bởi vì họ là người Kitô. Toàn thế giới phải vùng lên chống lại những hành vi kinh khiếp ấy. Đức Cha Sako cũng bày tỏ hy vọng là hai cộng đoàn Kitô và Hồi Giáo sẽ tiếp tục hiệp nhất với nhau để xây dựng một quốc gia Iraq mới.

17. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên án chính sách tận diệt các Kitô hữu của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS

Hai trong số những tiếng nói hàng đầu trong thế giới Hồi giáo đã lên án cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu tại Iraq, dưới bàn tay của những kẻ cực đoan vừa tuyên bố hình thành một Nhà nước Hồi giáo bao trùm Iraq và Syria.

Lên tiếng mạnh mẽ nhất là giáo sĩ Iyad Madani Ameen, Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, đại diện cho 57 quốc gia, và 1,4 tỷ người Hồi giáo.

Trong một tuyên bố, ông chính thức lên án "việc cưỡng bức trục xuất" các Kitô hữu, gọi đó là một "tội ác không thể dung thứ." Vị tổng thư ký cũng cố gắng tách biệt Hồi giáo với các hành vi của bọn khủng bố ISIS. Ông nói rằng những hành vi của ISIS “không dính líu gì với Hồi giáo.” Ông giải thích rằng nguyên tắc của Hồi Giáo là tôn trọng công lý, lòng nhân ái, công bằng, tự do tôn giáo và sự cùng tồn tại.

Trong khi đó, giáo sĩ hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, là người kế thừa tinh thần của nhà nước Hồi Giáo thuộc Đế quốc Ottoman, cũng đề cập đến chủ đề này trong một hội nghị hòa bình quy tụ các học giả Hồi giáo.

Giáo sĩ Mehmet Gormez thẳng thừng bác bỏ tính cách hợp pháp của ISIS trong thế giới Hồi Giáo và tuyên bố rằng "một thực thể bất minh như thế không có thẩm quyền tuyên bố chiến tranh chống lại một nhóm chính trị, tôn giáo hay cộng đồng nào." Ông nói rằng người Hồi giáo không nên thù địch với "những người có quan điểm, hay các giá trị và niềm tin khác mình, và không thể xem họ như là kẻ thù."

Nhận xét của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Iraq kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo trên toàn thế giới lên tiếng tố cáo bạo lực chống các tín hữu Kitô nước này.

18. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales về chính sách tận diệt các tín hữu Kitô Iraq của khủng bố Hồi Giáo ISIS

Ngày 25 tháng 7 vừa qua thay mặt cho các Giám Mục Anh và xứ Wales, Đức Cha Declan Lang, Giám Mục giáo phận Clifton, chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế đã ra tuyên bố sau:

Trong tư cách là Chủ tịch của Ủy Ban Quốc Tế thuộc Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, tôi trịnh trọng lên án với những lời lẽ mạnh nhất tối hậu thư của quân khủng bố Hồi Giáo ISIS gởi cho các tín hữu Kitô Mosul buộc họ phải cải đạo sang Hồi Giáo, đóng thuế tôn giáo hay dọn ra khỏi thành phố.

Việc đe dọa này trên người dân Iraq là một tội ác chống lại Thiên Chúa và vi phạm sự sống. Chúng ta không được quên rằng các Kitô hữu đã sống và là những chứng nhân ở Iraq trong gần hai thiên niên kỷ. Sự mạo phạm các nơi thánh ở Mosul và những nỗ lực có hệ thống để thay đổi bối cảnh văn hóa và tôn giáo của thành phố cổ này là một tội ác chống lại nhân loại.

Tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức tôn giáo và thế tục ở Anh, hãy bảo vệ và cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các cộng đồng đã phải chịu đựng đau khổ quá lâu tại Iraq.

Tôi nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bảo vệ các quyền cơ bản của mỗi cá nhân được thực hành tôn giáo mà họ lựa chọn và quyền này không thể bị khước từ bởi ác ý, bởi sự phân biệt đối xử hoặc vì quyền lợi của bất kỳ phe nhóm hay chế độ nào ở Iraq và trên toàn thế giới. Kinh Qur'an của người Hồi Giáo nói rõ ràng rằng sẽ không có sự ép buộc trong tôn giáo (Surah [2)] al-Baqarah: câu 256). Các điều kiện vô lý áp đặt bởi cái gọi là ISIS chống lại những người dân vô tội, phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận và dung thứ được.

Hiệp cùng với Hội đồng Các Giáo Hội Trung Đông, Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako và nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội trên toàn thế giới, tôi cực lực lên án những tội ác chống lại các Kitô hữu ở Mosul.

+ Đức Giám Mục Declan Lang
Giám Mục giáo phận Clifton
Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales

Nguồn: www.vietcatholic.net

CÁC TIN KHÁC: