Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 04-10/05/2017: Bước tiến đáng kể trong án tuyên thánh cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận</b>
10/05/2017 12:00:00 SA

1. Chuyện không tin được đã xảy ra: Nga tổ chức tưởng niệm hoàng gia Nga bị cộng sản sát hại

Trong một sự kiện mà cách đây mấy thập niên, nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra được, Tổng thống Nga đã cùng với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tham dự lễ thánh hiến một cây thánh giá được đặt tại địa điểm nơi một thành viên hoàng gia Nga đã bị cộng sản ám sát.

Hoàng tử Sergey Alexandrovich, con thứ năm của Hoàng hậu Nicholas II, đã bị cộng sản ám sát vào năm 1905. Hoàng gia Nga lúc đó đã cho dựng một cây thánh giá để tưởng nhớ ông.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik, đích thân Vladimir Lenin đến tận nơi trực tiếp giám sát việc phá hủy cây thánh giá này.

Trong diễn từ của ngài, được trực tiếp truyền hình, Đức Thượng Phụ Kirill lên án “sự khinh miệt mạng sống con người” và “sự sẵn sàng đưa mạng sống con người lên một bàn thờ đẫm máu của cuộc nổi dậy chính trị Bolshevik”.

Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tội phạm này của cộng sản là khúc dạo đầu của các sự kiện bi thảm, gây bất đồng trong xã hội, tạo ra các xung đột dân sự bi đát, mà nước Nga đã phải đối mặt. Đó là những tổn thất nặng nề nhất, là một thảm hoạ quốc gia thực sự, là mối đe dọa cho sự sống còn của dân tộc Nga”.

2. Đức Thánh Cha tiếp Giáo Hoàng Chủng Viện miền Campano di Posillipo

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị giảng huấn tại Giáo Hoàng chủng viện miền Campano di Posillipo nam Italia huấn luyện các chủng sinh về tương quan tình bạn với Chúa Giêsu, học cách phân định, và nhận ra tiếng Chúa.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng mùng 6 tháng Năm, dành cho 120 linh mục và chủng sinh thuộc chủng viện vừa nói. Chủng viện này được thánh Piô 10 thành lập năm 1912 dành cho nhiều giáo phận ở miền nam Italia và hiện là chủng viện duy nhất ở Italia do các cha dòng Tên điều khiển. 22 giáo phận hiện có chủng sinh theo học tại đây.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói với ban giảng huấn rằng huấn luyện về linh đạo cho các linh mục giáo phận theo phương pháp sư phạm Linh Thao của thánh Y Nhã là một trách vụ cam go, nhưng đồng thời đầy phấn khởi. Trong chiều hướng này, ngài khuyến khích các vị đặt ở vị trí trung tâm tương quan bản thân của các chủng sinh với Chúa Kitô, được tỏ lộ ưu tiên qua tình yêu thương đối với người nghèo; tiếp đến là giáo dục về sự phân định, giúp những người trẻ nhận ra tiếng Chúa giữa bao nhiêu tiếng nói vang dội và nhiều khi tràn vào tai và tâm hồn con người. Việc tập luyện phân định phải trở thành một nghệ thuật giáo dục thực sự, để linh mục trở thành một người phân định đích thực.

Đức Thánh Cha nói: “Để được như vậy, cần phải quen thuộc với việc lắng nghe Lời Chúa, nhưng đồng thờ cũng phải gia tăng ý thức về bản thân, về thế giới nội tâm của mình, với những tình cảm và lo sợ”.

Sau cùng huấn luyện linh mục theo linh đạo Y Nhã là ngày càng tỏ ra cởi mở hơn đối với chiều kích của Nước Thiên Chúa, vun trồng ước muốn “ngày càng hơn nữa”, ngày càng quảng đại hơn trong sự hiến thân cho Chúa và tha nhân, cũng như cho người ở trước mặt. Tìm kiếm nước Chúa có nghĩa là từ chối tiêu chuẩn tầm thường.

Trong chiều hướng đó, năm nay, đại chủng viện Campano di Posilippo này chọn đề tài: “Tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,36). Điều này giúp các vị giảng huấn mở rộng chân trời đào tạo, không hài lòng với việc đạt tới một vai trò, không thỏa mãn với những gì đạt được và an nghỉ trong thành công, nhưng ngày càng vun trồng ước muốn phục vụ trước tiên Chúa nơi anh em”.

3. Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh mở đường cho việc tuyên chân phước cho 4 vị và công nhận những nhân đức anh hùng của Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Tòa thánh Vatican đã công bố tin này sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, vào sáng thứ Năm, ngày 4 tháng Năm

Sắc lệnh vừa công bố nhìn nhận bốn phép lạ. Phép lạ thứ nhất nhờ lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa là cha Phanxicô Solano Casey, linh mục dòng Capuchin; sinh ngày 25 tháng 11 năm 1870 và qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1957.

Phép lạ thứ hai nhờ lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa là Adelaide de Batz de Trenquelléon, là vị sáng lập Dòng Con gái Mẹ Vô Nhiễm; sinh ngày 10 tháng 6 năm 1789 và qua đời ngày 10 tháng 1 năm 1828.

Phép lạ thứ ba nhờ lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa là Clara Fey, vị sáng lập Học viện Các Nữ Tu dành cho Trẻ Em nghèo; sinh ngày 11 tháng 4 năm 1815 và qua đời ngày 8 tháng 5 năm 1894.

Phép lạ thứ tư nhờ lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa Catalina de María, vị sáng lập Hội dòng Nữ tu Trái tim Chúa Giêsu; sinh ngày 27 tháng 11 năm 1823 và qua đời ngày 5 tháng 4 năm 1896.

Sắc lệnh cũng công nhận việc tử đạo của Tôi tớ Chúa Luciano Botovasoa, giáo dân và là người cha gia đình thuộc Dòng ba Phanxicô, bị giết vì hận thù đức tin tại Vohipeno, Madagascar vào ngày 17 tháng 4 năm 1947.

Đặc biệt, sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 và qua đời ngày 16 tháng 9 năm 2002; và của 5 vị khác.

4. Chính phủ Venezuela mở cuộc tấn công hàng giáo phẩm Công Giáo để trốn tránh trách nhiệm về cuộc khủng hoảng

Đức Hồng Y Baltaz Porras Cardozo của Merida cảnh báo rằng nạn đói ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong khi cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế vẫn tiếp diễn ở Venezuela, và chính phủ của Nicolas Maduro vẫn tiếp tục phủ nhận trách nhiệm đối với hoàn cảnh thê thảm của đất nước.

Đức Hồng Y nói: “Chế độ Maduro khăng khăng đổ trách nhiệm về mọi thứ đang xảy ra cho phe đối lập và cho các thứ 'đế quốc' đang muốn xâm lược quốc gia. Giờ đây, chế độ này lại cho thấy một xu hướng đang gia tăng là đổ lỗi cho tình trạng bất ổn của xã hội lên hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo, mặc dù, ai cũng nhận thấy là chúng tôi đã từng kêu gọi đàm phán để chấm dứt bế tắc chính trị.”

Đức Hồng Y Porras nói rằng các cuộc thương thảo giữa chính phủ và phe đối lập đã không đi đến đâu vì chính phủ từ chối thực hiện những điều kiện mà chính họ đã cam kết. Đó là thả các tù nhân chính trị, đưa ra một kế hoạch bầu cử cụ thể, cho Quốc hội được tái nhóm, và mở cửa đất nước với thế giới để các nỗ lực cứu trợ nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực và thuốc men có thể được thực hiện.

Căng thẳng gia tăng ở Venezuela sau khi có nhiều tin đồn rằng một tù nhân chính trị nổi tiếng, là ông Leopoldo Lopez, đã chết trong tù. Mặc dù những tin đồn này chưa được xác nhận, nhưng đã đủ để gây ra một làn sóng phản đối mới.

5. Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên tham dự cuộc họp khoáng đại của Bộ Truyền thông

Đức Thánh Cha khuyến khích Bộ Truyền thông nghiên cứu các tiêu chuẩn và các thể thức mới để loan báo Tin Mừng lòng thương xót cho muôn dân.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng mùng 4 tháng Năm dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể đầu tiên của Bộ truyền thông, dưới quyền chủ tọa của Đức Ông Bộ trưởng Dario Viganò. Trong số 16 Hồng Y, Giám Mục và giáo dân thành viên của Bộ này, cũng có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục giáo phận Mỹ Tho.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Bộ Truyền Thông được thành lập để đáp ứng thách đố truyền thông ngày nay, với sự hiện diện và phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, với các nhân tố đồng qui và tương tác. Bộ này không phải là một sự tập hợp hoặc thích ứng các cơ quan truyền thông đã có của Tòa Thánh, nhưng là được kiến tạo hoàn toàn mới.”

Đức Thánh Cha ghi nhận những cố gắng của Bộ Truyền Thông trong việc hợp lý hóa các làn sóng ngắn hướng về các nước có ít phương tiện kỹ thuật như Phi châu. Các sóng ngắn không bao giờ bị bãi bỏ. Ngài cũng loan báo tiến trình theo đó trong thời gian tới đây Báo Quan Sát Viên Roma, Nhà Xuất bản, nhà in đa ngữ Vatican cũng sẽ gia nhập cộng đoàn làm việc của Bộ Truyền thông.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng: “Chúng ta đừng để cho mình bị chiến thắng vì cám dỗ gắn bó với quá khứ vinh quang; trái lại chúng ta hãy thực hiện một trò chơi đồng đội lớn để đáp ứng hữu hiệu hơn những thách đối về truyền thông mà nền văn hóa ngày nay đòi hòi chúng ta, không chút sợ hãi và cũng chẳng tưởng tượng ra những bối cảnh kinh hoàng”.

6. Đức Thánh Cha phong chức linh mục cho 10 thầy Phó Tế trong ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành

Sáng Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh, Lễ Chúa Chiên Lành, cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, Đức Thánh Cha đã phong chức linh mục cho 10 thầy Phó Tế.

Trong bài giảng, bên cạnh những lời nhắn nhủ thường thấy trong nghi thức phong chức linh mục, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ba ý sau:

Thứ nhất, ngài nhắc nhở rằng chức tư tế không phải là “sự nghiệp” theo nghĩa thông thường, và không nên được coi như một con đường để thăng tiến trong Giáo Hội. “Những người này đã được Chúa chọn không phải để hành động theo đường lối riêng của mình, nhưng để thi hành việc phục vụ này”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tân chức “Đừng đưa ra các bài thuyết giảng quá cao xa hay phức tạp. Hãy nói đơn giản, như Chúa chúng ta, Đấng làm rung động những con tim.”

Ngài giải thích rằng: “Một vị linh mục có lẽ đã nghiên cứu nhiều về thần học và đã đạt được một hoặc hai hay ba bằng cấp chuyên môn, nhưng không học được cách vác Thánh giá Chúa Kitô, thì cũng vô dụng: ngài có thể là một học giả tốt, một giáo sư giỏi, nhưng không phải là một linh mục.”

Trích từ văn bản trong nghi thức phong chức linh mục, Đức Thánh Cha nói: “Tôi xin anh em nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội Người, là hãy có lòng thương xót, luôn luôn như thế: đừng chồng chất lên vai các tín hữu với những gánh nặng mà họ không thể vác nổi (và chính anh em cũng không vác nổi). Chúa đã khiển trách các thầy thông luật về điều này, và gọi họ là những kẻ giả hình.”

Một công việc thương xót cụ thể mà Đức Thánh Cha kêu gọi các tân chức phải chú ý thi hành là thăm viếng người bệnh. “Đó là một trong những nhiệm vụ, có lẽ là một điều rất phiền toái, thậm chí gây khó chịu - là đi thăm các bệnh nhân. Nhưng hãy làm điều đó, hỡi tất cả các anh em. Cả các tín hữu giáo dân cũng nên làm điều đó, và cả các phó tế, nhưng đừng quên chạm vào xác thịt của Đấng Cứu Thế trên những người đau yếu: điều này thánh hóa anh em và sẽ dẫn anh em đến gần Chúa Kitô hơn”.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng với lời kêu gọi hãy hân hoan trong mọi sự.

“Anh em hãy vui vẻ, đừng bao giờ buồn. Với niềm vui, anh em hãy phục vụ của Chúa Kitô, ngay giữa những đau khổ, hiểu lầm, thậm chí giữa tội lỗi của chính mình. Có một tấm gương về Chúa Chiên Lành trước mắt anh em. Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói, “Xin vui lòng, đừng là 'chúa', đừng là các ‘công chức giáo sĩ’, nhưng hãy là các mục tử của Dân Chúa.”

7. Khiêu khích người Công Giáo, các quan chức thành phố Mumbai phá hủy thánh giá thứ hai

Chỉ vài ngày sau khi Đức Hồng Y Oswald Gracias phản đối việc phá hủy một cây thánh giá lịch sử được dựng trên một mảnh đất tư nhân ở Mumbai, Ấn Độ, một cây thánh giá khác đã bị phá hủy ở ngoại ô thành phố.

Cây thánh giá thứ hai được dựng tại làng Kalina, ở một vùng ngoại ô của Mumbai đã bị phá hủy hôm mùng 4 tháng Năm, chỉ một ngày sau cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người Công Giáo tại tòa thị chính thành phố Mumbai.

Mumbai khét tiếng về nạn tham nhũng tại Ấn Độ. Cho nên, nhiều người quan ngại rằng chủ trương khiêu khích người Công Giáo không phải do các quan chức địa phương đề ra. Họ là những người “thực tiễn”, không thích sóng gió. Chủ trương triệt hạ thánh giá rõ ràng xuất phát từ trung ương trong cao trào chèn ép các tôn giáo không phải là Ấn Giáo, từ sau khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan là Narendra Modi được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cây thánh giá thứ nhất bị phá hủy hôm 29 tháng Tư đã được dựng nên vào năm 1895 tại một khu đô thị cũ trong thời gian một bệnh dịch tàn phá thành phố này.

Các quan chức đã trích dẫn một đạo luật trong đó cấm các biểu tượng tôn giáo trên tài sản công cộng. Tuy nhiên, người chủ sở hữu của phần đất nơi thánh giá được dựng cho rằng ông đã trình cho các quan chức thành phố bằng chứng rõ ràng rằng cây thánh giá được dựng trên bất động sản của tư nhân.

Các quan chức ra lệnh phá hủy thánh giá này “phải chịu trách nhiệm về hành động này, đó là một hành động bất hợp pháp,” Đức Hồng Y Gracias nói.

8. Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Anh Zafar Bhatti, một Kitô hữu, đã bị vu cáo xúc phạm Hồi giáo vào năm 2012, đã bị tòa án tại tỉnh Rawalpindi kết án tù chung thân hôm 03/05.

Bhatti bị kết án là đã gửi các tin nhắn bằng điện thoại di động, có nội dung xúc phạm đến Hồi giáo. Anh đã phủ nhận các lời cáo buộc và giải thích với quan tòa rằng số điện thoại đó không phải do anh đứng tên.

Năm 2012, Bhatti bị bắt và bị giam ở nhà tù Rawalpindi. Vì những đe dọa nguy hiểm cho mạng sống của Bhatti nên phiên tòa được xử ngay bên trong nhà tù. Buổi xét xử cuối cùng diễn ra hôm 24/04 và ngày 03/05 vừa qua, quan tòa đã kết án anh bị tù chung thân.

Theo các luật sư Kitô giáo, các tòa án Pakistan thường kết án tử những người bị tố cáo vi phạm luật 295 c (một trong những điều tạo nên cái gọi là Luật phạm thượng), nhưng vì họ không có chứng cứ phạm tội rõ ràng của Bhatti nên anh chỉ bị xử tù chung thân. Các luật sư bào chữa cho Bhatti cũng bị đe dọa, do đó buổi hầu tòa đã được chuyển đến Lahore, cũng là nơi gia đình của Bhatti đang sinh sống. Theo các luật sư, Bhatti lẽ ra phải được trắng án vì thiếu bằng chứng, nhưng anh bị xử chung thân do áp lực của các tín đồ Hồi giáo.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thật xấu hổ khi người ta đặt tên cho một trái bom như thế”.

Hôm thứ Bẩy, 6 tháng Năm, trong cuộc gặp gỡ dành cho các sinh viên tại Rôma tham dự cuộc gặp gỡ vì Hòa Bình và Nhân Quyền, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích quân đội Hoa Kỳ đã đặt tên cho những quả bom lớn nhất trong kho của mình là “mẹ của tất cả bom”.

Qủa bom nặng 9,800kg có tên chính thức là “Massive Ordnance Air Blast” được quân đội Mỹ gọi là “Mother Of All Bombs” - “Mẹ của Tất cả Bom” vì sức mạnh kinh khủng của nó.

Đức Thánh Cha nói với các sinh viên tại Vatican: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe tên này.

Một người mẹ là một người mang lại cuộc sống còn cái thứ này chỉ mang lại cái chết, thế mà người ta dám gọi nó là một người mẹ. Chuyện gì đang xảy ra?”

Lời chỉ trích này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, là người đã cho phép sử dụng những qủa bom này nhằm chống lại các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo tại Afghanistan vào tháng Tư vừa qua.

MOAB được vận chuyển máy bay vận tải khổng lồ C-130, được thả xuống bằng dù và có sức công phá trong một vòng tròn bán kính rộng tới 1.6km. Nó hút hết oxy và làm cho không khí bùng cháy.

10. Hội đồng Giám mục Châu Âu phê bình Liên Hiệp Âu Châu hờ hững trong việc bảo vệ tự do tôn giáo

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu vì đã không có hành động cụ thể nhằm bảo vệ tự do tôn giáo.

Đức Ông Duarte Nuno Queiroz de Barros da Cunha, người Bồ Đào Nha, là Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Âu từ năm 2008 đến nay nhận xét rằng:

“Khi các quan chức nói về tự do tôn giáo, họ thường nói một cách trừu tượng và có vẻ như sợ hãi hoặc xấu hổ khi nhắc đến các cộng đồng đang thực sự đau khổ, đặc biệt là ở Trung Đông”.

Ngài phàn nàn rằng các nhà lãnh đạo chính phủ đã không gây áp lực chính trị và ngoại giao đối với các quốc gia đàn áp tự do tôn giáo.

Ngài nói thêm: “Liên Hiệp Âu Châu nên ngừng thói đạo đức giả bằng cách nói một đàng lại làm một nẻo đằng sau hậu trường.”

11. Vatican điều tra việc một cơ sở y tế Công Giáo ở Bỉ cho phép trợ tử

Vatican đang điều tra về quyết định cho phép các bác sĩ thực hiện việc trợ tử cho các bệnh nhân tâm thần “không ở giai đoạn cuối”, tại các cơ sở điều trị tâm thần do một dòng tu Công Giáo ở Bỉ điều hành.

Tu huynh Rene Stockman, bề trên tổng quyền của dòng Tu huynh Bác ái, nói với hãng thông tấn Công Giáo Hoa kỳ (CNS) rằng chính Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh sẽ điều tra vụ việc.

Tu huynh Stockman đã trực tiếp than phiền với Tòa Thánh sau khi một nhóm các Tu huynh Bác ái, đang điều hành 15 trung tâm chăm sóc bệnh nhân tâm thần khắp nước Bỉ, từ chối yêu cầu chính thức của tu huynh Stockman về việc đảo ngược các chính sách mới do họ tự đề ra.

Trong một tài liệu thông cáo hôm tháng 3, nhóm các Tu huynh Bác ái cho biết họ sẽ cho phép việc thực hiện trợ tử tại các cơ sở của họ. Lý do của quyết định này là vì trước đó khoảng một năm, một nhà hưu dưỡng Công Giáo ở Diest, Bỉ, đã bị phạt 6600 đô la vì từ chối thực hiện trợ tử cho một bệnh nhân 74 tuổi bị ung thư phổi.

12. Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ

Sáng thứ Bẩy 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, Doris Leuthard, tại điện Tông Tòa của Vatican.

Một thông cáo từ Văn phòng Báo Chí của Tòa Thánh cho hay Đức Giáo Hoàng và Tổng thống đã có một cuộc thảo luận thân mật, trong đó hai bên nhấn mạnh mong muốn chung của là tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa Toà Thánh và Thụy Sĩ, và tăng cường hợp tác giữa Giáo Hội Công Giáo và nhà nước.

Bản tuyên bố của văn phòng báo chí cho biết thêm là Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Leuthard đã thảo luận về nhiều chủ đề cùng quan tâm, bao gồm việc tiếp nhận người di cư, thách đố của thế giới về công việc cho thanh niên, cuộc chiến chống khủng bố và cam kết bảo vệ môi trường, cũng như tương lai của châu Âu.

Cuộc viếng thăm của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ đã diễn ra nhân lễ tuyên thệ của 40 ngự lâm quân Thụy Sĩ.

13. Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn ủng hộ việc giảm bớt sử dụng năng lượng hạt nhân

Trong thông cáo báo chí đưa ra vào đầu tuần này, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Hàn nói các ngài ủng hộ một kiến nghị kêu gọi quốc gia này từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp 22% sản lượng điện ở quốc gia Đông Á này.

Đức Tổng Giám Mục René Dupont của Andong cho hay: “Có một sự nhất trí chung về vấn đề hạt nhân ở Hàn Quốc. Tất cả các đảng chính trị và tất cả các Giáo Hội đều đồng ý là chúng ta nên giảm với sản xuất điện hạt nhân.”

Các tổ chức Công Giáo bảo vệ môi trường đã đưa ra một kiến nghị liên quan đến việc chống sản xuất điện hạt nhân hôm 10 tháng Tư nhân Chúa Nhật Lễ Lá. Những người đưa ra kiến nghị này đang cố gắng thu thập một triệu chữ ký tại Hàn Quốc.

14. Giám Mục Chính Thống Giáo viết thư khuyên Erdogan nên từ bỏ đạo Hồi

Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Seraphim của tổng giáo phận Piraeus đã gửi một lá thư ngỏ cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, khuyên nhà lãnh đạo Hồi giáo này hoán cải và cải đạo sang Kitô Giáo nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt đời đời.

Trong thư, vị giáo sĩ Hy Lạp mô tả Muhammed là một “tiên tri giả” và bác bỏ kinh Qu'ran. Ngài kêu gọi Erdogan “từ bỏ tất cả các sai lầm, dị giáo, và hãy canh tân Hồi giáo.”

Từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15 tháng 7 năm ngoái 2016, mà nhiều người vẫn tin rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả do chính Erdoğan dàn dựng để có cớ thu tóm quyền hành; Erdoğan đang lèo lái Thổ Nhĩ Kỳ sang một chính thể độc tài cực đoan Hồi Giáo.

Từ hôm thứ Hai 1 tháng 5 vừa qua, người dùng Internet tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể vào được trang Wiki. Bộ Thông Tin Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra một lời giải thích nào về việc cấm cản này. Một vài ngày sau cả Facebook và nhiều mạng xã hội khác cũng biến mất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

15. Người Kitô hữu đầu tiên được làm thống đốc Jakarta đã bị kết án 2 năm tù về tội xúc phạm Hồi Giáo

Cựu Thống đốc Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, là người Kitô hữu đầu tiên leo được đến chức vụ này trong đất nước có số người Hồi Giáo đông nhất thế giới, đã bị kết án hai năm tù vì về tội xúc phạm Hồi Giáo.

Đây là một án lệnh vượt quá dự kiến của nhiều người. Các ủng hộ viên của ông Purnama đã kêu khóc bên ngoài toà án và phản đối phán quyết này.

Bản án được đưa ra trong bối cảnh có lo ngại về tầm ảnh hưởng càng ngày càng lớn dần của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Indonesia.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan đã tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ trong một cuộc bầu cử hỗn loạn kết thúc với việc ông Purnama thất bại trong nỗ lực tái tranh cử chức vụ này thêm một nhiệm kỳ nữa.

Andreas Budi, một ủng hộ viên của ông Purnama nói:

“Họ kết án ông vì họ chịu áp lực của quần chúng. Điều này là bất công. Ahok lẽ ra nên được tuyên bố trắng án”

Tổng thống Joko Widodo là một đồng minh của Purnama, cho nên bản án này được coi như một sự thất bại của chính phủ trong cố gắng dập tắt các nhóm cực đoan và làm dịu các mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài rằng các giá trị của một nhà nước thế tục đang gặp nguy cơ tại Indonesia.

Purnama nói với tòa rằng ông sẽ kháng cáo.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/222481.htm

CÁC TIN KHÁC: