Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 05/04/2017
06/04/2017 12:00:00 SA


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

2- Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô X xích lại gần nhau hơn.

3- Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến đi đầy nguy hiểm của ĐTC sang Ai Cập.

4- Thư ĐTC về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo.

5- ĐTC tiếp kiến Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc.

6- Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram.

7- ĐHY Robert Sarah nói rằng: “sự tàn phá phụng vụ” phản ánh cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng.

8- Giáo Hội Công Giáo và những người trẻ Á Châu trong một xã hội đa văn hóa.

9- Có một không hai: Chặng đàng Thánh Giá dài 400 km ở Ấn Độ.

10- Giám Mục Mễ Tây Cơ gặp gỡ băng đảng để cứu các linh mục của mình.

11- Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm.

12- Các trường Hồi Giáo ở Sénégal tổ chức ăn mày kiểu Mafia?

13- Thánh ca Mùa Chay: Xin Lỗi Chúa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa chương 3, thư thứ nhất của thánh Phêrô, trong đó Ngài viết rằng: “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc ...”

ĐTC nói: Thư thứ nhất của thánh Phêrô có một động lực ngoại thường… Nó trao ban an ủi và hoà bình lớn, vì khiến cho chúng ta nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là trong những lúc tế nhị khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhưng đâu là bí quyết của bức thư này?

ĐTC trả lời như sau: Bí quyết ở trong sự kiện bức thư này trực tiếp đâm rễ trong lễ Vượt Qua, nơi trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành, bằng cách làm cho chúng ta nhận ra ánh sáng và niềm vui phát xuất từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực sự sống lại… Ngài sống giữa chúng ta… và ở trong từng người chúng ta. Chính vì vậy thánh Phêrô mạnh mẽ mời gọi chúng ta thờ lậy Chúa trong tim (c.16). Chúa đã ở trong đó từ khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội, và từ đó Ngài tiếp tục canh tân chúng ta và đổi mới cuộc sống chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu và Thần Khí của Ngài.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi nguời.

- Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô X xích lại gần nhau hơn

Thêm một bước tiến xích lại gần nhau giữa Huynh Đoàn thánh Piô X và Tòa Thánh: ĐTC Phanxicô cho các vị bản quyền địa phương được cho phép các Linh mục giáo phận chủ sự lễ nghi hôn phối cho các tín hữu theo Huynh đoàn này, dù tình trạng giáo luật của Huynh đoàn chưa được giải quyết.

Huynh đoàn thánh Piô X là nhóm đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo từ cuối tháng 6 năm 1988, sau khi vị sáng lập Huynh đoàn là Đức TGM Marcel Lefebvre truyền chức cho 4 GM mà không có phép của ĐGH. ĐGH Biển Đức XVI đã giải vạ tuyệt thông cho các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô X để tạo điều kiện cho sự thương thuyết tái lập sự hiệp nhất và xác định vị thế giáo luật của Huynh đoàn trong Giáo Hội.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã cho phép các LM của Huynh đoàn thánh Piô X được giải tội thành sự cho các tín hữu. Nay ĐTC quyết định cho phép các vị Bản quyền địa phương (Giám Mục, Tổng Đại diện, Đại diện Giám Mục) được cho phép cử hành hôn phối cho các tín hữu theo hoạt động mục vụ của Huynh đoàn thánh Piô X theo thể thức như sau:

Phép đó có thể ban cho một LM thuộc giáo phận, hoặc một LM hoàn toàn hợp lệ, cử hành hôn phối theo nghi thức bí tích vào đầu thánh lễ, trong phụng vụ cũ, tiếp theo đó, một linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ. Nơi nào không có LM giáo phận có thể chủ sự nghi thức hôn phối cho hai bên, thì vị Bản quyền có thể trực tiếp ban năng quyền cần thiết như thế cho linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, và yêu cầu vị ấy gửi đến tòa GM chứng chỉ và tài liệu về việc cử hành bí tích hôn phối như thế” (SD 4-4-2017)

- Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến đi đầy nguy hiểm của ĐTC sang Ai Cập.

Hôm thứ Hai 3 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình chuyến đi của ĐTC sang Ai Cập. Đây là chuyến tông du bên ngoài nước Ý thứ 18 của ĐTC Phanxicô và được xem là một chuyến đi nguy hiểm nhất.

Thật vậy, chỉ mới tháng Hai vừa qua, khủng bố Hồi Giáo đã giết chết 7 Kitô hữu tại bán đảo Sinai, một địa danh rất quen thuộc trong Kinh Thánh. Năm 2016, khủng bố Hồi Giáo nổ bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Thánh Máccô, giết chết và làm bị thương rất nhiều giáo dân. Từ sau cuộc nổi dậy Ả rập vào năm 2011 tới nay, những vụ khủng bố nhắm vào các nhà thờ và các cộng đoàn Kitô nhiều không thể kể xiết. Tiêu biểu là trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2013, các nhà thờ Kitô Giáo bị tấn công đồng loạt. Chỉ trong một ngày đó thôi, 36 nhà thờ tại thủ đô Cairo bị đốt phá. Trong bối cảnh đó, chuyến tông du của ĐTC sang Ai Cập được xem là quá sức nguy hiểm.

Theo chương trình, ĐTC Phanxicô sẽ có mặt tại Cairo trong hai ngày 28-29 tháng 4/2017. Ngài sẽ gặp các nhà lãnh đạo một trong những tổ chức Hồi giáo Sunni hàng đầu thế giới, nhà lãnh đạo Chính thống Coptic và các đại diện của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập. ĐTC cũng sẽ cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại Cairo và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người sống đời thánh hiến.

Tưởng cũng nên biết, Ai Cập có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 272,000 tín hữu trong số 1% còn lại.

- Thư ĐTC về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo.

ĐTC kêu gọi đào sâu suy tư và chia sẻ về nội dung Tông Huấn “Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), trong dịp chuẩn bị và tiến hành Đại Hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới, từ ngày 21-26 tháng 8/2018 tại Dublin, thủ đô Cộng hòa Ailen về đề tài: “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các gia đình Công Giáo thế giới được công bố trong cuộc họp báo, sáng hôm 30 tháng 3 năm 2017 của Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell người Ai Len, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống.

ĐTC viết: “Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tin Mừng có tiếp tục là niềm vui cho thế giới hay không? Gia đình có tiếp tục là Tin Mừng cho thế giới ngày nay hay không?”. ĐTC xác quyết là có và khẳng định rằng, “Gia đình chính là sự khẳng định của Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ đi từ tình yêu gia đình mới có thể biểu lộ, phổ biến và tái tạo tình thương của Thiên Chúa trong thế giới…”

Và ĐTC tái bày tỏ mong ước một “Giáo Hội đi ra ngoài, không tự tham chiếu, một Giáo Hội không rời xa những vết thương của con người, nhưng là một Giáo Hội từ bi thương xót, loan báo trọng tâm mạc khải của Thiên Chúa Tình Thương chính là Lòng Thương Xót. Chính lòng thương xót này đổi mới chúng ta trong tình yêu…”

- ĐTC tiếp kiến Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc.

Sáng ngày 4-4-2017, ĐTC đã tiếp kiến 300 tham dự viên Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp “Phát triển các dân tộc” (Populorum progressio) của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt khai triển ý nghĩa của thành ngữ: “phát triển nhân bản toàn diện” mà Thông Điệp của Đức Phaolô VI cổ võ, và đó cũng là danh xưng của Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện mới được thành lập. ĐTC nói: “Nghĩa vụ liên đới buộc chúng ta phải tìm kiếm những thể thức đúng đắn để chia sẻ, để tránh thảm trạng phân chia lệch lạc: người thì có nhiều quá, kẻ thì không có gì, người gạt bỏ và kẻ bị gạt bỏ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới giúp nhân loại có được một tương lai hòa bình và hy vọng”.

ĐTC nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là đưa vào việc phát triển tất cả những yếu tố làm cho sự phát triển thực sự là phát triển, nghĩa là bao gồm các hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chánh, lao công, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, tất cả đều không thể từ bỏ được trong tiến trình tăng trưởng. Và trong sự phát triển toàn diện ấy, cần có sự hội nhập các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, thể xác và linh hồn.

Buổi tiếp kiến của ĐTC dành cho các tham dự viên nằm trong chương trình 2 ngày của Hội nghị kỷ niệm 50 năm Thông điệp Phát Triển các dân tộc.

- Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram.

Vatican – Mọi người trên khắp thế giới có thể kết nối trực tiếp với văn phòng “Đồng tiền thánh Phêrô” qua Twitter (@Obolus_EN) và Instagram. Đây là cơ quan nhận sự đóng góp của các tín hữu như dấu chỉ sự chia sẻ của họ với những quan tâm của ĐGH cho các nhu cầu khác nhau của Giáo Hội toàn cầu.
Vào tháng 11/2016, cơ quan bác ái này đã mở một trang web với các ngôn ngữ Anh, Italia và Tây ban nha nhắm thông tin trực tiếp, chính xác và minh bạch cho các tín hữu Công Giáo khắp thế giới và những ai muốn giúp cho những người nghèo khổ nhất.

Sứ điệp của ĐGH đã được đăng trên trang web, nay cũng được post trên Twitter và Instagram, với các hình ảnh, suy tư và thông tin về các công việc bác ái của Tòa Thánh.

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” cam kết hỗ trợ các chương trình lớn nhỏ trên khắp thế giới, như xây dựng bệnh viện nhi ở Bangui, Trung phi, xoa dịu đau khổ của dân Ucraina và hỗ trợ đại học Công Giáo đầu tiên ở trên đất Jordan.

- ĐHY Robert Sarah nói rằng, “sự tàn phá phụng vụ” phản ánh cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng.

Trong một bài diễn văn tại một hội nghị tại Đức nhân kỷ niệm 10 năm (2007-2017) tự sắc Summorum Pontificum của ĐGH Bênêđíctô XVI, về việc sử dụng các hình thức Phụng Vụ trước cuộc cải cách của Công Đồng Chung Vatican II, ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một đánh giá thẳng thừng về “thảm hoạ, sự tàn phá và sự phân ly mà những người đề cao một thứ phụng vụ sống động và hiện đại đang gây ra.”

ĐHY Sarah nhắc nhở cử tọa rằng khi công bố tự sắc Summorum Pontificum, mở rộng việc tiếp cận phụng vụ truyền thống La tinh, ĐGH Bênêđíctô XVI đã bày tỏ hy vọng rằng hai hình thức nghi lễ Rôma này sẽ làm phong phú thêm cho nhau. Theo ĐHY, việc đó là điều cần thiết, trước tình trạng nghèo nàn của Phụng Vụ Công Giáo ngày nay.

ĐHY nói: “Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đức tin … đã làm cho chúng ta không thể hiểu được phụng vụ Thánh Thể như một lễ tế hy sinh, như một hành động được thực hiện một lần và cho tất cả bởi Chúa Giêsu Kitô, như một hy lễ xuyên suốt trong toàn thể Giáo Hội, qua các thời đại, ở mọi nơi, xuyên suốt qua các quốc gia và các dân tộc khác nhau. Ngài nói rằng thời kỳ sau Công Đồng Vatican II là một “mùa xuân” cho Giáo Hội, nhưng ngày nay các nhà quan sát khôn ngoan nhận ra rằng đáng buồn thay đang có một khuynh hướng “khước từ di sản hàng thế kỷ của Giáo Hội”.

Trong một nhận xét rất cay đắng, ĐHY nói: “Các nhà chính trị Châu Âu bị khiển trách vì bỏ rơi hoặc chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo của nó. Nhưng người đầu tiên đã bỏ rơi căn cội Kitô và quá khứ của mình chính là Giáo Hội Công Giáo sau công đồng.”

- Giáo Hội Công Giáo và những người trẻ Á Châu trong một xã hội đa văn hóa.

Indonesia – Đại Hội Giới Trẻ Á Châu kỳ VII năm 2017 sẽ được tổ chức tại Indonesia ngày 30 tháng Bảy đến ngày 9 tháng Tám sắp tới. Sẽ có chừng 3000 người trẻ Công Giáo từ 29 quốc gia Á Châu đến tham dự. Chủ đề của Đại Hội là “Sống theo Phúc Âm ở giữa lòng Á Châu đa văn hóa”.

Người chịu trách nhiệm về giới trẻ của HĐGM là Đức GM Píu Riana Prapdi, cho biết: “Chúng tôi muốn hướng dẫn giới trẻ phát huy tình thần đoàn kết và lòng nhân ái đối với những khó khăn mà người dân Á Châu đang phải chịu đựng: đó là sự nghèo đói, môi trường ô nhiễm, những lạm dụng về dân quyền căn bản, ma túy, bạo lực và bất công.”

Những ngày đại hội được chia ra làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu ở trong các địa phận, giai đoạn hai ở giữa thành phố lớn, và cuối cùng là gặp gỡ các vị chủ chăn các giáo xứ phụ trách giới trẻ”. Trong giai đoạn đầu tiên, các thành viên tham dự được gởi đến 11 giáo phận của Indonesia ở đó họ sống chung và chia sẻ các kinh nghiệm đặc biệt. Rồi tất cả sẽ di chuyển đến Yogyakarta tham dự những buổi học giáo lý, phụng vụ và lễ hội để làm quen với nguồn gốc lịch sử của họ và tìm hiểu nét chung về đức tin Công Giáo vào Chúa Kitô.

- Có một không hai: Chặng đàng Thánh Giá dài 400 km ở Ấn Độ.

Đi đàng Thánh Giá, đi bộ, một khoảng đường dài 400 km ở giữa thánh đường Mount Mary ở Bandra và Mount Mary ở Haregaon là mục tiêu cuả 40 thanh niên Công Giáo Ấn Độ trong mùa Chay này. Đây không chỉ là một cuộc thử thách sức lực thể chất mà thôi, mục tiêu chính cuả cuộc 'hành hương' là "Đổi mới tinh thần và chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô." Những thanh niên hành hương còn nhắm vào một mục đích khác nữa, đó là kết thân với nhau trong tinh thần yêu mến Đức Mẹ và Hòa Bình.

Sáng mùng 1 tháng 4, họ đã khởi hành sau khi dự lễ tại Vương Cung Thánh Đường Mount Mary Basilica ở Bandra, Mumbai; và kết thúc vào ngày 4 tháng 4, bằng một Thánh lễ tại đền thờ Marian Haregaon Nashik ớ quận Ahmadnagar. Chạy đẫn đầu đoàn hành hương là một thanh niên vác lá cờ đoàn, 40 thanh niên sẽ luân phiên vác cờ giống như trong một cuộc chạy đua chuyến tiếp vậy; còn đoàn người theo sau thì lần chuỗi hoặc hát thánh ca. Sau cùng là một chiếc xe Van chở các trang phục cho 14 kịch cảnh Thương Khó, trang phục đã được biến đổi để phù hợp với phong tục của từng địa phương.

Cuộc hành hương bây giờ đã trở thành một truyền thống được duy trì tới lần thứ 6. Vị tuyên úy là linh mục Kadam cho biết rằng "đa số những người tham gia là thuộc thế hệ Công Giáo thứ hai (tức là có cha hay mẹ là người tân tòng), tuổi từ 16 đến 25". Hầu hết họ là người nghèo và phải đấu tranh mỗi ngày để kiếm sống. Để gây quĩ cho cuộc hành hương, họ đã đóng góp rất nhiều thời gian và sức lực trong các công việc phục vụ cộng đồng.

- Giám Mục Mễ Tây Cơ gặp gỡ băng đảng để cứu các linh mục của mình.

Trong một diễn biến gây tranh cãi tại Mễ Tây Cơ, một Giám Mục nước này đã gặp các tên trùm băng đảng nhằm “xin tha mạng” cho các linh mục của ngài.

ĐC Salvador Rangel Mendoza của giáo phận Chilpancingo-Chilapa trong tiểu bang Guerrero đã nhờ những người trung gian sắp đặt một cuộc gặp gỡ với các tên trùm băng đảng, sau khi nghe tin một số linh mục của ngài đã bị đe dọa giết hại. Ngài tường thuật rằng đã nói với tên này rằng “với cái chết chúng ta sẽ không thể giải quyết được bất cứ điều gì.”

Trả lời cho những chất vấn là tại sao ngài không nhờ cảnh sát bảo vệ lại phải hạ mình năn nỉ bọn du đảng mua bán ma tuý, ĐC Rangel giải thích: “Hầu hết tiểu bang Guerrero đều đã nằm trong tay bọn buôn ma túy. Ở đây làm gì có cảnh sát và luật pháp!”

- Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm.

Một nữ tu người Syria được vinh danh hôm 29/3 vừa qua với giải thưởng: “Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Đệ nhất phu nhân Hoa kỳ Melania Trump đã trao giải thưởng nhìn nhận những phụ nữ khắp toàn cầu, những người chứng tỏ lòng can đảm phi thường và sự lãnh đạo trong việc vận động cho nữ quyền, quyền hành và công lý, thường gặp nguy hiểm cho bản thân.

Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh, dòng “Nữ Tử Đức Maria Trợ Giúp Các Kitô Hữu”, sống ở Aleppo, Syria, đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp nhu cầu của những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất của Syria, đặc biệt là những người di cư nội địa và các trẻ em. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ nhìn nhận: “Trong giai đoạn bom đạn dữ dội xung quanh một trường học lân cận, sơ Carolin đã quên mình để bảo đảm rằng, các trẻ em được mang trở lại nhà an toàn cho bố mẹ các em. Sơ là ngọn hải đăng hy vọng cho cả người Hồi giáo lẫn Kitô giáo, khi liều mạng sống trước nguy hiểm.”

- Các trường Hồi Giáo ở Sénégal tổ chức ăn mày kiểu Mafia?

Xứ Sénégal Phi châu có một loại trường đạo Hồi giáo gọi là Daara, giống như một trường nội trú chuyên dạy kinh Koran vậy. Các cha mẹ hồi giáo từ các xứ láng giềng như Gambia, Mali và Guinea Bissau thường cho con em, tuổi từ 3 cho đến 15 đi tu học tại đây.

Trẻ em theo học ở một trường Daara thì được gọi là Đệ Tử, và người giáo viên dạy đạo cho chúng được gọi là Sư Phụ. Nhưng một số Sư Phụ, thay vì dạy đệ tử về kinh Koran, đã lạm dụng các em bằng cách bắt đi ăn xin ngoài đường phố. Theo thống kê mới đây được Agenzia Fides tường thuật lại thì hiện nay có khoảng 50.000 đệ tử ăn xin trên đường phố. Những nghiên cứu cho biết mỗi đứa phải đi xin khoảng gần 8 giờ một ngày. Nhiều Sư Phụ Marabut còn đặt chỉ tiêu là mỗi đứa phải mang về bao nhiêu tiền hay đặt thêm tiêu chuẩn về thực phẩm như phải xin bao nhiêu gạo hoặc đường.

Theo nhiều điều tra từ các tổ chức Phi Chinh Phủ (NGO), sự lạm dụng này đã đưa nhiều đệ tử vào nguy cơ bệnh tật, thương tích, tử vong, lao lực và bị lạm dụng tình dục. Nhiều đứa trẻ đã tìm cách trốn ra khỏi thảm cảnh này, nhưng đó chỉ là những cố gắng vô vọng vì hoàn cảnh xa nhà và sự thờ ơ cuả chính quyền và xã hội hồi giáo.

Tiếp tục chương trình Thánh Ca mùa Chay, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em nhạc phẩm, Xin Lỗi Chúa của nhạc sĩ Lê Đức Hùng, được trình bày qua tiếng hát ca sĩ Kim Thúy, với phần hình ảnh minh họa của anh Đặng Minh An. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức!

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/219900.htm

CÁC TIN KHÁC: