Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 15/2/2017
16/02/2017 12:00:00 SA
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng Kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.
2- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của ĐTC Phanxicô.
3- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam.
4- ĐTC gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.
5- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.
6- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.
7- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.
8- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.
9- ĐHY Charles Maung Bo của Miến Điện nói: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.
10- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa.
Sau đây là phần tin chi tiết:
- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.
“Niềm hy vọng Kitô vững vàng và không gây thất vọng, vì nó dựa trên chính tình yêu trung thành và chắc chắn mà Thiên Chúa có đối với từng nguời trong chúng ta, chứ không dựa trên điều chúng ta có thể làm hay có thể là, hoặc có thể tin.” ĐTC Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2017, trong đại thính đường Phaolô 6. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài niềm hy vọng không gây thất vọng, dựa trên đoạn kinh thánh trích từ chương 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. ĐTC nói:
“chúng ta được mời gọi khoe khoang về ơn thánh dồi dào, trong đó chúng ta được thấm nhuần trong Đức Giêsu Kitô, qua lòng tin. Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta học đọc hiểu mọi sự với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng tất cả là ơn thánh! Tất cả là quà tặng. Thật vậy, nếu chúng ta chú ý hành động – trong lịch sử cũng như trong cuộc sống chúng ta – chúng ta không cô đơn, nhưng trước hết có Thiên Chúa hành động. Chính Ngài là nhân vật tuyệt đối, là Đấng tạo dựng mọi sự như một ơn của tình yêu thương, là Đấng dệt chương trình cứu độ của Ngài, và đưa nó tới chỗ thành toàn cho chúng ta, qua Đức Giêsu Con Ngài.”
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thánh Phaolô còn khích lệ chúng ta khoe khoang trong khốn khó nữa. Điều này không dễ mà hiểu được… Thật ra sự bình an mà Chúa cống hiến và bảo đảm cho cho chúng ta không được hiểu như là vắng bóng lo lắng, vỡ mộng, thiếu sót, và các lý do khổ đau. Nếu đã là như thế, thì trong trường hợp chúng ta thành công ở trong an bình, lúc đó sẽ mau kết thúc và chúng ta sẽ rơi vào sự chán nản không thể tránh được.
Và ĐTC nói thêm, … niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta không chia rẽ chúng ta với những người khác, lại càng không đưa chúng ta tới chỗ làm mất uy tín họ, hay gạt bỏ họ ngoài lề. Trái lại, đây là một ơn ngoại thường mà chúng ta được mời gọi làm kênh dẫn truyền tới mọi người, với lòng khiêm tốn và đơn sơ. Khi đó sự khoe khoang lớn nhất của chúng ta sẽ là có một Thiên Chúa là Cha, là Đấng không có các ưu tiên, không loại trừ ai hết, nhưng mở rộng cửa nhà cho tất cả mọi người như con cái Ngài , bắt đầu từ những người sau cùng và xa nhất; để như là con cái của Ngài chúng ta học an ủi và nâng đỡ nhau.
ĐTC đã chào các tín hữu và các đoàn hành hương đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha cũng chào ca đoàn thiếu nhi Note Ascendenti, Italia và các em đã hát chào mừng ĐTC.
Sau khi nghe các em hát ĐTC nói: Khi muốn một điều thì cũng phải làm như thế. Chúng ta phải làm như thế với lời cầu nguyện, khi chúng ta xin Chúa điều gì đó: năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ… đó là một thí dụ đẹp, một thí dụ đẹp của lời cầu nguyện, xin cám ơn chúng con.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của Đức Phanxicô,
Theo tin của Cindy Wooden, thuộc Catholic News Service, ngày 13/2/2017, sau một số thách thức công khai đối với giáo huấn và thẩm quyền của ĐTC Phanxicô, các thành viên của Hội Đồng 9 Hồng Y do chính Ngài thành lập, nhân dịp phiên họp thứ 18, đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn” của các vị đối với việc làm của ngài. Thực vậy, theo một bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ĐHY người Honduras, Oscar Rodriguez Maradiaga, phối trí viên của Hội Đồng, khởi đầu phiên họp, với sự hiện diện của ĐTC Phanxicô, đã cam đoan với ĐTC rằng: các Hồng Y hoàn toàn ủng hộ con người và huấn quyền của ngài. Bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay việc ủng hộ hoàn toàn này đã được đưa ra liên quan tới các biến cố gần đây. Tuy Bản Tuyên Bố không cho biết đó là những biến cố nào, nhưng nó được công bố chỉ vài ngày sau khi một ấn bản giả của nhật báo Tòa Thánh là L’Osservatore Romano được gửi qua điện thư cho các giới chức Tòa Thánh và một tuần lễ sau khi các bích chương được phát hiện trên các bức tường quanh Thành Phố Rôma chỉ trích ngài về các hành vi liên quan tới Hội Hiệp Sĩ Malta và một số nhóm khác. Nó cũng xuất hiện một vài tháng sau ngày Đức Hồng Y người Mỹ Raymond Burke và 3 vị Hồng Y đã về hưu công khai tỏ ý hoài nghi đối với giáo huấn của ngài trong chương 8 của Tông Huấn "Amoris Laetitia".
- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam
Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Nha Trang, đăng trên VietCatholic ngày hôm qua, 14/ 2/2017, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, với 58 năm Linh mục và 42 năm Giám mục, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã được về cùng Chúa lúc 8.00 chiều thứ Ba ngày 14/ 2/ 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang, hưởng thọ 86 tuổi. Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9.00 sáng thứ Bảy ngày 18/ 2/ 2017 tại Tòa Giám Mục Nha Trang. Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, trích từ bản Cáo Phó của Giáo Phận Nha Trang:
Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa sinh ngày 20/7/1931, tại Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam.
Ngài thụ phong Linh mục tại Roma ngày 10/ 12/1959, trong thời gian còn đang du học tại Đại Chủng viện Propaganda Fide, Roma – Italia. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh Nhạc tại Đại học Urbaniana và Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc, Roma – Italia.
Trở về Việt Nam năm 1963, ngài được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ Chánh Tòa Đà Lạt, kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trí Đức, Đà Lạt. Năm 1968, ngài gia nhập Giáo phận Ban Mê Thuột, được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Giám mục, đồng thời kiêm nhiệm Linh hướng Dòng Nữ Vương Hoà Bình, Ban Mê Thuột.
Ngày 10/1/1975, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Ngài chọn khẩu hiệu ‘’ Trong Tinh thần và Chân lý ‘’ làm châm ngôn mục vụ.
Ngày 5/4/1975, ngài được tấn phong Giám mục tại Tòa giám mục Ban Mê Thuột, và sau đó, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Từ 2001-2007, ngài là Chủ tịch HĐGMVN trong 2 nhiệm kỳ VIII và IX.
Từ 2006 -2009, ngài được chỉ định làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.
Ngày 4/12/2009, ngài được Tòa thánh chấp nhận cho nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.
Như đã thông báo ở phần đầu của bản tin này, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã được về cùng Chúa tại Tòa Giám Mục Nha Trang, vào lúc 20g00, thứ Ba ngày 14/2/2017.
4- Đức Thánh Cha gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.
VATICAN - Hôm 11/ 2/ 2017, ĐTC đã bổ nhiệm ĐC Henryk Hoser, TGM giáo phận Varsava-Praga - Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh. Làng Medjugorje, cũng gọi là làng Mễ-Du thuộc cộng hòa Bosni Erzegovine, là nơi 6 thiếu niên Công Giáo người Croát quả quyết họ đã được Đức Mẹ hiện ra từ ngày 24/ 6/ 1981. Từ đó đến nay, đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây. Giáo Quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.
Hồi tháng 3/ 2010, ĐTC Biển Đức XVI cũng đã lập Ủy ban điều tra gồm 20 chuyên gia quốc tế, và bổ nhiệm ĐHY Camillo Ruini, nguyên Giám quản Roma, làm chủ tịch. Sau gần 4 năm làm việc, hồi tháng 2/2014 Ủy ban đã đệ trình lên ĐTC Phanxicô, nhưng cho đến nay Tòa Thánh chưa công bố kết quả cuộc điều tra hoặc quyết định gì về Medjugorje.
Vì chưa được công nhận, nên Giáo quyền chỉ cám các cuộc hành hương chính thức, nhưng không cấm các tín hữu đến hành hương với tư cách riêng.
Thông cáo công bố hôm 11/2/2017 của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:
“Sứ vụ của Đức TGM Đặc Sứ Hoser là thu thập thêm những kiến thức sâu xa hơn về tình hình mục vụ tại Medjugorje và nhất là về những nhu cầu của các tín hữu đến đó hành hương, và dựa theo đó, đề nghị những sáng kiến mục vụ cho tương lai. Vì thế, sứ vụ này hoàn toàn có tính chất mục vụ.”
- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.
5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công Giáo và các Giáo Hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công Giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên. Một nhóm 200 người của hai Giáo Hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.
ĐHY Reinhard Marx của TGP Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh Kinh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành. Các vị lãnh đạo của Công Giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai. Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo Hội Công Giáo.
Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công Giáo hàng thế kỷ. Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện có khoảng 24 triệu tín hữu và Tin Lành khoảng 23 triệu tín hữu, đa số là Tin Lành Luther trên tổng số hơn 82 triệu dân.
- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.
Linh mục Georgy Mamaladze, giám đốc ủy ban quản lý tài sản của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Georgia, đã bị bắt giữ về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II. Viện trưởng Viện Công Tố Irakly Shotadze đã cho biết như trên hôm thứ Hai 13 tháng Hai. Ông Irakly Shotadze nói: “Linh mục Georgy Mamaladze đã có một mối quan hệ căng thẳng với Đức Thượng Phụ và những người bên cạnh ngài. Cuộc điều tra xác định được rằng cha Mamaladze đã chuẩn bị giết một người và đó là lý do tại sao ông đã mua cyanide từ một người chưa quen biết”.
Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu, và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả trong quan hệ với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Cộng đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua ở đảo Creta bên Hy Lạp. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Georgia của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II, năm nay 84 tuổi, là nhà lãnh đạo Chính Thống được kính trọng nhất tại Georgia, đã ra tận sân bay đón Đức Thánh Cha, và trong buổi gặp gỡ tại Tòa Thượng Phụ Georgia, tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón ĐTC Phanxicô như là “người anh em thân mến của tôi”.
- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.
Mosul - Theo trang web ankawa.com, thì ít nhất đã có 3 gia đình người Armenia trở về nhà ở khu vực phía đông cuả thành phố Mosul. Họ là các gia đình Kitô giáo đầu tiên trở về, mặc dù tình hình an ninh vẫn chưa được ổn định hoàn toàn trên toàn thành phố. Gần đây, vẫn còn xảy ra nhiều vụ đánh bom tự sát hoặc bắn súng cối gây tử thương cho 9 thường dân. Đám chiến binh Hồi Giáo Daesh thuộc tổ chức khủng bố ISIS đã đánh chiếm Mosul ngày 9 tháng 6 năm 2014. Trong những tuần kế tiếp, tất cả các Kitô hữu trong thành phố đã bị trục xuất và phải chạy qua các làng Kitô giáo ở vùng bình nguyên Nineveh; rồi khi quân ISIS tiến chiếm vùng này, họ lại phải chạy về các trại tị nạn ở Kirkuk và Erbil là những nơi có quân Peshmerga của người Kurd bảo vệ. Nhóm tị nạn cuối cùng là một nhóm 10 cụ già, bị trục xuất ngày 7/1/2015 vì từ chối không bỏ đạo. Cả nhóm, toàn là những người già yếu không đủ sức lê chân, đã mò tới được Kirkuk sau hai ngày lặn lội qua vùng chiến tuyến “bắn bỏ tự do (no man's land)” trong cái lạnh thấu xương cuả vùng sa mạc.
- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.
New Delhi – Nhu cầu về văn chương Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ và thị trường đang mở rộng. Cha Saju Chackalackal, dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm và là giám đốc về Loan báo Tin mừng và mục vụ của dòng đã nói với hãng tin Fides như thế. Cha nói: “Rất nhiều người, cả người học thức cũng như dân làng và dân ở các thành phố, mong muốn có một bản Thánh kinh, đặc biệt là Tân Ước. Hiện nay có một mong ước giữa dân chúng là có thể có các sách về Kitô giáo để giúp các tin hữu có một ý niệm rõ ràng và đào sâu nội dung đức tin Kitô giáo và cụ thể là về Giáo Hội Công Giáo.” Cha Saju cũng cho biết là các thừa sai dòng Cát minh và các dòng khác yêu cầu cung cấp Thánh kinh để phân phát cho dân chúng, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, … nhưng do yêu cầu gia tăng nên các nguồn của ủy ban Loan báo Tin mừng và mục vụ không đủ để cung cấp. Dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm được thành lập trong Giáo Hội Siro-Malaba và là hội dòng Công Giáo đầu tiên ở Ấn độ.
- ĐHYCharles Maung Bo: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.
Miến Điện – Tại Myanmar đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu, Đức Mẹ là đấng duy nhất hiệp nhất con người của mọi sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đó là lời khẳng định của ĐHY Charles Maung Bo, TGM Yangon, với 100 ngàn khách hành hương thuộc các tôn giáo khác nhau, trong cuộc hành hương hàng năm tại đền thánh Đức Maria ở Nyaunglebin, miền Bago, Myanmar. Đối với ĐHY, sự liên kết – đặc tính của cuộc hành hương kính Đức Mẹ - là “một sự kiện hiếm hoi” và hòa bình mà “anh chị em đang cảm nghiệm” không phải là một yếu tố chung cho cả nước Myanmar. ĐHY nhấn mạnh đến các cuộc xung đột làm cho hơn 200 ngàn người trở thành tị nạn tại chính đất nước mình.
Ngài nói: “Không phải chính phủ hay Liên hiệp quốc có thể là nguồn hiệp nhất như Mẹ Maria làm hôm nay cho tất cả chúng ta.” ĐHY mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt với Mẹ Maria, là Nữ vương hòa bình, để xin Mẹ ban bình an cho quốc gia của Ngài, từ 60 năm nay vẫn phải sống trong chiến tranh, không phải chiến tranh với ngoại bang nhưng giữa anh em với nhau.
- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa
Ngày 14/ 2/2017, một đoàn hàng trăm người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.
Một vị linh mục và ngư dân trong đoàn người này cho biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường đi nộp đơn kiện. Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân của ngài, cho đài VOA biết: “Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm: “Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập, … hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.”
Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi…
Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho đài VOA biết: “Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng.”
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN