Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Thời sự tuần qua 10/02/2017: Căng thẳng tôn giáo tại Nam Á, “Bin Laden” của xứ Miến</b>
09/02/2017 12:00:00 SA

Một trong những tin tức kinh hoàng nhất trong tuần qua là báo cáo của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 3 tháng 2 về tình trạng bi thảm của người Rohingya ở Miến Điện. Giám đốc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là ông Zeid Ra'ad al-Hussein cho biết nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em đã bị giết bằng dao găm trong một chiến dịch quân sự của quân đội Miến Điện nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.

Trong một cuộc bố ráp ở Rakhine, lực lượng an ninh Miến Điện đã trói tất cả những người đàn ông Rohingya và đưa họ lên xe, trước khi đi từ nhà này sang nhà khác cưỡng hiếp tập thể các phụ nữ, và đôi khi còn giết chết cả những đứa bé đang kêu khóc hoặc cố gắng bảo vệ bà mẹ của chúng. Trong một trường hợp đầy thương tâm, một đứa bé mới 8 tháng tuổi đã bị đâm bằng lưỡi lê cho tới chết. Một đứa bé khác mới 5 tuổi bị cắt đứt cổ họng.

Ông Zeid Ra'ad al-Hussein mô tả những hành vi tàn bạo này là “những tội ác nghiêm trọng” chống lại người Rohingya, đặc biệt là trẻ em, và nói rằng các tiếng khóc và những cái chết tức tưởi của các em bé bị đâm này “đang van xin một phản ứng từ cộng đồng quốc tế”.

Ông nói:

“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, với tất cả sức mạnh của mình, hiệp với tôi trong việc kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện kết thúc tức khắc tất cả các hoạt động quân sự như thế. Mức độ nghiêm trọng và quy mô của những tội ác này đòi phải có một phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.”

“Chính phủ Miến Điện phải chặn đứng ngay tức khắc những vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với người dân của họ, thay vì cứ tiếp tục phủ nhận rằng những tội ác này không hề xảy ra. Chính phủ Miến Điện phải chịu trách nhiệm và bảo đảm rằng các nạn nhân phải được tiếp cận với công lý, được bồi thường và được sống trong an bình”.

Những con người không quốc tịch, không căn cước, không khai sinh

Theo các nhà sử học, những người Rohingya đã có mặt tại vùng đất hiện nay là bang Rakhine ít nhất từ thế kỷ thứ 15. Khi người Anh đô hộ Miến Điện, sổ bộ thống kê của họ vào năm 1872 ghi nhận có 58,255 người Rohingya sống trong vùng này. Con số này tăng lên đến 178,647 người vào năm 1911.

Năm 1948, khi Miến Điện độc lập khỏi Anh, chính phủ mới từ chối công nhận người Rohingya là công dân Miến Điện. Sau cuộc đảo chính vào năm 1962, tướng Ne Win thực hiện nhiều cuộc hành quân lùng giết người Rohingya trong các vùng hẻo lánh suốt hai thập niên. Người Rohingya phải chạy qua chạy lại giữa Miến Điện và Bangladesh vì cả hai quốc gia này không ai thừa nhận họ. Nhiều người Rohingya lâm vào tình cảnh không quốc tịch, không căn cước, không khai sinh.

Tình hình của người Rohingya còn trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ bạo loạn tôn giáo vào năm 2012.

Cuộc bạo loạn năm 2012 tại bang Rakhine là hệ quả của một loạt những dàn dựng nhằm tạo ra những căng thẳng giữa cộng đồng Phật tử tại đây với người Hồi giáo Rohingya. Các Phật tử lo ngại rằng người Hồi Giáo sẽ chiếm đa số tại bang này và Phật giáo cuối cùng sẽ bị tận diệt tại quê hương của họ. Các cuộc bạo loạn đã xảy ra vào ngày 10 tháng Sáu năm 2012 sau khi trong cộng đồng Phật tử có tin đồn một phụ nữ trong số họ đã bị hãm hiếp và giết chết bởi người Rohingya. Trong khi đó, trong cộng đồng Hồi Giáo lại có tin đồn mười người trong số họ đã bị giết. Hậu quả bi đát là 2,528 căn nhà bị đốt, và 88 người chết. Xung đột lại diễn ra vào tháng 10 năm đó khiến ít nhất 80 người bị giết và 20,000 người bỏ chạy ra nước ngoài.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là cảnh những người Rohingya trôi dật dờ trên Ấn Độ Dương. Những người Việt đã trải qua cuộc hành trình tìm tự do hiểu rõ những âu lo, gian truân, và nguy hiểm của cuộc hành trình. Như đã xảy ra với người Việt chúng ta trên đường vượt biên tìm tự do, người ta tìm thấy biết bao những con tàu ma, trên đó không một người Rohingya nào còn sống sót sau những ngày tháng lênh đênh trên biển.

Tại sao bạo loạn xảy ra?

Tờ The Economist cho rằng khi chuyển đổi sang chế độ dân chủ tại Miến Điện vào năm 2011, quân đội đã tìm cách giữ lại các vị trí đặc quyền đặc lợi, vì thế họ tạo ra cuộc bạo loạn vào năm 2012 để quân đội có thể tạo một ấn tượng mạnh mẽ trước công chúng rằng họ là một lực lượng cần thiết để bảo vệ Phật pháp chống lại người Hồi giáo Rohingya.

Đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee, người Nam Hàn cáo buộc chính quân đội đã đưa dao và thực phẩm miễn phí cho các Phật tử và chở họ từ Sittwe lên Arakan tấn công người Rohingya. Chính quyền Miến Điện cho đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc này nhưng lại không bắt bất cứ ai tham gia vào vụ tấn công người Rohingya ra xét xử.

Tờ Times trong số ra ngày 20 tháng Sáu năm 2013, với nhan đề “The Face of Buddhist Terror”, nghĩa là “Bộ mặt của khủng bố Phật giáo”, cáo buộc người đứng đằng sau tất cả những biến loạn này là Nhà sư Ashin Wirathu.

Nhà sư Ashin Wirathu là ai?

Nhà sư Ashin Wirathu là người nổi tiếng tại Miến Điện với những bài phát biểu nẩy lửa đầy hận thù kêu gọi các Phật tử nước này hãy thức tỉnh trước nguy cơ bị Hồi Giáo hóa, mặc dù trong tổng số 57 triệu dân 88% là Phật tử và người Hồi Giáo chỉ có 4.3%. Các Kitô hữu chiếm 6.3%.

Không những nổi tiếng tại Miến Điện, Nhà sư Wirathu còn nổi tiếng trên thế giới vì đã dám chửi đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee bằng những từ rất hạ cấp mà chúng tôi không dám nêu ra ở đây.

Wirathu sinh năm 1968, đến năm 14 tuổi thì bỏ học để đi tu.

Năm 2003, ông đã bị kết án 25 năm tù giam vì tham gia vào một tổ chức rất cực đoan nhằm chống lại người Hồi Giáo nhưng được trả tự do vào năm 2010 cùng với các tù nhân chính trị khác.

Sau khi ra tù, Wirathu sử dụng rất thành công các phương tiện truyền thông xã hội. Ông truyền bá thông điệp chống Hồi Giáo của mình bằng cách đăng các bài giảng trên YouTube và Facebook, thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và nhanh chóng được tôn vinh là nhà lãnh đạo tinh thần của 969 nhóm bảo vệ Phật pháp.

Bài giảng của ông chủ yếu dọa các Phật tử về nguy cơ bị Hồi Giáo hóa. Ông lặp đi lặp lại các tuyên bố vô căn cứ về tỷ lệ sinh sản của người Hồi Giáo và tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi tống cổ người Rohingya sang một nước thứ ba.

Ông cũng tuyên bố rằng phụ nữ Phật giáo đang bị người Hồi Giáo buộc cải đạo bằng vũ lực và dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ đòi sửa đổi hiến pháp nhằm ngăn chặn phụ nữ Phật giáo Miến Điện không được kết hôn với nam giới thuộc các tôn giáo khác mà không có sự cho phép chính thức của các nhà sư.

Ít ai dám chống lại ông vì ông chủ trì một tu viện Phật giáo có tới 2,500 nhà sư tại Mandalay; và được sự hậu thuẫn tuyệt đối của quân đội, của những tướng tá cùng một quan điểm với ông là Phật giáo tại Miến Điện đang bị lâm nguy, và người dân Miến Điện cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ Phật pháp.

Một chính phủ trên danh nghĩa là dân sự nhưng sau gần nửa thế kỷ bị cai trị bởi quân đội, vẫn chưa hoàn toàn tự chủ, nên nếu quân đội ủng hộ ông thì chính quyền cũng chẳng có ai dám chống lại ông. Hơn thế nữa, nhiều người tin rằng chính quyền Miến Điện để yên cho Wirathu, vì ông nói lên chính quan điểm của họ, về người Rohingya, và về đạo Hồi, mà họ không thể tự mình nói lên vì những lý do ngoại giao.

Chỉ có duy nhất một người đàn bà dám lên tiếng công khai chống lại ông là Tổng thư ký Liên đoàn Phụ nữ Miến Điện Tin Tin Nyo.

Bà Nyo nói: “Ông ta làm xấu hổ đất nước chúng tôi. .. làm phương hại đến chiếc áo cà sa đang mặc trên người”

Cô cũng nói rằng chiến dịch của Wirathu nhằm đưa ra một luật cấm phụ nữ Phật giáo không được kết hôn với nam giới thuộc các tôn giáo khác không phải là một hình thức bảo vệ nhưng là một thủ đoạn muốn kiểm soát: “Phụ nữ chúng tôi phải có quyền quyết định muốn kết hôn với ai mà chúng tôi thương mến bất kể tôn giáo”.

Tình trạng của người Rohingya trong những ngày này ra sao?

Từ tháng 10 năm ngoái, 2016, quân đội Miến Điện đã mở những cuộc hành quân thanh lọc nhằm tận diệt người Rohingya. Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng 70,000 người tị nạn đã tràn qua biên giới Bangladesh. Quốc gia này đã chứa chấp 200,000 người tị nạn Rohingya.

Trong một diễn biến mới nhất, Bangladesh đang muốn đưa người tị nạn Rohingya sang một đảo hoang. Hàng ngàn người tị nạn Rohingya sẽ được đưa đến một hòn đảo không ai cư trú trong Vịnh Bengal. Đây là một giải pháp ngắn hạn của nhà cầm quyền Bangladesh để đối phó với thảm họa nhân đạo dọc theo biên giới với Miến Điện. Nhưng hòn đảo Thengar Char này là một đảo hoang vu và thường bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Không có nhà ở, sóng điện thoại di động và con người.

70,000 người tị nạn đã rời Miến Điện từ tháng 10 đến nay từ khi bắt đầu có các cuộc đàn áp thêm vào con số hơn 200,000 người đang sống trong các trại chính thức và dã chiến. Nhiều người tại Miến Điện nơi đa số dân theo Phật giáo cho rằng họ là các di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Nhưng Bangladesh lại cho họ là các công dân Miến Điện. Những người còn sống tại Miến Điện bị từ chối quyền công dân và sống trong những điều kiện bị kỳ thị chủng tộc.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/214230.htm

CÁC TIN KHÁC: