Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 1/2/2017
02/02/2017 12:00:00 SA
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, các anh chị em chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, quý Tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới an khang thịnh vượng, tấn đức, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:
1. Đức Thánh Cha diễn giải “Sau khi chết chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”
2. Vatican và tổ chức Huynh Đoàn Piô X đã gần đạt được thỏa hiệp
3. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi điện chia buồn vụ tấn công khủng bố tại Quebec
4. Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako thăm vùng đất Iraq vừa mới được giải phóng
5. Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez nhận định về các lệnh hành pháp
6. Khủng bố IS làm tín hữu đạo Hồi mất đức tin Hồi Giáo
7. Video Thánh Lễ Giao Thừa Đón Mừng Năm Mới Đinh Dậu 2017 GX St. Maria Goretti San Jose
8. Video Thánh Lễ Minh Niên Đón Mừng Năm Mới Đinh Dậu 2017 CĐ GP San Jose
Sau đây xin mời qúi vị nghe phần tin chi tiết
1- Đức Thánh Cha diễn giải “Sau khi chết chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”
Tin Vatican - ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ, ĐTC đã trình bầy đề tài niềm hy vọng kitô vào sự sống lại mai sau. Ngài nói sau khi tìm hiểu niềm hy vọng trong vài văn bản Thánh Kinh Cựu Ước, giờ đây chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng ngoại thường của nhân đức này trong Tân Ước dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và biến cố phục sinh: đó là đức cậy kitô. Chúng ta kitô hữu, chúng ta là các người nam nữ của niềm hy vọng. Trong bài huấn dụ, ĐTC nói:
Khi thánh Phaolô viết thư cho họ cộng đoạn Thêxalônica mới được thành lập chỉ cách sự Phục Sinh của Chúa Kitô ít năm; chỉ ít năm sau thôi. Vì thế thánh tông đồ tìm làm cho họ hiểu tất cả các hiệu qủa mà biến cố duy nhất và định đoạt này - nghĩa là sự phục sinh của Chúa - bao gồm đối với lịch sử và cuộc sống của từng người. Cách riêng khó khăn của cộng đoàn đã không phải là thừa nhận sự sống lại của Chúa Giêsu, mọi người đều tin điều ấy, nhưng là tin vào sự phục sinh của những người đã chết. Phải, Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đối với những người chết thì họ hơi gặp khó khăn.
Cả chúng ta nữa, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần trở lại với gốc rễ và nền tảng đức tin của mình, để ý thức điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nơi Chúa Kitô Giêsu, và cái chết của chúng ta có nghĩa là gì. Tất cả chúng ta đều có một chút sợ hãi vì cái không chắc chắn này, phải không? Ở đây lời thánh Phaolô đến. Tôi nhớ có một ông cụ già rất giỏi đã nói với tôi: “Con không sợ cái chết. Con hơi sợ trông thấy nó đến”. Ông sợ điều đó. Đứng trước các sợ hãi và các băn khăn của cộng đoàn, thánh Phaolô mời gọi họ đứng vững vàng như một áo giáp, nhất là trong các thử thách và những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta, “niềm hy vọng của sự cứu thoát”. Nó là môt áo giáp. Đó, niềm hy vọng kitô có nghĩa là gì. Khi nói về niềm hy vọng, chúng ta có thể bị đưa tới chỗ hiểu nó theo nghĩa thông thường của từ này, có nghĩa là quy chiếu về cái gì đẹp đẽ mà chúng ta mong ước, nhưng nó có thể được thực hiện hay không được thực hiện. Chúng ta hy vọng nó xảy ra, nhưng chúng ta hy vọng như một ước mong, phải không? Chẳng hạn ta nói: “Tôi hy vọng ngày mai trời đẹp!; nhưng chúng ta biết rằng ngày hôm sau, trái lại, trời có thể xấu… Niềm hy vọng kitô không như thế.
ĐTC định nghĩa nó như sau:
Niềm hy vọng kitô là sự chờ đợi một cái gì đã được hoàn thành; ở đó có một cái cửa, và tôi hy vọng đi tới cửa đó! Tôi phải làm gì đây? Đi tới cái cửa đó! Tôi chắc chắn là tôi sẽ tới cửa. Niềm hy vọng kitô là như thế: chắc chắn rằng tôi đang tiến bước về cái gì là, chứ không phải là tôi muốn nó là. Đây là niềm hy vọng kitô. Niềm hy vọng kitô là sự chờ đợi một cái gì đã thành toàn và chắc chắn sẽ được thực hiện cho từng người trong chúng ta.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
2- Vatican và tổ chức Huynh Đoàn Piô X đã gần đạt được thỏa hiệp
Tòa Thánh Vatican và tổ chức Huynh ĐoànThánh Piô X gọi tắt là SSPX đã gần đạt được thỏa hiệp để hợp thức hóa tổ chức này. Đức TGM Guido Pozzo, thư ký ủy ban Hội Thánh Chúa (Ecclesia Dei), từng tiến hành đối thoại với nhóm bảo thủ đã xác nhận rằng, thỏa hiệp lập một giám hạt tòng nhân cho tổ chức Huynh Đoàn Thánh Piô X đã gần đạt được. Đức Giám Mục Bernard Fellay, Bề Trên Tổng Quyền của tổ chức Thánh Piô X đã cho khán giả truyền hình biết giữa tổ chức của Ngài với Tòa thánh Vatican đã gần đặt được thỏa hiệp. Ngài nói thêm, Tổ Chức Thánh Piô X sẽ không chờ đợi đến khi có một thỏa hiệp hoàn toàn thỏa đáng, mà sẽ chấp nhận thỏa hiệp quy định quy chế giáo luật dành cho nhóm này. Nhà lãnh đạo của nhóm bảo thủ cũng nhắc lại nội dung cuộc phỏng vấn của ĐGH Phanxicô mà theo đó, Ngài đã ban năng quyền cho các linh mục nhóm bảo thủ được ban bí tích hòa giải trong Năm Thánh. Quyền này sẽ mãi mãi tiếp tục có hiệu lực.
3- ĐTC Phanxicô gởi điện chia buồn vụ tấn công khủng bố tại Quebec
Sáng thứ Hai 30 tháng Giêng, sau thánh lễ thường lệ tại nhà nguyện Santa Marta, ĐTC đã gặp ĐHY Gérald Cyprien La Croix, là TGM Quebec, để chia buồn về vụ tấn công khủng bố vừa diễn ra và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho các nạn nhân. Vụ tấn công khủng bố xảy ra vào khoảng 7 giờ 50 tối Chúa Nhật theo giờ địa phương, tại Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo, Quebec. Kẻ khủng bố đã xả súng bắn chết 6 người và làm 12 người khác bị thương. Vụ tấn công tại Trung Tâm Văn Hóa Hồi Giáo tại Quebec được đánh giá là nguy hiểm hơn tất cả các vụ tấn công khủng bố trước đây, vì nó có thể khơi lên hàng loạt các vụ tấn công khủng bố trả thù từ những người Hồi Giáo cực đoan.
4- Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako thăm vùng đất Iraq vừa mới được giải phóng
Ngày 27 tháng Giêng năm 2017, Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako của Công Giáo Chaldean đã viếng thăm vùng đất Iráq mới được quân đội của chính phủ giải phóng khỏi sự cai trị của nhà nước Hồi Giáo IS. Ngài đã thảo luận với các viên chức đang bắt đầu công việc tái thiết vùng này. Tòa Thượng Phụ và các giáo phận Công Giáo khác ở Iraq đã đóng góp hơn 400.000 dollars cho công cuộc tái thiết nhà ở và thánh đường đã bị lực lượng IS phá hủy trong vùng Nineveh. Đức Thượng Phụ đã thăm Batnayalà thành phó được coi là bị tàn phá nhiều nhất. Cũng theo nguồn tin của Catholic World News thì tại Nigeria quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay đã phá huỷ tất cả 900 nhà thờ của đất nước này.
5- Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez nhận định về các lệnh hành pháp
Ngày 31 tháng Giêng hôm qua, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của TGP Los Angeles và là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có bài nhận định về các lệnh hành pháp của Tân Tổng Thống Trump liên quan đến vấn đề di dân.
Tuần rồi là một tuần nặng nề. Thật đáng buồn khi đối diện với cảnh này: Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc phải dùng một lệnh hành pháp để định nghĩa chính xác chữ “tường” có nghĩa gì.
Theo một trong ba lệnh hành pháp ban hành tuần rồi về di dân và người tỵ nạn, “‘tường’ có nghĩa bức tường vật lý tiếp giáp nhau hoặc hàng rào vật lý khác cũng chắc chắn, tiếp giáp nhau và không thể vượt qua như thế”.
Điều đầu tiên phải nói là các lệnh hành pháp này xem ra đã được soạn thảo quá nhanh. Hình như người ta chưa suy nghĩ đủ về tính hợp pháp của chúng hay giải thích lý lẽ của chúng hay xem xét các hậu quả thực tiễn đối với hàng triệu người ở đây và trên khắp địa cầu
Đúng là các lệnh về người tỵ nạn không phải là một “lệnh cấm người Hồi Giáo” như một số người biểu tình và giới truyền thông cho là. Thực vậy, đại đa số các quốc gia đa số theo Hồi Giáo không bị ảnh hưởng bởi các lệnh này, kể cả một số nước thực sự có vấn đề về khủng bố, như Saudi Arabia, Pakistan và Afghanistan.
Điều ấy không có nghĩa các lệnh này kém gây bối rối. Ngưng các vụ nhận người tỵ nạn trong 90 hay 120 ngày có thể được xem như không lâu lắm. Nhưng đối với một gia đình trốn chạy một quốc gia bị tan nát vì chiến tranh, hay trốn chạy sự bạo tàn của các mạng lưới ma túy vĩ đại hay của các lãnh chúa chiến tranh, những kẻ buộc cả trẻ em cũng phải vào quân ngũ, thì điều này có thể có nghĩa sống chết.
Và sự kiện đơn giản là không phải mọi người tỵ nạn đều là quân khủng bố, và người tỵ nạn cũng không phải là nguồn chính gây đe dọa khủng bố cho xứ sở ta. Cuộc tấn công khủng bố tại đây, ở San Bernardino, là “cây vườn nhà” do một người sinh ở Chicago thực hiện.
Tôi hài lòng khi một trong các lệnh này có ý nói: xứ sở ta cuối cùng sẽ bắt đầu dành ưu tiên để giúp đỡ các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác bị bách hại.
Nhưng có phải Thiên Chúa có ý định để lòng cảm thương của chúng ta ngừng lại ở biên giới Syria hay không? Có phải bây giờ, chúng ta đang quyết định coi một số người không đáng được chúng ta yêu thương chỉ vì họ khác mầu da, khác tôn giáo hay sinh “lầm” ở một nước khác?
Là một mục tử, điều làm tôi bối rối là: mọi giận dữ, hồ đồ và sợ hãi do các lệnh của tuần trước gây ra đều hoàn toàn có thể đoán trước. Ấy thế nhưng hình như chúng chẳng hệ trọng chi đối với những người cầm quyền.
Tôi sợ rằng nhân danh việc tỏ ra cứng rắn và cương quyết, ta đang tỏ cho thế giới thấy một sự dửng dưng nhẫn tâm.
Ngay lúc này, không quốc gia nào nhận nhiều người tỵ nạn hơn Hiệp Chúng Quốc. Vậy thì ta đang gửi cho thế giới sứ điệp gì đây?
Những khoảnh khắc mà chúng ta ít tự hào nhất trong lịch sử của chúng ta, từ Nạn Diệt Chủng Do Thái tới những cuộc thanh trừng sắc tộc trong thập niên 1990, là những khoảnh khắc chúng ta đóng cửa biên giới và trái tim ta trước các thống khổ của những con người vô tội.
Tất cả chúng ta đồng ý rằng quốc gia chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ biên giới của mình và thiết lập các tiêu chuẩn cho ai được phép vào và ở lại bao lâu. Trong một thế giới hậu 11 tháng 9, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng có những người ở trong và ở ngoài biên giới muốn gây hại cho chúng ta. Chúng ta chia sẻ quan tâm chung đối với nền an ninh quốc gia và sự an toàn của những người thân yêu của chúng ta.
Nhưng cách tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề ấy phải nhất quán với các lý tưởng của chúng ta. Hoa Kỳ vốn luôn khác biệt, một số người còn cho là ngoại hạng. Chào đón di dân và cung cấp nơi trú ẩn cho người tỵ nạn vốn luôn luôn là một điều đặc biệt và cốt yếu trong căn tính của chúng ta, trong tư cách một quốc gia và một dân tộc.
Đã đành các lệnh mới về di dân này phần lớn kêu gọi một việc chính đáng là trở về với việc thi hành chấp pháp các luật lệ hiện hành.
Nhưng vấn đề là ở chỗ các luật lệ của chúng ta vốn không được chấp hành đã từ quá lâu đến nỗi nay chúng ta có hàng triệu người không có giấy tờ đang sinh sống, làm việc, thờ phượng và đi học trên đất nước ta.
Con số ấy bao gồm hàng triệu trẻ em là công dân sống trong các căn hộ có cha mẹ không giấy tờ. Các trẻ em này có quyền, trong tư cách công dân và trong tư cách con cái Thiên Chúa, được lớn lên trong sự bảo đảm rằng cha mẹ các em sẽ không bị tống xuất.
Các lệnh mới này không thay đổi được sự kiện này: quốc gia chúng ta cần một cuộc cải tổ thực sự và lâu dài đối với hệ thống di dân của chúng ta. Chúng ta có thực sự muốn trao số phận của hàng triệu người cha, người mẹ và con cái họ vào tay những nhân viên giải quyết các vụ này (caseworkers) nhưng đã phải làm việc quá sức trong một hệ thống tòa án di dân thiếu ngân khoản không?
Một chính sách chấp pháp mà thôi, mà không có cuộc cải tổ hệ thống nằm ở bên dưới, chỉ có thể dẫn tới cơn ác mộng nhân quyền.
Là một Giáo Hội, các ưu tiên của chúng ta phải luôn đứng về phía người của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục nghe theo lời kêu gọi của Chúa Kitô qua các giáo xứ, các cơ quan bác ái và cứu trợ của chúng ta.
Và tôi xin nhắc lại, như tôi đã nói trước đây: điều có tính xây dựng và cảm thương nhất mà chính phủ của chúng ta có thể làm vào ngay lúc này là ngưng các vụ tống xuất và đe dọa tống xuất những người không phải là tội phạm bạo động.
Sứ mệnh Kitô hữu của chúng ta rất rõ ràng, chúng ta được kêu gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và mở cửa cho khách lạ đang gõ cửa và tìm gương mặt của Chúa Kitô, Đấng đã đến với chúng ta trong di dân và người tỵ nạn.
Xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi trong tuần này và tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em.
Và xin Đức Mẹ Diễm Phúc Maria giúp tất cả chúng ta, nhất là các nhà lãnh đạo của chúng ta, đương đầu với các thách thức hiện gặp trong tư cách một quốc gia của người di dân dưới con mắt Thiên Chúa.
6- Khủng bố ISIS làm tín hữu đạo Hồi mất đức tin Hồi Giáo
Tại các khu vực vừa được tái chiếm tại Mosul, người ta thấy rõ những giải thích cực đoan về Hồi Giáo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những áp đặt của chúng trên người dân đã có một phản ứng ngược lại. Đó là nhận định của thông tấn xã AFP trong bản tin ngày 30 tháng Giêng 2017.
Sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được thành phố này hồi tháng Sáu năm 2014, chúng đã bắt buộc người ta phải ra khỏi nhà đến đền thờ cầu kinh một ngày 5 lần, cấm hút thuốc, bắt buộc phải để râu đối với nam giới, phụ nữ phải đeo mạng che mặt, phải đập nát tất cả các đồ trang sức, ảnh tượng mà chúng cho là ngẫu tượng, những người đồng tính bị xử tử công khai và những kẻ trộm hay bị cáo buộc là trộm cắp bị chặt mất bàn tay trong những phiên tòa hời hợt và chóng vánh. Những phụ nữ nào không đeo găng tay để người ta thấy được đôi tay của mình thì bị lôi lên đền thờ, tại đây chúng dùng kìm kẹp cánh tay của họ.
Những nỗ lực giải thích đạo Hồi một cách cực đoan như thế - một lối giải thích hầu hết người Hồi giáo đều phủ nhận – đã làm cho một số người, thay vì ngoan đạo hơn như ý muốn của quân khủng bố Hồi Giáo IS, đã có những tác dụng ngược lại.
Imam Mohammed Ghanem bị cấm không được giảng thuyết trong những ngày thứ Sáu, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm giữ đền thờ của ông, vì ông đã can đảm từ chối cam kết trung thành với chúng trước mặt mọi người. Ông nhận xét cay đắng rằng nhiều tín hữu đạo Hồi mất đức tin Hồi Giáo vì đường lối cực đoan của bọn IS.
Thật vậy, trước những âm thanh chát chúa từ các loa phóng thanh kêu gọi người ta đến đền thờ cầu nguyện trong một khu vực vừa được tái chiếm tại Mosul, người bán thịt tên là Omar này vẫn tiếp tục làm việc tỉnh bơ.
“Mosul là một thành phố Hồi giáo và hầu hết những người trẻ tuổi đều có thói quen cầu nguyện,” nhưng IS đã “bắt buộc chúng tôi... chúng tôi đã phải đi đến các đền thờ Hồi giáo ngược lại ý chí của mình, nên từ nay tôi không đi nữa” ông nói.
Trước khi miền đông Mosul được tái chiếm từ tay quân khủng bố Hồi Giáo IS, các cửa hàng đã phải đóng cửa năm lần một ngày để cầu nguyện.
“Một ngày nọ, cậu bé người làm của tôi đã bị quất 35 roi bởi vì nó không đi cầu nguyện”, Omar nói.
“Bây giờ, chúng tôi không còn nghĩa vụ phải đóng cửa hàng của chúng tôi... Chúng tôi cầu nguyện hay không là quyền quyết định của chúng tôi.”
Imam Mohammed Ghanem cho biết:
“Bây giờ một số người ghét thời gian cầu nguyện vì bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bắt buộc họ cầu nguyện”.
“Quá nhiều áp lực”
“Họ từ chối cả những quy định đúng đắn của Hồi Giáo vì họ gắn liền chúng với bọn khủng bố Hồi Giáo IS, ngay cả với những điều là bình thường trong thế giới Hồi giáo”.
“Đặt quá nhiều áp lực lên một cái gì đó, nó sẽ phát nổ và đây là những gì đang xảy ra với mọi người. Họ đang muốn sống theo cách họ muốn,”.
Theo Ghanem, một phần của công việc của ông trước khi IS chiếm Mosul là giáo dục người dân về những thực hành đúng đắn của Hồi giáo và điều chỉnh hành vi của họ khi cần thiết.
“Bây giờ, chúng tôi rất ngại nói với họ vì họ đâm ra từ chối mọi thẩm quyền tôn giáo. Nếu chúng tôi nói với họ rằng họ đang làm điều gì đó sai, họ quật lại chúng tôi và bảo chúng tôi là do bọn IS phái đến,” ông nói.
Trong một khu vực khác ở miền Đông Mosul, nơi mưa tích tụ trong những ổ gà, ổ voi do cuộc chiến để lại, Imam Adel Fares cho biết ông cũng đã thay đổi cách tương tác với các tín hữu.
“Bây giờ chúng tôi sợ không dám góp ý kiến với các tín hữu. Họ cảm thấy không thoải mái với sắc phục tôn giáo tôi đang mặc”, Adel nói.
Nhà lãnh đạo Hồi giáo này cho biết ông hiểu được những cư dân “khước từ Hồi giáo” này, nhưng nghĩ rằng tình hình sẽ “dần dần” trở lại bình thường.
Adel bày tỏ hy vọng: “Số lượng người đang dần tăng và tất cả họ sẽ trở lại sau khi những dấu ấn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS biến mất”.
Bên ngoài thành Mosul, nơi hàng ngàn phụ nữ và trẻ con lang thang tìm kiếm thi hài của chồng, cha và anh chị em họ, nơi các cuộc đào bới những ngôi mộ tập thể đang phơi bày trước mặt họ các tội ác kinh hoàng của bọn IS, những tiếng than van, kêu khóc … và cả những tiếng nguyền rủa chửi bới cho thấy có lẽ còn lâu lắm những tín hữu Hồi Giáo này mới tìm lại được niềm tin Hồi Giáo trước đây của họ.
7- Video Thánh Lễ Giao Thừa Đón Mừng Năm Mới Đinh Dậu 2017 GX St. Maria Goretti San Jose
8- Video Thánh Lễ Minh Niên Đón Mừng Năm Mới Đinh Dậu 2017 CĐ GP San Jose
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN