Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Nghi thức đóng Cửa Thánh và bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót</b>
21/11/2016 12:00:00 SA

Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót được tổ chức từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08 tháng 12 năm ngoái 2015, đến Lễ Chúa Kitô Vua 20 tháng 11 năm nay 2016; trong khoảng thời gian 349 ngày.

Đây là năm thánh thứ 27 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngày khai mạc năm thánh này cũng là ngày kỷ niệm lần thứ năm mươi thánh lễ bế mạc Công đồng chung Vatican II.

Năm Thánh là khoảng thời gian trong đó Giáo Hội nhiệt thành cầu nguyện để canh tân và đón nhận ơn thánh Chúa. Như được gợi ý từ tên gọi, Năm Thánh Lòng Thương Xót tập trung vào sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đây là một Năm Thánh Ngoại Thường bởi vì năm thánh này không theo chu kỳ được ấn định trước là mỗi 25 năm một lần. Năm Thánh bình thường gần nhất là Đại Năm Thánh 2000. Như thế, theo chu kỳ, Năm Thánh bình thường sẽ diễn ra vào năm 2025.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố vào ngày 13 tháng 3 năm 2015 trong khi cử hành 24 giờ cho Chúa.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ‘Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).

Tháng 4, 2015, Đức Thánh Cha đã công bố Tông Chiếu Misericordiae Vultus, có nghĩa là Khuôn Mặt Xót Thương, ấn định các chi tiết cho việc cử hành Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót trong toàn thể Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Năm Thánh này được tổ chức không chỉ ở Rôma mà trên toàn thế giới. Do đó, lần đầu tiên cửa thánh được mở tại tất cả các giáo phận trên toàn thế giới.

Tấc cả các cửa thánh tại các giáo phận trên toàn thế giới và tại 3 đại đền thờ của Rôma đã được đóng lại hôm 13 tháng 11 vừa qua. Và giờ đây cửa thánh cuối cùng trên thế giới sắp được đóng lại.

Theo thông cáo của Ban Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng, tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự nghi thức đóng cửa thánh này sẽ nhận được ơn toàn xá miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Nghi thức đóng Cửa Thánh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đoàn rước gồm Đức Thánh Cha và các chức sắc đang tiến ra trước cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong khi đó, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài “Misericordes sicut Pater”, nghĩa là “Hãy thương xót như Chúa Cha”. Đó là bài hát chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu nghi lễ đóng Cửa Thánh .

Nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Rồi Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn. Ngài nói:

Hãy chúc tụng Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng giàu lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu, Ngài đã mạc khải tình yêu tuyệt vời của Ngài cho chúng ta.

Đáp: Tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời.

Hãy ngợi khen Đức Chúa Giêsu Kitô, đã xuống thế làm người nơi cung lòng Đức Mẹ Đồng Trinh, để công bố một năm thương xót và hồng ân kéo dài bất tận.

Đáp: Tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời.

Hãy ngợi khen Chúa Thánh Thần, Đấng Bào Chữa, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm dung nhan Chúa Cha đầy lòng thương xót.

Đáp: Tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời.

Lòng thương xót của Chúa Cha, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

Đáp: Và ở cùng cha.

Giờ đây, Đức Thánh Cha dâng lời nguyện sau trước khi đóng Cửa Thánh

Lạy Chúa, Đấng Toàn Năng và Thánh Thiện, với tình yêu vô biên của Cha, Chúa Giêsu Con Chúa đã xuống thế làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, mạc khải cho chúng con thấy khuôn mặt của lòng thương xót vô hạn của Cha, xin nhìn đến Giáo Hội đang tụ tập cầu nguyện vào lúc kết thúc Năm Thánh này. Với lòng biết ơn đối với những ân sủng nhận được và được khích lệ để làm chứng, trong lời nói và việc làm, cho sự dịu dàng của tình yêu thương xót Chúa, giờ đây chúng con đóng cửa Thánh này, xin Đấng Thánh Hóa canh tân miềm hy vọng của chúng con trong Đức Kitô Cứu Thế, xin cho cửa này luôn mở ra cho những ai tìm kiếm Chúa với trái tim chân thành, đó là cửa duy nhất dẫn vào vương quốc sẽ trị đến của Chúa. Chúc tụng Cha, là Đấng Tạo Hóa và là nguồn mạch của sự sống, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Vua và là Chúa chúng con, trong Chúa Thánh Thần Đấng An ủi, tất cả danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen.

Trong khi ca đoàn hát bài O clavis David, Đức Thánh Cha tiến đến và lặng lẽ đóng Cửa Thánh.

Sau khi đã đóng Cửa Thánh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Cửa Thánh đã được đóng lại theo nghi lễ, nhưng nó vẫn mở ra cho chúng ta những nguồn mạch vô tận của ân sủng và lòng thương xót, phát sinh từ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Đấng luôn được đổi mới trong các cử hành bí tích. Với lòng hân hoan biết ơn vì những ơn ích nhận được trong Năm Thánh này, chúng ta hãy đến gần với bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống, để tiến bước trên con đường nên thánh theo chân của Vua chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh

Giờ đây, đoàn đồng tế gồm Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, trong đó đặc biệt có các vị tân Hồng Y vừa được trao mũ đỏ ngày hôm qua, các vị Thượng Phụ của Công Giáo nghi lễ Đông phương, các Tổng Giám Mục, Giám Mục trong giáo triều Rôma đang tiến ra trước quảng trường Thánh Phêrô.

Ca đoàn hát bài Dio regna, esulti la terra; nghĩa là Chúa thống trị, điạ cầu hãy reo vui.

Trong khi đoàn rước đang tiến ra, ca đoàn và cộng đoàn đối đáp những lời sau:

Hãy chúc tụng Chúa chúng ta, tất cả các tôi tớ của Ngài

Reo lên Alleluia hỡi những ai kính sợ Ngài.

Reo lên Alleluia Thiên Chúa chúng ta là Đấng Toàn Năng

Hãy reo mừng hân hoan

Reo lên Alleluia Chúc tụng vinh quang Chúa

Hãy reo mừng vì cuộc hôn nhân với Chiên Con;

Hallelujah. Tân nương đã sẵn sàng.

Hallelujah.

Kinh Vinh Danh

Sau khi hát kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời nguyện sau:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Đavít làm vua Israel”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: “Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel. Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”.

1. Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2. Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

3. Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh chị em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavid tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Đó là Lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Vương quyền của Ngài mâu thuẫn: ngai của Ngài là thập giá, triều thiên của Ngài là mạo gai; Ngài không có một vương trượng, nhưng có một cây sậy trong tay; Ngài không mặc y phục sang trọng, nhưng bị lột áo khoác; Ngài không có các nhẫn lóng lánh trên các ngón tay, nhưng tay bị đinh đâm thâu; Ngài không có một kho tàng, nhưng bị bán với 30 đồng bạc. Nước của Chúa Giêsu không thuộc thế gian này, nhưng nơi nó chúng ta tìm được ơn cứu độ và tha thứ. Bởi vì sự cao cả của Vương quốc Ngài không phải là quyền năng theo thế gian, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có khả năng đạt tới và chữa lành mọi sự. Vì tình yêu ấy Chúa Kitô đã hạ mình xuống cho tới chúng ta, đã mặc lấy sự bần cùng nhân loại của chúng ta, đã cảm nhận điều kiện tật nguyền của chúng ta: bất công, phản bội, bỏ rơi; đã sống kinh nghiệm cái chết, bị chôn trong mộ và xuống ngục tổ tông. Qua đó Vua của chúng ta đã đi tới tận cùng các ranh giới của vũ trụ để ôm và cứu rỗi mọi sinh linh. Ngài đã không kết án chúng ta, Ngài cũng không chinh phục chúng ta , ngài đã không bao giờ vi phạm sự tự do cuả chúng ta, nhưng đã mở đường với tình yêu khiêm tốn, tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Chỉ có tình yêu đó đã chiến thắng và tiếp tục chiến thắng các thù địch to lớn của chúng ta là tội lỗi cái chết và sự sợ hãi.

Hôm nay chúng ta công bố chiến thắng đặc biệt ấy, qua đó Chúa Kitô đã trở thành vua đời đời, Chúa của lịch sử, chỉ với sự toàn năng của tình yêu, là bản tính của Thiên Chúa, là chính sự sống của Ngài, và nó sẽ không bao giờ cùng. Chức là Chúa của Ngài biến đổi tội lỗi thành ơn thánh, cái chết thành sự phục sinh, sự sợ hãi thành niềm tin cậy… Nhưng mọi sự ấy sẽ vô ích, nếu chúng ta không chấp nhận Ngài là Chúa của đời mình một cách riêng tư, và không chấp nhận kiểu cai trị của Ngài.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha đã phân tích thái độ của các nhân vật trong trình thuật Phúc Âm kể lại cái chết của Chúa Kitô Vua: sự xa cách của dân chúng đứng nhìn xem điều xảy ra, không đến gần nữa như họ đã làm khi có nhu cầu được Chúa cứu giúp. Trước các hoàn cảnh cuộc sống hay các chờ mong không hiện thực chúng ta cũng có thể bị cám dỗ đứng xa vương quyền của Chúa Giêsu, không hoàn toàn chấp nhận gương mù tình yêu khiêm tốn của Ngài, gây âu lo và khó chịu cho cái tôi của chúng ta. Nhưng dân thánh có Chúa Giêsu là Vua được mời gọi đi theo con đường tình yêu cụ thể của Ngài, và mỗi ngày tự hỏi “tình yêu của Chúa đòi hỏi tôi điều, thúc đẩy tôi tới đâu? Tôi trả lời với Chúa Giêsu ra sao với cuộc sống của tôi ?”

Các nhân vật thứ hai là nhóm các thủ lãnh, binh lính và một tên trộm cướp. Họ khiêu khích và cám dỗ Chúa Giêsu hãy tự cứu lấy mình , khước từ cai trị theo kiểu của Thiên Chúa, làm theo cái luận lý của thế gian xuống khỏi thập giá, đánh bại kẻ thù, tỏ lộ quyền năng cao vươt là Thiên Chúa… Đó là cám dỗ dễ sợ nhất, cám dỗ đầu tiên và cuối cùng trong Phúc Âm. Nhưng trước sự tấn kích ấy Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương, tha thứ, sống thời điểm của sự thử thách theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, và xác tín rằng tình yêu sẽ đem lại hoa trái.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: để tiếp nhận vương quyền của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi chiến đấu chống lại cám dỗ này, dán chặt cái nhìn vào Chúa bị đóng đanh, để luôn trung thành với Ngài hơn. Có biết bao lần chúng ta cũng tìm các an ninh hấp dẫn thế gian cống hiến cho chúng ta. Có biết bao lần chúng ta bị cám dỗ xuống khỏi thập giá. Sức mạnh lôi cuốn của quyền lực và thành công xem ra là một con đường dễ dãi và mau chóng giúp phổ biến Tin Mừng, và chúng ta mau chóng quên vương quốc của Thiên Chúa hoạt động như thế nào. Áp dung vào Năm Thánh kết thúc Đức Thánh Cha nói:

Năm Thánh Lòng Thương Xót này mời gọi chúng ta tái khám phá ra trọng tâm, trở về với điều nòng cốt. Thời điểm này mời gọi chúng ta nhìn lên gương mặt của Vua chúng ta, gương mặt rạng ngời trong ngày Phục Sinh, và tái khám phá ra gương mặt tươi trẻ của Giáo Hội, sáng ngời khi tiếp đón, tự do, trung thành, nghèo nàn trong các phương tiện và giầu có trong tình yêu thương truyền giáo. Khi đưa chúng ta vào trong trung tâm của Phúc Âm, lòng thương xót cũng khích lệ chúng ta từ bỏ các thói quen và tập quán có thể ngăn cản viêc phục vụ Nước Thiên Chúa, chỉ tìm hướng tới vương quyền khiêm tốn vĩnh cửu của Chúa Giêsu, chứ không thích ứng với các vương quyền tạm bợ và các quyền bính hay thay đổi của mọi thời đại.

Nhắc tới người trộm lành và lời ông xin Chúa Giêsu nhớ tới ông và câu Chúa trả lời ông sẽ ở trên thiên đàng với Ngài, Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa nhớ tới chúng ta, vừa khi chúng ta cho ngài khả thể này. Ngài sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn và luôn mãi tội lỗi, bởi vì ký ức của Ngài không ghi nhận sự dữ đã phạm và không luôn mãi chú ý tới các sai lầm phải chịu như ký ức của chúng ta. Thiên Chúa không nhớ tới tội lỗi, nhưng nhớ tới từng người trong chúng ta là con cái được Ngài yêu thương. Và Ngài luôn tin rằng có thể bắt đầu trở lại và đứng lên.

Chúng ta cũng hãy xin ơn có ký ức rộng mở và sống động này. Chúng ta hãy xin được ơn không bao giờ đóng cửa của sự hoà giải và tha thứ, nhưng biết vượt qua sự dữ và các khác biệt, bằng cách mở rộng mọi con đường của niềm hy vọng. Như Thiên Chúa tin tưởng nơi chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi trao ban hy vọng, và cho tha nhân cơ may. Bởi vì cả khi Cửa Thánh có đóng, cửa lòng thương xót thật, là Trái Tim Chúa Giêsu, luôn luôn rộng mở. Từ cạnh suờn bị đâm thâu của Chúa Phục Sinh vọt lên lòng thương xót, sự ủi an và niềm hy vọng cho đến tận cùng thời gian.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và nhớ rằng chúng ta đã được mặc lấy các tâm tình của lòng thương xót để trở nên dụng cụ lòng xót thương. Xin Mẹ Maria, là Mẹ dịu hiền của Giáo Hội, Đấng đứng dưới chân thập giá, trông thấy người trộm lành nhận ơn tha thứ của Chúa, và nhận môn đệ của Chúa Giêsu làm con mình, xin Mẹ của lòng thương xót đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mọi tình trạng, mọi lời cầu hướng tới đôi mắt xót thương của Mẹ và Mẹ sẽ nhận lời.

Lời Nguyện Giáo Dân

Hướng về các tín hữu, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện:

Anh chị em thân mến, giờ đây với lòng tín thác, chúng ta hãy dâng những lời nguyện sau lên Chúa Cha, Đấng trong Chúa Giêsu Con Ngài đã hòa giải mọi sự với Ngài.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Ý chỉ đầu tiên, bằng tiếng Tây Ban Nha, cầu cho các tân Hồng Y

Xin Chúa ban cho các ngài ân sủng dư dật, xin biến các ngài thành các mục tử theo lòng mong ước của Chúa, để các ngài quảng đại dâng hiến mạng sống mình vì phần rỗi anh chị em của mình.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Ý chỉ thứ hai, bằng tiếng Trung Hoa, cầu cho các nhà cầm quyền trên thế giới

Xin Chúa đổ đầy các nhà cầm quyền với ơn khôn ngoan tuôn trào từ Thánh Giá Chúa, để họ biết hướng dẫn người dân trong công lý và hòa bình và thúc đẩy sự tôn trọng đối với cuộc sống và gia đình.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Ý chỉ thứ ba, bằng tiếng Sesotho, cầu cho những ai đã nhận được Lòng Thương Xót

Xin Chúa nâng đỡ họ bằng các ân sủng của Chúa, để họ sống cuộc sống mới nhận được như một ân sủng cho anh chị em họ và công bố vẻ đẹp của sự tha thứ của Chúa.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Ý chỉ thứ tư, bằng tiếng Bồ Đào Nha, cầu cho những người tội lỗi và bất an trong tâm hồn

Xin Chúa chạm đến tâm hồn họ với sự dịu ngọt của Chúa, để họ biết thừa nhận tội lỗi và tín thác nơi lòng từ nhân của Chúa.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Ý chỉ thứ năm, bằng tiếng Albania, cầu cho những người đang đau khổ và những người bị bỏ rơi

Xin Chúa an ủi họ với sự hiện diện đầy dịu ngọt của Chúa, để trong đau đớn, họ vẫn tìm thấy hy vọng nơi các hoạt động trợ giúp bác ái huynh đệ.

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con

Đức Thánh Cha dâng lời nguyện sau:

Lạy Cha, xin nhìn đến Chúa Giêsu, Con Chúa, là Vua và là Chúa chúng con, là Đấng trao ban chính mình trên thánh giá để cứu chuộc chúng con và canh tân nơi chúng con sự kinh ngạc trước Lòng Thương Xót Chúa. Người hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời

Kết thúc:

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau một năm thánh nhiệt thành và sốt mến, giờ đây, chúng ta phó thác đời sống của Giáo Hội, của nhân loại, và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, xin Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta như sương mai, để mọi người có thể làm việc cùng nhau hầu xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Xin Chúa ban cho chúng ta được ngập tràn trong lòng thương xót, để chúng ta có thể vươn ra với mọi người nam nữ, mang đến với họ sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa! Xin cho dầu thương xót tuôn đến với tất cả mọi người, cả những tín hữu lẫn những người đã lìa xa, như một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta rồi!

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/204990.htm

CÁC TIN KHÁC: