Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Giáo Hội Năm Châu 08-14/11/2016: Những âu lo của Giáo Hội tại Hoa Lục</b>
13/11/2016 12:00:00 SA

1. Đức Thánh Cha gặp gỡ các tham dự viên Đại Hội Thế Giới lần thứ ba của phong trào Bình Dân

Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác sự chuyên chế của một hệ thống toàn cầu cai trị bởi “roi của sự sợ hãi, sự bất bình đẳng, và bạo lực”, trong bài nói chuyện hôm 05 tháng 11 tại Đại hội thế giới lần thứ ba của phong trào Bình Dân.

Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên hoạt động cho sự thay đổi cấu trúc. Ngài nói rằng một hệ thống bất công cần phải được loại bỏ. “Toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo Hội và những giáo huấn của các vị tiền nhiệm của tôi đều chống lại sự cai trị của thần tiền đang ngự trị và khủng bố nhân loại - thay vì phục vụ con người”.

Đức Thánh Cha chỉ trích một hệ thống kinh tế toàn cầu, trong đó, khi một ngân hàng lớn phải đối mặt với phá sản “ngay lập tức xuất hiện các khoản tín dụng khổng lồ để cứu nó”, nhưng chẳng có quỹ tín dụng nào sẵn sàng cho những người sống trong cảnh nghèo đói kinh niên. Ngài quan sát rằng trong khi người ta có sẵn số tiền hàng tỷ để giải cứu các ngân hàng đầu tư lớn, “nhưng trước sự phá sản của con người, không có đến một phần ngàn số tiền đó được sử dụng để cứu đói cho những anh chị em đau khổ của chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hệ thống toàn cầu ngày nay được duy trì bởi sự sợ hãi. “Sự sợ hãi, cùng với sự thịnh vượng trong việc buôn bán vũ khí và cái chết, đang làm suy yếu chúng ta và khiến chúng ta mất ổn định, phá hủy khả năng tự vệ tâm lý và tinh thần của chúng ta, khiến chúng ta tê đi trước sự đau khổ của người khác, và cuối cùng nó làm cho chúng ta trở nên độc ác.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự sợ hãi dẫn đến việc hình thành các bức tường; trong khi tình yêu khuyến khích xây dựng những nhịp cầu.

Trong bài phát biểu của mình trước Đại hội thế giới lần thứ ba của phong trào Bình Dân, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc họp trước đó, mà ngài đã phát hiểu hồi tháng Bảy. Ngài liệt kê ra các mục tiêu tổ chức này đã thông qua:

... Công việc xứng với phẩm giá cho những người bị loại ra khỏi thị trường công ăn việc làm; đất đai cho nông dân và người dân bản địa; nhà ở cho các gia đình vô gia cư; hội nhập đô thị cho các khu lao động; xóa bỏ phân biệt đối xử, loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và các hình thức nô lệ mới; chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh, đặt dấu chấm hết cho các tội phạm có tổ chức và các hành vi áp chế; tự do ngôn luận và truyền thông dân chủ; khoa học và công nghệ để phục vụ con người. Chúng tôi cũng đã nghe nói về cách thế các bạn đang tham gia trong việc thực thi một dự án cho cuộc sống trong đó từ khước chủ nghĩa tiêu thụ và phục hồi tinh thần đoàn kết, tình yêu giữa chúng ta và tôn trọng thiên nhiên như các giá trị thiết yếu.

Đức Giáo Hoàng cảnh báo các tham dự viên rằng các phong trào Bình Dân đang đối mặt với hai nguy cơ: nguy cơ bị đóng khung và có nguy cơ bị băng hoại. Phong trào Bình Dân bị đóng khung khi những kẻ cầm quyền chấp nhận cho các phong trào này được tồn tại miễn là nó được giới hạn trong các “chính sách xã hội,” và đừng thách thức hệ thống chính trị và kinh tế hiện hành. Ngài khuyến khích các nhà hoạt động đưa ra những thách đố lớn hơn, ngay cả khi điều này dẫn đến thái độ bất khoan dung của những người cầm quyền. Để tránh nguy cơ thứ hai là băng hoại, Đức Thánh Cha nói, “không có phương thuốc nào tốt hơn là kiên vững trong lập trường của mình.”

2. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobin làm Tổng Giám Mục Newark, New Jersey

Hôm thứ Hai 7 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobin hiện đang là Tổng Giám Mục Indianapolis sáng làm Tổng Giám Mục Newark, New Jersey. Cũng nên nhắc lại rằng Đức Cha Joseph Tobin là một trong 3 vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ trong tổng số 17 vị được vinh thăng Hồng Y vào cuối tháng này.

Các quan sát viên cho rằng việc bổ nhiệm này là một động thái không thể nhầm lẫn của Đức Thánh Cha nhằm đóng dấu dấu ấn riêng của mình trên Giáo Hội tại Mỹ, khi đặt một trong các giám mục Hoa Kỳ được xem là có đường lối suy nghĩ đồng nhất với Đức Giáo Hoàng tại một Tòa Giám Mục quan yếu thuộc bờ biển phía Đông Hoa Kỳ.

Newark nằm ngay bên ngoài thành phố New York và chỉ 90 phút lái xe từ Philadelphia. Cả hai thành phố này theo truyền thống được xem là “Tòa của Hồng Y”. Trong khi tổng giáo phận Newark chưa bao giờ được lãnh đạo bởi một Hồng Y. Đức Hồng Y Theodore McCarrick là Tổng Giám mục của Newark từ 1986 đến 2000, nhưng ngài nhận mũ đỏ chỉ sau khi đã chuyển sang lãnh đạo Tổng Giáo Phận Washington, DC.

Đức Tổng Giám mục Tobin sẽ thay thế Tổng Giám Mục John Myers.

3. Đức Thánh Cha tiếp hoàng tộc Habsburg

Sáng 5 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 300 người thuộc hoàng tộc Habsburg và ngài ca ngợi tấm gương chân phước Carlo của Áo thuộc dòng tộc này.

Habsburg là hoàng tộc thuộc hàng quan trong nhất ở Âu Châu kể từ thế kỷ 13 với nhiều vị hoàng đế và vua tại Áo, Hungari, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và nhiều nước khác. 300 người thuộc dòng tộc này về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến mẫu gương của chân phước Carlo hoàng đế nước Áo, lên ngôi cách đây 100 năm, trong thời thế chiến thứ I, và tỏ ra nhạy cảm đối với những lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15, hết sức tìm kiếm hòa bình, đến độ không được nhiều người hiểu và còn bị nhạo cười. Đức Thánh Cha nói: Trong lãnh vực này, chân phước Carlo mang lại cho chúng ta một mẫu gương thời sự hơn bao giờ hết và chúng ta có thể cầu khẩn ngài như vị chuyển cầu để xin Chúa ban hòa bình cho toàn thể nhân loại”.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận nhiều người xuất thân từ hoàng tộc Habsburg đang giữ những vai trò lãnh đạo trong các tổ chức liên đới và thăng tiến nhân bản và văn hóa, cũng như hỗ trợ dự án xây dựng Âu Châu như Căn nhà chung dựa trên các giá trị nhân bản và Kitô. Ngoài ra cũng có nhiều ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến xuất phát từ gia tộc này. Ngài cảm tạ Chúa và gọi sự kiện đó tái xác nhận gia đình Kitô là thửa đất đầu tiên trong đó các hạt giống ơn gọi có thể nảy mầm và tăng trưởng

4. Giáo Hội thầm lặng tại Trung Quốc gần tuyệt vọng với Tòa Thánh và quay ra làm liều

Giáo Hội Công Giáo thầm lặng tại Trung Quốc gần như tuyệt vọng với chính sách của Tòa Thánh đối với Trung Quốc và đang quay ra làm liều. Đó là nhận định của Cha Bernardo Cervellera, giám đốc thông tấn xã AsiaNews, nguyên giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là người đã từng sống và dạy học tại Đại Chủng Viện Bắc Kinh trong nhiều năm.

Theo Cha Cervellera, những người Công Giáo thầm lặng, là những người đã bị sách nhiễu và khổ đau vì quyết tâm trung thành với Tòa Thánh, e sợ rằng Vatican sẽ hy sinh họ để đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Họ nhận xét rằng Vatican đã dàn xếp các cuộc họp và các cuộc trao đổi quan yếu với các đại diện của Giáo Hội “chính thức” do nhà nước ủng hộ, mà chưa có một hành động tương ứng nào như thế với các giáo sĩ thuộc Giáo Hội thầm lặng.

Xa hơn, Cha Cervellera lưu ý rằng, trong suốt 20 năm qua không có giám mục thầm lặng nào đã được bổ nhiệm cho Giáo Hội “hầm trú”; chỉ có các vị giám quản tông tòa được bổ nhiệm để coi sóc các giáo phận trống tòa. Nếu không có giám mục mới, Giáo Hội “hầm trú” phải đối mặt với sự diệt vong.

Theo những báo cáo được lưu hành rộng rãi, Tòa Thánh và nhà nước cộng sản Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận trong đó Tòa Thánh sẽ chấp nhận các vị “giám mục” đã được “tấn phong” bởi bọn cầm quyền Trung Quốc mà không cần sự chuẩn y của Vatican. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ công nhận quyền của Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục mới. Tuy nhiên, những giám mục này sẽ được chọn từ một danh sách do Hội Công Giáo Yêu nước đưa ra. Theo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng, nếu điều này xảy ra, bọn cầm quyền Trung Quốc có thể kiểm soát các bổ nhiệm giám mục và chỉ giới thiệu các ứng viên nào sẵn sàng công nhận uy quyền của chính phủ. Ngoài ra, những thỏa thuận này không đề cập đến tình trạng của các giám mục “thầm lặng” và các linh mục hiện đang chịu sự sách nhiễu của chính phủ, nhiều người đang bị bắt giữ.

Trong những tuần qua các phương tiện truyền thông từ Hương Cảng tường thuật một biến cố hết sức đau lòng là linh mục Đổng Quan Hoa (Dong Guanhua), thuộc Giáo Hội Công Giáo thầm lặng, đã được Đức Giám Mục hồi hưu Casimir Vương Mịch Lộc (Casimir Wang Milu) tấn phong giám mục trái phép vì lý do “tuyệt vọng đối với chính sách đối thoại với Nhà Nước Trung Quốc của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục”.

Cha Đổng Quan Hoa, sau khi được tấn phong Giám Mục, đã xúc tiến việc tấn phong Giám Mục cho một loạt các vị khác.

5. Tòa Thánh ra thông cáo về những vụ gọi là truyền chức Giám Mục tại Trung Quốc

Sáng thứ Hai 7-11, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, đã ra thông cáo về những vụ gọi là truyền chức Giám Mục tại Trung Quốc không có sự chuẩn y của Đức Thánh Cha:

“Trong những tuần lễ gần đây, liên tiếp có nhiều tin về một số vụ truyền chức Giám Mục, không có sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha cho các linh mục thuộc cộng đoàn hầm trú của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Tòa Thánh không cho phép một cuộc truyền chức nào, và cũng không được chính thức thông báo về những vụ như thế. Nếu những vụ truyền chức Giám Mục ấy thực sự xảy ra, thì sẽ là một vụ vi phạm trầm trọng giáo luật! Tòa Thánh cầu mong rằng những tin như thế là vô căn cứ. Trong trường hợp ngược lại, thì phải đợi những tin tức chắc chắn và có chứng cớ hẳn hoi trước khi thẩm định những vụ ấy một cách thích hợp. Tuy nhiên, Tòa Thánh tái khẳng định rằng không được phép tiến hành cuộc truyền chức Giám Mục nào mà không có sự ủy nhiệm cần thiết của Đức Giáo Hoàng, và cũng không được nại đến những xác tín cá nhân”.

6. Đức Thánh Cha kêu gọi gây ý thức về tệ nạn buôn người

Đức Thánh Cha khuyến khích các tu sĩ Âu Châu tiếp tục gây ý thức sâu rộng trong xã hội về tệ nạn buôn người, một trong những vết thương trầm trọng nhất trong thế giới ngày này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Hai 7-11, dành cho 130 đại biểu đến từ 27 quốc gia và thuộc tổ chức các tu sĩ Âu Châu chống nạn buôn và bóc lột người, gọi tắt Renate, đang nhóm đại hội kỳ 2 tại Roma từ mùng 6 đến 12-11 tới đây với chủ đề: “Sự chấm dứt nạn buôn người bắt đầu với chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói: “Một trong thương tích đau đớn nhất của thế giới ngày nay là nạn buôn người, một hình thức nô lệ mới, vi phạm phẩm giá, hồng ân của Thiên Chúa, nơi bao nhiêu anh chị em chúng ta và là một tội ác thực sự chống lại nhân loại. Nhiều điều đã được thực hiện để gây ý thức nơi dư luận về sự trầm trọng và rộng lớn của hiện tượng này, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm để nâng cao mức độ ý thức trong dư luận quần chúng và để thực hiện một sự phối hợp tốt đẹp hơn những cố gắng của các chính quyền, các nhà chức trách tư pháp, lập pháp và các nhân viên xã hội”.

Đức Thánh Cha đánh giá cao những cố gắng của các nữ tu trong tổ chức Renate nhắm gây ý thức công chúng về chiều kích rộng lớn của thảm trạng buôn người, gây thiệt hại phần lớn cho phụ nữ và trẻ em. 'Nhưng đặc biệt tôi cám ơn chị em vì chứng tá trung thành về Tin Mừng Thương Xót, như được biểu lộ qua sự dấn thân của chị em nhắm cứu giúp và phục hồi các nạn nhân”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Hoạt động của chị em trong lãnh vực này nhắc nhở chúng ta về “những cố gắng rất lớn, nhiều khi trong âm thầm trong bao năm qua của các dòng tu, đặc biệt là các dòng nữ, trong việc chăm sóc những người bị thương tổn trong phẩm giá và bị vết thương nặng vì kinh nghiệm của họ. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự đóng góp đặc thù của các phụ nữ trong việc đồng hành với các phụ nữ khác và các trẻ em trong một hành trình sâu đậm để được chữa lành và tái hội nhập vào xã hội”.

Bà Anne Keller cho biết trong những ngày họp, tổ chức Renate cũng cứu xét tình trạng các phụ nữ và trẻ em từ Syria. Những người tị nạn từ các vùng chiến tranh có nguy cơ rơi vào mạng lưới của những tổ chức buôn người. Tại Âu Châu có nhiều nạn nhân đến từ Albani, Rumani và Macedoania. Từ Nigeria, ngày càng có những phụ nữ bị đưa tới Âu Châu vì những lời hứa hẹn giả dối, và khi tới nơi, họ rơi vào trọng của những mạng mại dâm.

Tổ chức Renate nhóm lần đầu tiên tại Ba Lan và hai năm một lần, các đại biểu thuộc tổ chức này gặp gỡ nhau để trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động. Tại các nước liên hệ, các nhóm chăm sóc tâm lý cho các nạn nhân cũng như huấn nghệ cho họ, đồng thời lo liệu để các nạn nhân có thể hồi hương.

7. Đức Hồng Y Filoni thánh hiến nhà thờ chánh tòa Karonga, Malawi

“Đây là dịp vui mừng, trong đó chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp và ý nghĩa của đền thờ này, nó cũng đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc sống của Giáo Hội địa phương”, Đức Hồng Y Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nói như trên trong Thánh lễ thánh hiến nhà thờ chánh tòa của Giáo phận Karonga sáng ngày 5/11. Giáo phận Karonga được thành lập cách đây 6 năm để đáp ứng sự phát triển của Giáo Hội ở vùng này.

Hiện diện trong Thánh lễ có các Giám mục, Đức khâm sứ Tòa Thánh, các Linh mục, tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân cũng như chính quyền dân sự do tổng thống hướng dẫn.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nhắc nhở mọi người hiện diện là qua nghi thức thánh hiến, nhà thờ chánh tòa trở thành nhà của Chúa, nơi đặc biệt mà mọi người tụ họp trong đó để tôn thờ Chúa, Đấng đã khiêm nhường đến ở giữa chúng ta. Ngài cũng nhắc nhở rằng mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Ở đây anh chị em sẽ nhận lãnh sức mạnh để đi ra xây dựng cộng đoàn các tín hữu, ở bất cứ nơi nào Chúa hướng dẫn anh chị em.

Đức Hồng Y nhắc lại lời Đức Thánh Cha trong lần thăm viếng Uganda vào năm ngoái: Quà tặng của Chúa Thánh Thần là để chia sẻ…. Chúng ta không nhận quà tặng của Chúa Thánh Thần cho chính chúng ta nhưng để xây dựng nhau trong đức tin, trong hy vọng và trong tình yêu… Nếu mỗi ngày chúng ta thôỉ ngọn lửa quà tặng của Chúa Thánh Thần… chắc chắn chúng ta sẽ trở thành môn đệ truyền giáo mà Đức Kitô kêu gọi chúng ta … trong gia đình của chúng ta và với các bạn bè, nhưng cũng với những người chúng ta không quen biết, đặc biệt những người ít thân thiện hoặc ngay cả thù nghịch với chúng ta.”

Đức Hồng Y khuyên các tín hữu hiệp nhất với Đức Thánh Cha, với các Giám mục như Chúa đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng thánh Phêrô. Cuối cùng Đức Hồng Y cám ơn những người hiện diện vì sự dấn thân không mệt mỏi để xây dựng một xã hội hòa giải, công bằng và hòa bình ở Malawi.

8. Đức Tổng Giám mục Los Angeles nói muốn nước Mỹ mạnh hơn hãy nên thánh

“Nếu chúng ta muốn một nước Mỹ mạnh hơn, chúng ta cần trở thành những vị thánh vĩ đại hơn, nhờ ơn Chúa,” Đức Tổng Giám mục Jose Gomez của Los Angeles đã nói như trên vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ năm nay được xem là một kỳ bầu cử gây nhiều tranh cãi, nhưng đối với Đức tổng Gomez, kết quả không quan trọng, vì “Chúa Giêsu Kitô vẫn là Vua” mới quan trọng đối với ngài. Ngài nói: “Các chính trị gia đến rồi đi; các quốc gia nổi lên rồi sụp đổ; các đế quốc cũng biến mất – điều còn lại và tiếp tục chính là Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên tảng đá Thánh Phêrô. Không quan trọng ai sẽ thắng vào thứ 3 tới và ai sẽ thất bại, chúng ta được gọi theo Chúa Giêsu Kitô như con cái Thiên Chúa và các môn đệ truyền giáo. Hãy trung thành với Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Chúa ở đây trên trái đất này.”

Đức Tổng nhấn mạnh đến 2 “dấu chỉ của các thời đại” có thể giúp suy tư về thực tại của Hoa kỳ. Thứ nhất là các dấu chỉ của nước Mỹ hậu Kitô giáo trong đó tính tục hóa đang tăng lên trong xã hội Mỹ và sự chống lại tự do tôn giáo. Ngài nói đến sự kiện là các giới lãnh đạo, những người đang điều hành và hình thành hướng đi của xã hội, bị tục hóa mạnh mẽ và thù địch với tôn giáo, với những giá trị tôn giáo và các truyền thống văn hóa. Thứ hai là “cuộc khủng hoảng của con người” . Ngài lưu ý là xã hội đang mất đi ý thức về con người; học thuyết về giống và hôn nhân đồng tính là thứ chủ nghĩa nhân văn sai lầm đang được cổ võ ở Hoa kỳ sẽ đưa thứ nhân văn chủ nghĩa sai lầm này đi vào con đường nguy hiểm.

Đức Tổng cũng đề cập đến việc đối xử tàn tệ với những người bị gạt bên lề xã hội, trong đó có các người di dân, vô gia cư và nhập cư; xã hội đang trở nên dửng dưng và không thông cảm cho những người xung quanh họ. Ngài nói: “Chúng ta đang trở thành một xã hội thiếu lòng thương xót, bởi vì chúng ta không còn nhận thấy sự thánh thiêng và phẩm giá của con người.”

Trước những thực tại này, Đức Tổng nhận định rằng không phải vị tổng thống kế tiếp sẽ thay đổi cách thế xã hội đối xử với tôn giáo hay con người, nhưng ngài tin là các cá nhân sẽ có ảnh hưởng trên tương lai hơn là một đảng phái chính trị, vì “chúng ta không phục hồi giá trị tôn giáo ‘từ trên’ bởi vì căn tính của mỗi con người được đặt nơi Chúa Kitô chứ không phải liên kết chính trị của họ.

Đức Tổng xác định chỉ có một điều có thể thay đổi thế giới: lời mời gọi nên thánh. Ngài nói: “Nếu chúng ta muốn nước Mỹ mạnh hơn, thì chúng ta cần những người nam nữ như các bạn và tôi, những người cam kết phục vụ Chúa và sống đức tin của họ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu chúng ta muốn sống trong một xã hội cổ võ nhân đức, công lý và nhân phẩm – nếu chúng là muốn các nhà lãnh đạo suy tư các giá trị này – chúng ta cần trở thành các nhà lãnh đạo và các vai trò gương mẫu khác trong xã hội chúng ta.”

Thay vì thất vọng tại các phòng bỏ phiếu, Đức Tổng khuyến khích xây dựng luân lý và tu đức giữa các cá nhân vì canh tân cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến canh tân văn hóa dù cho ai sẽ thắng cử. Ngài đưa ra những ví dụ cụ thể cho việc canh tân: củng cố kinh nguyện cá nhân và mối liên hệ với Chúa, xây dựng mối liên hệ chung trong các hôn nhân và các gia đình và làm chúng cho Giáo Hội qua sự cảm thông và thương xót.”

Ngài kết luận: “Đất nước chúng ta và thế giới chúng ta sẽ được đổi mới, không phải bởi các chính trị gia nhưng là bởi các thánh…. Nếu chúng ta muốn một nước Mỹ mạnh hơn, chúng ta cần trở thành những vị thánh vĩ đại hơn, nhờ ơn Chúa. Không quan trọng ai là tổng thống, Chúa Giêsu vẫn là Vua và chúng ta vẫn được gọi nên thánh và đổi mới thế giới này theo hình ảnh của Vương quốc Người.”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/204854.htm

CÁC TIN KHÁC: