Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video ĐTC dâng thánh lễ Ngày Năm Thánh dành cho Các Giáo Lý Viên tại Vatican 25-9-2016</b>
26/09/2016 12:00:00 SA

Quý vị và anh chị em đang theo dõi thánh lễ đại trào ngày Năm Thánh dành cho các giáo lý viên diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 25 tháng 9, tức là Chúa Nhật thứ 26 mùa Thường Niên.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Năm Thánh Lòng Thương Xót được chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 năm ngoái 2015 và sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 11 tới đây.

Ngày Năm Thánh dành cho các giáo lý viên là biến cố áp chót trong những biến cố chính trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngày 6 tháng 11 tới đây, biến cố sau cùng sẽ diễn ra, đó là Ngày Năm Thánh dành cho các tù nhân. Một tuần sau đó, tức là vào ngày 13 tháng 11, cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đền Thờ Đức Bà Cả, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và cửa thánh tại các giáo phận trên toàn thế giới sẽ được đóng lại. Ngày 20 tháng 11, lễ Chúa Kitô, cửa thánh sau cùng tại Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được đóng lại.

Đoàn đồng tế gồm Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, các vị Thượng Phụ của Công Giáo nghi lễ Đông phương, các Tổng Giám Mục, Giám Mục trong giáo triều Rôma đang tiến ra lễ đài.

Trong khi đó, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài “Mi-sê-ri-cor-đés si-cút Pa-ter”, nghĩa là “Hãy thương xót như Chúa Cha”. Đó là bài hát chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Thánh lễ

Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.

Nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Rồi Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Sau kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha đã dâng lời nguyện sau

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

BÀI ĐỌC I trích từ Sách Amos chương 6 từ câu 1 đến câu 7:

“Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Đây Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Đavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Thánh Vịnh 145

Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

1. Chúa là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục; Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3. Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 6, 11-16

“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêô.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM theo thánh Luca chương 16 câu 19 đến 31

“Ngươi đã được sự lành, còn Lagiarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Lagiarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lagiarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

“ Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lagiarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lagiarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.

“Người đó lại nói: Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lagiarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này. Abraham đáp rằng: Chúng đã có Maisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài. Người đó thưa: Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải. Nhưng Abraham bảo người ấy: Nếu chúng không chịu nghe Maisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu “.

Trong thánh lễ Năm Thánh cho các Giáo lý viên do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự hôm nay, cùng đồng tế với ĐTC có 10 Hồng Y, 30 Giám Mục và 650 linh mục. Tham dự thánh lễ ngoài 15.000 giáo lý viên đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, còn có hơn 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu.

Bài giảng của Đức Thánh Cha:

ĐTC mời gọi các giáo lý viên không mệt mỏi loan báo Chúa Kitô phục sinh là trung tâm điểm của đức tin kitô, sống chứng tá niềm hy vọng đem lại niềm vui, biết nhìn xa thấy rộng vuợt quá sự dữ và các vấn đề, đồng thời nhận ra và chú ý tới biết bao Ladarô thời nay, mau mắn trợ giúp và đáp ứng các nhu cầu của họ.

Quảng diễn lời thánh Phaolô căn dặn Timôthê “duy trì giới răn của Chúa nguyên tuyền không thể khiển trách được” (1 Tm 6,14), ĐTC nói thánh Phaolô chỉ nói đến một giới răn chứ không dặn phải chú ý tới nhiều điểm và nhiều khía canh. Xem ra ngài làm cho chúng ta gắn chặt cái nhìn vào điều nòng cốt của đức tin. Nòng cốt ấy là lời loan báo phục sinh: Chúa Giêsu đã sống lại, Chúa yêu bạn, Ngài đã trao ban cho bạn cuộc sống của Ngài; phục sinh, sống động Ngài ở bên cạnh bạn và chờ đợi bạn mỗi ngày. Áp dụng vào việc cử hành Năm Thánh các giáo lý viên ĐTC nói:

Trong Năm Thánh này của các giáo lý viên chúng ta được mời gọi không mệt mỏi đặt để ở hàng đầu lời loan báo chính yếu này của đức tin: Chúa đã sống lại. Không có các nội dung quan trọng hơn, không có gì vững chắc và thời sự hơn. Mỗi nội dung đức tin trở thành xinh đẹp, nếu gắn liền với trung tâm này, nếu được xuyên qua bởi mầu nhiệm phục sinh. Nếu bị cô lập hóa, nó mất đi ý nghĩa và sức mạnh. Chúng ta được mời gọi luôn luôn sống và loan báo sự mới mẻ trong tình yêu của Chúa: Chúa Giêsu thực sự yêu thương bạn, như bạn là. Hãy dành chỗ cho Ngài, mặc dù có các thất vọng và các vết thương của cuộc sống, hãy để cho Ngài có khà thể yêu thương bạn. Bạn sẽ không bị thất vọng đâu!”.

Điều răn mà thánh Phalô nói tới khiến cho chúng ta suy nghĩ tới điều răn mới của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Chính trong khi yêu thương chúng ta loan báo Thiên Chúa-Tình Yêu: không phải do sức mạnh của việc thuyết phục, không bao giờ đưóc áp đặt sự thật, cũng không phải vì co cứng trong việc tuân giữ vài đòi buộc tôn giáo hay luân lý. Thiên Chúa được loan báo, khi chúng ta gặp gỡ các bản vị con người, chú ý tới lịch sử và con đường đời sống của họ. Vì Chúa không phải là một tư tưởng, nhưng là một Người sống động: sứ điệp của Ngài đi qua chứng tá đơn sơ và chân thật, với việc lắng nghe và tiếp nhận, với niềm vui dãi toả ra ngoài. Chúng ta không nói tốt về Chúa Giêsu, khi chúng ta buồn sầu; cũng không thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa chỉ bằng các bài giảng hay. Thiên Chúa của niềm hy vọng được loan báo bằng cách sống Tin Mừng của tình bác ái ngày hôm nay, không sợ hãi làm chứng cho Ngài, cả với các hình thức mới mẻ. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu yêu thương có nghĩa là gì, nhất là giúp chúng ta tránh được vài nguy hiểm.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ Ngày Năm Thánh của các Giáo lý viên: Trong dụ ngôn có một người giầu, không nhận ra Ladarô, một người nghèo khổ “nằm trước cửa nhà ông” (Lc 16,20). Người giầu này, thực ra, không làm hại ai, cũng không bị nói là ngươi xấu. Nhưng ông có một tật nguyền lớn hơn tật nguyền của ông Ladarô, là người “đầy vết thương”: ông nhà giầu này bị mù trầm trọng, bởi vì ông không thể nhìn quá thế giới của mình, được làm bằng các bữa tiệc sang trọng và quần áo đẹp đẽ. Ông không trông thấy quá căn nhà của mình, nơi có Ladarô nằm, bởi vì ông không chú ý tới điều xẩy ra ở bên ngoài. Ông không nhìn với đôi mắt, bởi vì ông không cảm thấy trong con tim. Trong tim ông tinh thần thế tục đã bước vào và làm tê liệt linh hồn. Tinh thần thế tục giống như “một cái lỗ đen” nuốt trửng sự thiện, dập tắt tình yêu, vì nó nuốt mọi sự trong cái tôi của mình. Khi đó người ta chỉ trông thấy các dáng vẻ bề ngoài, và không nhận ra tha nhân, vì người ta trở thành dửng dưng với mọi sự. Ai bị bệnh mù trầm trọng này, thì thường có các thái độ “mắt lé”: nhìn các người danh tiếng, có địa vị cao được thế giới ngưỡng mộ với lòng kính trọng, mà không thèm nhìn biết bao nhiêu Ladarô này nay, không thèm nhìn các người nghèo túng và các người đau khổ, là những người được Chúa ưu ái.

Nhưng Chúa nhìn kẻ bị thế giới lãng quên và gạt bỏ. Ông Ladarô là nhân vật duy nhất được gọi tên trong tất cả các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tên của ông có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Thiên Chúa không quên ông, Ngài tiếp nhận ông vào trong tiệc của Nước Ngài, cùng với tổ phụ Abraham, trong sự hiệp thông phong phú của tình yêu thương. Trái lại, ông nhà giầu trong dụ ngôn cũng không có cả một tên gọi nữa; cuộc sống của ông bị rơi vào quên lãng, bởi vì ai sống cho chính mình thì không làm nên lịch sử. Nhưng một kitô hữu phải làm nên lịch sử! Họ phải ra khỏi chính mình, phải làm lịch sử! Nhưng ai sống cho chính mình, thì không làm lịch sử. Sự vô cảm ngày nay đào sâu các vực thẳm luôn mãi không thể vượt qua được nữa. Và chúng ta, trong lúc này, đã bị rơi vào căn bệnh này của sự thờ ơ, của ích kỷ, của tinh thần thế tục.

Còn có một chi tiết khác nữa trong dụ ngôn, một đối kháng. Cuộc sống sung túc của người không tên này được miêu tả như phô trương: tất cả nơi ông đòi hỏi các nhu cầu và quyền lợi. Trái lại, cái nghèo của ông Ladarô được diễn tả với phẩm giá cao: từ miệng ông không thốt ra các lời than van, phản đối hay khinh rẻ. Áp dụng vào cuộc sống giáo lý viên ĐTC nói:

Đây là một giáo huấn có giá trị: như là các người phục vụ lời của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi không phô trương bề ngoài và không tìm vinh quang; chúng ta cũng không được buồn sầu và than van. Chúng ta không phải là các ngôn sứ loan báo tai ương, ưa thích phơi bầy các nguy hiểm hay lệch lạc; không phải là người sống trong các hầm trú môi trường của mình, bằng cách đưa ra các phán đoán cay đắng liên quan tới xã hội, Giáo Hội, liên quan tới mọi sự và mọi người, bằng cách gây ô nhiễm thế giới với sự tiêu cực. Khuynh hướng nghi ngờ than vãn không phải là của người quen thuộc với Lời của Thiên Chúa.

Ai loan báo niềm hy vọng của Chúa Giêsu là người đem niềm vui và nhìn xa thấy rộng, có các chân trời, không có một bức tường khép kín họ, họ nhìn thấy xa, bởi vì họ biết nhìn xa hơn sự dữ và các vấn đề. Đồng thời họ nhìn rõ điều ở gần, bởi vì họ chú ý tới tha nhân và các nhu cầu của người khác. Ngày hôm nay Chúa hỏi chúng ta: trước biết bao Ladarô mà chúng ta trông thấy, chúng ta được mời gọi âu lo, tìm ra các con đường để gặp gỡ và giúp đỡ họ, mà không luôn luôn uỷ thác cho các người khác hay nói: “Ngày mai tôi sẽ giúp bạn. Hôm nay tôi không có giờ, ngày mai tôi sẽ giúp bạn”. Và điều này là một tội. Thời giờ mà chúng ta dành để cứu giúp các người khác là thời giờ dành cho Chúa Giêsu, là tình yêu tồn tại: nó là kho tàng trên trời, mà chúng ta chiếm hữu ở đây trên trái đất này.

Kết luận, các giáo lý viên và anh chị em thân mến, xin Chúa ban cho chúng ta ơn luôn luôn được canh tân mọi ngày bởi niềm vui của lời loan báo đầu tiên: Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cách cá biệt! Xin ngài ban cho chúng ta sức mạnh sống và loan báo giới răn của tình yêu, bằng cách vượt thắng sự mù loà của vẻ bề ngoài và các nỗi buồn thế tục. Xin Ngài khiến cho chúng ta nhậy cảm với người nghèo, họ không phải là phần thêm vào Tin Mừng nhưng là một trang chính , luôn luôn rộng mở trước mắt mọi người.

Lời nguyện giáo dân.

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã dâng lên 5 ý nguyện như sau:

1. Bằng tiếng Tây Ban Nha - Lạy Chúa, là Đấng ban sự sống cho tất cả mọi loài, xin Chúa bảo vệ Giáo Hội Chúa trong đức tin tinh tuyền và sống động. Xin Chúa linh hoạt các tín hữu trong hy vọng và trong việc thực thi cách anh hùng lòng bác ái.

2. Bằng tiếng Pháp - Lạy Cha, xin Cha mang lại công lý cho những ai bị áp bức. Xin Cha soi sáng những người nắm giữ vận mệnh các dân tộc. Xin Cha hướng dẫn những người cai trị các dân nước đi trên con đường kiến tạo hòa bình.

3. Bằng tiếng Thái Lan - Lạy Cha là Đấng làm cho người mù được thấy. Xin Cha soi sáng tâm trí của những người không tin, hoán cải tâm hồn những người tội lỗi. Xin Chúa ban sức mạnh cho các giáo lý viên hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa.

4. Bằng tiếng Đức - Lạy Cha xin thức tỉnh những người sa ngã, xin bổ sức cho những con cái Cha bị tổn thương vì cuộc sống, và khôi phục niềm tin cho những người đau khổ và bị phản bội.

5. Bằng tiếng Trung Hoa - Lạy Cha xin chặn đứng những bàn tay gây tội ác, xin phá vỡ các âm mưu của hận thù và của những con tim ích kỷ.

Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện sau:

Lạy Cha, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, xin mở ra trước chúng con những cánh cổng của sự sống đời đời, nơi chúng con được kết hiệp muôn đời với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Trước khi kết thúc thánh lễ ĐTC nói ngày hôm kia tại Wuersburg bên Đức Cha Engelmarr Unzeitig thuộc dòng Thừa Sai Marienhill đã được phong chân phước. Ngài đã bị giết trong trại tập trung Dachau do sự thù ghét đức tin; ngài đã lấy tình yêu chống lại thù hận, sự dịu hiền chống lại tàn ác. Cầu mong gương của ngài giúp chúng ta là các chứng nhân của tình bác ái và niềm hy vọng cả giữa các khốn khó.

ĐTC cũng hiệp ý với các Giám Mục Mêhicô trong việc ủng hộ dấn thân của Giáo Hội và xã hội dân sự cho gia đình và sự sống, đang cần sư lưu tâm mục vụ và văn hoá trên toàn thế giới. ĐTC cũng bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho dân nước Mêhicô để bạo lực chấm dứt. Trong các ngày vừa qua nó đã sát hại vài linh mục.

Sau cũng ĐTC đặc biệt chào và cám ơn các giáo lý viên vì dấn thân của họ trong Giáo Hội phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Ngài xin Mẹ Maria trợ giúp họ kiên trì trên con đường đức tin và làm chứng bằng cuộc sống cho điều họ thông truyền trong giáo lý.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/192220.htm

CÁC TIN KHÁC: