Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Giáo Hội Năm Châu 13–19/09/2016: Lệnh ngưng bắn tại Syria</b>
18/09/2016 12:00:00 SA

1. 15 triệu khách hành hương đi qua cửa Năm Thánh trong vòng 9 tháng đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hội đồng Tòa Thánh Tái Truyền giảng Tin mừng đã cho biết có hơn 15 triệu khách hành hương đi qua cửa Năm Thánh trong vòng 9 tháng đầu Năm Thánh Lòng thương xót.

Cha Eugene Sylva thuộc Hội đồng chia sẻ với đài Vatican về kinh nghiệm của các khách hành hương trong Năm Thánh Lòng Thương xót. Cha nhận xét là con số khách hành hương trong hai tháng 7 và 8 thật là ngạc nhiên một cách kỳ diệu, vì các du khách thường tránh đến Roma trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè. Theo cha, “đây là bằng chứng lòng thương xót đang chạm đến trái tim của nhiều người trên khắp thế giới và soi sáng cho họ đến và đi qua Cửa Thánh để nhận hồng ân của thời gian không thể tin được này và để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng là điều quan trọng”.

Cha Sylva cũng lưu ý việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ Giáo Hội về sứ vụ lòng thương xót trong Năm Thánh và chính trên đó Giáo hộ được thành lập; đó là điều mà trong những cách thế nhỏ nhặt chúng ta có thể thể hiện và chia sẻ lòng thương xót, dù là bị bó buộc trong phòng bệnh hay trong nhà dưỡng lão. Đức Thánh Cha đã làm gương qua thực hành các ngày Thứ Sáu của lòng thương xót. Ngài muốn thực hành cách riêng tư để có kinh nghiệm cá nhân thực sự với một nhóm người. Nhưng qua chúng ta, nhiều người có thể được nhìn thấy việc ngài làm và theo gương ngài, vì các việc thiêng liêng và cụ thể của lòng thương xót rất quan trọng trong Năm thánh này.

Cha nhận định là Năm thánh cũng đưa ra một động lực mới cho việc tái truyền giảng Tin mừng. Cha nói: “Năm thánh này đang thúc đẩy chúng ta cùng với việc tái truyền giảng Tin mừng. Nó giúp chúng ta thấy kế hoạch mục vụ về những nơi kế tiếp sẽ đi và để buộc lại toàn bộ biện chứng của tình yêu và đức tin – và đức tin và tình yêu – đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, là điều rất cần thiết trong việc chúng ta thực hiện cụ thể kế hoạch đó cho việc tái truyền giảng Tin mừng.

2. Người cùi, người tị nạn ở Orissa tham dự lễ tạ ơn dịp phong thánh Mẹ Têrêsa

Trong Thánh lễ cử hành ngày 11/09 tại nhà thờ chánh tòa Thánh Vính sơn ở Bhubaneswar, thủ phủ của bang Orissa, Ấn độ, đã có khoảng 2000 tín hữu đến từ nhiều nơi tham dự; trong đó cũng có các người cùi và tị nạn cư trú tại các cơ sở do các nữ tu Thừa sai bác ái điều hành.

Nữ tu Olivet, phụ trách các nữ tu Thừa sai bác ái miền Orissa, cũng đã nhân danh những người đau bệnh, trẻ mồ côi, những người hấp hối được chăm sóc tại các cơ sở của các nữ tu Thừa sai bác ái, cám ơn cộng đoàn. Chị cho biết là những người nghèo mong muốn tha thiết được hiện diện tại buổi lễ tạ ơn, vì “qua Mẹ Têrêsa mỗi người trong họ nhận ra Thiên Chúa chăm sóc họ”.

Đức Tổng Giám mục John Barwa, chủ sự Thánh lễ đã chia sẻ: “Mẹ thánh Têrêsa là gương mẫu cho mỗi người của thời đại hiện nay. Mẹ đã mang đến cho những người bị bỏ rơi, bị gạt bên lề xã hội, những người không được cứu chữa, không được tôn trọng, không được nhận biết, một nhân phẩm, qua việc phục vụ cách yêu thương, một sự dấn thân hoàn toàn, một sự trung thành và một tinh thần huynh đệ chân thật. Chứng từ của cuộc sống và mẫugương của Mẹ giống như ‘Mẹ của các người nghèo’ nói với tất cả , những người có đức tin cũng như không có đức tin, v có thể thấy cách rõ ràng, như thành phố được xây trên một ngọn núi được ghi lại trong Tin mừng”

Nữ tu Samuela, cũng thuộc dòng Thừa sai bác ái kết luận: “Chúng ta ở đây để tạ ơn Thiên Chúa bởi ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và toàn thế giới, qua Mẹ Têrêsa. Người phụ nữ vĩ đại của thời đại chúng ta, sứ giả của Tin Mừng, cuộc sống được đánh dấu sâu đậm bởi tình yêu, và bây giờ là một vị thánh. Chúng ta chiêm ngắm Mẹ như một gương mẫu và một nguồn linh hứng”.

3. Sứ thần Tòa Thánh hoan nghênh lệnh ngưng bắn tại Syria

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria, đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ.

Sau nhiều tuần thương thảo giữa Mỹ và Nga, trong bối cảnh cuộc ngừng bắn ngày 27 tháng 2 đã hoàn toàn thất bại vì liên tiếp bị vi phạm bởi cả hai bên; một thỏa thuận đã đạt được và có hiệu lực vào lúc bình minh ngày 12 tháng 9 trùng với ngày lễ Hồi giáo Eid al-Adha.

Cuối tuần qua, các chiến đấu cơ của Nga đã ném bom dữ dội trên các phần khác nhau của Syria. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Syria, được hỗ trợ bởi máy bay Nga đã tấn công vào các khu vực nổi dậy ở Idlib và Aleppo.

Nhà ngoại giao của Vatican cho biết “Chúng tôi thực sự hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ thành công. Cuộc xung đột tại Syria đã đạt đến một mức độ không thể chịu đựng nổi và mọi hành động ngoại giao nhằm làm im tiếng các loại vũ khí đều đáng được hoan nghênh. Chính yếu là chấm dứt bạo lực và mang lại viện trợ nhân đạo.”

Theo thỏa thuận ký kết giữa Hoa Thịnh Đốn và Mạc Tư Khoa, lực lượng Syria sẽ ngừng tấn công các khu vực hiện đang được kiểm soát bởi phe đối lập. Trong cuộc hưu chiến mười ngày, Mỹ và Nga sẽ có kế hoạch phối hợp chung không kích vào các vị trí của quân khủng bố Hồi Giáo IS và các nhóm khác bao gồm nhóm Jabhat al-Sham Fateh (trước đây gọi là al-Nusra Front).

Các phương tiện truyền thông nhà nước Syria cho biết Tổng thống Syria Bashar al Assad hoan nghênh thỏa thuận này. Truyền hình nhà nước cho thấy ông đang dự lễ Eid al-Adha ở Daraya, một thành phố từng là biểu tượng của phe nổi loạn.

Tại Aleppo, tâm điểm của cuộc chiến ở Syria, thỏa thuận ngừng bắn cho phép mở lại con đường Castello, ở phía bắc của thành phố, là tuyến đường chính được sử dụng để cung cấp lương thực cho phần phía đông của thành phố nơi đang trong tay quân phiến loạn. Con đường này đã rơi vào tay lực lượng chính phủ hồi tháng Bảy năm nay. Vòng vây của quân chính phủ có thể khiến cho từ 200,000 đến 320,000 người phải chết đói.

4. Thanh trừng sau đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: 28 thị trưởng bị mất chức, 76,000 người bị bắt

Lợi dụng tình trạng khẩn trương được công bố hôm 21 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực trong 3 tháng, chính phủ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cách chức 28 viên thị trưởng bị nghi ngờ có những liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), hay với giáo sĩ Fethullah Gulen, là người bị cáo buộc đã lãnh đạo cuộc đảo chính bất thành hôm 15 tháng 7.

Hầu hết các thị trưởng này được thay thế bởi những người gần gũi với tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Trong số 28 thị trưởng bị cách chức, 24 người từng là thị trưởng các thành phố ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ nơi đa số dân là người Kurd. Bốn người khác bị cáo buộc là có chân trong phong trào Fethullah Gulen. Người sáng lập phong trào này đang lưu vong tại Hoa Kỳ. Ankara đã đòi Hoa Kỳ dẫn độ ông về Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công.

Bộ trưởng Nội Vụ Suleyman Soylu cho biết, sau cuộc đảo chánh thất bại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam 76,000. Trong số đó, 16,000 bị bắt vì bị tình nghi là có chân trong phong trào Fethullah Gulen.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tuyển mộ 20,000 người tham gia vào lực lượng vũ trang để thay thế cho những người thiệt mạng hoặc bị loại bỏ sau cuộc đảo chính.

Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt giải thưởng Nobel văn học vào năm 2006 là ông Orhan Pamuk lên tiếng tố cáo vụ bắt giữ hàng loạt các nhà báo trong đó có hai người anh em với ông là Ahmet Altan và Mehmet Altan.

5. Tổng thống Phi Luật Tân nói cứ bắn bỏ Mary Jane Veloso, No Problems.

Bất chấp những phản đối của Tòa Thánh, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, Indonesia hay còn gọi là Nam Dương, đã xử bắn một số người bị kết án vận chuyển ma túy sau những cuộc điều tra rất sơ sài.

Tháng Tư năm ngoái, biểu tình đã nổ ra dữ dội tại Úc để phản đối án tử hình và chính quyền Úc đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ để cứu hai công dân đang chờ bị bắn chết tại nhà tù Nusakambangan. Tuy nhiên, tổng thống Indonesia Joko Widodo, một người ủng hộ hình phạt tử hình cho những kẻ buôn ma túy, đã nhất quyết bác bỏ yêu cầu của Úc. Sáng ngày 29 tháng Tư, 2015, Úc đã rút đại sứ về nước để phản đối Indonesia.

Trong danh sách các tù nhân sắp bị bắn có Mary Jane Veloso, người Phi Luật Tân. Cô được chừa lại không bị bắn trong một trường hợp rất hi hữu. Bà Maria Kristina Sergio, người Phi Luật Tân, là người bị cáo buộc đã nhờ Veloso vận chuyển ma túy đã tự nguyện ra đầu thú hôm thứ Hai 27 tháng Tư, 2015. Sáng thứ Ba, chính phủ Phi Luật Tân đã gởi một công hàm ngoại giao “tối khẩn” cho Indonesia đừng bắn Veloso để cô ta có thể ra hầu tòa tại Phi Luật Tân trong phiên xử Sergio. Indonesia đã chấp nhận đề nghị này.

Mary Jane Veloso, 30 tuổi, là một trường hợp rất thương tâm. Là con út trong một gia đình 5 con, cô lấy chồng từ năm 17 tuổi và đã có hai con trai trước khi bị người chồng bỏ rơi. Cô sang Dubai làm người ở nhưng bị chủ nhà toan tính hiếp dâm. Cô bị bắt hồi tháng Tư năm 2010 vì tội mang 2.6kg bạch phiến vào Indonesia. Tuy nhiên, cô đã luôn khẳng định mình vô tội và cho biết đã bị bà Sergio lừa mang giúp một vali sau khi cô mất công việc tại Malaysia.

Chỉ trong 4 ngày đã có 50,000 chữ ký tại Indonesia và từ 125 quốc gia trên thế giới xin miễn án tử hình cho cô.

Tuy nhiên, nay tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã bật đèn xanh cho Indonesia bắn bỏ Mary Jane Veloso.Tổng thống Joko Widodo cho biết như trên trong tuyên bố đưa ra hôm 12 tháng 9.

Tổng thống Joko Widodo cho biết trong chuyến viếng thăm hai ngày tại Indonesia, ông Duterte đã có một cuộc nói chuyện với ông. Ông nói:

“Tôi nói chuyện với tổng thống Duterte về trường hợp Mary Jane Veloso - và thực tế là người phụ nữ đó đã mang 2,6 kg heroin vào Indonesia. Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ những suy nghĩ của tôi với ông ta về khả năng có thể huỷ bỏ án tử hình dành cho cô ấy”.

“Trong quá trình thảo luận của chúng tôi. Tổng thống Duterte nói với tôi rằng nếu nhà chức trách Indonesia quyết định tử hình thì cứ tử hình, không sao đâu”.

Như vậy, Duterte đã chọn một đường lối rất khác với cựu tổng thống Benigno Aquino của Phi Luật Tân, là người đã áp lực Indonesia hoãn thi hành án tử hình Mary Jane Veloso.

Thỉnh cầu ân xá cho Mary Jane Veloso đã đến từ Giáo Hội Phi Luật Tân, Indonesia, và một số nước châu Á. Trong những tuần gần đây, các luật sư biện hộ đã đưa ra các “bằng chứng mới” chứng minh người phụ nữ vô tội.

Từ 1979 đến 2015, Indonesia đã bắn chết 66 người bị tình nghi là mang ma túy vào nước này.

6. 1,5 triệu người Hồi Giáo hành hương Makkah

Ít nhất 1,5 triệu người Hồi Giáo được dự kiến tham dự cuộc hành hương Hajj bắt đầu hôm thứ Hai 12 tháng 9 tại Makkah.

Hơn 17,000 nhân viên an ninh và 3,000 xe cứu thương được sử dụng bởi các lực lượng an ninh Arab Saudi nhằm bảo đảm an toàn cho các khách hành hương.

Sau nghi thức sơ bộ tại Đại Đền Thờ ở Makkah, khách hành hương sẽ thực hiện đi xe buýt, xe lửa hoặc đi bộ đến Mina, cách đó 5km về phía đông, nơi theo kinh sách Hồi giáo, ông Adong và bà Evà đã được xum họp với nhau sau khi bị trục xuất họ khỏi vườn địa đàng. Truyền thống Hồi Giáo cho rằng chính người sáng lập đạo Hồi là Muhammad cũng đã từng đi trên cùng con đường này 1400 năm trước.

Năm 2013, vì lý do an ninh, Arab Saudi giảm 20% số lượng khách hành hương nước ngoài được phép đến Hajj. Mỗi quốc gia Hồi giáo có thể gửi một người hành hương cho mỗi 1,000 dân. Do số lượng lớn người hành hương tập trung về đây, đã có nhiều tai nạn nghiêm trọng trong vài năm qua.

Tháng Chín năm ngoái, khoảng 2,000 người đã chết vì giẫm đạp lên nhau trên cầu Jamarat tại Mina.

Lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, người hành hương Iran sẽ không đến Makkah vì căng thẳng tôn giáo và chính trị gần đây giữa Iran và Saudi Arabia gây ra bởi một cuộc tấn công của Đại Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, là người đã gọi người Arab Saudi là những kẻ ngoại đạo và phường bôi bác Hồi Giáo, “satans” và tay sai của Hoa Kỳ.

Năm 2015 khách hành hương nước ngoài đã chi tiêu tổng cộng 4,75 tỷ Euros trong cuộc hành hương này.

7. Cựu tù nhân cộng sản được tuyên Chân Phước tại Kazakhstan

Một linh mục Ba Lan là người đã phải trải qua 13 năm trong các trại lao động Liên Xô đã được tuyên Chân Phước tại nhà thờ chính tòa Karaganda, bên Kazakhstan vào ngày 11 Tháng Chín.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng của Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự thánh lễ tuyên chân phước cho cha Wladyslaw Bukowinski, sinh năm 1904 và qua đời năm 1974. Ngài là một nhà truyền giáo ở Kazakhstan trong hai thập kỷ cuối cùng của cuộc sống trên dương thế của ngài.

“Bao nhiêu cơ cực con người này đã phải chịu!” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 9.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo Hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”

8. Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma từ chối tham gia vào sáng kiến chống bạo lực

Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma đã từ chối không chịu tham gia vào một sáng kiến cấp quốc gia tại Italia có tên là “Hãy nói không với bạo lực”. Sáng kiến này được sự hỗ trợ của hơn 2,000 cộng đồng Hồi giáo khác nhau tại Italia.

Sáng kiến “Hãy nói không với bạo lực” được cử hành vào ngày 11 tháng 9, trùng vào ngày kỷ niệm biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ.

Theo sáng kiến này, các tín hữu Kitô và nói chung là những ai không phải là Hồi Giáo đã được chào đón tại các đền thờ Hồi giáo trong cả nước.

Nhưng Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma đã từ chối không chịu tham gia. Một phát ngôn viên của đền thờ này, là ông Abdellah Redouane, nói rằng việc đó có thể gây ra “sự nhầm lẫn và mơ hồ,” và đổ lỗi cho “những ai muốn chứng minh mình trong sạch bằng bất cứ giá nào và cho rằng bản thân họ là người đại diện của đức tin Hồi giáo.”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/192094.htm

CÁC TIN KHÁC: