Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 08 – 14/09/2016: Tự thuật của Đức Bênêđíctô thứ 16</b>
14/09/2016 12:00:00 SA

1. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói việc quản trị Giáo Hội là một yếu điểm của ngài

Tờ báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đã công bố một trích đoạn trong cuộc phỏng vấn dài Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 dành cho Peter Seewald. Cuộc phỏng vấn đã được viết thành cuốn “Last Testament: In His Own Words”, được xuất bản ở Ý vào ngày 9 tháng 9 và tại Hoa Kỳ vào tháng Mười Một tới đây.

“Một điểm yếu của tôi có lẽ là sự thiếu quyết tâm trong việc quản lý và đưa ra các quyết định,” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói. “Trong thực tế tôi là một giáo sư, một người phản ánh và suy tư về các vấn đề tâm linh nhiều hơn.”

“Quản trị thực tế không phải là điểm mạnh của tôi và điều này chắc chắn là một điểm yếu. Nhưng tôi không xem bản thân mình như là một thất bại.”

Đức Giáo Hoàng Danh dự cho biết ngài đã rất ngạc nhiên trước kết quả cuộc bầu cử khi các Hồng Y bầu cho Đức Phanxicô nhưng ngài “hài lòng” và “hạnh phúc” khi thấy vị tân Giáo Hoàng nói chuyện với đám đông từ ban công hướng ra Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Giáo Hoàng Danh dự cũng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô như một người biết “cải cách thực tế.”

“Ngài là một tổng giám mục trong một thời gian dài, ngài hiểu biết mọi chuyện. Ngài là một bề trên của dòng Tên và có khả năng bắt tay vào hành động một cách có tổ chức. Tôi biết rằng đây không phải là điểm mạnh của tôi” .

2. Cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Hôm thứ Sáu 9 tháng 9, cuốn sách “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Những cuộc trò chuyện cuối cùng” đã được phát hành bằng tiếng Ý trên toàn thế giới.

Cuốn sách thuật lại các cuộc phỏng vấn của ký giả người Đức Peter Seewald với Đức Giáo Hoàng danh dự, bao gồm những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài, từ thời niên thiếu dưới chế độ Đức quốc xã, việc khám phá ơn gọi, những năm khó khăn trong chiến tranh, phục vụ ở Vatican và mối liên kết chặt chẽ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho đến cuộc bầu Giáo hoàng và quyết định thoái vị. Đức Giáo Hoàng danh dự cũng nói về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bày tỏ sự ngạc nhiên và rồi vui mừng vì việc bầu Đức Phanxicô chứng tỏ rằng Giáo Hội sống động, linh hoạt và không cứng nhắc trong những chương trình và điều này đáng khen ngợi và khuyến khích.

Cha Federico Lombardi, nguyên là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và đương kim chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto 16 của Vatican đã nhận định: cuốn sách mới thuật lại cuộc phỏng vấn với Đức Bênêđíctô thứ 16, được phát hành bằng các thứ tiếng khác nhau, chắc chắn đối với nhiều người là một ngạc nhiên, nhưng chúng ta có thể nói đó là một sự ngạc nhiên tốt đẹp.”

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo phủ nhận có liên can trong vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tiếp tục các cáo buộc hoang tưởng chống lại Kitô Giáo, báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople đã có những liên can nào đó trong âm mưu đảo chính hồi tháng Bảy chống lại Tổng thống Tayyip Erdogan. Tòa Thượng phụ Đại kết thành Constantinople đã mạnh mẽ phủ nhận những cáo buộc trên.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô I, người có quyền tối thượng danh dự trên Chính thống giáo Đông phương đã rời Thổ Nhĩ Kỳ bay sang Slovenia chỉ vài giờ trước khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Dựa vào chuyện này, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ngài đã nhận được cảnh báo trước.

4. Trung quốc bắt cóc một Giám Mục Công Giáo

Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một giám mục Công Giáo và đưa ngài đi xa khỏi giáo phận nơi ngài đang phục vụ, rõ ràng để ngăn chặn việc tấn phong ngài trong vai trò lãnh đạo mới của giáo phận. Thông tấn xã AsiaNews cho biết như trên hôm 8 tháng 9.

Đức Giám Mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn(邵祝敏) là Giám Mục phó giáo phận Ôn Châu với quyền kế vị. Ngài đã bị bắt giam ngay trước khi Đức Giám Mục Vinh Sơn Chu Duy Phương (朱維芳) qua đời vì bệnh ung thư. Các nguồn tin địa phương cho AsiaNews biết là Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn hiện đang bị giam tại tây bắc Trung Quốc, cách xa giáo phận của ngài.

Giáo dân địa phương tin rằng ngài đã bị bắt cóc để không thể chủ trì tang lễ cho Đức Giám Mục Chu Duy Phương và không thể được tấn phong như là người kế nhiệm hợp pháp.

Các quan chức Trung Quốc không chấp nhận Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn là Giám Mục Công Giáo vì ngài đã được Tòa Thánh công nhận, chứ không do Hội Công Giáo Yêu nước chỉ định.

Công an địa phương cũng đang tìm cách ngăn chặn các thành viên của Giáo Hội Công Giáo hầm trú tham dự tang lễ Đức Giám Mục Chu Duy Phương. Những người tham dự lễ tang phải có giấy phép của nhà cầm quyền. Chỉ có 400 giấy phép được dự trù cấp.

5. 100,000 người biểu tình phò sự sống tại Chilê

Ước tính có khoảng 100,000 người đã tham gia vào một cuộc biểu tình ủng hộ cuộc sống tại Santiago, Chile, khi đất nước đang đứng trước một thách đố chính trị khi một số chính trị gia mưu toan hợp pháp hóa phá thai.

Lệnh cấm phá thai, được ban hành vào năm 1989, vẫn còn hiệu lực ở Chilê. Nhưng một biện pháp cho phép phá thai trong một số trường hợp nhất định đã được thông qua bởi Hạ viện của cả nước, và với sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống Michelle Bachelet. Luật này chỉ cần sự chấp thuận của Thượng viện nữa là sẽ thành luật.

6. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục tại các xứ truyền giáo cảm nghiệm và biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ vụ Giám Mục của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9 tháng 9 dành cho 94 Giám Mục thuộc các xứ truyền giáo, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ truyền giáo tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Phaolô ở Roma, cho đến ngày 16-9 tới đây. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và các chức sắc của Bộ.

Trong số các tham dự viên, có 6 Giám Mục Việt Nam, đó là Đức Cha Nguyễn Tấn Tước, Giám Mục Phú Cường, Đức Cha Nguyễn Văn Hai, Giám Mục Vĩnh Long, Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Komtum, Đức Cha Trần Văn Toản, Giám Mục Phụ tá Long Xuyên, Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Giám Mục Phụ tá Bà Rịa, và Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Phụ tá Sàigòn.

Nhắc đến khóa học của các Giám Mục diễn ra trong Năm Thánh lòng thương xót, Đức Thánh Cha nói rằng: “Mỗi Giám Mục đích thân cảm nghiệm thực tại lòng thương xót của Chúa, và trong tư cách là đại diện “Vị Đại Mục tử của đoàn chiên” (Dt 13,20), Giám Mục được kêu gọi biểu lộ bằng cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, tình phụ tử của Thiên Chúa, lòng từ nhân, sự ân cần, lòng thương xót, sự dịu dàng và đồng thời biểu lộ thế giá của Chúa Kitô, Đấng đã đến để hiến mạng sống và làm cho tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, được hòa giải trong tình yêu của Chúa Cha”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục thuộc các xứ truyền giáo rằng: “Theo hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, anh em được mời gọi chăm sóc đoàn chiên và đi tìm các con chiên, nhất là những chiên ở xa xăm hoặc lạc đường; tìm kiếm những thể thức mới để loan báo, đi gặp gỡ con người, giúp đỡ những người đã nhận hồng ân bí tích rửa tội tăng trưởng trong đức tin, để các tín hữu, cả những người “nguội lạnh” hoặc không thực hành đạo, tái khám phá niềm vui đức tin và sự phong phú truyền giáo (EG 11). Vì thế, tôi khuyến khích anh em đi gặp cả những con chiên chưa thuộc đoàn chiên của Chúa Kitô”.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các Giám Mục quan tâm đến các giáo dân, khuyến khích, đồng hành và khích lệ các sáng kiến và nỗ đang có để duy trì niềm hy vọng và đức tin được luôn sinh động...

Các Giám Mục cũng cần chú ý đến việc đào tạo linh mục trong những năm ở chủng viện, và không quên đồng hành với họ trong việc thường huấn sau khi chịu chức. “Anh em hãy cống hiến cho các linh mục một tấm gương cụ thể và hữu hình. Khi có thể anh em cũng hãy cố gắng tham dự với họ những giai đoạn chính trong việc huấn luyện, luôn chăm sóc cả chiều kích bản thân nữa”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cảnh giác các Giám Mục “làm sao để những hoạt động mục vụ mà anh em cổ võ không bị thương tổn hoặc bị tiêu tán vì những chia rẽ hiện có hoặc có thể xảy ra. Chia rẽ là võ khí mà ma quỉ có trong tay nhiều nhất để phá hủy Giáo Hội từ bên trong. Hắn có hai võ khí, nhưng cái chính yếu là chia rẽ; võ khí kia là tiền bạc. Ma quỉ đi vào qua các túi và phá hủy bằng miệng lưỡi, với những lời nói hành nói xấu gây chia rẽ, và thói quen nói hành nói xấu là tập quán “khủng bố”. Kẻ nói hành nói xấu là một “tên khủng bố” ném bom để phá hủy. Xin anh em vui lòng chiến đấu chống chia rẽ vì đó là một trong những võ khí của ma quỉ để phá hoại Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Nhất là những khác biệt vì các sắc tộc khác nhau trong cùng một lãnh thổ không được xen vào các cộng đồng Kitô đến độ ảnh hưởng trên thiện ích của các tín hữu. Giáo Hội luôn được kêu gọi vượt lên trên những sắc thái bộ lạc, văn hóa, và Giám Mục là nguyên lý hữu hình của tình hiệp nhất, có nghĩa vụi không ngừng xây dựng Giáo Hội địa phương trong tình hiệp thông của tất cả các phần tử của mình”

7. Pháp phá vỡ âm mưu khủng bố gần nhà thờ Đức Bà Paris

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ca ngợi các lực lượng an ninh vì đã bắt giữ được vào hôm thứ Sáu một nhóm nghi phạm khủng bố đang âm mưu một cuộc tấn công lớn.

Một quan chức Bộ Nội Vụ nói với hãng tin Reuters rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã mưu toan tấn công nhà ga Lyon, một nhà ga xe lửa ở phía đông nam của Paris. Đó là một trong những nhà ga bận rộn nhất ở châu Âu.

“Có một nhóm đã bị tiêu diệt, nhưng còn những nhóm khác,” tổng thống Hollande nói. “Những thông tin từ các cơ quan tình báo đã cho phép chúng tôi hành động trước khi quá muộn.”

Vẫn còn bị quay cuồng sau hai cuộc tấn công lớn vào năm 2015, thủ đô Pháp đã trên bờ vực nguy hiểm hôm Chúa Nhật vừa qua, sau khi một người bán hàng báo cho cảnh sát về một chiếc xe hơi chứa đầy bình gas bị bỏ gần Nhà thờ Notre Dame. Đèn trên xe nhấp nháy trong vòng ít nhất hai giờ trước khi thu hút sự chú ý của người bán hàng này.

Khu vực này là một địa điểm du lịch thường xuyên thu hút các đám đông những người muốn đi bộ trên các đường phố và nhâm nhi cà phê tại các quán trên vỉa hè, tương tự như khu vực đường đi dạo bên bờ biển Nice trong cuộc tấn công hồi tháng Bảy đã giết chết 86 người và làm bị thương hơn một trăm người khác.

Hôm thứ Năm, nhà chức trách bắt giữ ba người phụ nữ, 19, 23 và 39 tuổi, bên ngoài Paris có liên quan đến âm mưu này. Người trẻ nhất, 19 tuổi, là Ines Madani, đã đâm một cảnh sát viên trong lúc bị bắt giữ. Chiếc xe hơi chứa đầy bình gas do cha của Madani đứng tên.

Cảnh sát Pháp đã bắt tiếp 2 người đàn ông và 2 phụ nữ khác, nâng tổng số những người bị bắt lên tổng cộng 7 người.

Theo đài phát thanh RTL, Madani đã viết một bức tâm thư ủng hộ quân khủng bố Hồi Giáo IS. Ba phụ nữ rõ ràng đã cố gắng trả thù cho cái chết của Abu Muhammad al-Adnani, là tên cầm đầu bộ máy tuyên truyền của quân khủng bố Hồi Giáo IS bị thiệt mạng tại Syria vào cuối tháng Tám vừa qua.

Trước khi chết, Adnani đã kêu gọi các tín đồ của Nhà nước Hồi Giáo hãy thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ trên “những kẻ không tin” ở châu Âu và Hoa Kỳ

Theo tờ Le Monde, Madani đã có hồ sơ với nhà chức trách từ năm 2015, khi cô không thành công trong việc rời Pháp đến Syria chiến đấu chung với hàng ngàn người nước ngoài đang tham gia chiến đấu trong hàng ngũ quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve, cho biết con số công dân và cư dân Pháp đến Syria để gia nhập bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã giảm đáng kể, nhưng bày tỏ quan ngại rằng khả năng của các vụ tấn công trong nước sẽ lên cao hơn khi những kẻ cuồng tín này chọn ở nhà để tham gia vào các cuộc khủng bố ngay trên đất Pháp.

8. Trung Quốc và Vatican tin tưởng vào tương lai của mối quan hệ giữa hai bên.

Tại Bắc Kinh cũng như tại Roma, đã những tín hiệu thuận lợi cho thấy các cuộc đàm phán đang có tiến triển.

Cuối tháng Tám vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã khẳng định rằng quan hệ giữa Vatican và Bắc Kinh đã được cải thiện. Bà nói: “Trung Quốc luôn chân thành trong việc cải thiện quan hệ với Vatican và đã nỗ lực không mệt mỏi cho mục tiêu này”.

Ðược hỏi về lời phát biểu của Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, được công bố hai ngày trước đó, rằng ngài “hy vọng và mong đợi một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc”, bà Hoa Xuân Oánh trả lời: “Kênh đối thoại và tiếp xúc giữa hai bên đang tiến hành tốt và hiệu quả”; và bà nói tiếp: “Dựa vào những nguyên tắc nhất định, chúng tôi muốn cùng nhau làm việc với phía Vatican để đối thoại cách xây dựng, thoả thuận được với nhau và phấn đấu cho các mối quan hệ song phương không ngừng phát triển”.

Hồi đầu tháng Tám năm 2016, trong một bài viết dài đăng trên tuần báo của giáo phận, Ðức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám mục Hương Cảng, đã khẳng định các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Vatican đã có tiến triển, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc.

Ðức Hồng Y quả quyết: Một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này sẽ đạt được mà không phản bội những đặc tính nền tảng của Giáo Hội là “duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền” và cũng không bỏ rơi hoặc hy sinh các tín hữu và các linh mục của Giáo Hội thầm lặng ở Trung Quốc.

9. Các Giám Mục Brazil tin tưởng vào khả năng phục hồi của dân tộc

Một tuần sau khi Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị truất phế khỏi chức vụ tổng thống, các giám mục của quốc gia này bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của dân tộc.

Trong thông điệp nhân ngày Độc Lập Brazil, trích dẫn “sự vắng mặt của các giá trị đạo đức và luân lý”, đã “gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội sâu sắc,” các giám mục viết: “Chúng tôi ghi nhận những khó khăn của thời điểm này, nhưng chúng tôi tin vào khả năng của người dân Brazil vượt qua nghịch cảnh, luôn luôn thông qua các cuộc biểu tình hòa bình”.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng:

“Mọi tổ chức đều được kêu gọi để thực hiện nhiệm vụ của mình theo những nguyên tắc dân chủ của pháp luật, vì thiện ích của người dân Brazil, chứ không bao giờ vì những lợi ích cá nhân hay phe nhóm”

10. Tòa Thánh ký hiệp định với Cộng Hòa Trung Phi

Hôm 06 Tháng Chín, tại dinh Palais de la Renaissance, là dinh tổng thống Cộng Hòa Trung Phi ở thủ đô Bangui một hiệp định cơ bản giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Trung Phi về các vấn đề cùng quan tâm đã được ký kết với sự hiện diện của vị nguyên thủ quốc gia là tổng thống Faustin-Archange Touadéra.

Ký kết trong hiệp định này về phía Tòa Thánh có Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh; về phía Cộng Hòa Trung Phi có ông Charles Armel Doubane, Bộ trưởng Ngoại giao.

Hiệp định cơ bản này bao gồm một Lời nói đầu và 21 điều, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước, chi phối các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên, trong khi duy trì sự độc lập và tự chủ của mình, thực hiện sự hợp tác vì lợi ích và sự thịnh vượng về đạo đức, tinh thần và vật chất của con người và vì thiện ích chung.

11. Đức Hồng Y Reinhard Marx lo ngại trước lời kêu gọi ngưng các cuộc đàm phán mậu dịch giữa Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, và là chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Âu, đã bày tỏ lo ngại trước lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đình chỉ các cuộc đàm phán TTIP.

TTIP, viết tắt bởi chữ Transatlantic Trade and Investment Partnership, là hiệp ước Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, đang được đàm phán bí mật giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu.

“Dừng các cuộc đàm phán TTIP sẽ không giải quyết được các vấn đề hiện tại,” Đức Hồng Y Marx nói. “Một trật tự kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có các quy định chung. TTIP có thể là một cách để đạt được mục tiêu này.”

12. Lãnh đạo Công Giáo Nam Sudan hoan nghênh đề nghị Liên Hiệp Quốc gửi quân gìn giữ hòa bình

Nhà lãnh đạo hàng đầu của Nam Sudan đã lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triển khai một lực lượng 4,000 quân gìn giữ hòa bình tại quốc gia đang bị tàn phá bởi các cuộc xung đột vũ trang.

“Chúng tôi cần sự giúp đỡ này,” Đức Tổng Giám Mục Paulino Lukudu Loro nói. “Chúng tôi không thể tự mình đưa đất nước đi đúng hướng.”

Theo đuổi chính sách bài Kitô Giáo, chính quyền Hồi Giáo tại Khartoum, đã mượn tay quân Trung quốc thực thi một chính sách diệt chủng các Kitô hữu sống tập trung tại miền Nam Sudan.

Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Giêng năm 2011. 98.83% dân chúng đã bỏ phiếu thành lập Cộng Hòa Nam Sudan, tách ra khỏi Sudan. Ngày 9 tháng 7 năm 2011, quốc gia non trẻ này ra đời.

Tuy nhiên, nội chiến đã nổ ra giữa các lực lượng của chính quyền tổng thổng Salva Kiir và các lực lượng phiến quân của phó tổng thống Riek Machar, vào giữa tháng 12 năm 2013 khi tổng thổng Salva Kiir cáo buộc phó tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính mình.

Cuộc nội chiến đã khiến cho ít nhất 300 ngàn người bị giết, 400,000 phải lánh nạn sang các nước khác và 1 triệu người phải tản cư trong nước.

13. Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn trước cái chết của nữ tu Isabel tại Haiti

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin sau lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, Đức Thánh Cha đã nhắc mọi người nhớ tới những người xả thân phục vụ các anh chị em phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là biết bao nhiêu nữ tu không quản ngại hiến mạng sống mình cho tha nhân. Ngài xin mọi người đặc biệt cầu nguyện cho chi Isabel người Tây Ban Nha bị sát hại cách đây hai ngày tại thủ đô Haiti, một đất nước bị thử thách nhiều và ngài cầu mong các hành động bạo lực như thế chấm dứt và có nhiều an ninh hơn cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Chúng ta cũng hãy nhớ tới các nữ tu khác mới đây đã là nạn nhân của bạo lực tại các nước khác. Chúng ta làm điều này bằng cách hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ và là Nữ Vương các Thánh. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.”

Nữ tu Monica Joseph, Tổng phụ trách dòng Nữ tu Chúa Giêsu Ðức Maria đã thông báo về cái chết của nữ tu Isabel Solá Matas, 51 tuổi, gốc Barcelona, Tây ban nha, truyền giáo tại Haiti từ nhiều năm qua.

Thông cáo viết: “Với sự đau buồn lớn lao, chúng tôi xin chia sẻ tin tức vừa nhận được từ Tỉnh dòng Hoa kỳ. Nữ tu Isabel Solá Matas đã bị giết ở Haiti trong một vụ cướp gần Nhà thờ Chánh tòa Port au Prince. Xin quý vị cầu nguyện cho chị Isabel, cho gia đình của chị, cho các nữ tu của chúng tôi ở Haiti, ở Hoa kỳ và Tây ban nha. Xin Chúa chúc lành cho quý vị”.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, vụ sát hại đã xảy ra vào sáng ngày 2 tháng 9 năm 2016 giờ địa phương trong khi chị Isabel đang lái xe trên đường ở trung tâm thủ đô. Chị đã trúng 2 phát đạn có lẽ là từ những kẻ cướp, vì giỏ xách và các đồ dùng cá nhân của chị đã bị cướp.

Chị Isabel đã dấn thân với những người khiêm tốn và nghèo khổ nhất của Haiti và đã thật sự sống cùng với họ sau trận động đất xảy ra năm 2010: chị giúp họ xây dựng lại nhà cửa, dấn thân như y tá và để làm dịu đi các đau khổ của những người đã bị mất tay chân trong trận động đất.

Haiti là nước nghèo nhất ở vùng Tây bán cầu, đánh dấu bởi sự thiếu giáo dục, nghèo đói và tội phạm lan tràn. Từ lâu nước này bị tê liệt bởi một cuộc khủng hoảng chính trị. Ngày 8 tháng 10 năm 2010, Julien Kénord, điều hành cơ quan bác ái Thụy sĩ đã bị giết ở Port-au-Prince trong một vụ cướp. Ngày 24 tháng 4 năm 2013, cha Richard E. Joyal, người Canada, thuộc dòng Ðức Maria cũng đã bị giết trong vụ cướp tiền khi cha vừa rút từ ngân hàng.

14. Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này.

Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-9, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Roma từ hôm 7-9 với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này.

Hội nghị do Viện đối thoại liên tôn ở Buenos Aires Á Căn Đình cùng với Tổ chức các quốc gia Mỹ châu đứng ra phối hợp dưới sự giám sát của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Các tham dự viên đã bàn về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại, theo thông điệp 'Laudato sí' của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói: “Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Ngài trong thiên nhiên, là kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người” (LS 201).

Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác liên tôn, dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: “Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của thiê Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân là một hạt giống nhỏ được gieo vãi; nếu nó được tưới gội chăm chỉ và tôn trọng, dựa trên sự thật, thì sẽ lớn thành cây xum xuê, với nhiều hoa trái, nơi mà tất cả có thể hưởng bóng mát và có thể nuôi dưỡng mình, không ai bị loại trừ, và tại đó mọi người sẽ trở nên thành phần của một dự án chung, liên kết những nỗ lực và khát vọng của mình”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cũng cổ võ sự cộng tác của những tín hữu và những người thiện chí, những người không tín ngưỡng trong việc bảo vệ các quyền con người, chống lại những tai ương của thế giới chúng ta như chiến tranh và đói kém, nạn lầm than đang đè nặng trên hàng triệu ngừơi, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, tham ô, và sự suy đồi luân lý. cuộc khủng hoảng gia đình, và kinh tế, nhất là sự thiếu hy vọng”.

Đức Thánh Cha không quên lên án sự lạm dụng tôn giáo để gây ra những hành vi tàn ác như khủng bố, gieo rắc sợ hãi và bạo lực, và vì thế có những người coi tôn giáo như là những tổ chức tạo nên tai gương trên thế giới. Cần phải cùng nhau quyết liệt lên án những hành động đáng kinh tởm như thế và xa tránh tất cả những gì tìm cách làm ô nhiễm các tâm hồn, chia rẽ và hủy hoại sự sống chung. Cần chứng tỏ các giá trị tích cực gắn liền với các truyền thông tôn giáo của chúng ta, để mang lại một động lực hy vọng vững chắc”

15. Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

Sáng 8-9 Đức Thánh Cha tiếp kiến các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức thế giới, và ngài đề cao vai trò của ơn gọi chiêm niệm trong việc biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thống Phụ Notker Wolf của Liên hiệp các Đan viện Biển Đức, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “Đời sống đan tu là con đường tuyệt hảo để giúp cảm nghiệm kinh nghiệm chiêm nhiệm và biểu lộ kinh nghiệm ấy qua chứng tá bản thân và cộng đoàn.

“Thế giới ngày nay ngày càng chứng tỏ rõ ràng nhu cầu lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là một khẩu hiệu hay là một công thức, nhưng là trọng tâm của đời sống Kitô và đồng thời là một lối sống cụ thể, là hơi thở linh hoạt những quan hệ giữa con người với nhau và làm cho chúng ta quan tâm hơn tới những người nghèo, liên đới với họ. Xét cho cùng, lòng thương xót biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp mà Giáo Hội gìn giữ và loan báo.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “thời nay, Giáo Hội được kêu gọi ngày càng chú ý đến điều thiết yếu, và các đan sĩ nam nữ do ơn gọi, giữ gìn một hồng ân và một trách nhiệm đặc biệt, đó là giữ cho các ốc đảo tinh thần được sinh động, nơi mà các vị mục tử và tín hữu có thể kín múc nơi các nguồn mạch lòng thương xót của Chúa”.

Đức Thánh Cha không quên đề cao sự hiếu khách của các đan sĩ Biển Đức, qua đó, “Anh chị em có thể gặp những tâm hồn bị lạc hướng hoặc xa lìa Giáo Hội, những người ở trong tình cảnh nghèo khổ trầm trọng về mặt nhân bản và tinh thần”...

“Tuy sống tách biệt với thế gian, nhưng khu nội cấm của anh chị em không hề khô cằn, trái lại, đó là một sự phong phú chứ không phải là một cản trở tình hiệp thông. Việc lao tác, hòa hợp với kinh nguyện, làm cho anh chị em tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và liên đới với người nghèo là những người không thể sống mà không làm việc”.

Đại Hội các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức tiến hành tại Đan viện Thánh Anselmo ở Roma từ ngày 3 đến 16-9 tới đây. Trong số khoảng 250 tham dự viên cũng có một số là người Việt.

Ngày 9-9 này, Cha Notker Wolf, 76 tuổi, người Đức, đã chấm dứt nhiệm kỳ thứ 3 làm Thống Phụ (Abbas Primas), tổng cộng là 16 năm. Ngày 10-9, Tổng hội bầu người kế vị đại diện cho hơn 20 ngàn đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới.

Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, dòng nam Biển Đức hiện có 340 đan viện với khoảng 7,200 đan sĩ, họp thành 19 chi dòng, mỗi chi dòng có Viện Phụ Tổng Quyền riêng.

Các Đan viện Biển Đức tại Việt Nam thuộc chi dòng Subiaco, có trụ sở trung ương ở Roma và gồm có 80 đan viện ở các nước với gần 1,400 đan sĩ. Chi dòng Việt Nam hiện là chi dòng lớn nhất của dòng Biển Đức.

16. Sự kiện lịch sử của Giáo Hội Lào: lễ truyền chức Linh mục và phong chân phước

Giáo Hội Công Giáo tại Lào đang vui mừng chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội tại đây.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, ngày 16/09 tại Savannakhet sẽ có lễ truyền chức cho 3 phó tế người Lào và ngày 11/12, Chúa Nhật thứ II mùa Vọng, như Tòa Thánh quy định, tại Viên Chăn sẽ có lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo, gồm có các Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hy sinh mạng sống tại Lào.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, Tổng Giám mục Cotabato, đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong chân phước ngày 11/12. Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận trong 2 án phong chân phước. Án thứ nhất có cha Mario Borzaga, thừa sai người Italia, thuộc dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) và Paolo Thoj Xyooj, giáo lý viên đầu tiên của Lào; 2 vị đã bị giết bởi những kẻ thù ghét đức tin. Án thứ hai gồm có vị Linh mục người Lào đầu tiên, đó là cha Giuse ThaoTien và 14 vị khác, gồm 10 vị thuộc Hội thừa sai Parí (MEP) và Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI), cùng với 4 giáo lý viên giáo dân người bản địa. 15 vị này bị giết giữa các năm 1954 và 1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lao.

Trong Thánh lễ truyền chức Linh mục vào ngày 16/09 sẽ có sự hiện diện của các Giám mục Lào của các địa phận Tông tòa Viên chăn, Luang Prabang, Savannakhet và Paksè. 3 phó tế sẽ được thụ phong Linh mục đến từ địa phận Tông tòa Luang Prabang.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/190041.htm

CÁC TIN KHÁC: