Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video ĐTC gặp gỡ 77.000 bạn trẻ người Italia và trả lời câu hỏi củ họ</b>
29/07/2016 12:00:00 SA

Hơn 77.000 bạn trẻ người Italia đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ngoài nước chủ nhà Ba Lan, Italia là nước đông nhất có các bạn trẻ tham dự. Các bạn trẻ tập trung tại khu vực quận La-gi-ê-ni-ki, cách Đền Thánh Lòng Thương Xót không xa.

Chiều thứ Tư 27 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Angelô Ba-nhás-cô, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia và các Giám Mục tham dự trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã dâng thánh lễ trước Đền Thánh Lòng Thương Xót cho các bạn trẻ người Italia.

Thánh lễ đã được tiếp nối với phần hòa nhạc và sau đó là phần hỏi đáp trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô từ Tòa Giám Mục Krắc-kô đã trả lời các câu hỏi do các bạn trẻ nêu ra.

Tưỏng cũng nên biết thêm đây là đền thánh dành riêng cho việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, và cũng là nơi an nghỉ của nữ tu Faus-ti-na Kô-wal-ska, được tuyên thánh ngày 30 tháng Tư, năm 2000.

Nhà thờ mới được xây dựng từ năm 1999 và được hoàn tất vào năm 2002, nằm ở quận La-gi-ê-ni-ki số 3 đường Si-os-try Faus-ty-ny.

Trước tiên, các bạn trẻ đã chào và cám ơn Đức Thánh đã dành thời gian cho họ, dù ngài chỉ mới đến Krắc-kô ban chiều nhưng vẫn không từ chối hiện diện với các bạn vào giờ này. Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các bạn trẻ đặt ra.

Câu hỏi đầu tiên là của một thiếu nữ, mỗi ngày thường đến trường đại học bằng xe lửa, nhưng vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, tình cờ cô lại không trên chuyến xe lửa bị tai nạn. Một trong các thợ máy xe lửa mà cô thường xuyên nói chuyện đã qua đời trong tai nạn. Cô đã bị một vết thương nội tâm. Cô hỏi làm sao để trở lại cuộc sống bình thường, làm sao để vượt thắng sự sợ hãi và tiếp tục hạnh phúc ngay cả trên những chuyến xe lửa mà các bạn đã xem như ngôi nhà thứ hai của mình.

Đức Thánh Cha trả lời tóm tắt như sau:

Các vết thương đem lại đau khổ nhưng cũng mang đến cơ hội vượt lên: “như luôn luôn xảy ra trong cuộc sống, khi chúng ta bị thương, những vết thâm tím hoặc vết sẹo lưu lại trên thân xác: cuộc sống đầy những vết sẹo”, dấu tích của vết thương. Nhưng sự khôn ngoan “tiến bước với những điều tốt đẹp cũng như xấu xí của cuộc sống. Có những điều không thể tiến tới và có những điều thật là đẹp, nhưng cũng xảy ra ngược lại: bao nhiêu bạn trẻ như các con không có khả năng đưa cuộc sống tiến lên với niềm vui của những điều tốt đẹp nhưng thích chọn để cho nó bị thống trị bởi ma túy và để cho họ bị cuộc sống chiến thắng! Cuối cùng, cuộc chơi là thế này: hoặc là con chiến thắng hoặc là cuộc sống chiến thắng con! Con thắng cuộc sống thì tốt hơn và hãy thực hiện điều này với sự can đảm và cả sự đau khổ. Và khi có niềm vui, hãy thực hiện nó với niềm vui, bởi vì niềm vui đưa con tiến lên và cứu con khỏi căn bệnh nguy hiểm: bị loạn thần kinh. Xin đừng, xin đừng để bị như vậy!

Một bạn nữ khác, Andrea, 15 tuổi, đã từng tự tử. Cô đến Italia khi mới 9 tuổi và đã bị các bạn cùng lứa tuổi chọc ghẹo với những lời lẽ gây tổn thương. Khi cô hiểu được những lời này cô cảm thấy đau khổ, cảm thấy mình vô dụng và quyết định tự tử vì cảm thấy bị hắt huỉ bởi mọi người. Được cứu sống trong bịnh viện và cô hiểu không phải mình là người cần được cứu chữa, nhưng là những người trẻ đã xúc phạm cô. Cô đã có thể đứng dậy từ đó và hiện đang tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Krakow. Cô muốn tha thứ cho những người xúc phạm mình nhưng vẫn khó khăn để thực hiện. Cô hỏi Đức Thánh Cha: làm thế nào để tha thứ?

Đức Thánh Cha trả lời:

“Đôi khi ngay cả các trẻ em cũng tàn bạo và có khả năng làm thương tổn vào nơi mà con đau nhất, đó là thương tổn con tim, thương tổn phẩm giá, và cả quốc tịch. “Sự tàn bạo là một thái độ của con người, đúng là nguồn gốc của tất cả chiến tranh, của tất cả sự dữ. Sự tàn ác không để cho người khác lớn lên, nó giết chết người khác, mà cũng giết chết danh dự của người khác. Khi một người trò chuyện chống lại một người khác, đó là độc ác; là độc ác, vì nó phá hủy danh tiếng của người khác”. Đức Thánh Cha thích gọi sự độc ác của miệng lưỡi này là khủng bố; sự khủng bố của trò chuyện. Sự độc ác của miệng lưỡi như sự độc ác mà con đã kinh nghiệm, giống như ném một quả bom tiêu diệt con và tiêu diệt bất cứ ai và kẻ ném bom thì không bị tiêu diệt. Đây là khủng bố, một điều mà chúng ta phải chiến thắng.

Làm sao để chúng ta chiến thắng nó? Nhưng con đã chọn con đường đúng đắn: thinh lặng, kiên nhẫn và kết thúc với một lời rất đẹp: tha thứ. Nhưng tha thứ không dễ dàng, vì một người có thể nói: tôi tha thứ nhưng tôi không quên nó. Và con đã luôn mang theo sự độc ác này, sự khủng bố bằng lời nói xấu, bằng những lời nói gây thương tổn và tìm cách ném con ra xa cộng đoàn…. Chúng ta phải làm gì để chiến đấu chống lại điều này? Con có can đảm phải không? Con đã can đảm trong việc này nhưng chống lai loại khủng bố nhiều chuyện, sỉ nhục, xua đuổi người khác…

Người ta có thể tha thứ hoàn toàn không? Chúng ta cần phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn này. Tự chúng ta không thể làm điều này; chúng ta nỗ lực, con đã nỗ lực; nhưng đó là một ơn mà Thiên Chúa đã ban cho con, ơn tha thứ để tha thứ cho kẻ thù, tha thứ những người làm con đau khổ.

Trong Tin mừng, khi Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ai vả con một cái, hãy đưa cả má kia cho họ vả, đúng không? Nó có nghĩa là hãy đặt trong tay Thiên Chúa sự khôn ngoan tha thứ này, một ân sủng. Nhưng chúng ta làm tất cả cố gắng của mình để tha thứ”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “có một thái độ đúng đắn chống lại việc khủng bố của miệng lưỡi dù là nhiều chuyện hay xỉ nhục: đó là sự khiêm nhượng. Thinh lặng, c ư xử tốt với người khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới, việc đáp trả sỉ nhục bằng sỉ nhục là thói quen. Chúng ta sỉ nhục nhau và thiếu sự khiêm nhượng. Hãy cầu xin ơn khiêm nhượng, khiêm nhượng trong tâm hồn. Và đó cũng là ân sủng mở ra con đường tha thứ”.

Cuối cùng một bạn nam, người đã cùng với một Linh mục và hai người bạn chứng kiến vụ khủng bố sát hại ở Munich, đặt câu hỏi: Làm sao các người trẻ chúng con sống và loan truyền sự bình an trong thế giới đang đầy những thù hận này?

Đức Thánh Cha trả lời:

“Con đã nói đến 2 từ chìa khóa để hiểu tất cả: hòa bình và thù hận. Hòa bình xây dựng những cây cầu còn oán thù xây nên những bức tường. Trong cuộc sống, con phải chon lựa: con xây cầu hay xây tường. Các bức tường chia cắt và oán thù gia tăng: nơi nào có chia rẽ, thù hận tăng thêm. Các cây cầu liên kết và khi có cây cầu, oán thù sẽ xa đi bởi vì tôi có thể nghe được người khác, nói với người khác.

Cha thích nghĩ và nói rằng chúng ta có, trong khả năng hằng ngày của chúng ta, khả năng xây một cây cầu nhân loại. Khi con nắm tay một người bạn, tay một con người, con bắc một cây cầu con người. Ngược lại, khi con tấn công sỉ nhục một người khác, con dựng nên một bức tường. Oán thù luôn gia tăng với các bức tường. Có khi con muốn xây một cây cầu và người ta không nắm lấy bàn tay mở ra của con: đó là những sự hạ nhục mà chúng ta phải đón nhận để làm điều tốt hơn. Nhưng luôn luôn xây dựng những cây cầu. Con đã đến đây: con đã bị chặn lại và gửi trả về nhà và con đã chọn lựa quay lại đây lần nữa: đây là cách hành xử.

Luôn luôn: có một khó khăn ngăn cản tôi làm gì đó? Quay lại đàng sau và tiến bước, quay lại và đi tới. Đó là điều mà chúng ta phải làm: xây dựng những cây cầu. Đừng để chúng ta ngã xuống đất, đừng đi như vậy… Đôi khi ta tự nhủ “nhưng tôi không thể….”. Không, hãy luôn tìm kiếm cách thức để xây dựng những cây cầu. Nhưng các con ở đó: các con, hãy xây dựng những cây cầu với đôi tay. Tất cả. Hãy nắm các bàn tay… vậy đó. Cha muốn thấy nhiều cây cầu con người… Đó, như thế: giơ cao tay lên… Như vậy đó. Đây là một chương trình của cuộc sống: xây dựng những cây cầu, những cây cầu con người. Cám ơn các con.”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188245.htm

CÁC TIN KHÁC: