Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi ra mắt các bạn trẻ tại công viên Błonia</b>
28/07/2016 12:00:00 SA

Sau thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Jasna Góra tại Częstochowa, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay trực thăng về lại phi trường quốc tế Balice của Krakow. Lúc 17h, tại quảng trường ngay trước Tòa Giám Mục Krakow đã diễn ra lễ nghi trao chìa khóa thành phố cho Đức Thánh Cha. Ông Jacek Majchrowski, là thị trưởng thành phố, đã thay mặt người dân Krakow trao chìa khóa thành phố cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sau lễ nghi này, Đức Thánh Cha đã lên một chiếc xe điện để đi cùng một nóm các bạn trẻ khuyết tật đến công viên Błonia nơi ngài sẽ chính thức được các bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chào đón.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang dùng Pope mobile để đi vòng quanh chào các bạn trẻ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Błonia Park là một đồng cỏ rộng lớn với diện tích 48 ha tiếp giáp trực tiếp với trung tâm lịch sử của thành phố Kraków, Ba Lan.

Lịch sử của công viên được bắt đầu vào năm 1162, khi một nhà quý tộc giàu có tên là Jaksa Miechowa – là người sáng lập ra chi nhánh Ba Lan của Dòng Hiệp Sĩ Thánh Mộ - hiến miếng đất giữa Zwierzyniec và Lobzow cho các nữ tu dòng Norbertine. Ý định của ông là để nhận được những lời chúc lành trước chuyến hành hương của ông đến Thánh Địa Giêrusalem.

Trong hai thế kỷ tiếp theo cánh đồng này thuộc về các nữ tu. Vào năm 1366, các nữ tu trao đổi cánh đồng này chính quyền thành phố để lấy một dinh thự tại đường Florianska. Các nông dân từ các làng lân cận đã dùng cánh đồng để thả gia súc của họ.

Cho đến thế kỷ 19, công viên Błonia hầu như đã bị bỏ quên, và thường bị ngập lụt do nước dâng cao từ sông Rudawa, góp phần vào sự lây lan của dịch bệnh. Sau khi tháo nước cho cánh đồng này, Błonia được cải tạo thành một công viên. Năm 1809, khi Ba Lan được sát nhập vào Liên Hiệp Warsaw, Błonia là một nơi duyệt binh của quân đội.

Ngày nay, Błonia là một khu vực giải trí, với các sự kiện lớn như các buổi hòa nhạc và triển lãm. Nơi đây cũng đã từng diễn ra các Thánh Lễ lớn do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành vào những năm 1979, 1983, 1987, 1997 và 2002. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã từng cử hành thánh lễ ở đây trong chuyến tông du Ba Lan vào tháng Năm 2006.

Trong bài giảng thánh lễ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:

Chào các bạn, chúc một buổi chiều tốt lành!

Cuối cùng chúng ta cũng ở bên nhau! Cảm ơn các con đã chào đón nồng nhiệt cha! Cha cám ơn Đức Hồng Y Dziwisz, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và những người đã đi cùng chúng con. Cha cũng biết ơn tất cả những người đã giúp tổ chức cuộc họp ngày hôm nay của chúng ta ở đây, những người đã “đi những thêm nhiều dặm đường” để chúng ta có thể cử hành niềm tin của mình.

Trong miền đất này, nơi sinh quán của ngài, cha đặc biệt muốn cảm ơn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về những cuộc gặp gỡ này và tạo ra những đông lực cho những cuộc gặp gỡ như thế. Từ trên thiên đàng, ngài đang hiện diện với chúng ta và ngài nhìn thấy tất cả các bạn: rất nhiều người trẻ tuổi từ một loạt các quốc gia, các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau nhưng với cùng một mục tiêu, đó là vui mừng vì Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta. Nói rằng Chúa Giêsu đang sống động có nghĩa là nhen nhóm trở lại nhiệt tình của chúng ta muốn được theo Ngài, và canh tân mong muốn mãnh liệt của chúng ta muốn trở thành môn đệ của Ngài. Còn cơ hội nào tốt hơn để canh tân tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu cho bằng việc xây dựng tình bạn giữa các con với nhau! Còn cách nào tốt hơn để xây dựng tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu hơn là chia sẻ tình bạn ấy với người khác! Còn cách nào tốt hơn để trải nghiệm những niềm vui lan tỏa của Tin Mừng cho bằng làm mọi cách để đem Tin Mừng đến cho tất cả những tình huống thương đau và khó khăn!

Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới Thứ Ba Mươi Mốt này. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Phúc thay ai có lòng xót thương, vì người ấy sẽ được thương xót (Mt 5: 7). Thực là phúc cho những ai có thể tha thứ, có thể thông cảm chân thành, và có thể trao ban những gì là tốt nhất của mình cho người khác.

Các bạn trẻ thân mến, trong những ngày này Ba Lan sống trong một bầu khí lễ hội; Ba Lan trong những ngày này muốn trở thành gương mặt luôn trẻ trung của lòng thương xót. Từ vùng đất này, cùng với các bạn và tất cả những người trẻ, kể cả những người không thể có mặt ngày nay nhưng tham gia với chúng ta qua các phương tiện truyền thông khác nhau, chúng ta sẽ làm cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới trở thành một Lễ Hội đích thực.

Trong những năm làm giám mục, cha đã học được một điều. Không có gì đẹp hơn là được nhìn thấy nhiệt tình, tâm huyết, lòng nhiệt thành và năng lượng của nhiều người trẻ trong cuộc sống của họ. Khi Chúa Giêsu chạm đến trái tim của một người trẻ, người ấy trở nên có khả năng tạo ra những điều thực sự tuyệt vời. Thật là thú vị để lắng nghe các con chia sẻ những ước mơ của mình, những băn khoăn và sự thiếu kiên nhẫn của chúng con với những người nói rằng đó là những điều không thể thay đổi. Đối với cha, thật là một ân sủng của Thiên Chúa khi được nhìn thấy đông đảo các con, với tất cả các câu hỏi, và những cố gắng để tạo ra một sự khác biệt. Thật là đẹp và ấm áp được thấy tất cả những bồn chồn! Hôm nay Giáo Hội nhìn đến chúng con và muốn học hỏi từ các con, để được yên tâm rằng Lòng Thương Xót của Chúa Cha luôn có một khuôn mặt luôn tươi trẻ, và không ngừng mời gọi chúng ta là một phần trong vương quốc của Ngài.

Cha biết các con có lòng nhiệt thành truyền giáo, vì thế cha lặp lại: lòng thương xót luôn có một khuôn mặt trẻ trung! Bởi vì một trái tim nhân hậu luôn được thúc đẩy để tiến ra ngoài vùng thoải mái của nó. Một trái tim nhân hậu có thể đi ra ngoài và gặp gỡ những người khác; nó đã sẵn sàng để đón nhận tất cả mọi người. Một trái tim nhân hậu có thể là một nơi ẩn náu cho những ai vô gia cư hoặc đã bị mất đi mái nhà của mình; nó có thể xây dựng một ngôi nhà và một gia đình cho những người bị buộc phải di cư; nó biết thế nào là dịu dàng và từ bi. Một trái tim nhân hậu có thể chia sẻ cơm bánh của mình với những người tị nạn và người di cư đang đói khát và chào đón họ. Nói chữ “thương xót” cùng với trọn con người các con là nói về những cơ hội, về tương lai, sự dấn thân, tin tưởng, cởi mở, hiếu khách, lòng từ bi và những giấc mơ.

Hãy để cha nói với các con một điều cha đã học được trong những năm này. Cha thật đau khổ khi gặp gỡ những người trẻ, những người dường như đã chọn việc “nghỉ hưu sớm”. Cha lo lắng khi nhìn thấy những người trẻ, những người đã chịu thua cả trước khi trận đấu bắt đầu, những người đang bị đánh bại ngay cả trước khi họ bắt đầu chơi, những người đi lòng vòng rầu rĩ như thể cuộc sống không có ý nghĩa. Từ sâu thẳm, những người trẻ tuổi như thế đang chán ... và nhàm chán! Nhưng cũng thật là khó khăn, và buồn phiền, khi chứng kiến những người trẻ tuổi lãng phí cuộc sống của họ trong việc tìm kiếm những cảm giác mạnh hoặc săn tìm cái cảm giác cho rằng mình đang rất là sống động bằng cách lần theo những nẻo đường đen tối và cuối cùng phải trả giá cho điều đó ... và phải trả giá đắt. Thật là buồn khi chứng kiến những người trẻ lãng phí những năm tháng đẹp nhất trong đời, lãng phí năng lượng của họ khi chạy theo những kẻ rao bán các ảo tưởng ngây thơ (ở quê cha, người ta gọi những con người ấy là “các nhà buôn khói”), là những người cướp đi từ các con những gì là tốt nhất.

Chúng ta đang tập hợp nơi đây để giúp đỡ lẫn nhau, bởi vì chúng ta không muốn bị cướp đi những gì là tốt nhất của mình. Chúng ta không muốn bị cướp đi năng lượng, niềm vui, những giấc mơ của chúng ta cho những ảo tưởng ngây thơ.

Vì vậy, cha hỏi các con: Các con đang tìm kiếm những xúc cảm trống rỗng trong cuộc sống mình, hay các con muốn cảm nhận được một sức mạnh có thể mang đến cho các con một cảm giác lâu dài của sự viên mãn trong cuộc sống? Các con đang tìm kiếm những xúc động trống rỗng, hoặc sức mạnh của ân sủng? Để tìm sự viên mãn, để đạt được sức mạnh mới, có một cách. Đó không phải là một thứ gì hay một vật gì, nhưng là một người, một người đang sống. Tên của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu có thể mang đến cho các con một niềm đam mê đích thực cho cuộc sống. Chúa Giêsu có thể truyền cảm hứng cho chúng ta không chấp nhận những gì là kém thua, nhưng những gì là tốt nhất. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta, thúc đẩy chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục cố gắng bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ từ bỏ. Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta nhìn lên và mơ ước những điều tuyệt vời.

Trong Phúc Âm, chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu, trên đường lên Giêrusalem, đã dừng lại ở một ngôi nhà – ngôi nhà của Martha, Maria và Lazarô – và Người được họ chào đón. Ngài dừng lại, đi vào và dành thời gian cho họ. Hai người phụ nữ chào đón Ngài bởi vì họ biết Ngài là người cởi mở và chu đáo. Bận rộn với nhiều công việc và trách nhiệm khiến chúng ta có một chút như Martha: bận rộn, phân tán, không ngừng chạy từ nơi này đến nơi khác ... nhưng chúng ta cũng có thể giống như Maria: bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy một cảnh quan đẹp, hoặc nhìn vào một video từ một người bạn trên điện thoại di động của chúng ta, chúng ta có thể dừng lại và suy nghĩ, dừng lại và lắng nghe ... Trong những ngày này, Chúa Giêsu muốn dừng lại và vào nhà của chúng ta. Ngài sẽ nhìn thấy chúng ta vội vã tất bật với tất cả các mối quan tâm của chúng ta, như Chúa đã thấy nơi Martha ... và Ngài sẽ chờ đợi chúng ta lắng nghe Ngài, như Maria đã tạo không gian cho Ngài trong bối cảnh của những nhộn nhịp. Cầu xin ngày này có thể được phó thác cho Chúa Giêsu và cho việc lắng nghe nhau. Xin cho những ngày này có thể giúp chúng ta đón nhận Chúa Giêsu nơi tất cả những ai chúng ta chia sẻ cùng một ngôi nhà, trong các khu dân cư, trong các nhóm và trường học của chúng ta.

Bất cứ ai chào đón Chúa Giêsu, đều học cách yêu thương như Người. Vì thế, Ngài hỏi chúng ta xem liệu chúng ta có ao ước một cuộc sống tròn đầy không? Các con có muốn có một cuộc sống viên mãn không? Hãy bắt đầu bằng cách để cho mình được cởi mở và chu đáo! Bởi vì hạnh phúc được gieo và nở hoa nơi lòng thương xót. Đó là câu trả lời của Ngài, là đề nghị và là thách thức của Ngài, cuộc phiêu lưu của Ngài là lòng thương xót. Lòng Thương Xót luôn có một khuôn mặt trẻ trung. Giống như của Maria làng Bêtania, người ngồi như một môn đệ bên chân Chúa Giêsu và vui vẻ lắng nghe lời Ngài, vì cô biết rằng ở đó cô sẽ tìm được bình an. Cũng giống như Đức Maria thành Nazareth, với lời xin vâng táo bạo đã bước vào một cuộc phiêu lưu của lòng thương xót. Tất cả các thế hệ sẽ gọi Mẹ là có phước; với tất cả chúng ta Mẹ là “Mẹ của Lòng Thương Xót”.

Cùng nhau, chúng ta sẽ xin Chúa: “Xin khởi động nơi chúng con một cuộc phiêu lưu của lòng thương xót! Xin khởi động nơi chúng con cuộc phiêu lưu trong việc xây dựng những chiếc cầu và xô đổ những bức tường, những hàng rào và dây thép gai. Xin khởi động nơi chúng con cuộc phiêu lưu giúp đỡ người nghèo. Những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, hoặc không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Xin hãy cho chúng con biết lắng nghe, như Maria làng Bêtania, những người chúng con không hiểu, những nền văn hóa và các dân tộc khác, cho dù chúng con sợ hãi hay coi như một mối đe dọa. Xin hãy cho chúng con biết lắng nghe những người cao niên, như Đức Maria thành Nazareth đã lắng nghe bà Elizabeth, để học hỏi từ sự khôn ngoan của họ.

Lạy Chúa, này chúng con đây. Xin hãy sai chúng con đi chia sẻ tình yêu thương xót của Chúa. Chúng con muốn chào đón Chúa ở giữa chúng con trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Chúng con muốn khẳng định rằng cuộc sống của chúng con được viên mãn khi được hình thành bởi lòng thương xót, vì đó là phần tốt hơn, và sẽ không bao giờ bị lấy đi khỏi chúng con.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188227.htm

CÁC TIN KHÁC: