Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12 – 18/05/2016: Khi bác sĩ trở thành hung thần của bệnh nhân</b>
18/05/2016 12:00:00 SA

1. Người dân Bỉ kêu gọi Canada đừng thông qua luật “làm cho chết êm dịu”.

Ngày 6 tháng 6 năm 2016, Quốc hội Canada sẽ xem xét Bill C-14, một đạo luật gây tranh cãi, mà nếu được thông qua, luật “làm cho chết êm dịu” sẽ được hợp pháp hóa tại quốc gia này.

Một số công dân Bỉ, quốc gia mà luật “làm cho chết êm dịu” đã được hợp pháp hóa từ năm 2002, đã gửi một thông điệp cho Canada: “đừng làm điều đó”. Trong một số video clip, các bác sĩ, luật sư, và thành viên của các gia đình của những người bị “làm cho chết êm dịu” đã chỉ rõ rằng hợp pháp hóa “cái chết êm dịu” đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và làm tổn hại các mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Hendrik Reitsema có người ông đã bị “làm cho chết êm dịu” ở Bỉ nói: “Chúng ta đã có một cuộc phản đối chống lại các thầy thuốc giết người cách đây từ 2000 năm bởi vì lời thề Hippocrates, và bây giờ chúng ta đi đến một thời khắc trong lịch sử khi các thầy thuốc trở thành mối đe dọa đối với bịnh nhân.”

Luật “làm cho chết êm dịu” mà Quốc hội Canada đang xem xét, khác với “trợ giúp tự sát”. “Trợ giúp tự sát” là khi một bác sĩ, hay một thành viên trong gia đình của bệnh nhân có thể giúp đỡ bịnh nhân nhưng chính bịnh nhân phải hành động để kết thúc cuộc sống của mình. Còn “làm cho chết êm dịu” là hành động chích thuốc độc một bịnh nhân, được thực hiện cách chủ ý bởi một người khác với ý định kết thúc cuộc sống của bịnh nhân để giảm bớt sự đau khổ cho bịnh nhân.

Những người ủng hộ luật “làm cho chết êm dịu” thường cho rằng các biện pháp bảo vệ có thể che chở những người dễ bị tổn thương khỏi sự lạm dụng của các luật này. Tuy vậy, các bác sĩ và luật sư Bỉ trong một video clip đã phản đối rằng: sự bảo vệ chỉ là ảo tưởng.

Theo bác sĩ Benoit Beuselinck, một bác sĩ chuyên về ung thư, sự bảo vệ rõ ràng nhất là các bác sĩ không thể giết một bịnh nhân. Một khi bạn chấp nhận rằng một bác sĩ có thể giết bịnh nhân, ngay cả trong giai đoạn cuối, thì cũng khó mà đặt một vạch đỏ và nói bạn không thể vượt qua nó. Ông cho biết các bác sĩ ung thư thường phân vân khi cho các bịnh nhân biết những tiên đoán vì mỗi bịnh nhân phản ứng khác nhau với các loại bịnh và điều trị, và tiên đoán thường sai. Theo luật của Bỉ, bất cứ một người trưởng thành nào đang bị bịnh ở giai đoạn cuối có thể yêu cầu được “chết êm dịu”. Nhưng những chẩn đoán bịnh ở giai đoạn cuối có thể bị sai vì nhiều bịnh nhân vẫn sống lâu sau những chẩn đoán. Như thế nào là bịnh giai đọan cuối? Làm sao bạn có thể phán xét một bịnh nhân sẽ sống 3 ngày, 3 tuần hay 3 tháng? Ông nói là các bác sĩ có thể giúp bịnh nhân vào giờ chết của họ mà không cần giết họ.

Trong một video khác, bác sĩ Beuselinck chia sẻ rằng ông cũng đã thấy luật pháp không được kiểm soát với con số 30-40% trường hợp “chết êm dịu” không được báo cáo. Ông nói: “Ở Bỉ, các bịnh nhân bị “làm cho chết êm dịu” ngay những chẩn đoán đầu tiên của bịnh Alzheimer hay bệnh ung thư ác tính.

Theo nhà hoạt động chống luật trợ tử Lionel Roosemont, một khi “làm cho chết êm dịu” đã được ghi vào luật thì chẳng mấy chốc nó sẽ không còn là một chọn lựa tự do nữa vì các bịnh nhân thường cảm thấy mình buộc phải yêu cầu phương thức này để tránh trở thành gánh nặng cho gia đình và bè bạn. Ông nói thêm: “Trước khi “chết êm dịu” trở thành một chọn lựa hợp pháp, chăm sóc cho một người cần sự chăm sóc chỉ là một điều nhân bản cần làm, nhưng một khi họ có cơ hội chọn lựa kết thúc cuộc sống, việc không chọn lựa kết thúc cuộc sống trở thành chọn lựa trở thành gánh nặng cho những người thân. Nó không công bằng.”

Còn Etienne Montero, một luật gia và khoa trưởng của khoa luật của đại học Namur nhận định rằng luật “làm cho chết êm dịu” cũng nguy hiểm vì những từ ngữ không rõ ràng của nó. Ông nói: “Theo luật, người bệnh phải đang mắc phải một căn bệnh nặng hoặc không thể chữa khỏi dẫn đến đau khổ về thể chất hoặc tâm thần, nhưng rõ ràng nên đặt câu hỏi cách nhanh chóng là tại sao một người đang mắc phải một căn bệnh tâm thần sẽ không thể được sử dụng cái chết êm dịu. Ðây là những gì chúng ta thấy ngày ngày nay; chúng ta thấy rằng luật “làm cho chết êm” dịu áp dụng trong những tình huống đau khổ tâm thần mà không nhất thiết phải nghiêm trọng hoặc không thể chữa khỏi được.

Vào năm 2015, Laura, 24 tuổi, theo luật của Bỉ cô “được quyền chết” vì cô bị căn bệnh muốn tự tử. Nhưng khi đến hẹn để chích thuốc độc cô đã thay đổi quyết định.

Nước Bỉ cũng đã thấy luật vượt khỏi giới hạn ban đầu của nó. Trong khi luật ban đầu chỉ cho phép áp dụng với các người từ 18 trở lên, nhưng bây giờ cả trẻ em bất cứ tuổi nào cũng có thể yêu cầu “cái chết êm dịu” nếu được các bác sĩ, các nhà tâm lý và cha mẹ chúng đồng ý.

Marnix Coelmont, một giáo viên và luật sư nói rằng lời khuyên của ông cho Canada là nếu họ sẽ chuẩn nhận luật “làm cho chết êm dịu”, họ cũng cần đầu tư thêm tiền cho các chăm sóc giảm đau và cuối đời để các bịnh nhân không phải chọn “cái chết êm dịu”.

2. Số bịnh nhân tâm thần chết êm dịu tăng 4 lần trong vòng 4 năm ở Hà Lan.

Số liệu thống kê mới cho biết số người bịnh tâm thần chết êm dịu tăng gấp 4 lần trong vòng 4 năm tại Hà lan. Số liệu thống kê chính thức hàng năm ghi nhận 56 trường hợp chích thuốc độc để chết êm dịu vì họ đã chịu những đau khổ không thể chịu đựng từ những vấn đề tâm thần.

Số liệu ghi nhận được trong năm 2011 chỉ có 13 trường hợp. Như thế các trường hợp “an tử” của bịnh nhân tâm thần đã tăng 330% trong vòng 4 năm. Thống kê cũng cho thấy số bịnh nhân bị mất trí nhớ “bị giết” theo cách “an tử” cũng gia tăng 35% trong vòng một năm, cụ thể là từ 81 trong năm 2014 lên 109 năm 2015.

Trong khi tổng số trường hợp “an tử” ở Hà lan chỉ tăng 4%, từ 5,306 đến 5,561 trường hợp, nhưng nó tăng 50% trong vòng 5 năm cuối. Số người chết êm dịu chiếm 3.78% trong tổng số 147,000 người chết hàng năm ở Hà lan, nghĩ là khoảng 1/27 người.

Luật pháp chỉ cho phép sử dụng “an tử” trong những trường hợp đau đớn không chịu nổi, phần lớn liên quan đến những người bị ung thư không thể chữa lành. Chính quyền Hà lan chỉ ghi nhân 4 trường hợp không hợp luật và các trường hợp này sẽ được điều tra thêm.

Tuy nhiên các nhà vận động chống an tử ở Anh băn khoăn đặc biệt bởi con số tăng vọt của những người bị mất trí nhớ hoặc bệnh tâm thần trong các trường hợp này. Nikki Kenward thuộc nhóm quyền cho người khuyết tật Voices Distant cho rằng người Hà Lan đã không quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nặng nề khi đè nghị “an tử” như một giải pháp cho các vấn đề của họ. Bà nói: “Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, điều chúng ta thấy ở đây là não trạng thay đổi, nhìn nhận việc này là hợp pháp hay thậm chí còn hoan nghênh nó... Nếu đây là điều tốt nhất mà khoa tâm thần có thể cung cấp khi đối mặt với những nhu cầu phức tạp và sâu sắc thì tất cả chúng ta nên thận trọng khi tin tưởng vào ngành này, vì sự thiếu thành công trong điều trị rõ ràng làm cho các bịnh nhân tệ hơn”.

Một nghiên cứu cho biết là một phần lớn các bệnh nhân “bị giết” an tử bởi vì những vấn đề sức khỏe tâm thần đã phàn nàn về sự cô lập với xã hội. Các nhà nghiên cứu ở Hoa kỳ khám phá ra rằng sự cô đơn là một lý do đàng sau các chọ lựa “an tử”, yêu cầu xét lại 37 trong 66 trường hợp, nghĩa là 56% tổng số vụ “an tử”. Nghiên cứu bởi Viện sức khỏe quốc gia đã trưng dẫn trường hợp một phụ nữ trong tình trạng sức khỏe tâm thể lý tôt, “bị giết bởi chích thuốc độc” vì bà cảm thấy cô đơn lẻ loi sau cái chết của chồng bà một năm trước, và tuyên bố là Hà lan, trong thực tế, đang thực hiện một chính sách an tử theo yêu cầu.

Có khả năng là các trường hợp an tử liên quan đến các trường hợp mất trí sẽ tiếp tục gia tăng, bởi vì đầu năm 2016 những quy định được nới lỏng để cho các bác sĩ quyền tự do hơn để “giết” các bịnh nhân mà tình trạng bịnh ngày càng nặng hơn. Hướng dẫn của chính phủ bào đảm các bác sĩ có thể chích thuốc độc cách hợp pháp cho các bịnh nhân không còn có thể bày tỏ ước muốn được sống hay chết nữa. Tuy thế, các bịnh nhân phải ký trước một đơn yêu cầu “an tử” khi mà họ còn khả năng lý trí. Hướng dẫn trước đó nhấn mạnh là một người chỉ được chết an tử khi họ có thể bày tỏ đầy đủ sự đồng ý. Hiện tại, chính quyền Hà lan đang xem xét sẽ theo gương của Bỉ hay không và mở rộng “an tử” cho cả các trẻ em.

3. Đức Thánh Cha tiếp 870 nữ Bề Trên Tổng Quyền

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẵn sàng lập một ủy ban nghiên cứu về vai tro của các nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai.

Đây là đề tài được dư luận báo chí chú ý nhiều nhất trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho gần 900 nữ Bề trên Tổng quyền sáng ngày 12-5-2013 tại đại thính đường Phaolô 6. Trong buổi tiếp kiến một số tham dự viên đã đưa ra những câu hỏi và Đức Thánh Cha ứng khẩu trả lời.

Một nữ tu Bề trên hỏi Đức Thánh Cha về việc các nữ tu đã giữ vai chính trong các công tác phục vụ ngừơi nghèo và bệnh nhân, dạy giáo lý và nhiều thừa tác vụ khác trong Giáo Hội, tại sao không thiết lập một ủy ban chính thức để nghiên cứu vấn đề phụ nữ làm phó tế vĩnh viễn như trong Giáo Hội sơ khai?

Đức Thánh Cha nhận định rằng vai trò xưa kia của các nữ phó tế cho đến nay vẫn không rõ ràng lắm. Công đồng chung Calcedonia (451) cũng nói nhưng hơi tối. Đâu là vai trò của các nữ phó tế thời đó? Một nhà thần học uyên bác (đã chết rồi) nói với tôi rằng dường như vai trò của họ là để giúp các phụ nữ khi chịu phép rửa tội, dìm mình trong nước, rồi xức dầu trên thân thể các nữ tân dự tòng. Và cũng có một điều ngộ: khi có một vụ xử hôn phối vì người chồng đánh vợ, bà này đến khiếu nại với Đức Giám Mục, các nữ phó tế được giao phó nhiệm vụ xem xét trên thân thể người vợ ấy có những vết bầm vì chồng đánh hay không và trình lại cho Đức Giám Mục. Đó là điều tôi nhớ được... Tôi nghĩ là sẽ hỏi Bộ giáo lý đức tin thông báo cho tôi xe những nghiên cứu về vấn đề này, vì bây giờ tôi trả lời các chị theo những điều tôi đã nghe từ vị linh mục ấy, một nhà nghiên cứu uyên thâm và vững chắc về chức phó tế vĩnh viện. Về việc lập một ủy ban chính thức để nghiên cứu vấn đề, tôi đồng ý. Tôi nghĩ điều tốt là Giáo Hội làm sáng tỏ vấn đề này..

Về sự hiện diện của phụ nữ trong các tiến trình quyết định của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đồng ý về việc gia tăng trách nhiệm của nữ giới ở các cấp độ khác nhau trong những trường hợp không đòi phải có quyền tài phán liên quan đến thánh chức. Lý do vì cái nhìn của phụ nữ có thể góp phần phong phú hóa giai đoạn chuẩn bị quyết định cũng như giai đoạn thi hành.

Về việc nữ giới giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắc lại kỷ luật hiện nay của Giáo Hội là cần phân biệt: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, trong giải đoạn này việc giảng liên quan đến sự chủ tọa thánh lễ là của tư tế. Trong phần đầu, phụ nữ có thể giảng dạy.

Đức Thánh Cha không quên mời gọi các nữ tu hãy dành chỗ đúng đắn cho việc nghỉ ngơi và đừng lơ là với việc hỏi ý kiến của các nữ tu cao niên, hoặc lãng quên các nữ tu già yếu bệnh tật trong tu việc. Các chị ấy chính là ký ức của Hội dòng, với kinh nghiệm và sự khôn ngoan của các chị.

Một số câu hỏi liên quan đến việc cải tổ trong nhiều dòng tu và có thể có những khó khăn về giáo luật. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài có khuynh hướng về việc có thể thay đổi một số điều nhỏ trong luật của Giáo Hội, miễn là đây là kết quả của một sự phân định sâu sắc của các giới chức có thẩm quyền.

Chiều ngày 13-5-2016, 870 nữ Bề trên Tổng quyền các dòng trên thế giới đã kết thúc Đại hội lần thứ 20, sau 5 ngày tiến hành tại khách sạn Ergiffe ở Roma, với chủ đề “Kết dệt tình liên đới hoàn cầu để phục vụ sự sống”.

Đại Hội này do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ tổ chức lần thứ 20. Đặc biệt lần này có 6 Bề trên Tổng Quyền của các dòng từ Việt Nam tham dự, đó là dòng Đa Minh Tam Hiệp, Đa Minh Phú Cường, Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Dòng MTG Phan Thiết, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Viên và dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế. Cũng có một Bề trên Tổng quyền người Việt của một dòng Quốc Tế là dòng Chúa Quan Phòng Portieux và một chị tổng cố vấn dòng Đức Bà Truyền giáo.

Cũng nên nói thêm rằng năm 2002, Ủy ban thần học quốc tế đã công bố kết quả nghiên cứu và đi đến xác quyết các nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai không co vai trò phụng vụ như các nam phó tế.

4. Cha Lombardi làm sáng tỏ bài phát biểu của Đức Thánh Cha về Nữ Phó tế

Trong buổi triều yết hôm 12 tháng 5, kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ về sứ mệnh và mục vụ của nữ giới trong đời sống tôn giáo, Đức Thánh Cha trả lời một số câu hỏi tế nhị, trong đó có vấn đề những gì ngăn cản Giáo Hội từ bao năm qua không có nữ phó tế vĩnh viễn, giống như trong thời gian sơ khai của Giáo Hội! Trong câu trả lời của mình, Đức Thánh Cha nói sự hiểu biết về vai trò nữ phó tế trong Giáo Hội vẫn chưa rõ ràng và nhất thống, nên thật hữu ích để thiết lập một Ủy ban để nghiên cứu về vấn đề này.

Cha Lombardi mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nữ tu là một “cuộc trao đổi rất tốt đẹp và khích lệ” về vai trò phụ nữ, đặc biệt đời của các sơ tận hiến trong Giáo Hội, trong đó họ đóng những vai trò và các vị trí quan trọng trong các lãnh vực không thuộc về chức thánh.

Đề cập đến việc cứu xét thiết lập một Ủy ban để nghiên cứu về vấn đề Nữ Phó tế của Đức Thánh Cha, Cha Lombardi cho biết đây là một vấn đề đã và đang được thảo luận trong Giáo Hội hầu có thêm nhiều phụ nữ tham dự vào nhiều trách vụ trong cộng đoàn Kitô giáo.

Cha Lombardi nói “chúng ta cần phải trung thực” khi nhìn vào những nhận xét của Đức Thánh Cha về việc sẵn sàng để thiết lập một Ủy ban nghiên cứu vấn đề này cho được sáng tỏ hơn.

Đức Thánh Cha không nói ngài dự định sẽ giới thiệu việc phong chức phó tế cho nữ giới và nhất là việc truyền chức linh mục cho nữ giới! Trong thực tế, Đức Thánh Cha nói rõ ràng trong bài giảng của ngài là ngài không có ý định gì trong việc này cả.

Cha Lombardi cho biết thật là sai lầm khi quảng diễn nhiều điều một cách rộng rãi qua những chia sẻ của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết này với các Bề trên tổng quyền của các Dòng và Tu hội nữ giới này.

5. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tại Vatican

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 15 tháng 5, Đức Thánh Cha đã cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có gần 100 vị gồm các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các Linh Mục trong giáo triều Rôma. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Toà Thánh và ca đoàn Mater Ecclesiae. 10,000 tín hữu và du khách hành hương đã ngồi chật bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau bài thánh ca Xin Chúa Thánh Thần đến và ca nhập lễ Đức Thánh Cha đã bắt đầu buổi cử hành với phần làm phép nước là dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ, và dẫn đưa họ vượt qua Biển Đỏ, Đấng đã cho nước vọt ra trong sa mạc để giải khát cho dân cho dân. Với hình ảnh nước mát, các ngôn sứ đã tiên báo giao ước mới, mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho loài người. Sau cùng trong nuớc sông Giordan được Chúa Kitô thánh hóa, Chúa đã khai mào bí tích tái sinh ghi dấu việc khởi đầu một nhân loại mới, tự do không bị tội lỗi làm hư hoại. Xin Chúa làm sống dậy nơi chúng con trong dấu chỉ của nước thánh này kỷ niệm bí tích Rửa Tội để chúng con có thể kết hiệp với cộng đoàn tươi vui của tất cả các anh chị em đã được rửa tội trong lễ Phục Sinh của Chúa Kitô Chúa chúng con.

Tiếp đến Đức Thánh Cha và hai Phó tế rảy nước thánh trên tín hữu, trong khi ca đoàn hát bài thánh thi “Tôi đã trông thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó”.

Bài đọc một bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công Vụ kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến cho các Tông Đồ mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô phục sinh và dân chúng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiểu trong ngôn ngữ của mình điều họ nghe. Bài đọc hai bằng tiếng Anh, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma, nói về cuộc sống mới trong Thần Khí khiến cho tín hữu được gọi Thiên Chúa là Cha. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh thuật lại các lời Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ ở lại trong Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, để Thiên Chúa Cha và Ngài yêu thương họ và ở lại trong họ. Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến sẽ dậy dỗ họ mọi điều, để họ nhớ lại những gì Ngài đã nói với họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống.

6. Kỷ niệm lần thứ 99 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

180,000 khách hành hương đã cầu nguyện đặc biệt cho những người tị nạn hôm thứ Sáu 13 tháng 5 tại đền thánh Đức Mẹ Fatima, một thị trấn 130 km về phía bắc của Lisbon, bên Bồ Đào Nha, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự vào năm tới để kỷ niệm một trăm năm các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Dom Manuel Clemente, Tổng Giám Mục Lisbon và cũng là nhà lănh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha, đã yêu cầu những người hành hương cầu nguyện “cho sức khỏe của các bệnh nhân, niềm ủi an và hy vọng cho những người cô đơn, những người thất nghiệp, và đặc biệt cho những người tị nạn.”

Đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố hồi năm ngoái khi ngài rước tượng Đức Mẹ Fatima sang Rôma rằng ngài muốn tham gia vào trong cuộc hành hương hàng năm tại Fatima vào năm 2017.

Theo truyền thống Công Giáo, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra cùng ba trẻ mục đồng sáu lần tại Fatima vào năm 1917, lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5.

Vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2010 đã là vị Giáo Hoàng thứ ba hành hương đến Fatima sau khi Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến viếng nơi này vào năm 1967. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến viếng đền thánh Đức Mẹ Fatima vào những năm 1982, 1991 và 2000.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt tôn kính Đức Trinh Nữ Fatima vì ngài xác tín rằng Mẹ Fatima đã cứu ngài thoát chết trong vụ mưu sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Thánh Gioan Phaolô II đã từng mơ ước trở thành một linh mục dòng Cát Minh nhặt phép. Lý do duy nhất cản trở ngài không thực hiện được giấc mơ này là vì chủng viện Camêlô ở Czerna, Ba Lan, vào thời điểm đó đã không nhận các tu sinh mới trong thời chiến.

Cậu thanh niên Karol Wojtyla bị mê hoặc bởi các công trình của Thánh Gioan Thánh Giá, và sau này đã viết luận án tiến sĩ của mình về vị thánh vĩ đại này của dòng Cát Minh.

Sự say mê của ngài trước các công trình của Thánh Gioan Thánh Giá một phần đến từ sứ điệp của chị Faustina Kowalska về lòng Chúa thương xót trong bối cảnh đất nước Ba Lan giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Giai đoạn này là một trong những chương bi đát nhất của lịch sử lâu dài và đau thương của đất nước này.

Đức Gioan Phaolô II luôn luôn nhìn thấy thế giới, bao gồm cả những thăng trầm của cuộc sống riêng của mình, như là một phần trong một bộ phim rộng lớn mô tả một cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Ngài xác tín rằng bất kể những thăng trầm của lịch sử, nhờ Lòng Thương Xót Chúa, nhân loại không bao giờ cạn kiệt các khả năng. Niềm xác tín ấy hình thành nên lời khích lệ thường xuyên của ngài với thế giới: “Đừng sợ!”.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima, tay súng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca, là người đã bắn chết một nhà báo và một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Thổ Nhĩ Kỳ là Abdi Ipekci, đã bắn không chỉ một nhưng đến hai viên đạn ở cự ly rất gần nhưng Đức Mẹ Fatima đã làm chệch đi các đường đạn để cứu sống ngài.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô tạo ra những ngạc nhiên vì chuyến viếng thăm bất ngờ của ngài.

Chiều 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Thánh Cha trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Thánh Cha còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo.

8. Đức Thánh Cha tiếp tổ chức “Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp “Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. Đức Thánh Cha nói: “Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại”.

Tại hội nghị của tổ chức “Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người”.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán”

9. Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Trong năm 2015, Viện Giáo Vụ hay cũng quen gọi là 'Ngân Hàng Vatican' lời được 16 triệu 100 ngàn Euro.

Theo phúc trình 2015 công bố hôm 12-5-2016, số vốn của Viện giáo vụ hiện nay là 645 triệu Euro. Kết quả hoạt động năm ngoái của Viện này là 42 triệu 800 ngàn Euro so với 104 triệu rưỡi Euro trong năm 2014 trước đó. Số tiền lời trong năm 2014 trước đó là 69,3 triệu Euro. Ông Tổng giám đốc Gian Franco Mammi giải thích sự suy giảm này là do khủng hoảng kinh tế.

Viện Giáo Vụ tiếp tục thực thi chính sách minh bạch và trong thời gian qua đã đóng 4.935 tài khoản không hợp tiêu chuẩn mới của Viện này. Hiện nay số khách hàng của Ngân Hàng Vatican là gần 15 ngàn (14.801) trong đó có các cơ quan đại diện của Tòa Thánh, các dòng tu, giáo phận, các tổ chức Công Giáo, giáo sĩ, nhân viên Tòa Thánh và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Tổng cộng 75% khách hàng của ngân hàng này có cư trú tại Italia và Vatican, 15% ở Âu Châu và 10% ở các nơi khác trên thế giới.

Trong cuộc viếng thăm trụ sở Viện Giáo Vụ ngày 24-11 năm ngoái, Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này là Viện phải “tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức không thể thương thảo đối với Giáo Hội, Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng”. Ngoài ra hoạt động của Viện Giáo Vụ phải tôn trọng bản chất đặc thù của Viện nay, hòa hợp hiệu năng hoạt động và bản chất mục vụ là điều cốt yếu trong mọi hoạt động”

10. “Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

Một sáng kiến từ thiện mới, liên kết nghệ thuật, văn hóa, lòng thương xót và sự tương trợ với nhau. Đó là “Christo’s Box – hộp của Christo, giữa nghệ thuật và lòng thương xót, món quà cho Bangui”.

Sự kiện được phát động bởi Bộ truyền thông của Tòa Thánh, bởi bảo tàng viện Vatican với trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin.

Những tác phẩm nghệ thuật khổ nhỏ (hơn 300 tác phẩm) được thực hiện bởi nghệ nhân nổi tiếng người Bungari Christo Vladimirov Javacheff sẽ được bán tại các buổi đấu giá ở Luân đôn, Torino, Milan, Roma và tất cả số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi ở Bangui, Cộng hòa Nam Phi. Đó là ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô để tương trợ cho một vùng đất nghèo khổ như tại Bangui, miền trung của Châu Phi.

Sáng kiến này bắt đầu từ tác phẩm nghệ thuật mà Christo đã thực hiện với một gói hàng có hộp chứa các dvd “Khám phá bảo tàng viện Vatican”do trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin thực hiện. Tác phẩm này mô tả khuôn mặt của một thanh niên, được vẽ cách đây 500 năm bởi Raphael, bên cạnh triết gia Aristote trong bức họa nổi tiếng “trường học Atêna”. Họa sĩ đã chọn tập trung sự chú ý của mình vào đôi mắt của chàng thanh niên, người anh em họ của Đức Phaolô II. Christo chụp lấy ánh nhìn của chàng thanh niên, bất động và ngừng lại ở vô cùng, diễn tả vẻ đẹp sâu xa.

Các hộp đựng DVD này sẽ được bán tại nhiều nơi khác và số tiền thu được sẽ giúp cho các bịnh nhân trẻ em của Trung Phi có những bình dưỡng khí và dụng cụ hồi sức, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn và tuyên bố rõ ràng trong cuộc viếng thăm Bangui vào năm ngoái. Còn bản gốc của tác phẩm sẽ được tác giả tặng cho Vatican và sẽ được cất giữ tại Bộ truyền thông của Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn trong buổi giới thiệu tác phẩm này, giám đốc bảo tàng viện Vatican, ông Antonio Paolucci đã nói: “Christo đã đóng gói Raphael” và ông làm như thế để giúp đỡ Bịnh viện nhi đồng ở Bangui, ở vùng thất vọng nhất của Châu Phi: là một mẫu gương đáng khâm phục của sự đa năng. Cách đây 500 năm, Đức Giáo Hoàng Giulio II đã gọi Raphael đến vẽ các phòng của Vatican vì muốn vinh danh ông và Giáo Hội. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng Raphael và Christo cho một hành động từ thiện cho những người nghèo nhất giữa những người nghèo.

Đức ông Vigàno, giám đốc Ủy ban truyền thông thì nhấn mạnh rằng: “Hoạt động này có một mục đích kép. Trên hết nó trình bày dấu chỉ cụ thể sự quan tâm của Ủy ban Truyền thông của Tòa Thánh đến một thời đại và ngôn ngữ đặc trưng của nó. Christo là một trong những nhân vật nổi tiếng của nghệ thuật đương đại của thế giới. Tác phẩm mà ông tặng cho Bộ truyền thông sẽ là một dấu hiệu cụ thể của sự kết hợp mà ông thấy tại Bảo tàng viện Vatican. Khía cạnh thứ hai là sự liên kết giữa nghệ thuật, văn hóa và sự tương trợ. Tác phẩm nghệ thuật trở thành món quà cho nhân loại và cũng là cơ hội để thực hiện một hành động từ thiện cụ thể. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ định là số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi đồng ở Bangui.

11. Thông điệp gởi người Phật tử Hàn quốc nhân lễ Vesak

Hôm 12 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục của Hán Thành, trong một văn thư gửi đến cộng đồng Phật giáo nhân dịp kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Đức Phật, đã viết như sau:

“Xã hội chúng ta đang sống đầy nhiễu nhương mâu thuẫn và chia rẽ trong thời điểm khó khăn hiện nay, tôi cầu xin ‘lòng đại từ đại bi của Đức Phật’ tuôn trào xuống xã hội chúng ta đang sống”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh:

“Tôi ước nguyện giáo huấn của lòng thương xót từ bi xả kỷ của Đức Phật và của Chúa Giêsu được mọi người đón nhận, và hai tôn giáo của chúng ta có thể cùng đồng hành trên con đường của sự thật, để soi dẫn người trấn thế và xây dựng một xã hội an hòa hạnh phúc”.

Đức Hồng Y bày tỏ “lời chúc mừng chân thành nhân dịp kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Đức Phật”, và Ngài đại diện cho những người Công Giáo Hàn Quốc phát biểu:

“Tôi hy vọng lòng từ bi xả kỷ dồi dào và lòng thương xót của Đức Phật được tuôn tràn trong tâm lòng từng người trong quí vị”.

Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc luôn có một mối quan hệ liên tôn rất tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Đức Hồng Y Yeom và Hòa thượng Jaseung, người đứng đầu Giáo Hội Phật giáo Hàn quốc có tên là “Korean Bhussit Jogye” luôn có những tương giao mật thiết và những lời cầu chúc trao gửi cho nhau vào những dịp Giáng sinh của Công Giáo hay Sinh nhật của Đức Phật cũng như những sinh hoạt liên tôn khác.

12. Đức Thánh Cha chủ tọa lễ khai mạc Đại hội đồng thứ 69 của Hội đồng Giám mục Ý

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa lễ khai mạc Đại hội đồng thứ 69 của Hội đồng Giám mục Ý vào chiều thứ Hai 16 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở Vatican.

Các vấn đề chính trong chương trình nghị của Đại hội đồng thứ 69 của CEI là việc canh tân hàng giáo sĩ thông qua những hoạt động thường huấn.

Trong bài phát biểu với các Giám Mục Ý trong dịp này, Đức Thánh Cha khuyến khích các ngài lắng nghe các linh mục của mình và học hỏi từ những tấm gương của họ. “Chiều nay,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi không muốn trình bày với các hiền huynh một suy tư có hệ thống về hình ảnh các linh mục: nhưng trái lại hãy nhìn khía cạnh này một cách khác, và sẵn sàng để lắng nghe. Chúng ta hãy tiếp cận vấn đề một cách chăm chú - hãy nhìn một trong rất nhiều các linh mục giáo xứ xả thân trong cộng đồng của chúng ta, hãy để gương mặt vị linh mục ấy trước con mắt tâm hồn của chúng ta, và chúng ta hãy tự hỏi một cách đơn sơ rằng: điều gì mang lại hương vị cho cuộc sống? Vì ai và tại sao người linh mục ấy thực hiện một sứ vụ tận tụy như vậy? Lý do tột cùng cho sự tự hiến của vị linh mục ấy là gì? “

Những câu trả lời Đức Thánh Cha Phanxicô kết hợp việc vun trồng tình bạn đích thực với Thiên Chúa, sự hồi phục vai trò lãnh đạo dũng cảm mà các linh mục - đặc biệt là các cha triều - được mời gọi để thực thi trong những hoạt động truyền giáo cơ bản của toàn bộ Giáo Hội, là điều vốn dĩ là trung tâm của mọi đời sống Kitô hữu, và cuối cùng là Vương Quốc của Thiên Chúa như là chân trời và mục tiêu của toàn bộ công việc của Giáo Hội và của mỗi người được kêu gọi để phục vụ như một linh mục.

Các chủ đề khác trong chương trình nghị sự của các Giám mục Ý bao gồm việc duyệt xét các các quy định gần đây về Toà án Giáo Hội (với cải cách Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong thời gain giữa các Thượng Hội Đồng Giám Mục), vấn đề quản lý tài nguyên kinh tế, và một số vấn đề về pháp lý và hành chính khác.

Một cuộc họp báo được tổ chức lúc13:30, thứ Năm 19 tháng 5, để trình bày các công việc của Đại hội.

13. Indonesia chuẩn bị Ðại hội Giới trẻ Công Giáo toàn quốc và toàn châu Á.

Indonesia đang tích cực chuẩn bị cho hai Ðại hội Giới trẻ được tổ chức trong hai năm 2016 và 2017. Ðại hội thứ nhất là Ngày Giới trẻ Indonesia, diễn ra từ 1 đến 6 tháng Mười năm 2016, tại Manado. Ðại hội thứ hai là Ngày Giới trẻ Châu Á, diễn ra từ 30 tháng Bảy đến 6 tháng Tám năm 2017, tại Yogyakarta.

“Qua hai sự kiện trọng đại này, chúng tôi hy vọng sẽ cho mọi người thấy các tín hữu Công Giáo là một thành phần của nhân dân Indonesia”, ông Antonius Agus Sriyono, đại sứ Indonesia tại Toà Thánh, nói. “Người Indonesia phải có lòng khoan dung với các tôn giáo khác”.

Indonesia có gần 90% người theo Hồi giáo, còn Kitô giáo chỉ vào khoảng 10% dân số, tức trên 25 triệu người.

Manado, thành phố đăng cai Ngày Giới trẻ Indonesia nằm ở phía Bắc tỉnh Sulawesi có đa số dân theo Kitô giáo. Yogyakarta thuộc đảo Java, đảo có đông người dân Indonesia nhất, cũng là đảo đông dân nhất thế giới và là một trong những vùng có mật độ dân số cao nhất toàn cầu.

Chính quyền Indonesia mong muốn hai sự kiện lớn này sẽ là dịp xây đắp tình đoàn kết mọi thành phần trong đất nước.

“Chúng tôi mong người trẻ Công Giáo Indonesia nhận thức được tầm quan trọng của nhiều vấn đề tại Indonesia, chẳng hạn, sự thống nhất và tinh thần quốc gia”, vị đại sứ Indonesia tại Toà Thánh nói với Ðài Phát thanh Vatican.

14. Chiếm đất Nhà thờ để xây Chùa

Hôm 13 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tại Miến Điện, nhà sư Myaing Kyee Ngu Sayadaw đã khích động những người theo ông đi phá các nhà thờ và thay thế bằng các đền chùa Phật giáo.

Trong một diễn biến, nhà thiền sư Phật giáo 73 tuổi đã hô hào hàng chục người đàn ông xông vào khuôn viên của nhà thờ Anh giáo tên là Nhà thờ Thánh Máccô ở Hlaingbwe, thuộc tiểu bang Kayin, nằm ở trung tâm miền nam nước Myanmar. Những người này chở theo gạch và xi măng, và bắt đầu xây một ngôi chùa ngay trước nhà thờ thánh Máccô và việc xây dựng này được tiếp diễn trong nhiều ngày sau đó.

Đức Cha Saw Stylo là Giám Mục Anh Giáo của giáo phận đã không trực tiếp trả lời báo chí, nhưng ngài gửi văn thư tới cho các cơ quan chính phủ để nói lên lập trường rằng “Chúng tôi không muốn gây hận thù và chia rẽ giữa các cộng đồng tôn giáo, chúng tôi mong muốn sống trong hòa bình, hòa hợp”.

Trong một bản báo cáo về vụ việc , bà Aung Ko Thura, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo của Chính phủ mới của Myanmar đã xin lỗi các Kitô hữu ở tiểu bang Kayin, và hứa sẽ thảo luận và đưa ra một giải pháp hòa bình và hòa giải cho mọi người.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/184047.htm

CÁC TIN KHÁC: