Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 28/04– 04/05/2016: Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi</b>
04/05/2016 12:00:00 SA

1. Lịch sử của tháng Hoa.

Trong những thế kỉ đầu của Kitô Giáo, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công Giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Nhiều nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.

Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ vào đầu tháng Năm, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo Hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.

Ngày 20 tháng 11 năm 1947, trong thông điệp “Mediator Dei”, nghĩa là “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng Piô 12 truyền rằng “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo Hội công nhận và cổ võ”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục trong Thông điệp Tháng Năm đã viết như sau:

“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để “ bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ”

2. Luôn có đối kháng trong Giáo Hội chống lại Thánh Thần

“Ngày hôm nay trong Giáo Hội cũng như xưa kia, luôn có những đối kháng chống lại Thánh Thần. Có những người không chấp nhận những đổi mới mà Thánh Thần mang đến. Nhưng Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng, tiến về phía trước và luôn kiên vững trên con đường của Đức Giêsu.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 28 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại các cuộc tranh luận đang diễn ra ở ‘Công đồng’ Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Nhân vật chính hoạt động trong Giáo Hội chính là Chúa Thánh Thần. Ngay từ buổi đầu, Ngài đã ban sức mạnh cho các Tông đồ để loan truyền Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện tất cả và khiến cho Giáo Hội không ngừng tiến lên phía trước, cho dù có gặp phải những khó khăn và ngay cả khi những cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và lòng can đảm cho các tín hữu để họ kiên vững trong đức tin cho dù có gặp phải chống đối và sự giận dữ điên cuồng của những kinh sư, luật sĩ. Có một sự đối kháng kép chống lại hoạt đông của Thần Khí: Một là từ những người xác tín rằng Đức Giêsu chỉ đến với dân được tuyển chọn, chứ dân ngoại không có phần; hai là từ những người muốn áp đặt luật Mô-sê, gồm cả việc cắt bì, lên những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Hai sự đối kháng này ẩn chứa những nhầm lẫn lớn.

Thánh Thần đặt những tâm hồn bước đi trên một con đường mới. Đó là việc kỳ diệu của Thần Khí. Các Tông đồ đã bắt gặp những tình huống mà họ chưa nghĩ đến bao giờ. Đó là những hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ. Và họ đã đương đầu với những hoàn cảnh này như thế nào? Bài đọc một ngày hôm nay bắt đầu như thế này: ‘Trong những ngày ấy, đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi’, một cuộc tranh luận nảy lửa, vì họ đang thảo luận với nhau về vấn đề những người gốc dân ngoại quay trở lại với Thiên Chúa. Họ có sức mạnh của Thần Khí – nhân vật chính – Đấng thúc đẩy họ tiến lên. Nhưng Thần Khí cũng mang đến những điều mới mẻ, những điều chưa hề được ai thực hiện trước đây bao giờ và cũng chưa có ai nghĩ đến. Đó là việc người gốc dân ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần.

Các môn đệ nắm trong tay ‘ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng’ nhưng không biết phải làm gì. Bởi thế họ mới triệu tập một công nghị ở Giê-ru-sa-lem để mỗi người có thể thuật lại những kinh nghiệm của họ về việc dân ngoại đã được lãnh nhận Thánh Thần như thế nào. Và cuối cùng, họ đã đi đến sự đồng thuận. Nhưng trước đó, cả công nghị đã chìm trong thinh lặng và chăm chú lắng nghe khi Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại những dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa dân ngoại ngang qua các môn đệ. Chúng ta đừng sợ hãi khi lắng nghe với lòng khiêm tốn. Khi sợ hãi không dám lắng nghe, chúng ta không có Thánh Thần trong tâm hồn. Khi các Tông đồ lắng nghe, họ đã quyết định sai nhiều môn đệ tới Hy Lạp, các cộng đoàn dân ngoại, là những người đã trở lại với Chúa để củng cố họ.

Những người dân ngoại trở lại với Thiên Chúa không buộc phải cắt bì. Điều này đã được thông truyền đến với họ ngang qua lá thư, trong đó các Tông đồ nói rằng: ‘Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định rằng....’ Đây chính là cách thức mà Giáo Hội đối mặt với những điều mới mẻ. Không phải những điều mới lạ thuộc kiểu thế trần nhưng là sự đổi mới của Thần Khí, Đấng luôn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng vui sướng. Giáo Hội đã giải quyết những vấn đề này như thế nào? Giáo Hội giải quyết bằng cách ngang qua những buổi gặp gỡ và thảo luận, lắng nghe và cầu nguyện, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đây chính là cách thức của Giáo Hội khi Thánh Thần khiến chúng ta ngạc nhiên bởi những điều mới mẻ. Và chúng ta cũng nhớ lại những chống đối đã phát sinh trong thời gian diễn ra công đồng Vaticano 2.

Những chống đối ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay bằng cách này cách khác. Nhưng Thánh Thần vẫn đi tiên phong. Và cách thức Giáo Hội diễn tả sự đồng thuận của mình là ngang qua công nghị với những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, cầu nguyện và đưa ra quyết định. Chúa Thánh Thần luôn là nhân vật chính và Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi khi Thánh Thần lên tiếng với chúng ta. Như khi xưa Thánh Thần đã dừng Thánh Phao-lô lại và dẫn ngài đi trên đường ngay nẻo chính, thì Thánh Thần cũng ban cho chúng ta sự can đảm và lòng kiên nhẫn để chúng ta vượt qua những đa dạng, khác biệt và kiên vững trong ơn phúc tử đạo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để hiểu Giáo Hội đã hành xử như thế nào trước những đổi mới, ngỡ ngàng mà Thần Khí mang đến. Chúng ta cũng xin ơn được trở nên ngoan ngoãn và đi theo con đường mà Đức Kitô đã mời gọi chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội.”

3. Câu chuyện: Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại kinh thành ánh sáng Paris, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Có một vị linh mục trẻ thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ngài không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Tôi đã chỉ đường cho quân cách mạng bắt họ để cướp tài sản của họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong những lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ngài đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình ấy. Thay mặt cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...

Không biết tha thứ cho nhau, thế giới này tiếp tục là một bãi chiến trường đẫm máu trong vòng xoáy của bạo lực.

Trong phạm vi gia đình, như Tông Huấn Amoris Laetitia nêu rõ: “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được hình thành một lần là xong tất cả mọi sự”

Chỉ có sự tha thứ mới giúp chúng ta làm tăng trưởng khả năng yêu thương của mình, đi xa hơn chính mình, và những giới hạn của mình.

4. Đừng sống hai mặt, dân Kitô phải là dân tộc của ánh sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các Kitô hữu phải chống lại có cuộc sống hai mặt, trình bày một bộ mặt bên ngoài sáng láng nhưng đầy rẫy bóng tối trong trái tim của họ. Ngài khích lệ họ bước đi trong ánh sáng chứ đừng lần theo những nẻo đường tăm tối, là nơi không có chân lý của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 29 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy ý từ bài đọc trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan Tông Đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về cuộc đấu tranh bất tận để chống lại tội lỗi. Ngài nói rằng chúng ta phải nên trong sạch như Cha trên trời nhưng ngay cả khi chúng ta phạm tội, chúng ta có thể dựa vào ơn tha thứ của Ngài và sự dịu dàng của Ngài ngõ hầu thanh tẩy mình và đứng dậy tiếp tục cuộc chiến bất tận chống lại tội lỗi. Đức Thánh Cha nhấn mạnh lời cảnh báo của vị tông đồ là các tín hữu hãy nói sự thật và đừng theo đuổi cuộc sống hai mặt, nói một đàng nhưng làm một nẻo.

Bước đi trong Ánh Sáng

“Nếu anh chị em nói mình đang trong tình hiệp thông với Chúa, thì hãy bước đi trong ánh sáng. Nhưng đừng sống hai mặt! Chớ làm như thế! Đó là sự dối trá mà chúng ta quá thường khi chứng kiến và đôi khi chúng ta cũng rơi vào cám dỗ này phải không? Đó là nói một đàng nhưng làm một nẻo, phải không? Đó là một chước cám dỗ không bao giờ kết thúc. Và chúng ta biết sự dối trá đó xuất phát từ đâu: trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu gọi ma quỷ là 'cha của những lời nói dối’, là kẻ dối trá. Chính vì lý do này Thánh Gioan Tông Đồ khuyên bảo với sự dịu dàng vô hạn và hiền lành Giáo Hội 'non trẻ' lúc ấy rằng: ‘Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người, mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối, và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.’ (1 Ga 6-7)”

Lớn hơn tội lỗi của chúng tôi

Ghi nhận cách thức Thánh Gioan Tông Đồ bắt đầu lá thư của ngài với lời chào, 'con', Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết lối bắt đầu đầy tình cảm này giống như giai điệu của một người ông nói với ‘những đứa cháu nội trẻ tuổi của mình’, và nó tỏ lộ sự dịu dàng và ánh sáng chứa chan trong bài đọc này. Ngoài ra nó cũng nhắc nhớ đến lời của Chúa Giêsu khi Ngài hứa “sự nghỉ ngơi” cho tất cả những ai “đang vất vả mang gánh nặng nề”. Đức Thánh Cha nói tiếp, cũng cùng một cách như thế, Thánh Gioan kêu gọi độc giả của mình đừng phạm tội nhưng nếu ai đó trót sai phạm điều gì, thì chớ nản lòng bởi điều đó.

“Chúng ta có một Đấng an ủi, một trạng sư, một người ủng hộ, một người biện hộ cho chúng ta ở bên cạnh Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Ngài làm cho chúng ta nên công chính. Chính Ngài là Đấng ân xá cho chúng ta. Một người nào đó có thể cảm thấy như muốn nói với vị Tông Đồ đã cho chúng ta lời khuyên này rằng: “Nhưng, chẳng lẽ tội lỗi không xấu xa đến thế sao?” “Thưa không, tội lỗi là một điều xấu xa! Nhưng nếu bạn đã phạm tội, bạn hãy nhìn vào Đấng đang chờ đợi để tha thứ cho bạn. Luôn luôn là như thế! Vì Ngài, Chúa chúng ta, vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng cách nói rằng sức mạnh của chúng ta chỉ có thể kín múc từ nơi Thiên Chúa, từ Lòng Thương Xót, và sự vĩ đại của Ngài.

“Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng vì Thiên Chúa là Ánh Sáng. Đừng bước đi với một chân trong ánh sáng và một chân khác trong bóng tối. Đừng là những kẻ dối trá. Và một điều khác: chúng ta đều đã phạm tội. Không ai có thể nói: 'Người đàn ông này là một kẻ có tội, người đàn bà này cũng là một kẻ có tội. Còn tôi, nhờ Thiên Chúa, là người công chính đây' Không, chỉ có một Đấng Công Chính, là Đấng gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta. Và nếu ai đó phạm tội, Ngài đang chờ đợi chúng ta và ân xá cho chúng ta vì Ngài có lòng thương xót và biết rất rõ chúng ta được hình thành từ những gì và nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi tro. Xin cho niềm vui đến từ lá thư này, đưa chúng ta tiến về phía trước trong sự đơn sơ và minh bạch của đời sống Kitô hữu, trên hết mọi sự là chúng ta biết hướng về Chúa ... với sự thật”.

5. Lòng thương xót và sự hòa giải

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tận dụng Năm Thánh Lòng Thương Xót như cơ hội thuận tiện để hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 30 tháng Tư, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ về đề tài: lòng thương xót và sự hòa giải (Xc 2 Cr 5,17-21), sau khi nhắc đến lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa không bao giờ ngừng tìm kiếm người tội lỗi và ban ơn thư thứ hòa giải cho họ, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em hãy hòa giải với Thiên Chúa!” (2 Cr 5,20): tiếng kêu này Thánh Phaolô Tông Đồ gửi đến các Kitô hữu đầu tiên ở thành Corinto, ngày nay cũng có cùng sức mạnh và niềm xác tín như thế đối với tất cả chúng ta. Năm Thánh Lòng Thương Xót này là một thời kỳ hòa giải đối với tất cả mọi người. Bao nhiêu người muốn hòa giải với Thiên Chúa nhưng không biết làm sao, hoặc không cảm thấy mình xứng đáng, hay không muốn chấp nhận điều đó cho mình. Cộng đoàn Kitô có thể và phải tạo điều kiện dễ dàng để những người cảm thấy nhớ Chúa có thể chân thành trở về cùng Chúa. Nhất là những người thi hành “sứ vụ hòa giải” (2 Cr 5,8) được kêu gọi trở thành những dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa Thánh Linh, vì nơi nào tràn đầy tội lỗi thì lòng thương xót của Chúa càng dồi dào hơn nữa (Xc Rm 5,20). Tôi xin các cha giải tội đừng tạo chướng ngại cản trở sự hòa giải của hối nhân với Thiên Chúa. Vị giải tội phải là một người cha, phải đón tiếp những người đến với mình và giúp họ trong hành trình hòa giải họ đang thực hiện.. Sứ vụ của anh em là một tác vụ đẹp đẽ chứ không phải là một phòng tra tấn hoặc một cuộc hỏi cung. Vị giải tội đại diện Thiên Chúa Cha ôm lấy con người và tha thứ cho họ”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Cảm nghiệm sự hòa giải với Thiên Chúa giúp chúng ta khám phá sự cần thiết của những hình thức hòa giải khác: trong gia đình, giữa con người với nhau, trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các quan hệ xã hội và quốc tế... Vậy chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa, để trở thành những thụ tạo mới và có thể làm lan tòa lòng thương xót của Chúa nơi anh chị em mình”.

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến sự hiện diện 20 ngàn quân nhân và cảnh sát từ nhiều nơi trên thế giới, về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót. Ngài nói:

“Các lực lượng an ninh - quân đội và cảnh sát - có sứ mạng bảo đảm môi trường an ninh, để mỗi công dân có thể sống trong an bình và thanh thản. Trong các gia đình của anh chị em, các môi trường khác nhau nơi anh chị em hoạt động, anh chị em hãy trở thành những dụng cụ hòa giải, những người xây dựng những nhịp cầu và gieo vãi hòa bình. Thực vậy, anh chị em được kêu gọi không những phòng ngừa, xử lý hoặc chấm dứt các cuộc xung đột, nhưng còn góp phần vào việc xây dựng một trật tự dựa trên sự thật, công lý, tình thương và tự do, theo định nghĩa của thánh Gioan 23 trong thông điệp “Hòa bình dưới thế” (nn.18ss).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “sự củng cố hòa bình không phải là một công trình dễ dàng, nhất là vì chiến tranh làm cho các tâm hồn chai đá, gia tăng bạo lực và oán thù. Tôi khuyên anh chị em đừng nản chí. Hãy tiếp tục hành trình đức tin của anh chị em và mở rộng con tim cho Thiên Chúa Cha từ bị thương xót, Đấng không bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ cho chúng ta. Đứng trước những thách đố mỗi ngày, anh chị em hãy làm cho niềm hy vọng Kitô được chiếu tỏa rạng ngời, xác tín chắc chắn về sự chiến thắng của tình thương và hòa bình trên chiến tranh”

6. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Năm 2016

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong tháng Năm, tháng hoa dâng kính Đức Mẹ, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô là:

Ý chung: Cầu cho người phụ nữ ở mọi quốc gia trên thế giới được tôn trọng, nhìn nhận và đề cao, vì đóng góp thiết yếu của họ cho xã hội.

Ý truyền giáo: Cầu cho các gia đình, các cộng đoàn và các đoàn thể biết thực hành việc lần chuỗi Mân Côi để loan báo Tin Mừng và bình an.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/183809.htm

CÁC TIN KHÁC: