Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Những hình ảnh cảm động trong chuyến thăm đảo Lesbos của Đức Thánh Cha</b>
18/04/2016 12:00:00 SA

Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến viếng thăm những người tị nạn và di dân của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đã rời Roma lúc 7 giờ sáng để bay đến phi trường Mytilene của đảo Lesbos. Trên chuyến bay, trong lời chào thăm hàng chục ký giả tháp tùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đây là cuộc viếng thăm khác với những chuyến khác. Trong các cuộc tông du chúng ta đi để làm bao nhiêu chuyện, thăm hỏi dân chúng và có niềm vui của cuộc gặp gỡ. Cuộc viếng thăm này có sắc thái đau buồn. Chúng ta đến gặp một thảm trạng nhân đạo lớn nhất từ sau thế chiến thứ hai. Chúng ta đến gặp những người đau khổ, không biết đi đâu, họ là những người phải chạy trốn. Chúng ta cũng ra một nghĩa trang là biển cả. Bao nhiêu người đã bị chết đuối trong đó. Tôi nói điều này không phải vì cay đắng, nhưng cũng để công việc của anh chị em ngày hôm nay có thể thông truyền qua các phương tiện truyền thông của anh chị em tâm trạng của tôi khi thực hiện chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha không quên nhắc đến điều này đúng ngày hôm đó 16 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 mừng sinh nhật thứ 89. Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là vị giáo hoàng người Đức kể từ 500 năm. Ngài cai quản Giáo Hội hoàn vũ 7 năm 10 tháng, cho đến khi tuyên bố thoái vị ngày 11 tháng 2 năm 2013.

Sau hơn 2 giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Mytilene của đảo Lesbos lúc quá 10 giờ sáng giờ địa phương. Đảo này cách Roma 1,245 cây số và đi trước Rôma 1 giờ. Đây và là đảo rộng thứ 3 của Hy Lạp với diện tích 1,630 cây số vuông và hơn 90 ngàn dân cư.

Ra đón Đức Thánh Cha ngay tại chân thang máy bay chúng tôi thấy có thủ tướng Alexis Tsipra, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Đức Tổng Giám Mục Hieronimus Giáo Chủ Chính Thống Hy Lạp, Đức Tổng Giám Mục Fragkiskos Papamanolis, dòng Capuchino, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Hy Lạp.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đang bước xuống thang máy bay với sắc mặt buồn bã.

Sau khi bắt tay với thủ tướng Alexis Tsipra. Ngài trao đổi với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cái hôn huynh đệ.

Tuy là chuyến viếng thăm không chính thức nhưng chúng tôi thấy vẫn có hàng quân danh dự và ban quân nhạc của Hy Lạp đang trỗi quốc thiều Vatican.

Đức Thánh Cha đã bắt tay các vị ra đón ngài trong đó có đông đảo các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo.

Ngài đang giới thiệu với thủ tướng Hy Lạp những vị tháp tùng ngài trong cuộc viếng thăm là Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Các cuộc hội kiến tại Lesbos

Trong cuộc hội kiến vắn với thủ tướng Hy lạp, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cám ơn thủ tướng vì sự tiếp đón. Nhất là tôi đến đây để cám ơn nhân dân Hy Lạp vì lòng quảng đại. Hy Lạp là chiếc nôi của nhân loại. Tôi đến đây để nói về tình nhân đạo.. và tôi thấy rằng người ta tiếp tục nêu gương về tình nhân đạo. Dân tộc Hy Lạp thật là can đảm. Cách đây gần 3 năm, tôi đã viếng thăm người tị nạn ở đảo Lampedusa”.

Sau đó Đức Thánh Cha đã gặp riêng hai vị lãnh đạo Chính Thống giáo.

Sau hai cuộc hội kiến này, lúc gần 11 giờ, Đức Thánh Cha cùng với Đức Thượng Phụ và 2 vị Tổng Giám Mục Chính Thống và Công Giáo đi xe minibus đến thăm trại tị nạn ở Moria cách đó 16 cây số. Trại này có khoảng 3,000 người đang xin quy chế tị nạn. Có 150 trẻ vị thành niên tại đây cũng được chào Đức Thánh Cha khi ngài đi ngang qua. Các vị tiến qua sân dành cho việc đăng ký người xin tị nạn và tới ngôi lều lớn, chào từng người trong số 250 người tị nạn hiện diện. Ngài cũng chúc lành cho các tín hữu Công Giáo. Cả Đức Thượng Phụ và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp đi cạnh Đức Thánh Cha cũng làm như vậy. Có những người cảm động đến rơi lệ.

Bên ngoài, có những người tị nạn mang những tấm biển bằng giấy carton với những hàng chữ nói lên xuất xứ của họ: Syria, Iraq, Pakistan, hoặc cám ơn Đức Thánh Cha, hoặc có người viết câu Kinh Thánh “Hãy để cho dân của Ta ra đi!”, “Freedom - Tự do”. Có người quì xuống trước Đức Thánh Cha, khóc và xin ngài chúc lành. Có em bé tặng ngài hình em vẽ.

Diễn từ của Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo

Ngỏ lời trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha bày tỏ cảm thông với những đau khổ của người tị nạn, nhiều người phải trốn chạy những tình trạng xung đột và bách hại. Ngài nói:

“Tôi đến đây cùng với những người anh em tôi là Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và Đức Tổng Giám Mục Hieronimus/hiê-ró-ni-mớts/, để ở với anh chị em và lắng nghe những tình cảnh của anh chị em. Chúng tôi đến đây để kêu gọi sự chú ý của thế giới về cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng này và kêu xin giải quyết. Như những người có tín ngưỡng, chúng tôi muốn hiệp tiếng với nhau nói công khai nhân danh anh chị em. Chúng tôi hy vong thế giới để ý đến những hoàn cảnh đau thương và thực sự tuyệt vọng này, đồng thời đáp ứng một cách xứng đáng với tình nhân đạo chung của chúng ta”.

Cả Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp cũng lên tiếng bày tỏ tình liên với với những người tị nạn và thức tỉnh lương tâm thế giới. Rồi 3 vị ký vào một tuyên ngôn chung.

Trong Tuyên ngôn các vị bày tỏ mối quan tâm sâu xa trước tình trạng thê thảm của nhiều người tị nạn, di dân và những người xin tị nạn. “Họ đến Âu Châu để trốn chạy những tình trạng xung đột, và trong nhiều trường hợp, họ trốn chạy những đe dọa hằng ngày đối với sự sống còn của họ. Dư luận thế giới không thể không biết đến cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh khủng này, do sự lan tràn bạo lực và các cuộc xung đột võ trang, bách hại và sự tản cư của các nhóm thiểu số về tôn giáo và bộ tộc, nhiều gia đình phải bỏ gia cư, nhân phẩm, các nhân quyền căn bản và tự do của họ bị chà đạp.”

3 vị lãnh đạo Kitô cũng nói rằng “thảm trạng buộc lòng di cư trên đây đang đè nặng trên hàng triệu người và kêu gọi câu trả lời liên đới, cảm thương, quảng đại và sự dấn thân cấp thiết cả về mặt tài nguyên. Từ đảo Lesbos này chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy can đảm đáp ứng cuộc khủng hoảng nhân đạo ồ ạt và trầm trọng này, và giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra chúng, qua những sáng kiến ngoại giao, chính trị và từ thiện, qua các nỗ lực cộng tác với nhau, ở Trung Đông cũng như ở Âu Châu..”

“Trong tư cách là những người lãnh đạo các Giáo Hội liên hệ của chúng tôi, chúng tôi hiệp nhất trong ước muốn hòa bình và trong sự sẵn sàng cổ võ giải quyết các cuộc xung đột bằng đối thoại và hòa giải.. Chúng tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo chính trị hãy dùng mọi thương thế để bảo đảm cho các cá nhân và cộng đoàn, kể cả các tín hữu Kitô, được ở lại quê hương của họ và được hưởng các quyền căn bản sống trong hòa bình và an ninh..”

“Cùng nhau, chúng tôi long trọng kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực ở Trung Đông, kiến tạo một nền hòa bình công chính và lâu bền, cũng như giúp những người phải cưỡng bách rời bỏ gia cư được trở về trong danh dự. Chúng tôi xin các cộng đồng tôn giáo gia tăng nỗ ực để đón tiếp, trợ giúp và bảo vệ người tị nạn thuộc mọi tín ngưỡng, và các cơ quan cứu trợ tôn giáo và dân sự hoạt động, phối hợp các sáng kiến của mình với nhau.

“Âu Châu ngày nay đang phải đương đầu với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất từ sau thế chiến thứ 2. Để đáp ứng thách đố lớn lao nay, chúng tôi kêu gọi tt cả các môn đệ Chúa Kitô hãy ý thức Lời Chúa, theo đó một ngày kia chúng ta sẽ bị phán xét: “Vì Ta đói các con đã cho Ta ăn; Ta khát các con đã cho Ta uống; Ta là ngoại kiều, các con đã đón nhận Ta; Ta trần trụi, các con đã cho Ta mặc; Ta đau yếu và các con đã viếng thăm Ta; Ta bị cầm tù và các con đã đến gặp Ta...” (Mt 25,35-36)...

“Cuộc gặp gỡ của chúng tôi nhắm giúp mang lại can đảm và hy vọng cho những người đang tìm nơi nương náu và tất cả những người đón tiếp và giúp đỡ họ. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế coi việc bảo vệ sinh mạng như một ưu tiên, và trên mọi bình diện, hãy ủng hộ những những chính sách bao gồm mở rộng cho mọi cộng đoàn tôn giáo. Tình trạng kinh khủng của tất cả những người bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, kể cả nhiều anh chị em Kitô hữu chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy liên tục cầu nguyện”.

Gặp gỡ dân chúng và tưởng niệm các nạn nhân

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha và hai vị lãnh đạo Chính Thống được tiếp tục với bữa ăn trưa, các vị dùng với một số đại diện người tị nạn trong căn nhà làm bằng những thùng chứa đồ.

Sau đó, khảng 1 giờ rưỡi trưa, Đức Thánh Cha và hai vị đã di chuyển ra hải cảng cách đó 8 cây số, để gặp gỡ dân chúng, khoảng 5 ngàn người, trong đó có một cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nhân dân Hy Lạp, mặc dù có những khó khăn rất lớn phải đương đầu, nhưng vẫn biết mở rộng tâm hồn và cửa nhà. Bao nhiêu người dân thường đã dành những phương tiện bé nhỏ của mình để chia sẻ với những người thiếu thốn tất cả. Ngài nói thêm rằng:

“Ngày hôm nay tôi muốn lập lại lời kêu gọi tha thiết: hãy có tinh thần trách nhiệm và liên đới đứng trước một tình trạng rất bi thảm. Nhiều người tị nạn tại đảo này và các nơi khác ở Hy Lạp đang sống trong những điều kiện rất khó khăn, trong bầu không khí lo âu và sợ hãi, nhiều khi tuyệt vọng, vì những khó khăn về vật chất và tương lai bất định. Sự lo lắng của các chính quyền và dân chúng, ở Hy Lạp này cũng như ở các nước khác ở Âu Châu là điều dễ hiểu và hợp pháp. Nhưng không bao giờ được quên rằng những người di dân, trước khi là những con số, họ là con người, họ là những khuôn mặt, tên tuổi và có lịch sử riêng. Âu châu là tổ quốc của các quyền con ngừơi, và bất cứ ai đặt chân lên phần đất Âu Châu phải có thể cảm nghiệm được điều đó, và nhờ có họ ý thức hơn về nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ các nhân quyền ấy”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Cần phải làm việc để loại trừ những nguyên nhân gây ra thực tại bi thảm này: không phải chịu đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong lúc này, nhưng cần phát triển những chính sách rộng lớn, không phải đơn phương. Trước tiên cần kiến tạo hòa bình tại nơi mà chiến tranh đã tạo nên tàn phá và chết chóc, và ngăn cản đừng để thứ bệnh ung thư này lan tràn ra các nơi khác. Để được như thế cần cương quyết chống lại sự lan tràn và buôn bán võ khí cũng như những mưu mô nhiều khi thầm kín; cần loại bỏ mọi sự hỗ trợ dành cho những kẻ theo đuổi những dự phóng oán thù và bạo lực. Trái lại, cần thăng tiến không biết mệt mỏi sự cộng tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo, không cô lập nhưng nâng đỡ những người đang đương đầu với tình trạng khẩn cấp. Trong viễn tượng này, tôi tái cầu chúc cho Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới đầu tiên về nhân đạo sẽ nhóm tại Istanbul vào tháng 5 tới đây đưcơ thành công”.

Sau bài diễn văn của Đức Thánh Cha, có nghi thức tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trong cuộc di cư. Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Hy lạp, rồi Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và sau cùng là Đức Thánh Cha đã đọc kinh nguyện cầu cho các nạn nhân.

Sau một phút thinh lặng, ba vị lãnh đạo nhận từ 3 em bé 3 vòng hoa để quăng xuống biển, tưởng niệm các nạn nhân.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã trở lại phi trường Mytilene /mi-ti-li-nê/ cách đó 3 cây số. Tại đây ngài gặp riêng Đức Tổng Giám Mục Chính thống Athènes và toàn Hy Lạp, rồi Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Chính thống, sau cùng là thủ tướng Hy Lạp.

Sau nghi thức tiễn biệt lúc 15 giờ giờ địa phương, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, tới phi trường Roma-Ciampino lúc 4 giờ rưỡi chiều.

Đức Thánh Cha đưa 12 người tị nạn về Vatican

Trong chuyến máy bay từ đảo Lesbos Hy Lạp về Roma chiều ngày 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã đưa 12 người tị nạn về Vatican.

Cha Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đã muốn làm một cử chỉ tiếp đón đối với những người tị nạn bằng cách tháp tùng họ về Roma trong cùng chuyến bay.

Đó là 3 gia đình tị nạn từ Syria, tổng cộng là 12 người trong đó có 6 trẻ vị thành niên. Đó là những người đã hiện diện trong các trại tiếp đón ở Lesbos trước khi có hiệp định giữa Liên hiệp Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sáng kiến của Đức Thánh Cha được thực hiện qua sự thương lượng giữa Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh với chính quyền liên hệ của Hy Lạp và Italia.

Tất cả các thành phần của 3 gia đình trên đây đều là người Hồi giáo. Hai gia đình đến từ Damasco, thủ đô Syria, và một gia đình từ Deir Azzor (trong vùng bị lực lượng IS chiếm đóng). Nhà của họ đã bị dội bom.

Việc tiếp đón và nuôi 3 gia đình này do Vatican đảm trách. Việc cư ngụ ban đầu của họ sẽ được Cộng đồng thánh Egidio bảo đảm.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/182560.htm

CÁC TIN KHÁC: