Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
<b>Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 03– 09/03/2016: Câu chuyện về các linh mục ở trại tù DaChau</b>
09/03/2016 12:00:00 SA

1. Lịch sử của một lòng trung tín thất bại

“Chỉ khi tâm hồn rộng mở, con người mới có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.” Đây là lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 03.03, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng sự bất trung của dân Chúa chỉ có thể được thắng vượt nhờ việc nhìn nhận mình là tội nhân. Khi biết mình là tội nhân tức là đã bắt đầu bước đi trên hành trình hoán cải.

Khởi đi từ bài đọc thứ nhất, trích sách tiên tri Giê-rê-mia, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Chúng ta có thể nhìn thấy sự thành tín của Thiên Chúa và sự bất tín của dân Ngài. Thiên Chúa luôn trung tín vì Ngài không thể chối bỏ mình là Đấng Thành Tín trong khi dân chúng lại không nghe lời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều điều để lôi cuốn lòng dân nhưng dân vẫn muốn ở lại trong sự bất trung.

Sự bất trung của dân Chúa, cách nào đó, cũng là sự bất trung của chúng ta khi chúng ta cứng lòng, khép kín con tim, không để cho lời Chúa đi vào. Giống như người cha trìu mến, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mở ra với lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện với Thánh Vịnh: ‘Hôm nay các ngươi hãy lắng nghe Lời Chúa. Đừng cứng lòng nữa!’ Thiên Chúa luôn nói với chúng ta như thế. Với sự âu yếm, vỗ về của người cha, Ngài ngỏ lời với chúng ta: ‘Hãy hết lòng trở về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi’. Nhưng khi con tim chai đá thì người ta không hiểu được điều này. Chỉ có thể hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nếu chúng ta có khả năng mở toang cõi lòng, ngõ hầu Ngài có thể bước vào.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Cõi lòng chai đá cũng là điều mà chúng ta thấy trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca. Đoạn Tin Mừng ấy tường thuật lại sự đối đầu của những người hiểu biết Kinh Thánh dành cho Đức Giêsu. Những tiến sĩ luật vốn hiểu biết về thần học nhưng có tâm hồn và não trạng khép kín. Còn đám đông dân chúng lại rất đỗi ngạc nhiên, sửng sốt và họ đã tin vào Đức Giêsu. Họ đã mở rộng cõi lòng với Lời Chúa. Tội nhân là những người không hoàn hảo nhưng phải biết mở rộng tấm lòng.

Những nhà thông luật đã có một thái độ đóng kín. Họ luôn tìm kiếm những biện minh và giải thích để không hiểu thông điệp của Đức Giêsu. Họ đòi Người một dấu lạ bởi trời. Họ luôn đóng kín! Đây là lịch sử, lịch sử của sự trung tín bị thất bại. Lịch sử của cõi lòng khép kín, của những tâm hồn đã không để lòng thương xót của Thiên Chúa bước vào. Những cõi lòng ấy đã lãng quên từ ngữ ‘tha thứ’: Lạy Chúa xin hãy tha thứ cho con! Lý do lãng quên hết sức đơn giản vì họ không ý thức mình là tội nhân nữa. Thay vào đó, họ cho rằng mình là thẩm phán xét xử người khác. Sự trung tín thất bại này cũng được Đức Giêsu giải thích bằng hai từ rất ràng để kết thúc cuộc đối thoại với những kẻ đạo đức giả: ‘Ai không đi cùng tôi là chống lại tôi’. Như vậy, hoặc là chúng ta trung tín, với tấm lòng rộng mở, đối với Thiên Chúa là Đấng trung tín, hay chúng ta chống lại Ngài – ‘Ai không đi với tôi là chống lại tôi!’.

Nhưng có người sẽ hỏi rằng: ‘Liệu có một con đường ở giữa hay không? Tôi không muốn chống lại Thiên Chúa nhưng tôi cũng không thể luôn luôn tín trung với Ngài, vì có những khi tôi yếu đuối, vấp ngã.’ Có! Có một con đường ở giữa bằng cách khiêm nhường thú nhận mình là tội nhân. Bởi vì chính khi nói ‘tôi là kẻ có tội’, thì tâm hồn của chúng ta sẽ mở ra và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào. Chính lúc ấy, chúng ta đã bắt đầu trung tín rồi.”

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa ân ban của sự trung tín. Và bước đầu tiên để trung tín là tự nhận mình là tội nhân. Nếu không nhận thấy mình là kẻ có tội, chúng ta đã bước đi nhầm đường rồi. Do đó, hãy nài xin ân sủng để cõi lòng chúng ta không chai đá nhưng luôn biết rộng mở với lòng thương xót Chúa, đồng thời cũng xin có được ơn của sự trung tín nữa. Và khi chúng ta cảm nhận mình đang bất trung thì hãy nài xin Thiên Chúa ơn tha thứ.”

2. Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thời gian của Mùa Chay “giúp chúng ta dọn lòng” đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và đến lượt mình, chúng ta cũng biết tha thứ như Chúa, nghĩa là “quên đi” những lỗi lầm của tha nhân. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01.03, tại nguyện đường thánh Marta.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự mỏng dòn, bất lực nơi bản tính hay sa ngã của con người thường không hướng tới để thực hiện: khả năng tha thứ.

Những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ thường được khởi hứng từ những bài đọc Phụng vụ. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Đức Giêsu: ‘Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?’ Còn bài Thánh thư trích sách Đa-ni-en lại xoay quanh lời cầu nguyện của thanh niên A-da-ri-a, là người bị thiêu trong lò vì đã từ chối thờ kính một ngẫu tượng bằng vàng. Giữa ngọn lửa thiêu đốt, anh đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân tộc của mình ngõ hầu họ cũng biết khẩn cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho chính bản thân họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là cách thức đúng đắn để cầu nguyện, để tín thác vào sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta làm khi tán gẫu với nhau: ‘Người này người kia đã làm điều này điều nọ…”. Chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta không có tấm lòng thương xót. Chàng thanh niên A-da-ri-a đã cầu nguyện rằng: ‘Xin hãy đối đãi với chúng con theo lượng từ ái Chúa.’ Và ‘theo lòng thương xót vĩ đại của Chúa, xin cứu vớt chúng con.’ Đây là một lời khẩn cầu lòng thuơng xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ trao ban cho chúng ta sự tha thứ và ơn cứu độ đồng thời quên hết mọi tội lỗi của chúng ta.”

Trong bài Tin Mừng, để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót một nguời khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét về điểm này như sau:

“Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.”

3. Câu chuyện các linh mục tại trại tù Dachau

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.

Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công Giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.

Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.

Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.

Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.

Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù...

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.

Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.

Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...

4. Ơn cứu độ đến từ những điều đơn sơ, nhỏ bé

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 29.02, tại nguyện đường thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng: “Ơn cứu độ của Thiên Chúa không đến từ những điều vĩ đại, không đến từ quyền lực hay tiền bạc, không đến từ những hệ thống tôn giáo hay chính trị, nhưng là từ những điều nhỏ bé và đơn sơ. Nhưng chính những điều nhỏ bé, đơn sơ ấy lại khiến nhiều người khinh thường, khó chịu.

Giáo Hội đang chuẩn bị cho chúng ta bước vào mùa Phục Sinh, và ngày hôm nay Giáo Hội mời gọi suy tư về ơn cứu độ: Chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ? Phải chăng tất cả chúng ta đều khao khát ơn cứu độ ấy? Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại chuyện ông Na-a-man và phải chăng sách ấy đang trình bày cho chúng ta về thực tại cái chết và sự sống đằng sau cái chết? Thật vậy, bệnh tật thường kéo chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu độ sẽ xảy ra như thế nào? Đâu là con đường dẫn đến ơn cứu độ? Thiên Chúa mặc khải gì cho chúng ta, những Kitô hữu, về ơn cứu độ?

Từ khóa để hiểu thông điệp mà Giáo Hội muốn truyền tải cho chúng ta ngày hôm nay là từ ‘coi khinh’. Khi Na-a-man đến nhà ông Ê-li-sa để xin được chữa lành, Ê-li-sa đã sai sứ giả ra nói với ông hãy đi tắm ở sông Gio-đan bảy lần. Đây là một chuyện đơn giản. Vì quá đơn giản nên Na-a-man đã coi thường và tỏ ra tức giận. Có thể ông đã nghĩ bụng: ‘Tôi đã thực hiện chuyến hành trình công phu như thế, đã chuẩn bị bao nhiêu là quà cáp sang trọng như thế…. mà chẳng lẽ bệnh của tôi lại được chữa lành đơn giản bằng cách chỉ đi tắm trong một dòng sông!? Nước các sông ở Đa-mát lại chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao!?’ Như thế, ông Na-a-man đã coi thường những điều đơn sơ, nhỏ bé.

Cũng vậy, Tin Mừng theo thánh Luca cho thấy dân làng Na-da-rét đã tỏ ra khinh thường sau khi nghe Đức Giêsu đọc đoạn sách tiên tri Isaia trong ngày Sa-bát, tại hội đường, đặc biệt khi Đức Giêsu nói về sự giải phóng đem lại tự do cho con người - ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời quý vị vừa nghe’. Dân chúng bàn tán rằng: ‘Ông này là ai vậy? Ông ấy chẳng phải cũng là một người trong chúng ta sao? Chúng ta đã thấy ông ấy lớn lên từ tấm bé và đâu có học hành gì nhiều.’ Như thế, dân chúng bắt đầu coi thường và muốn loại trừ Đức Giêsu.

Về sau này, Đức Giêsu còn chịu sự khinh thường từ những người lãnh đạo trong dân chúng, từ những kinh sư, luật sĩ. Họ là những người tìm kiếm ơn cứu độ chỉ trong lề luật luân lý đúng sai: ‘Phải làm như thế này, phải làm như thế kia thì mới đúng….v.v’ Đó là lý do tại sao dân chúng không tin tưởng họ. Nhóm Sa-đốc cũng giống như thế. Họ tìm kiếm ơn cứu độ trong việc thỏa hiệp, nhân nhượng với những người nắm trong tay thế quyền: một số trong nhóm họ đã thỏa hiệp với những người đứng đầu giới tăng sĩ, số khác thì với những người nắm quyền lực chính trị. Họ đã đi tìm ơn cứu độ trong cách thức này. Dân chúng có một nhạy cảm bản năng nên đã không tin vào họ. Trái lại, dân chúng tin tưởng nơi Đức Giêsu vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.

Nhưng tại sao lại có sự khinh thường? Tại sao tiên tri lại không được coi trọng nơi quê hương mình? Đó chính là bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng ơn cứu độ phải đến từ những điều vĩ đại, hoành tráng. Chúng ta cho rằng đấng cứu độ phải là người nắm trong tay quyền lực, phải là người có sức mạnh, có tiền, có quyền… Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Do đó, họ tỏ ra khinh thường vì họ không hiểu rằng ơn cứu độ chỉ đến từ những điều nhỏ bé, từ sự đơn sơ bắt nguồn nơi Thiên Chúa. Thật vậy, khi Đức Giêsu trình bày đường lối cứu độ, Ngài không bao giờ nói những điều cao siêu vĩ đại nhưng chỉ là những gì nhỏ bé, đơn sơ.

Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại bản Hiến Chương Nước Trời và chương 25 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Anh chị em sẽ được cứu độ nếu thực thi Bản Hiến Chương ấy. Anh chị em không thể tìm thấy ơn cứ độ khi đặt hy vọng của mình nơi quyền lực, nơi những tổ chức, hệ thống. Anh chị em hãy thực thi những điều nho nhỏ mà Đức Giêsu đã mời gọi trong Bản Hiến Chương ấy. Tuy nhiên, thực tế là những điều nho nhỏ đó lại khiến cho người ta khinh thường, coi rẻ. Bởi vậy, kết thúc Tám Mối Phúc, Đức Giêsu đã nói những lời mạnh mẽ như sau: ‘Phúc cho những không ai vấp ngã vì tôi’. Điều ấy có nghĩa là phúc cho những ai đã không khinh thường, đã không coi rẻ những điều nhỏ bé, đơn sơ. Trong tâm tình đó, sẽ thật hữu ích nếu mỗi người chúng ta hãy dành chút thời gian – hôm nay và ngày mai – để đọc Tám Mối Phúc và Tin Mừng thánh Mát-thêu đồng thời để ý điều gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta để xem liệu có điều gì khiến chúng ta tỏ ra khinh thường không.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúng ta hãy nài xin Chúa ơn được hiểu rằng đường lối duy nhất dẫn đến ơn cứu độ là phải trải qua nghịch lý của thập giá, tức là sự tự hạ của Con Thiên Chúa sẵn sàng trở nên nhỏ bé. Bài đọc ngày hôm nay cho thấy điều bé nhỏ ấy được diễn tả qua việc đi tắm ở sông Gio-đan, tại một ngôi làng nhỏ bé của Na-da-rét.”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/180893.htm

CÁC TIN KHÁC: