Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Năm Châu 27/10 – 02/11/2015: Bạo lực khủng bố đe dọa toàn bộ nền văn hóa ở Trung Đông
05/11/2015 11:59:00 SA

1. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc cho biết bạo lực, khủng bố đe dọa toàn bộ nền văn hóa ở Trung Đông Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã cảnh báo rằng toàn bộ nền văn hóa đang bị đe dọa ở Trung Đông. Phát biểu trong một phiên họp Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza nói rằng “những kẻ cực đoan đang tìm cách tiêu diệt tôn giáo, các dân tộc và các nền văn hóa đã hiện diện ở Trung Đông trong nhiều thiên niên kỷ.” Đức Cha Bernard kêu gọi sự chú ý đặc biệt đến hoàn cảnh của các Kitô hữu đang nằm trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Ngài mạnh mẽ lên án bạo lực “hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các điều khoản cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế, và thực sự, là của nhân loại.” Theo Đức Tổng Giám Mục cùng với những thiệt mạng về nhân mạng và những thương tích trên các nạn nhân, những dòng người tị nạn và những gia đình phải di dời trong vùng cũng phải được tính vào trong số những thiệt hại của bạo lực. 2. Hội Đồng Giám Mục Giám mục Ấn Độ lên án việc tấn công vào những người cùng đinh Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ lên tiếng than phiền về tình trạng bạo lực đối với những người cùng đinh tại quốc gia này sau cái chết của hai trẻ sơ sinh trong một vụ cháy ở bang Haryana. Những người cùng đinh được coi là tiện dân trong hệ thống đẳng cấp Hindu. Cha Raj Devasagaya nói với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc: “Vụ án mạng gây ra cái chết của hai trẻ sơ sinh cùng đinh là một tội ác đáng ghê tởm. Các cuộc tấn công loại này xảy ra trên khắp Ấn Độ nhằm chống lại giai cấp cùng đinh, gồm những người nghèo nhất, yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất tại Ấn Độ.” “Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ đứng về phía những người yếu nhất và đã gióng lên một tiếng nói với chính phủ và xã hội, kêu gọi bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội”. 3. Giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở tất cả các giáo xứ thuộc tòa thượng phụ Giêrusalem Hôm Chúa Nhật 25 tháng 10, một giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình kéo dài trong một giờ đã được tổ chức trong tất cả các giáo xứ thuộc quyền tài phán của tòa thượng phụ Giêrusalem, tức là trên toàn cõi Do Thái, Palestine và Jordan. Người Hồi giáo và người Do Thái cũng được mời và được chào đón nồng nhiệt trong các buổi cầu nguyện. Sáng kiến này của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem là để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Israel đã bãi bỏ lệnh tạm thời cấm các thanh niên ra vào đền thờ Hồi giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Hạn chế này đã được áp đặt vào tháng Chín để đối phó với một loạt các cuộc đối đầu bạo lực. Trong một cố gắng làm dịu căng thẳng trong vùng, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Berlin vào ngày thứ Năm 22 tháng 10, đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Vua Abdullah II của Jordan tại Amman hôm thứ Bẩy. Một thỏa thuận đã đạt được trong ngày, theo đó Jordan và Israel sẽ gắn những video nhằm giám sát 24 trên 24 khu vực Núi Đền để đảm bảo với người Palestine rằng hiện trạng không bị thay đổi và các lực lượng Israel không sách nhiễu các tín đồ Palestine. Tuy nhiên, ngay sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, hai kẻ tấn công Palestine đã đâm một người dân Israel trong vùng định cư của người Do Thái ở khu vực Tây Ngạn. Quân đội Israel đã bắn vào những kẻ tấn công, nhưng họ bỏ trốn được khỏi hiện trường. Lực lượng an ninh Israel đã bắn chết một phụ nữ Palestine tại thành phố Hebron sau khi cô bị chặn lại vì có những hành động đáng nghi và đã lôi ra một con dao. Trong ngày Chúa Nhật, một người Palestine đã đâm một thanh niên Israel gần khu định cư người Do Thái ở Ariel. Thanh niên người Israel bị thương và kẻ tấn công đã bỏ chạy nhưng sau đó bị bắt. Palestine đã làm thiệt mạng 10 người Israel trong hơn 30 vụ đâm bằng dao, bắn súng và ném đá trong tháng này. Trong khi đó, hơn 50 người Palestine đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh của Israel, trong đó có ít nhất 19 người đã thiệt mạng sau khi tấn công người Israel. 4. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng gởi Đại hội quốc tế về cha Matteo Ricci Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi một bức điện tín thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đức Cha Nazzareno Marconi, giám mục giáo phận Macerata, Italia nhân dịp Đại hội quốc tế về linh mục dòng Tên truyền giáo tại Trung quốc là cha Matteo Ricci, tổ chức bởi Đại học Macerata, Ý, và Viện Khổng Tử được thành lập bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc. Trong thông điệp, Đức Giáo Hoàng đánh giá cao các sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho các nghiên cứu chi tiết về công việc truyền giáo và hoạt động văn hóa của cha Ricci, sinh ra tại Macerata và một “người bạn thân thiết của người dân Trung Quốc.” Đức Thánh Cha cũng hy vọng rằng “ký ức về con người nhiệt tình này của Giáo Hội, người đã tạo ra những thay đổi xã hội rộng lớn tại Trung quốc và dấn thân cho sự hiểu biết giữa các nền văn hóa châu Âu và Trung Quốc, có thể khẳng định tầm quan trọng của tiến trình đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo trong một bầu khí tôn trọng lẫn nhau và với một cái nhìn hướng tới thiện ích chung” . Đại hội có chủ đề “Quan điểm mới trong nghiên cứu về cha Matteo Ricci”, là một sáng kiến được đề xuất bởi chủ tịch của Viện Khổng Tử và phó bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc là Xu Lin trong chuyến thăm chính thức Macerata vào năm 2013, là một trong những diễn biến quan trọng nhất trong việc nghiên cứu về linh mục Ricci dòng Tên người Ý, sinh năm 1552 và qua đời năm 1610. 5. Tổng thống Iran Rouhani sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ thăm Ý vào tháng 11. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông tại một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, và sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Thông tấn xã Reuters cho biết chuyến viếng thăm sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 11. Tổng thống Rouhani sẽ gặp Đức Giáo Hoàng, sau đó gặp Thủ tướng Ý Matteo Renzi và tổng thống Ý Sergio Mattarella. Các nhà lãnh đạo Iran dự kiến sẽ có mặt tại Paris từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 11. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni đã mời tổng thống Rouhani đến Rôma hồi tháng Tám vừa qua trong chuyến thăm Tehran. Một số bộ trưởng châu Âu đã đến thăm Tehran kể từ khi một thỏa thuận đã đạt được hồi cuối tháng Bảy nhẳm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran đổi lại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã tháo gỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran. Nước này luôn bác bỏ lo ngại của phương Tây là Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ đã chấp thuận có điều kiện miễn trừ lệnh trừng phạt đối với Iran vào giữa tháng 10 vừa qua, mặc dù vẫn cảnh báo rằng việc miễn trừ sẽ không có hiệu lực cho đến khi Tehran hành động theo các thoả ước về hạt nhân. 6. Đại diện Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa gặp Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một vị giám mục Chính thống giáo Nga là người đã đưa ra một diễn từ bốc lửa tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình khi ngài kêu gọi Giáo Hội Công Giáo chiến đấu với các trào lưu tư tưởng thế tục. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Ủy Ban Quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã diễn ra vào ngày 21 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta. Thông cáo báo chí sau cuộc gặp gỡ cho biết hai bên đã thảo luận “về các mối quan hệ song phương giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng như tình hình ở Trung Đông, nơi các Kitô hữu đang bị các nhóm khủng bố bách hại.” Trong diễn từ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói: “Giáo Hội được kêu gọi để là hải đăng, là ánh đèn trong bóng tối của thời đại này”. Sau khi nói đến tình trạng muối đã mất hương vị thì chẳng còn tác dụng gì, ngài kêu gọi các giám mục Công Giáo phải kiên quyết phản đối các trào lưu tư tưởng thế tục. “Muối đã mất hương vị chính là các cộng đồng Kitô hữu Tin Lành, những người rao giảng những thứ đạo đức không tương hợp với những lý tưởng Kitô giáo” . Đức Cha Hilarion cảnh báo rằng: “Các nhà lãnh đạo chính phủ ở một số nước châu Âu và ở Mỹ tiếp tục ủng hộ những chính sách nhằm hủy diệt của các khái niệm về gia đình. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống nên thống nhất với nhau trong việc chống lại những chính sách này.” 7. Đức Hồng Y người Venezuela nói lòng thương xót phải kêu gọi sự ăn năn, hối cải Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas, Venezuela nói Giáo Hội nên luôn luôn tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người tội lỗi, bằng cách kêu gọi họ ăn năn. Ngài nói: “Lòng Thương Xót mời gọi những người tội lỗi, và nó trở thành sự tha thứ khi một người ăn năn và thay đổi cuộc sống của mình”. Ngài đưa ra luận điểm rằng người cha của người con hoang đàng ôm anh ta vào lòng - nhưng chỉ khi người con trai ấy đã trở về nhà của mình.” 8. Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 Trong một xuất hiện hiếm hoi trên phương tiện truyền thông, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói với biên tập viên của tờ báo Đức Bild Zeitung rằng: “Tôi cảm thấy mình trong sự hiệp thông gần gũi hơn với Thiên Chúa.” Phóng viên của tờ Bild Zeitung nói Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 “mặc một áo dài trắng đơn giản và mang một đôi dép màu nâu.” Hai năm sau khi thoái vị, Đức Thánh Cha có vẻ khỏe mạnh, và không có những dấu hiệu kiệt sức như trong những ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài. Mặc dù bây giờ ngài phải chống gậy và đôi khi phải sử dụng xe tập đi, nhưng ngài vẫn duy trì một lịch trình thường xuyên cầu nguyện, đọc sách, nghe và chơi nhạc, và đến thăm hang đá Lộ Đức trong vườn Vatican để đọc kinh Mân Côi mỗi tối. 9. Quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Denver, Hoa Kỳ về đề xuất của Đức Hồng Y Kasper. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã kết thúc hôm 25 tháng 10 tại Rôma. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó do Đức Hồng Y Walter Kasper, người Đức, đưa ra dường như chỉ mới bắt đầu tại Hoa Kỳ. Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila cho biết quan điểm của ngài như sau: Ý tưởng theo đó người Công Giáo phải được phép tái hôn và rước lễ đã không bắt đầu với lá thư của Giám Mục Kasper và các thành viên khác trong hàng giám mục Đức vào năm 1993. Hàng giám mục của một đất nước khác – là nước Anh – đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm giáo lý Kitô giáo này gần 500 năm trước. Vấn đề lúc đó không phải là tái hôn và rước lễ của bất kỳ người Công Giáo nào, nhưng là vấn đề của nhà vua, vì vợ ông đã không sinh cho ông ta một đứa con trai để nối dõi tông đường. Cũng giống như những ai ủng hộ cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, các giám mục Anh cảm thấy áy náy với chuyện chấp nhận thẳng thừng cho người ta được phép ly dị và tái hôn. Thay vào đó, họ chọn phương cách là bẻ cong pháp luật cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng trường hợp, và Vua Henry VIII đã được phép “tiêu hôn” - trên cơ sở gian lận và không có sự chuẩn y của Rôma. Nếu “các Kitô hữu trung bình không thể nào sống các nhân đức một cách anh hùng”, như Đức Hồng Y Walter Kasper đã tranh biện, thì vị vua của nước Anh lại càng không thể. Thêm vào đó, các vấn đề về hạnh phúc cá nhân của nhà vua và sự thịnh vượng của một quốc gia hình thành một lý luận thực dụng mạnh mẽ cho việc ly hôn của Henry. Và nhà vua thì không thể nào lại bị cấm không được rước lễ như là hậu quả của một cuộc hôn nhân bất thường. Đức Hồng Y Wolsey của nước Anh và các giám mục nước này, với ngoại lệ là Đức Giám Mục John Fisher của giáo phận Rochester, đã hỗ trợ nỗ lực của nhà vua để tiêu hôn mối hôn nhân đầu tiên của ông – và đường hoàng tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai. Cũng như Đức Cha Fisher, Thomas More một giáo dân bình thường và là thủ tướng của nhà vua, đã từ chối hỗ trợ chuyện vô luân này của hoàng thượng. Cả hai đều chịu tử vì đạo - và sau đó được tuyên thánh. Khi công khai tranh cãi rằng hôn nhân đầu tiên của nhà vua là bất khả tiêu, Đức Cha Fisher cho rằng “cuộc hôn nhân này của vua và hoàng hậu không thể bị tan loãng bởi bất cứ quyền lực nào, dù là con người hay thần thánh.” Khi đề ra nguyên tắc này, ngài biết rõ, ngài đã sẵn sàng mất đi mạng sống của mình. Ngài tiếp tục bằng cách ghi nhận rằng Thánh Gioan Tẩy Giả thấy rằng không có cái chết nào “vinh quang hơn là cái chết cho hôn nhân,” mặc dù hôn nhân lúc đó “không linh thánh như ngày nay nhờ máu của Đức Kitô.” Giống như Thomas More và Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Fisher đã bị chặt đầu, và cũng giống như họ, ngài được gọi là một “vị thánh”. Tại Thượng Hội Đồng đang diễn ra ngay tại thời điểm này ở Rôma, một số giám mục Đức và những người ủng hộ họ đang đẩy mạnh đề xuất yêu cầu Giáo Hội cho phép những ai đã ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi các giám mục khác từ khắp nơi trên thế giới đang nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thay đổi giáo huấn của Đức Kitô. Điều này đặt ra một câu hỏi: chẳng lẽ các giám mục Đức tin rằng các Thánh Thomas More và John Fischer hy sinh mạng sống của họ lảng xẹt à? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, xuyên suốt sứ vụ của Ngài, rằng sự hy sinh anh hùng là yêu cầu được đặt ra cho những ai theo Ngài. Khi ta đọc Phúc Âm với một trái tim rộng mở, một trái tim không đặt thế giới và lịch sử lên trên Tin Mừng và truyền thống, người ta thấy cái giá phải trả để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu mà mỗi người được mời gọi. Các giám mục Đức nên đọc tác phẩm “The Cost of Discipleship” – “Giá phải trả của người môn đệ” của một Kitô hữu Tin Lành Luther tử đạo là Dietrich Bonhoeffer, vì những gì họ đang đề cao là những “ân sủng rẻ tiền” hơn là những “ân sủng đắt giá”, và họ thậm chí dường như gạt sang một bên những lời của Chúa Giêsu “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và theo Ta” (Mc 8:. 34; Lc 14:. 25-27, Ga 12: 24-26).. Hãy suy nghĩ, chẳng hạn, trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình mà người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài. Việc đầu tiên Chúa làm là bảo vệ cô ta khỏi chết dưới tay những người tố cáo cô, và điều thứ hai Ngài làm là kêu gọi cô ta từ bỏ tội lỗi mình. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.” Theo những lời dạy của chính Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo luôn dạy rằng ly dị và tái hôn chỉ đơn giản là một danh xưng khác của tội ngoại tình. Và vì sự hiệp thông thánh thể chỉ được dành riêng cho những người Công Giáo trong tình trạng ân sủng, những người sống trong một tình huống bất thường không thể tham gia vào khía cạnh này của đời sống Giáo Hội, mặc dù họ luôn luôn nên được hoan nghênh trong giáo xứ và trong chính các Thánh Lễ. Tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y Kasper tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Commonweal rằng chúng ta “không thể nói đó là tội ngoại tình đang tiếp diễn” khi một hối nhân, đã ly dị cứ tiếp tục “quan hệ tình dục” trong một kết hiệp mới. Thay vào đó, ngài cho rằng “có thể miễn tội.” Nhưng mà, Chúa Kitô thẳng thừng gọi tái hôn là ngoại tình và nói ngoại tình là tội lỗi (Mt 05:32, Mc. 10:12, Lc. 16:18). Trong trường hợp của người phụ nữ Samaritanô (Ga 4: 1-42), Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng tái hôn không có giá trị, thậm chí khi được đi kèm với những cảm giác chân thành và trung thực. Khi ta thêm vào cho phương trình này tỷ lệ thất bại cao của những cuộc tái hôn sau ly dị, Đức Hồng Y Kasper sẽ dẫn ta đến phương trời nào, khó ai dám nói. Ví dụ, nếu người ta được phép hiệp thông bí tích trong lần tái hôn thứ nhất, thế thì, những người tái hôn hai lần, hoặc ba lần thì sao? Và rõ ràng rằng các đối số đã dần dà nới lỏng lệnh cấm của Đức Kitô trên việc tái hôn liệu có dừng ở đó không hay lại bắt đầu lan tràn sang việc sử dụng những biện pháp tránh thai, hoặc bất kỳ các khía cạnh nào khác của nền thần học Công Giáo bị cái thế giới hiện đại, tự tham chiếu vào mình này coi là “khó khăn”. Dự đoán trước điều này sẽ dẫn đến những chuyện gì nữa không nhất thiết là một vấn đề suy đoán tương lai, nhưng chỉ đơn giản là quan sát quá khứ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Giáo Hội Anh giáo, mở cửa - và sau đó chấp nhận- các biện pháp tránh thai trong thế kỷ 20 và trong hơn một thập kỷ qua đã cho phép ly dị và tái hôn trong những trường hợp nhất định. “Kế hoạch B” của các giám mục Đức là làm “theo cách của riêng họ” ở Đức, nếu thất bại tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, thậm chí nếu điều đó đi ngược với giáo huấn Giáo Hội, sẽ lâm vào những sai lầm tương tự như Anh giáo. Và, có một tương đồng đáng kinh ngạc với con đường của Anh Giáo. Hãy xem những lời của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Marx, người đã nói với tờ National Catholic Register rằng trong khi Giáo Hội của Đức có thể vẫn còn hiệp thông với Rôma về tín lý, về phương diện chăm sóc mục vụ cho các cá nhân, “Thượng hội đồng không thể quy định cụ thể những gì chúng tôi phải làm tại Đức.” Henry VIII chắc chắn sẽ là người đồng ý nhất. “Chúng tôi không chỉ là một chi nhánh của Rôma,” Đức Hồng Y Marx lập luận. “Mỗi hội đồng giám mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ theo nền văn hóa của họ và phải loan báo Tin Mừng theo cách độc đáo của riêng mình. Chúng tôi không thể chờ đợi cho đến khi một thượng hội đồng nói điều gì đó, vì chúng tôi phải thực hiện thừa tác vụ cho hôn nhân và gia đình ở đây.” Các tín hữu Anh giáo cũng tìm cách để dành quyền tự chủ như vậy - dù với hệ quả ngày càng có thêm những chia rẽ trong nội bộ của họ và các nhà thờ của họ thì càng ngày càng trống vắng dần. Không thể phủ nhận rằng Giáo Hội phải tiếp cận với những người đang trong tình trạng bên lề đức tin với lòng thương xót, nhưng lòng thương xót luôn luôn phải nói sự thật, không bao giờ dung túng tội lỗi, và phải nhận ra rằng Thánh Giá là trung tâm của Tin Mừng. Người ta có thể nhớ lại rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu trong lễ tuyên thánh cho ngài là “Vị Giáo Hoàng của gia đình” - cũng đã viết nhiều về lòng thương xót, cống hiến toàn bộ một thông điệp về chủ đề này, và lập ra Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót. Đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lòng thương xót là một chủ đề trung tâm, nhưng phải được đọc trong bối cảnh của sự thật và Kinh Thánh, chứ không phải là chống lại. Về chuyện tái hôn, và nhiều vấn đề khác, không ai có thể nói rằng giáo huấn của Giáo Hội, mà tối hậu là giáo huấn của Chúa Kitô, là dễ dàng thực hiện. Nhưng chính Đức Kitô đã không thỏa hiệp đối với những giáo huấn cốt lõi để giữ cho các môn đồ của Ngài khỏi bỏ mình đi nơi khác- dù đó là về Thánh Thể hay hôn nhân (Ga 6: 60-71; Mt 19: 3-12). Đức Cha John Fisher cũng đã không thỏa hiệp để giữ cho nhà vua đừng bỏ đạo Công Giáo. Chúng ta không cần nhìn đâu xa cho một mẫu gương về vấn đề này. Hãy nhớ lại lời Đức Kitô và Thánh Phêrô trong chương 6 của Tin Mừng Gioan – đó là đoạn nhắc nhở chúng ta giáo huấn về Bí Tích Thánh Thể thường là khó chấp nhận ngay cả đối với các tín hữu. “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin…Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.’” Là môn đệ, chúng ta được mời gọi để luôn luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu trước tiếng nói của thế giới, trước tiếng nói của nền văn hóa hay lịch sử. Tiếng nói của Chúa Giêsu làm sáng tỏ những bóng tối của thế giới và các nền văn hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng tất cả những ai liên quan sẽ biết lắng nghe lời của sự sống đời đời, dù khó khăn đến thế nào!

CÁC TIN KHÁC: