Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Đức Thánh Cha chủ sự buổi hát kinh chiều với các linh mục, tu sĩ New York
26/09/2015 12:00:00 SA
Chiều tối ngày thứ Năm 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick của New York.Khi bắt đầu diễn từ, Đức Thánh Cha đã nhắc tới một thảm kịch vừa diễn ra tại thánh địa của người Hồi Giáo tại Mecca.
Hôm thứ Năm 24 tháng 9, ít nhất 700 người chết và 850 người bị thương trên cầu Jamarat, một cấu trúc khổng lồ mà từ đó khách hành hương ném đá vào những trụ cột đại diện cho ma quỷ, trong một nghi thức của ngày lễ Hiến Tế Haj. Ả rập Xêút cho biết hơn 1.4 triệu khách hành hương nước ngoài đã đến Mecca để tham dự biến cố này. Đây không phải lần đầu tiên thảm kịch này xảy ra. Thông thường, tai nạn xảy ra khi dòng người đông đảo trên cầu di chuyển theo hai hướng ngược với nhau, tạo ra một sức ép rất lớn. Một số người có thể cảm thấy khó thở, lúc đó người ta cố nhoi lên để thở, và nhiều người chết chỉ vì không thở được, và có cả những người chết vì bị người khác đạp lên trong cơn hoảng loạn.
Đức Thánh Cha nói:
Ngày hôm nay, tôi có hai tình cảm muốn gởi đến anh chị em Hồi giáo của tôi. Thứ nhất, là lời chúc mừng nhân ngày lễ Hiến Tế. Tôi ước ao gởi lời chúc mừng nồng nhiệt đến anh chị em. Tình cảm thứ hai là sự gần gũi của tôi trước thảm kịch mà nhiều người trong số các bạn đã phải chịu ngày hôm nay tại Mecca. Trong những giây phút cầu nguyện này, bản thân tôi và chúng tôi hiệp cùng anh chị em trong lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Đấng quyền năng và đầy lòng thương xót.
Trở lại với bài chia sẻ của mình dành cho các linh mục và nam nữ tu sĩ, Đức Thánh Cha nói:
Tông Đồ Phêrô nói với chúng ta rằng “Có một lý do để hân hoan vui mừng”, mặc dầu “còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1: 6). Những lời này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng. Đó là: ơn gọi của chúng ta là sống trong niềm vui.
Ngôi nhà thờ Thánh Patrick xinh đẹp này, được xây dựng qua nhiều năm nhờ những hy sinh của đông đảo những người nam nữ, có thể coi là một biểu tượng cho công việc của bao thế hệ các linh mục, tu sĩ, và giáo dân người Mỹ đã giúp xây dựng Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục mà thôi đã có biết bao những linh mục và tu sĩ ở đất nước này đã đóng một vai trò trung tâm trong việc giúp đỡ các cha mẹ trong việc truyền lại cho con cái họ của ăn nuôi dưỡng linh hồn! Nhiều người đã làm như vậy với giá phải trả là những hy sinh phi thường và với một lòng bác ái anh hùng. Tôi nghĩ đến chẳng hạn như Thánh Elizabeth Ann Seton, người sáng lập trường Công Giáo đầu tiên miễn phí cho các trẻ nữ ở Mỹ, hay Thánh John Neumann, người sáng lập hệ thống giáo dục Công Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Tối nay, anh chị em thân mến của tôi,
Tôi đã đến để tham gia cùng anh chị em trong kinh nguyện xin cho ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng các dinh thự lớn của Nước Trời trên đất nước này. Tôi biết rằng, là một linh mục giữa dân Chúa, anh em phải chịu đựng rất nhiều trong quá khứ gần đây khi phải gánh chịu những nhục nhã do một số anh em mình là những người đã làm hại và gây tai tiếng cho Giáo Hội nơi những thành viên dễ bị tổn thương nhất của Hội Thánh ... Lấy lại những lời trong Sách Khải Huyền, tôi biết rõ rằng anh em “đã trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7:14). Tôi đồng hành cùng anh em vào lúc đớn đau và khó khăn này, và tôi cảm ơn Chúa vì sự phục vụ trung thành của anh em cho dân Ngài.
Với hy vọng giúp anh em kiên vững trên con đường trung tín với Chúa Giêsu Kitô, tôi muốn đưa ra hai suy tư vắn tắt.
Suy tư đầu tiên liên quan tinh thần biết ơn. Niềm vui của những người nam nữ yêu mến Thiên Chúa thu hút những người khác đến với người ấy; linh mục và tu sĩ được mời gọi để tìm kiếm và chiếu tỏa rạng ngời sự hài lòng lâu bền đối với ơn gọi của mình. Niềm vui trào ra từ một trái tim biết ơn. Quả thật, chúng ta đã nhận được rất nhiều, rất nhiều ân sủng, và phước lành, và chúng ta vui mừng vì điều này. Thật là tốt khi chúng ta nghĩ lại cuộc sống của mình với ân sủng của ký ức. Ký ức về thời điểm chúng ta được gọi lần đầu tiên, ký ức về những nẻo đường đã qua, về những ân sủng nhận được ... và trên tất cả, ký ức về cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô thường xuyên trên đường đời. Ký ức về sự ngạc nhiên mà cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô đánh thức trong tâm hồn chúng ta. Anh chị em, những người sống đời tận hiến và các linh mục, chúng ta cần tìm kiếm ân sủng của ký ức này để chúng ta có thể phát triển tinh thần biết ơn. Có lẽ chúng ta cần tự hỏi: chúng ta có giỏi đếm những ân sủng của chúng ta hay không? Hay chúng ta đã quên khuấy đi rồi?
Suy tư thứ hai là tinh thần làm việc chăm chỉ. Một trái tim biết ơn thúc đẩy một cách tự nhiên trong ta ước muốn phục vụ Chúa và thể hiện ra trong cuộc sống nơi những dấn thân cho công việc của chúng ta. Một khi chúng ta nhận ra Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều, một cuộc sống tự hiến, phụng sự Ngài và tha nhân, trở thành một con đường chuyên biệt để đáp ứng tình yêu tuyệt vời của Ngài.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thành thật, chúng ta biết tinh thần hy sinh quảng đại dễ biến mất biết chừng nào. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do. Cả hai ví dụ tôi muốn đề cập đến cho thấy “tinh thần thế gian” có thể làm suy yếu những cam kết của chúng ta như những người nam nữ sống đời thánh hiến; và cũng có thể làm giảm đi sự kinh ngạc của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô.
Chúng ta có thể thấy mình đang đo lường giá trị của hoạt động tông đồ theo các tiêu chuẩn về hiệu quả công việc, quản lý tốt và thành công bề ngoài là những điều đang chi phối thế giới kinh doanh. Không phải những điều ấy là không quan trọng! Chúng ta đã được giao phó một trách nhiệm lớn lao, và dân Chúa là đúng khi đòi hỏi chúng ta phải có những trách nhiệm. Nhưng những giá trị đích thực của việc tông đồ được đo bằng giá trị mà việc ấy có trong mắt của Thiên Chúa. Để xem xét và đánh giá mọi thứ theo quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để hoán cải liên tục trong những ngày đầu và suốt những năm dài sống trong ơn gọi của chúng ta, và tôi phải nói là, với lòng khiêm tốn rất lớn. Thập tự giá chỉ cho chúng ta thấy một cách khác để đo lường thành công. Công việc của chúng ta là gieo trồng những hạt giống: Thiên Chúa trông đợi những thành quả lao động của chúng ta. Và nếu đôi khi những nỗ lực và công việc của chúng ta dường như thất bại và chẳng sản xuất ra được gì thì chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta là những người theo Chúa Giêsu ... và cuộc sống của Ngài, nói theo kiểu người ta thường tình, đã kết thúc trong thất bại, sự thất bại của thập giá
Một nguy cơ khác xảy ra khi chúng ta trở nên tiếc rẻ thời gian rảnh rỗi của mình, khi chúng ta nghĩ rằng nếu xung quanh chúng ta có các tiện nghi của thế gian thì chúng ta sẽ phục vụ tốt hơn. Vấn nạn trong cách lập luận này là nó có thể đẩy lùi sức mạnh trong lời mời gọi hoán cải hàng ngày của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngõ hầu gặp gỡ Ngài. Dần dà, nó làm giảm đi tinh thần hy sinh, từ bỏ và làm việc chăm chỉ của chúng ta. Nó cũng làm ta xa rời với những người nghèo đói về vật chất và đang bị buộc phải hy sinh nhiều hơn chúng ta. Nghỉ ngơi là cần thiết; những khoảnh khắc giải trí và làm phong phú chúng ta cũng là cần thiết, nhưng chúng ta cần phải tìm hiểu làm thế nào để nghỉ ngơi trong một cách thế đào sâu mong muốn phục vụ quảng đại của chúng ta. Gần gũi với người nghèo, người tị nạn, những người nhập cư, người bệnh, người bị bóc lột, người cao tuổi sống một mình, các tù nhân và tất cả những người nghèo khác của Thiên Chúa, sẽ dạy cho chúng ta một cách nghỉ ngơi, Kitô Giáo hơn và quảng đại hơn.
Lòng biết ơn và làm việc chăm chỉ là hai trụ cột của đời sống tinh thần mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối nay. Tôi cảm ơn anh chị em về những lời cầu nguyện và những việc làm, cũng như những hy sinh hàng ngày anh chị em đang thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động tông đồ của mình. Nhiều hy sinh âm thầm trong số này chỉ mình Chúa biết, nhưng chúng đơm hoa kết trái làm phong phú đời sống của Giáo Hội. Cách riêng, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đến những nữ tu Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội nếu không có chị em? Những người phụ nữ với sức mạnh, nhiệt tình, với một tinh thần can đảm đã ở nơi tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Với chị em, những nữ tu, những người chị và những bà mẹ của dân tộc này, tôi muốn nói lời "cảm ơn", một lời cảm ơn rất lớn, cảm ơn chị em ... và tôi nói với chị em rằng tôi yêu mến chị em rất nhiều.
Tôi biết rằng nhiều người trong số anh chị em đang ở tuyến đầu trong việc đáp ứng những thách thức của việc thích nghi mục vụ đang tiến hoá. Dù phải đối mặt với những khó khăn và thử thách như thế nào đi nữa, tôi xin anh chị em, như Thánh Phêrô, giữ cho tâm hồn bình an và đáp lại những vấn nạn ấy như Chúa Kitô đã làm: Ngài tạ ơn Cha, vác lấy thập giá mình và nhìn về phía trước!
Anh chị em thân mến, chút nữa đây chúng ta sẽ hát bài Magnificat. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những công tác đã được giao phó cho chúng ta thực hiện; để chúng ta hiệp cùng Mẹ trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện, và vì những điều kỳ diệu Ngài sẽ tiếp tục thực hiện trong chúng ta và nơi những người mà chúng ta có hân hạnh được phục vụ. Amen.
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN