Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thánh lễ khai mạc Đại Hội Đồng Caritas Thế Giới lần thứ 20
13/05/2015 12:00:00 SA

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Anh chị em đang theo dõi thánh lễ khai mạc Đại Hội Đồng Caritas Thế Giới lần thứ 20 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5:30 chiều thứ Ba 12 tháng Năm.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha là 60 vị Giám Mục, Tổng Giám Mục và Hồng Y thuộc giáo triều Rôma và các nước trên thế giới. Hiện diện trong thánh lễ bên cạnh hơn 300 đại biểu Caritas trên thế giới còn có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và đông đảo anh chị em giáo dân.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đại Hội Đồng Caritas lần này diễn ra trong bối cảnh các cơ quan bác ái Công Giáo đang phải vất vả đối phó với làn sóng những người tị nạn phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo và ngày càng gia tăng con số những người phải được cứu trợ cấp thời vì những thiên tai gây ra do tình trạng khai thác thiên niên bừa bãi trên thế giới. Do đó, chủ đề của Đại Hội Đồng lần này là “Một gia đình nhân loại, chăm sóc cho Sáng Tạo”.

Trước thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, một cuộc họp báo đã diễn ra tại phòng báo chí Tòa Thánh với sự hiện diện của Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, chủ tịch, và ông Michel Roy, tổng thư ký Caritas thế giới.

Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga cho biết:

Trong năm ngày từ 12 đến 17 tháng 5, hơn 300 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới sẽ thảo luận về kế hoạch cho bốn năm tới, nhắm vào việc cải thiện cuộc sống của những người đang sống trong nghèo đói và đau khổ.

Ngài nói:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu chúng tôi phải đi đến những vùng 'ngoại vi' để giúp đỡ những người có nhu cầu. Tại Đại Hội Đồng Caritas Internationalis này, những người ‘ngoại vi’ sẽ đến Rôma để tìm những phương cách tốt hơn nhằm cải thiện dịch vụ của chúng tôi cho những người dễ bị tổn thương nhất.”

Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga sẽ chính thức khai mạc phiên khoáng đại vào ngày 13 tháng Năm tại nhà khách Domus Mariae.

Trong số những diễn giả có Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình; một linh mục dòng Đa Minh và cũng là một thần học gia là cha Gustavo Gutierrez; Giáo sư kinh tế Jeffrey Sachs, Tiến sĩ Jacques Diouf, đặc phái viên Caritas tại vùng sa mạc Sahara và vùng Sừng châu Phi; và ông Beverly Haddad thuộc Đại học Kwazulu-Natal.

Khoảng năm mươi người trẻ, gồm các tình nguyện viên, đại diện các cộng đoàn cơ sở và các nhà tranh đấu chống đói trên thế giới cũng sẽ có mặt.

Ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas Internationalis cho biết:

“Tình trạng bất bình đẳng, di dân, thay đổi khí hậu, những cuộc xung đột, và nạn đói đầy tai tiếng là những thách thức Caritas phải đối mặt và nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển và công lý. Có những cơ hội lớn trong tương lai để hoạt động cho mục tiêu này, chẳng hạn như một thông điệp của Đức Giáo Hoàng sắp được công bố về hệ sinh thái của nhân loại, việc đề ra các mục tiêu phát triển lâu dài và hội nghị khí hậu COP 21 tại Paris.”

Đại Hội Đồng lần thứ 20 sẽ bầu ra một vị chủ tịch mới vì Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga sẽ thoái vị sau sau tám năm giữ chức chủ tịch. Hiến chương của Caritas quy định một người chỉ có thể giữ chức chủ tịch Caritas tối đa là hai nhiệm kỳ. Các ứng cử viên sáng giá cho chức vụ này là Đức Tổng Giám mục Youssef Soueif, là chủ tịch Caritas đảo Síp và Đức Hồng Y Luis Tagle, là Tổng Giám Mục Manila. Các cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm 14 tháng Năm.

Sau Đại hội, các đại biểu Caritas sẽ đến EXPO 2015 tại Milan để tham dự ngày khai mạc chính thức của EXPO Caritas, là ngày 19 tháng Năm. Sự kiện này cũng là một phần trong chiến dịch của Caritas “Một gia đình nhân loại, lương thực cho mọi người” nhằm chấm dứt nạn đói vào năm 2025.

Trong cuộc họp báo ông Michel Roy cũng mô tả Đại Hội Đồng như là một thời điểm độc đáo để “cử mừng chúng ta là ai và những gì chúng ta đang làm”. Ông Roy nói rằng Caritas đã chuẩn bị một khuôn khổ chiến lược gồm năm điểm sẽ được thảo luận trong các phiên khoáng đại.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bài đọc từ sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 16: 22-34) mà chúng ta vừa nghe trình bày cho chúng ta một nhân vật khá đặc biệt. Đó là viên cai ngục của nhà tù ở Philippê, nơi hai tông đồ Phaolô và Silô bị giam giữ sau cuộc nổi loạn của đám đông dân chúng chống lại họ. Các quan tòa trước hết đã cho đánh đập Phaolô và Silô và sau đó tống ngục hai ông, ra lệnh cho viên cai ngục phải canh chừng nghiêm ngặt. Vì thế, trong đêm, khi viên cai ngục thấy động đất và cửa nhà tù mở toang, anh ta đầy tuyệt vọng và toan tính tự tử. Nhưng Thánh Phaolô trấn an anh ta. Run rẩy và đầy kinh ngạc, người cai tù quỳ mọp xuống và cầu xin ơn cứu rỗi.

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng người cai ngục ấy đã ngay lập tức tiến hành những bước cần thiết trên con đường hướng tới đức tin và ơn cứu độ: Cùng với gia đình mình, ông lắng nghe Lời Chúa; rửa sạch các vết thương của Phaolô và Silô; đón nhận Phép Rửa với toàn bộ gia đình mình; và cuối cùng, tràn đầy niềm vui, anh ta đón Phaolô và Silô về nhà mình, dọn bàn và thết đãi họ.

Tin Mừng, như được loan báo và tin tưởng, thúc giục chúng ta rửa chân và các vết thương của những ai đau khổ và dọn bàn ăn cho họ. Ý nghĩa đơn sơ của các cử chỉ, nơi mà việc đón nhận Lời Chúa và bí tích Rửa Tội được đi kèm với sự đón tiếp anh chị em mình, là việc đón nhận Chúa và đón nhận tha nhân thực ra chỉ là một; đó là đón nhận tha nhân với ân sủng Thiên Chúa; là đón nhận Thiên Chúa và thể hiện hành động này trong sự phục vụ anh chị em mình. Lời Chúa, các phép bí tích và sự phục vụ liên hệ với nhau và nuôi dưỡng nhau như đã từng thấy trong những chứng tá của Giáo Hội sơ khai.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong cử chỉ này, toàn bộ ơn gọi của Caritas. Caritas hiện nay là một Liên Đoàn lớn, được công nhận rộng rãi khắp thế giới vì công việc và những thành tựu của mình. Caritas là một thực tại của Giáo Hội ở nhiều nơi trên thế giới và vẫn phải tìm kiếm sự mở rộng lớn hơn trong các giáo xứ và cộng đồng khác, để canh tân những gì đã diễn ra trong những ngày đầu của Giáo Hội. Trong thực tế, nguồn mạch tất cả sứ vụ của anh chị em là việc đơn sơ và ngoan ngoãn chào đón Thiên Chúa và người lân cận mình. Đây là nguồn mạch; nếu anh chị em từ bỏ nguồn mạch này Caritas sẽ chết. Sự chào đón này trước hết phải được anh chị em cảm nghiệm một cách cá vị, trước khi anh chị em bước ra thế giới bên ngoài, và tại đó, phục vụ những người khác nhân danh Đức Kitô, Đấng mà anh chị em đã gặp gỡ và sẽ tiếp tục gặp gỡ nơi mỗi người mà anh chị em sẽ tiếp cận như người lân cận của mình. Như thế, anh chị em sẽ thực sự tránh được nguy cơ bị giản lược thành một tổ chức nhân đạo đơn thuần.

Không có "Caritas" lớn hay nhỏ, tất cả đều là như nhau. Chúng ta hãy xin Chúa ban ân sủng để hiểu được những chiều kích thực sự của "Caritas" là gì; xin Chúa ban ân sủng để không rơi vào cạm bẫy tin tưởng rằng con đường phải theo là một cấu trúc tập trung được tổ chức cho tốt; xin Chúa ban ân sủng để hiểu rằng "Caritas" luôn luôn có thể tìm thấy ở những vùng ngoại vi, trong mỗi Giáo Hội cụ thể; xin Chúa ban ân sủng để tin rằng các "Caritas" trung ương chỉ là sự hỗ trợ, phục vụ và kinh nghiệm chung chứ không phải là người đứng đầu của tất cả.

Bất cứ ai sống sứ vụ của Caritas đều không phải là nhân viên từ thiện đơn thuần, nhưng là một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Người ấy tìm kiếm Chúa Kitô và để cho Chúa Kitô tìm kiếm mình; người ấy yêu mến với tinh thần của Đức Kitô, một tinh thần cho đi nhưng không. Tất cả các chiến lược và kế hoạch của chúng ta là hư không trừ khi chúng ta mang theo trong chúng ta tình yêu này. Không phải là tình yêu của chúng ta, nhưng là tình yêu của Ngài. Hay đúng hơn là tình yêu của chúng ta đã được thanh tẩy và củng cố bởi tình yêu của Ngài.

Như thế, chúng ta có thể phục vụ tất cả mọi người và dọn bàn cho tất cả. Đây là một hình ảnh đẹp mà Lời Chúa ban cho chúng ta hôm nay, đó là dọn bàn. Ngay cả lúc này đây, Chúa đang dọn bàn tiệc Thánh Thể. Caritas dọn nhiều bàn cho người đói. Trong những tháng gần đây anh chị em tung ra một chiến dịch lớn "Một gia đình nhân loại, lương thực cho tất cả". Hiện vẫn còn rất nhiều người ngày nay không có đủ thực phẩm. Hành tinh này có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng có vẻ như vẫn còn thiếu ý thức sẵn sàng chia sẻ cơm bánh với tất cả mọi người. Chúng ta phải dọn bàn cho tất cả, và yêu cầu rằng phải có bàn ăn cho tất cả mọi người. Chúng ta phải làm những gì có thể để mọi người có một cái gì đó mà ăn, nhưng chúng ta cũng phải nhắc nhở mạnh mẽ những kẻ có quyền có thế trên trái đất này rằng Thiên Chúa sẽ gọi họ ra trước tòa phán xét một ngày nào đó và lúc đó sẽ lộ ra là họ thực sự đã cho Ngài ăn hay không nơi mỗi con người (cf. Mt 25: 35) và họ đã làm những gì có thể hay không để bảo vệ môi trường hầu nó có thể sản xuất ra thực phẩm này.

Và khi nghĩ về bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể quên anh chị em Kitô hữu của chúng ta đang bị tước đoạt đi lương thực phần hồn và phần xác: họ bị đuổi khỏi nhà cửa và nhà thờ của mình – những ngôi nhà này đôi khi còn bị phá hủy. Tôi lặp lại lời kêu gọi chúng ta đừng quên những anh chị em này và những ai đang gánh chịu những bất công không thể chấp nhận được.

Do đó, cùng với nhiều tổ chức bác ái khác của Giáo Hội, Caritas tỏ cho thấy sức mạnh của tình yêu Kitô giáo và mong muốn của Giáo Hội để gặp gỡ Chúa Giêsu nơi tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và những ai đau khổ. Đây là con đường phía trước chúng ta. Với ý hướng ấy, tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ thực hiện được công việc của mình trong suốt khóa họp này. Chúng ta phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã biến việc chào đón Thiên Chúa và tha nhân thành các tiêu chí cơ bản của cuộc sống mình. Thực ra, ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ Đức Mẹ Fatima, Đấng đã xuất hiện để loan báo chiến thắng trên sự ác. Với sự hỗ trợ lớn như vậy, chúng ta không ngại tiếp tục sứ mệnh của chúng ta. Amen.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/137538.htm

CÁC TIN KHÁC: