Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Trường hợp thoát chết coronavirus thật lạ lùng của một Giám Mục Hoa Lục đã gần 100 tuổi
27/02/2020 12:00:00 SA

1. Tịch thu tài liệu và computers tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hiến binh Vatican đã tịch thu tài liệu và các computer tại Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, liên quan đến các tai tiếng về tài chánh và bất động sản.

Toàn văn thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết như sau:

“Sáng nay, trong khuôn khổ một cuộc tìm kiếm theo yêu cầu của Chưởng Lý Gian Piero Milano, và Phó Chưởng Lý Alessandro Diddi, việc thu giữ các tài liệu và thiết bị máy tính đã được thực hiện tại Văn phòng và nhà ở của Đức Ông Alberto Perlasca, nguyên Chánh văn phòng phân bộ tổng vụ của Phủ Quốc vụ khanh.

Biện pháp này, được thực hiện trong bối cảnh cuộc điều tra các khoản đầu tư trong thị trường tài chính và bất động sản của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng liên quan đến những gì được phát hiện từ các cuộc thẩm vấn đầu tiên các quan chức bị điều tra và bị ngưng chức vào thời điểm đó, tuy vẫn tôn trọng nguyên tắc các đương sự được coi là vô tội cho đến khi bị kết án.

Văn phòng Chưởng Lý và đoàn Hiến binh tiếp tục điều tra về phương diện hành chính và kế toán và tiếp tục các hoạt động hợp tác với các cơ quan điều tra nước ngoài.”

“Các quan chức bị điều tra và bị ngưng chức” nói ở trên là năm quan chức Vatican bị đình chỉ vào tháng 10 trong bối cảnh một cuộc tái duyệt nội bộ về một thỏa thuận của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhằm mua một bất động sản rộng 17,000m2 tại khu phố Chelsea của Luân Đôn, bao gồm một nhà kho cũ thuộc cửa hàng bách hóa Harrod dự kiến chuyển đổi thành các căn hộ cao cấp. Kinh phí cho việc mua ban đầu đó được lấy từ Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, được người Công Giáo trên toàn thế giới quyên góp hàng năm để hỗ trợ các hoạt động của Đức Giáo Hoàng. Tổng số tiến lên đến 220 triệu Mỹ Kim.

2. Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu) của Trung Quốc 98 tuổi khỏi bệnh coronavirus.

Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu - 朱宝玉), 98 tuổi, nguyên Giám mục giáo phận Nam Dương (Nanyang - 南阳), tỉnh Hà Nam (Henan - 河南), bên Trung Quốc, là bệnh nhân cao niên nhất được khỏi bệnh dịch corona.

Hãng tin Asia News ở Roma, truyền đi hôm 17 tháng 02 năm 2020, cho biết Ðức Cha Chu Bảo Ngọc bị viêm phổi vì Virus Covid-19 ngày 03 tháng 02 năm 2020, nhưng từ ngày 12 tháng 02 năm 2020, các cuộc khám bệnh và thử nghiệm cho thấy ngài không còn virus, và ngày 14 tháng 02 năm 2020, hai buồng phổi của Ðức Cha không còn bị thương tổn nữa.

Ðức Cha được chữa trị tại bệnh viện trung ương ở Nam Dương. Ngoài coronavirus, ngài còn bị rối loạn nhịp tim và tràn dịch màng phổi phải thở nhờ một ống thông dẫn lưu từ ngực. Cuộc khỏi bệnh của Ðức Cha Chu Bảo Ngọc được coi là lạ thường, vì cho đến nay tất cả các bác sĩ và các nhà dịch tễ học đều nói coronavirus gây tử vong cho những người già và các bệnh nhân có tiền sử các bệnh nghiêm trọng khác.

Việc Ðức Cha Chu Bảo Ngọc trở thành một tin lớn ở Trung Quốc, và tờ Nhân Dân Nhật báo đã dành một bài báo và một video để nói về việc này.

Cha Sergio Ticozzi, Thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng hải ngoại Milano, gọi tắt là PIME, từ hơn 50 năm nay ở thế giới người Hoa, và đã quen biết Ðức Cha Chu Bảo Ngọc, cha nói với hãng tin Asia News rằng: “Tin về việc khỏi bệnh của Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc làm cho tôi rất vui mừng. Cách đây hai năm, khi tôi gặp Ðức Cha, ngài phải ngồi xe lăn và sống tại một tu viện trong giáo phận. Thoạt nhìn, Ðức Cha không nhận ra tôi, nhưng khi một nữ tu nói tên tôi, ngài mỉm cười và chào: ‘Ô, ông bạn cũ của tôi!’ Cuộc gặp gỡ thật cảm động.”

Cha Sergio cho biết giáo phận Nam Dương, trước kia được Tòa Thánh ủy thác cho các thừa sai PIME coi sóc, hiện có 20 ngàn tín hữu Công Giáo, với khoảng 20 linh mục và khoảng 100 nữ tu dòng thánh Giuse. Ðức Cha Chu Bảo Ngọc được bọn cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận là giám mục chính tòa, và cách đây 1 năm, nhà nước nhìn nhận Ðức Giám mục Phó của ngài là Phêrô Cận Lộc Cương (Jin Lugang - 晋露刚). Nhưng đối với Tòa Thánh, Ðức Cha Cận Lộc Cương mới là Giám mục chính tòa và Ðức Cha Chu Bảo Ngọc là giám mục hiệu tòa.

3. Ðức Hồng Y Bo mời gọi tín hữu Miến Điện bảo vệ môi trường trong Mùa Chay.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2020 được công bố hôm 16 tháng 02 năm 2020, Ðức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã đề nghị các tín hữu Miến Điện thực hiện các bước để bảo vệ môi trường trong 40 ngày Mùa Chay.

Trong sứ điệp, Ðức Hồng Y Bo nói rằng Mùa Chay là thời gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người, giữa các dân tộc và giữa con người với môi trường. Vì sự tham lam ích kỷ của con người, các nguồn nước, đất đai, đồi núi, thú vật của thế giới nơi chúng ta sống đã bị hủy hoại trầm trọng.

Ðức Hồng Y nhận định: “Ðể xây dựng sự hòa giải với Thiên Chúa và con người được Ngài tạo dựng, con người và môi trường tự nhiên, hướng tới mối tương giao hòa bình, làm cho thế giới trở nên xanh và giữ gìn thời tiết tốt, điều quan trọng là phải thay đổi thái độ, hành vi, cách chúng ta nói và viết.”

Các chỉ dẫn thực hành được Ðức Hồng Y Bo đề nghị cho 40 ngàỳ Mùa Chay bao gồm việc đọc thông điệp “Laudato Sì” của Ðức Thánh Cha Phanxicô, nghiên cứu các sách về môi trường, trồng rau, tưới và trồng cây, đi bộ trong vườn và suy tư, và cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha, người khuyến khích gìn giữ môi trường sinh thái.

Trong một video nhân chiến dịch trồng cây được tổ chức Caritas phát động vào tháng 07 năm 2019, Ðức Hồng Y Bo mời gọi mỗi công dân Miến Điện trồng và chăm sóc ít nhất 10 cây để làm cho đất nước này thật sự trở thành quốc gia xanh.

Ðức Hồng Y nói rằng “việc bảo vệ môi trường nên được bắt đầu bằng việc trồng hàng triệu cây. Cây cối là sự sống. Hàng triệu người hãy bảo vệ thiên nhiên khỏi tay những người hủy diệt rừng, những người cướp nó của người nghèo và của các thế hệ tương lai.” Ngài cảnh báo rằng lòng tham đang tạo nên cuộc khủng hoảng sinh thái của thế giới và ngày nay chúng ta phải đối mặt với một cuộc tàn sát môi trường. Trích dẫn thông điệp “Laudato Sì”, Ðức Hồng Y nói rằng những kẻ khủng bố kinh tế và khủng bố sinh thái đang gâylàm cho môi trường bị xuống cấp.”

4. Ðức Hồng Y Gracias tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng giám mục Ấn Ðộ.

Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục của Bombay, đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng giám mục Ấn Ðộ nhiệm kỳ thứ hai, kéo dài hai năm.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 17 tháng 02 năm 2020, ngày cuối cùng trong phiên họp toàn thể lần thứ 34, được tổ chức hai năm một lần, của các giám mục Ấn Ðộ thuộc ba nghi lễ Latin, Syro-Malabar và Syro-Malankar, diễn ra từ ngày 13 tháng 02 năm 2020 tại Học viện y khoa thánh Gioan ở Bangalore, thủ phủ bang Karnataka, về chủ đề đối thoại.

Ðức Hồng Y Gracias đã tròn 75 tuổi vào ngày 24 tháng 12 năm 2019. Hồi tháng 11 năm 2019, ngài đã đệ đơn từ chức tổng giám mục Bombay theo giáo luật, vì lý do tuổi tác, nhưng Ðức Thánh Cha Phanxicô đã xác định ngài tiếp tục tại chức.

Ðức Hồng Y Gracias được Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI thăng Hồng Y trong Công nghị ngày 24 tháng 11 năm 2007. Ngày 13 tháng 04 năm 2013, ngài được Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Hội đồng Hồng Y cố vấn. Bên cạnh việc nhiều lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng giám mục liên nghi lễ Ấn Ðộ, cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, Ðức Hồng Y còn là Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục Á châu.

5. Giáo phận Lisbon kỷ niệm 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô.

Nhân kỷ niệm 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô, tổng giáo phận Lisbon, sinh quán của thánh nhân, đã tổ chức một chương trình mừng kỷ niệm sự kiện này.

Thánh Antôn là vị thánh nổi tiếng ở Ý, thường được gọi là thánh Antôn Padova, vì ngài qua đời và thi hài được kính tại đền thánh Antôn ở Padova nước Ý. Nhưng thánh Antôn nguyên là một người Bồ Ðào Nha, sinh tại Lisbon, với tên gọi là Fernando. Tuy đã chọn dòng kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng vào năm 1220, thánh Antôn đã chọn theo bước thánh Phanxicô Assisi và chọn tên Antôn.

Hoạt động đầu tiên trong chương trình kỷ niệm đã được cử hành ngày 16 tháng 02 năm 2020, với “lễ hội di chuyển lưỡi” của thánh Antôn. Lễ hội này nhắc lại sự kiện thánh tích này - lưỡi của thánh Antôn - được tìm thấy còn nguyên vẹn, không bị hư hoại sau hơn 30 năm thánh nhân qua đời.

Sau đó, sẽ có các lễ kỷ niệm ngày thánh Antôn được tuyên thánh, ngày 30 tháng 05 năm 1232, theo ý muốn của Ðức Giáo hoàng Gregorio IX, ngày kỷ niệm thánh nhân qua đời 13 tháng 06 năm 1231, và ngày sinh của thánh nhân, 15 tháng 08 năm 1195.

Nhân dịp kỷ niệm này, các buổi triển lãm, hội nghị, hòa nhạc và thăm viếng, cũng được Trung tâm học hỏi và nghiên cứu của Văn phòng Tòa thượng phụ Lisbon về du lịch và Ủy ban quốc gia về các tài sản văn hóa của Giáo Hội Công Giáo tổ chức. Ðặc biệt là có “Hành trình thánh Antôn tại Lisbon” để thăm viếng các nơi lưu giữ các thánh tích của thánh nhân ở thủ đô Bồ Ðào Nha. “Hành trình thật và đúng của thánh Antôn” sẽ được tổ chức giữa thủ đô Lisbon và thành phố Coimbra để ghi nhớ một hành trình đã được thánh nhân thực hiện.

6. Tiến trình án phong Chân phước cho chị Lucia thật dài.

“Án phong chân phước cho chị Lucia, một trong 3 trẻ đã từng được thấy Đức Mẹ tại Fatima, thật dài, đòi nhiều kiên nhẫn và nghiêm túc”.

Trên đây là lời tuyên bố của Nữ tu Angela Coelho, Phó thỉnh nguyện viên án phong cho chị Lucia, với hãng tin Eclesia của Bồ đào nha, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 15 của chị Lucia hôm 13 tháng 02 năm 2020.

Chị Lucia là một trong 3 trẻ đã được Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917. Chị qua đời năm 2005 thọ 97 tuổi, và 3 năm sau, 2008, Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI đã cho phép mở án điều tra phong chân phước cho chị, hai năm trước hạn định. Sau 9 năm tiến hành, cuộc điều tra cấp giáo phận của án phong đã kết thúc với lễ nghi trọng thể hồi tháng 2 năm 2017, và toàn bộ hồ sơ thu thập được đã chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét.

Trong cuộc phỏng vấn, nữ tu Angela Coelho nói: “Tôi rất an tâm, vì tiếng tăm thánh thiện của chị Lucia rất mạnh, đến độ tôi biết rằng Chúa muốn chị Lucia được Giáo hội nhìn nhận vì lòng trung thành của chị trong cuộc sống. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi đi trước phán đoán của Giáo hội”.

Nữ tu Angela cho biết, công việc hiện nay tại Bộ Phong thánh là soạn Positio, tức là hồ sơ đúc kết về cuộc sống và các nhân đức anh hùng của Vị Tôi Tớ Chúa Lucia. Chị nói: “Công việc tiến hành chậm chạp hơn sự mong mỏi của chúng tôi và của các tín hữu. Nhưng đây là giai đoạn phải suy tư, cầu nguyện, và để cho chín mùi”.

Nữ tu Phó thỉnh nguyện viên cho biết, tuy sống trong Ðan viện kín ở thành Coimbra, Chị Lucia có liên lạc với bên ngoài qua hàng chục ngàn thư từ, và các cuộc viếng thăm của nhiều nhân vật, trong đó có 48 Hồng Y. Các thư từ đó và chứng từ của 61 nhân chứng, cô đọng trong 15 trang, được gửi về Bộ Phong Thánh để cứu xét.

7. Tình hình khó khăn tại Liban theo Ðức cha Udo Benz.

Sau cuộc viếng thăm tại Liban, Ðức cha Udo Bentz, Chủ tịch Tiểu Ban về Trung Ðông thuộc Hội đồng Giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, tỏ ra lo âu về tình hình chính trị căng thẳng tại Liban.

Tuyên bố với hãng tin Công Giáo Ðức KNA hôm 15 tháng 02 năm 2020 tại thành phố Bonn, Ðức cha Udo Bentz, cũng là Giám Mục Phụ Tá giáo phận Mainz, cho biết: “Lo lắng chính của dân chúng ở Liban là tình hình kinh tế suy sụp, nhất là những vấn đề tham nhũng, và hiện nay người ta chưa tìm được con đường để khỏi cuộc khủng hoảng tại nước này.”

Theo Ðức cha Udo Bentz, các Giáo hội Kitô ở Liban ý thức rõ về tình hình nghiêm trọng và đề ra những lập trường thật rõ ràng, chứng tỏ các tín hữu Kitô có thể giữ một vai trò tích cực trong việc cải tiến cuộc sống của xã hội.

Ðức Tổng giám mục Paul Sayah, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng phụ Công Giáo Maronite cho biết, các Giáo hội Kitô Liban muốn dấn thân cho sự bình quyền giữa mọi công dân trong vùng này.

Ðức cha Udo Bentz đến Liban để trao đổi với Hội đồng các Giáo hội Kitô Trung Ðông, gọi tắt là MECC, là cơ quan thăng tiến sự cộng tác giữa các Giáo hội Kitô tại 14 nước Trung Ðông. Trong những năm tới đây Hội đồng MECC cùng với Hội đồng Giám mục Ðức sẽ tổ chức các hội nghị nhắm hỗ trợ sự phát triển các Giáo hội Kitô ở Trung Ðông.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/254869.htm

CÁC TIN KHÁC: