Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Đức Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa khi nào, và tại sao? Bài tĩnh tâm cuối Mùa Vọng của giáo triều Rôma
22/12/2019 12:00:00 SA
Bài tĩnh tâm Mùa Vọng 2019 cuối cùng của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma
Sáng thứ Sáu 20 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm cuối cùng trong Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “She Gave Birth To Her First Born Son” - Mary, the Mother of God - “Bà đã hạ sinh con trai đầu lòng” - Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Dưới đây là bản dịch toàn văn phần I bàn về ý nghĩa và lịch sử hình thành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” sang Việt Ngữ.
Các bước chúng ta đang thực hiện liên quan đến nhận thức của Đức Maria tương ứng với sự phát triển lịch sử trong cuộc đời Mẹ như chúng ta biết từ các sách Phúc Âm. Suy tư về đức tin của Đức Maria đã đưa chúng ta trở lại thời điểm Truyền tin, thời điểm Mẹ thốt lên bài ca Magnificat, thời điểm Mẹ đi thăm người chị họ mình; và bây giờ, là thời điểm Giáng Sinh, là thời khắc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chính là vào thời khắc Giáng sinh, chính tại thời điểm “sinh con trai đầu lòng” (Lc 2: 7), mà Đức Maria thực sự và hoàn toàn trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Khi nói về Đức Maria, Kinh Thánh liên tục nhấn mạnh hai hành vi căn bản, hay đúng hơn là hai khoảnh khắc, tương ứng với những gì kinh nghiệm thông thường của con người cho là cần thiết cho một tình mẫu tử thực sự và đầy đủ có thể diễn ra – đó là thụ thai và sinh con. Thiên thần nói với Đức Maria: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31). Hai khoảnh khắc này cũng tồn tại trong trình thuật của Thánh Matthêu: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần và bà sẽ sinh con trai” (x Mt 1:20 f.) Lời tiên tri của Isaia trong đó tất cả những điều này đã được báo trước cũng sử dụng cùng một biểu đạt: Một “thiếu nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai “(Is 7:14). Bây giờ anh chị em có thể thấy lý do tại sao tôi nói rằng chỉ trong biến cố Giáng sinh, khi Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ mới trở nên Mẹ Thiên Chúa trong nghĩa đầy đủ nhất.
Tiêu đề “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), được sử dụng bởi các Giáo Hội Latinh, nhấn mạnh nhiều hơn vào khoảng khắc thứ nhất trong hai khoảnh khắc này, tức là vào thời điểm thụ thai; trong khi danh xưng Theotokos, được sử dụng bởi các Giáo Hội Hy Lạp, nhấn mạnh đến khoảng khắc thứ hai, tức là khi Đức Mẹ sinh hạ [Chúa Hài Đồng] (tikto trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hạ sinh”). Khoảnh khắc thứ nhất, sự thụ thai, là chung cho cả cha lẫn mẹ, trong khi khoảng khắc thứ hai, là việc sinh nở, chỉ thuộc về người mẹ.
Mẹ của Thiên Chúa: một danh hiệu thể hiện một trong những mầu nhiệm trọng đại nhất và, đối với lý trí con người, đó là một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu cổ xưa nhất của Đức Maria và là một tín điều quan trọng nhất về Đức Maria, từ khi Giáo Hội qua Công Đồng Êphêsô năm 431 xác định như một chân lý đức tin mà tất cả các Kitô hữu phải tin tưởng. Đó là nền tảng của tất cả sự vĩ đại của Đức Maria. Đó là nguyên tắc của Thánh Mẫu Học. Vì điều đó, Đức Maria không chỉ là một đối tượng được tôn kính trong Kitô giáo mà còn là một đối tượng của thần học, và điều đó có nghĩa là Mẹ là một phần trong cuộc đàm luận về chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa liên quan trực tiếp trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria.
Một cái nhìn lịch sử về việc hình thành nên tín điều [Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa]
Trong Tân Ước Đức Maria chưa từng bao giờ được trao một cách minh nhiên tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Tuy nhiên, có một số khẳng định, mà trong ánh sáng của những suy tư cẩn thận của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sau đó chứng minh điều này là sự thật. Như chúng ta đã thấy, Đức Maria đã thụ thai, sinh hạ một con trai, là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa (xem Lc 1: 31-32, 35). Do đó, hệ quả từ các Phúc Âm là Đức Maria là mẹ của một người con trai mà chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm, Đức Maria thường được gọi là mẹ của Chúa Giêsu, mẹ của Chúa (xem Lc 1:43), hoặc đơn giản là mẹ, hoặc là mẹ Ngài (xem Ga 2: 1-3).
Trong sự phát triển của đức tin, chính Giáo Hội phải rõ ràng về Chúa Giêsu là ai trước khi biết Đức Maria là mẹ của ai. Đức Maria chắc chắn đã không trở thành Mẹ Thiên Chúa tại Công Đồng Êphêsô năm 431, như Chúa Giêsu đã không trở thành Thiên Chúa tại Công Đồng Nicê năm 325, là Công Đồng đã long trọng khẳng định như vậy. Ngài là Chúa trước đó. Năm 325 chỉ là một thời điểm khi Giáo Hội, trong quá trình phát triển và công bố đức tin của mình dưới áp lực dị giáo, đã nhận thức đầy đủ về sự thật này và bảo vệ điều đó. Nó giống như những gì xảy ra khi một ngôi sao mới được phát hiện: ngôi sao ấy không chỉ mới được sinh ra khi ánh sáng của nó lần đầu tiên chạm tới trái đất và được quan sát bởi một ai đó. Tinh tú này có lẽ đã tồn tại hàng ngàn năm. Một định nghĩa của Công Đồng chỉ là thời điểm khi ngọn nến được đặt trên chân đèn, là công thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội.
Trong tiến trình dẫn đến lời tuyên bố long trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, có ba giai đoạn lớn mà tôi sẽ đề cập bây giờ đây. Lúc đầu và trong cuộc chiến chống lại sự hoành hành của thuyết Ngộ đạo (Gnosticism ) và thuyết Huyễn Ảnh [Docetism – cho rằng Chúa Kitô không mặc lấy xác phàm, chỉ có thiên tính chứ không có nhân tính, và vì thế các đau khổ Ngài phải chịu chỉ là bề ngoài – chú thích của người dịch], trong đó tình mẫu tử của Đức Maria hầu như chỉ được nhìn ở khía cạnh thể lý mà thôi. Những kẻ dị giáo này cho rằng Chúa Kitô không hề thực sự mặc lấy xác loài người, hoặc nếu Ngài có mặc lấy xác loài người đi chăng nữa, thì thân xác con người ấy được sinh ra bởi một người phụ nữ, cho nên, nó thực sự chỉ là một phần máu thịt của người phụ nữ này. Thành ra, điều cần thiết là phải mạnh mẽ khẳng định rằng Chúa Giêsu là con trai của Đức Maria và là “hoa trái từ cung lòng Mẹ” (Lc 1:42) và Đức Maria là người mẹ thật sự và tự nhiên của Chúa Giêsu.
Trong giai đoạn cổ xưa nhất này, tình mẫu tử của Đức Maria được dùng để chứng minh nhân tính thực sự của Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì khác. Chính vào thời điểm đó và trong một môi trường như vậy mà điều này được hình thành trong Kinh Tin Kính “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Lúc ban đầu, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người: là Thiên Chúa vì bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, và là con người vì được sinh ra theo xác thịt, nghĩa là, bởi Đức Maria.
Trong giai đoạn cổ xưa nhất, danh hiệu Theotokos đã được sử dụng để nói về Đức Maria, như Origen đã dùng vào thế kỷ thứ ba. Từ đó trở đi, chính việc sử dụng tước hiệu này đã đưa Giáo Hội đến việc khám phá sâu xa hơn về tình mẫu tử thánh thiêng, mà chúng ta có thể gọi “metaphysical maternity” - “tình mẫu tử siêu hình”. Đó là thời điểm của những cuộc tranh luận lớn về Kitô học trong thế kỷ thứ năm, khi vấn đề chính liên quan đến Chúa Giêsu Kitô đã không còn là về tính nhân loại thật sự của Ngài nhưng là sự hiệp nhất trong ngôi vị của Ngài. Tình mẫu tử của Đức Maria không còn được nhìn thấy trong tương quan với bản tính nhân loại của Chúa Kitô, nhưng, đúng hơn, liên quan đến một bản thể duy nhất là Ngôi Lời đã làm người. Và vì Đức Kitô duy nhất này, được sinh ra bởi Đức Maria theo xác thịt, không ai khác chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa đích thực.
Không chỉ có mối quan hệ thể lý giữa Đức Maria và Chúa Giêsu, nhưng, ngoài ra còn có một mối quan hệ siêu hình, và điều này đặt Mẹ lên một tầm cao, tạo ra một mối quan hệ độc đáo giữa Mẹ và Chúa Cha. Tại Công đồng Êphêsô, điều này đã trở thành một thành tựu vĩnh viễn của Giáo Hội.
Văn bản của Công Đồng viết:
“Bất cứ ai không tuyên xưng Thiên Chúa thực sự là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và, do đó, Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc, là người đã tạo ra xác thịt cho Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thánh nhục thể, là Theotokos – Mẹ Thiên Chúa, thì người ấy là người bị chúc dữ.”[1]
Đó là một thời gian hân hoan tưng bừng cho người dân Êphêsô, những người đã chờ đợi các Nghị Phụ bên ngoài phòng họp Công Đồng và đi cùng các ngài đến những nơi cư ngụ của họ với đèn đuốc và thánh ca. Một loan báo như vậy gây ra một sự bùng nổ lòng tôn kính dành cho Mẹ Thiên Chúa chưa bao giờ suy giảm, cả ở Tây phương lẫn Đông phương, được thể hiện trong các lễ nghi phụng vụ, các tượng ảnh, thánh ca, và trong rất nhiều các nhà thờ dành riêng để tôn kính Đức Mẹ, bao gồm “Santa Maria Maggiore” – “Đền Thờ Đức Bà Cả” - ở Rôma.
Vẫn còn một chiều sâu khác cần được khám phá trong tình mẫu tử thánh thiêng của Đức Maria bên cạnh hai chiều kích thể lý và siêu hình. Trong các cuộc tranh luận về Kitô học, danh hiệu Theotokos được chú trọng nhiều hơn đến bản tính loài người của Chúa Kitô hơn là của Đức Maria, ngay cả khi đó là một danh hiệu của Đức Mẹ. Những hệ quả logic liên quan đến con người của Đức Maria và đặc biệt là sự thánh thiện cá nhân của Mẹ vẫn còn phải được rút ra. Theotokos có nguy cơ trở thành một điều gây xung đột giữa các khuynh hướng thần học đối nghịch thay vì là một biểu hiện của đức tin và lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Đức Maria.
Các tác giả Latinh và đặc biệt là Thánh Augustinô đã có những đóng góp lớn về điều này. Tình mẫu tử của Đức Maria được coi là một tình mẫu tử trong đức tin, đó cũng là một tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là một thiên sử thi về đức tin của Đức Maria. Bàn về câu hỏi của Chúa Giêsu “Ai là mẹ tôi?” Câu trả lời của Thánh Augustinô đã gán cho Đức Maria mức độ cao nhất trong tình mẫu tử thiêng liêng xuất phát từ việc làm theo thánh ý Chúa Cha:
“Lẽ nào Đức Trinh Nữ Maria lại không làm thánh ý Chúa Cha, khi Mẹ là người đã tin trong đức tin của mình, và trong đức tin đã thụ thai, là người đã được lựa chọn để hạ sinh Đấng cứu rỗi loài người, và là người đã được tạo ra bởi Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô được tạo ra bởi Mẹ? Chắc chắn, Đức Maria đã làm theo thánh ý Chúa Cha và do đó, đối với Đức Maria trở thành môn đệ của Chúa Kitô là điều còn cao trọng hơn là trở thành Mẹ của Chúa Kitô.”[2]
Tình mẫu tử về thể lý và siêu nhiên của Đức Maria giờ đây đã lên ngôi nhờ sự thừa nhận một tình mẫu tử thiêng liêng, hay một tình mẫu tử trong đức tin, khiến Đức Maria trở thành đứa con đầu tiên và thánh thiêng nhất của Thiên Chúa, là môn đệ đầu tiên và ngoan ngoãn nhất của Chúa Kitô, là tạo vật, mà Thánh Augustinô nói tiếp rằng “vì danh dự dành cho Chúa không hề mắc tội lỗi nào”[3]. Từ một quan điểm khách quan, tình mẫu tử về thể lý hay “thực sự” của Đức Maria, vì mối quan hệ ngoại thường và độc đáo nó tạo ra giữa Mẹ và Chúa Giêsu, và giữa Mẹ và cả Ba Ngôi, đã và sẽ tiếp tục là vinh dự lớn nhất và là một đặc ân không có gì sánh bằng, nhưng điều này chính là vì nó tìm thấy một đối tác chủ quan trong đức tin khiêm nhường của Đức Maria. Đối với bà Êvà, chắc chắn là một đặc ân độc đáo, khi được là “mẹ của tất cả các loài thọ sinh” nhưng vì thiếu đức tin, điều đó chẳng có ích gì với bà, và thay vì được chúc phúc, bà đã trở nên bất hạnh.
Đức Maria là người duy nhất trong thế giới loài người có thể nói với Chúa Giêsu những gì Chúa Cha trên trời nói với Ngài: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.” (x Tv 2: 7; Dt 1: 5). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong tất cả sự đơn sơ và hầu như không nhận thức được chân giá trị to lớn ông đã đưa ra cho loài người, nói rằng Chúa Giêsu là “của Thiên Chúa và của Mẹ Maria.”[4] Nó giống như nói rằng một người là con của một người đàn ông và một người phụ nữ cụ thể. Dante Alighieri cố gắng bao gồm các nghịch lý kép (trinh nữ và mẹ; mẹ và con gái) trong một câu: “Lạy Mẹ Ðồng Trinh, là con gái của Con Mẹ!”[5]
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tự nó là đủ để thiết lập sự vĩ đại của Đức Maria và để biện minh cho danh dự dành cho Mẹ. Người Công Giáo đôi khi bị khiển trách vì đã phóng đại danh dự và tầm quan trọng mà họ dành cho Đức Maria, và, chúng ta phải thừa nhận rằng những lời trách móc như thế đôi khi có thể biện minh được, ít nhất là đối với cách Mẹ được tôn vinh. Nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm. Khi biến Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa, Chúa Cha đã tôn vinh Mẹ đến nỗi không ai có thể tôn vinh Mẹ hơn, ngay cả khi người ấy có nhiều lưỡi như những ngọn cỏ, theo cách nói của Luther.[6]
Đối với tất cả các Kitô hữu, cho đến nay tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” vẫn là điểm gặp gỡ hay cơ sở chung để từ đó bắt đầu tìm ra một sự đồng thuận về vị thế của Đức Maria trong đức tin. Đó là danh hiệu đại kết duy nhất theo nghĩa là nó được công nhận bởi tất cả các Giáo Hội. Luther đã viết: “Tín điều khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ đầu và Công Đồng Êphêsô không định nghĩa điều này như một điều mới mẻ vì đó là một niềm tin đã được khẳng định trong Phúc Âm và Thánh Truyền. Những lời này (Lc 1:32; Gal 4: 4) khẳng định mạnh mẽ rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.”[7] Zwingli đã viết: “Theo tôi, Đức Maria thật sự đáng được gọi là Genitrix của Thiên Chúa, Theotokos,” và ở một chỗ khác Zwingli cũng gọi Đức Maria là “Theotokos của Thiên Chúa, được lựa chọn ngay cả trước khi Mẹ có đức tin.”[8] Calvin, đến lượt mình, đã viết, “Kinh Thánh bảo cho chúng ta một cách rõ ràng rằng Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1:32) và Đức Trinh Nữ ấy cũng là Mẹ của Chúa chúng ta.”[9]
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, do đó, là tước hiệu chúng ta phải luôn luôn quay trở lại, và như các tín hữu Chính Thống vẫn làm, chúng ta phải phân biệt tước hiệu này với vô số những danh xưng và tước hiệu khác được gán cho Đức Maria. Nếu điều đó được tất cả các Giáo Hội thực hiện nghiêm túc và tận dụng tối đa, bên cạnh việc thừa nhận về mặt lý thuyết, nó sẽ đủ để tạo ra một sự hiệp nhất cơ bản xung quanh Đức Maria, Đấng thay vì là nguyên nhân chia rẽ giữa các Kitô hữu sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự hiệp nhất Kitô giáo, một sự phù trợ từ mẫu “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52).
1. Denzinger-Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, Số. 252.
2.Thánh Augustinô, Các bài giảng, 72 A (Denis 25), 7 {Miscellanea Agostiniana I, tr. 162).
3. Thánh Augustinô, Về Thiên Nhiên và Ân Sủng, 36, 42 (CSEL 60, trang 263).
4. Thánh Ignatiô thành Antiôkia, Thư gửi Êphêsô, 7, 2.
5. Dante Alighieri, Paradiso XXXIII, 1.
6. Luther, Bài ca Magnificat (ed. Weimar 7, trang 572 f.).
7. Luther, Về các Công Đồng và Giáo Hội (ed. Weimar 50, trang 591 f.).
8. H. Zwingli, Trình bày đức tin Kitô giáo, Zwingli, Hauptschriften der Theologie III, Zurich, 1948, tr. 319; Trình thuật Đức tin (Fidei ratio), 6.
9.Calvin, Các định chế Kitô giáo, II, 14, 4 (London, SCM Press, 1961, I, trang 486 f.).
Source:Raniero Cantalamessa“SHE GAVE BIRTH TO HER FIRST BORN SON” - Mary, the Mother of God - Third Advent Sermon 2019
Sáng thứ Sáu 20 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm cuối cùng trong Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, và là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “She Gave Birth To Her First Born Son” - Mary, the Mother of God - “Bà đã hạ sinh con trai đầu lòng” - Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Dưới đây là bản dịch toàn văn phần I bàn về ý nghĩa và lịch sử hình thành tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” sang Việt Ngữ.
Các bước chúng ta đang thực hiện liên quan đến nhận thức của Đức Maria tương ứng với sự phát triển lịch sử trong cuộc đời Mẹ như chúng ta biết từ các sách Phúc Âm. Suy tư về đức tin của Đức Maria đã đưa chúng ta trở lại thời điểm Truyền tin, thời điểm Mẹ thốt lên bài ca Magnificat, thời điểm Mẹ đi thăm người chị họ mình; và bây giờ, là thời điểm Giáng Sinh, là thời khắc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chính là vào thời khắc Giáng sinh, chính tại thời điểm “sinh con trai đầu lòng” (Lc 2: 7), mà Đức Maria thực sự và hoàn toàn trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Khi nói về Đức Maria, Kinh Thánh liên tục nhấn mạnh hai hành vi căn bản, hay đúng hơn là hai khoảnh khắc, tương ứng với những gì kinh nghiệm thông thường của con người cho là cần thiết cho một tình mẫu tử thực sự và đầy đủ có thể diễn ra – đó là thụ thai và sinh con. Thiên thần nói với Đức Maria: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1:31). Hai khoảnh khắc này cũng tồn tại trong trình thuật của Thánh Matthêu: “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần và bà sẽ sinh con trai” (x Mt 1:20 f.) Lời tiên tri của Isaia trong đó tất cả những điều này đã được báo trước cũng sử dụng cùng một biểu đạt: Một “thiếu nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai “(Is 7:14). Bây giờ anh chị em có thể thấy lý do tại sao tôi nói rằng chỉ trong biến cố Giáng sinh, khi Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ mới trở nên Mẹ Thiên Chúa trong nghĩa đầy đủ nhất.
Tiêu đề “Mẹ Thiên Chúa” (Dei Genitrix), được sử dụng bởi các Giáo Hội Latinh, nhấn mạnh nhiều hơn vào khoảng khắc thứ nhất trong hai khoảnh khắc này, tức là vào thời điểm thụ thai; trong khi danh xưng Theotokos, được sử dụng bởi các Giáo Hội Hy Lạp, nhấn mạnh đến khoảng khắc thứ hai, tức là khi Đức Mẹ sinh hạ [Chúa Hài Đồng] (tikto trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hạ sinh”). Khoảnh khắc thứ nhất, sự thụ thai, là chung cho cả cha lẫn mẹ, trong khi khoảng khắc thứ hai, là việc sinh nở, chỉ thuộc về người mẹ.
Mẹ của Thiên Chúa: một danh hiệu thể hiện một trong những mầu nhiệm trọng đại nhất và, đối với lý trí con người, đó là một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu cổ xưa nhất của Đức Maria và là một tín điều quan trọng nhất về Đức Maria, từ khi Giáo Hội qua Công Đồng Êphêsô năm 431 xác định như một chân lý đức tin mà tất cả các Kitô hữu phải tin tưởng. Đó là nền tảng của tất cả sự vĩ đại của Đức Maria. Đó là nguyên tắc của Thánh Mẫu Học. Vì điều đó, Đức Maria không chỉ là một đối tượng được tôn kính trong Kitô giáo mà còn là một đối tượng của thần học, và điều đó có nghĩa là Mẹ là một phần trong cuộc đàm luận về chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa liên quan trực tiếp trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria.
Một cái nhìn lịch sử về việc hình thành nên tín điều [Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa]
Trong Tân Ước Đức Maria chưa từng bao giờ được trao một cách minh nhiên tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Tuy nhiên, có một số khẳng định, mà trong ánh sáng của những suy tư cẩn thận của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sau đó chứng minh điều này là sự thật. Như chúng ta đã thấy, Đức Maria đã thụ thai, sinh hạ một con trai, là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa (xem Lc 1: 31-32, 35). Do đó, hệ quả từ các Phúc Âm là Đức Maria là mẹ của một người con trai mà chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm, Đức Maria thường được gọi là mẹ của Chúa Giêsu, mẹ của Chúa (xem Lc 1:43), hoặc đơn giản là mẹ, hoặc là mẹ Ngài (xem Ga 2: 1-3).
Trong sự phát triển của đức tin, chính Giáo Hội phải rõ ràng về Chúa Giêsu là ai trước khi biết Đức Maria là mẹ của ai. Đức Maria chắc chắn đã không trở thành Mẹ Thiên Chúa tại Công Đồng Êphêsô năm 431, như Chúa Giêsu đã không trở thành Thiên Chúa tại Công Đồng Nicê năm 325, là Công Đồng đã long trọng khẳng định như vậy. Ngài là Chúa trước đó. Năm 325 chỉ là một thời điểm khi Giáo Hội, trong quá trình phát triển và công bố đức tin của mình dưới áp lực dị giáo, đã nhận thức đầy đủ về sự thật này và bảo vệ điều đó. Nó giống như những gì xảy ra khi một ngôi sao mới được phát hiện: ngôi sao ấy không chỉ mới được sinh ra khi ánh sáng của nó lần đầu tiên chạm tới trái đất và được quan sát bởi một ai đó. Tinh tú này có lẽ đã tồn tại hàng ngàn năm. Một định nghĩa của Công Đồng chỉ là thời điểm khi ngọn nến được đặt trên chân đèn, là công thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội.
Trong tiến trình dẫn đến lời tuyên bố long trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, có ba giai đoạn lớn mà tôi sẽ đề cập bây giờ đây. Lúc đầu và trong cuộc chiến chống lại sự hoành hành của thuyết Ngộ đạo (Gnosticism ) và thuyết Huyễn Ảnh [Docetism – cho rằng Chúa Kitô không mặc lấy xác phàm, chỉ có thiên tính chứ không có nhân tính, và vì thế các đau khổ Ngài phải chịu chỉ là bề ngoài – chú thích của người dịch], trong đó tình mẫu tử của Đức Maria hầu như chỉ được nhìn ở khía cạnh thể lý mà thôi. Những kẻ dị giáo này cho rằng Chúa Kitô không hề thực sự mặc lấy xác loài người, hoặc nếu Ngài có mặc lấy xác loài người đi chăng nữa, thì thân xác con người ấy được sinh ra bởi một người phụ nữ, cho nên, nó thực sự chỉ là một phần máu thịt của người phụ nữ này. Thành ra, điều cần thiết là phải mạnh mẽ khẳng định rằng Chúa Giêsu là con trai của Đức Maria và là “hoa trái từ cung lòng Mẹ” (Lc 1:42) và Đức Maria là người mẹ thật sự và tự nhiên của Chúa Giêsu.
Trong giai đoạn cổ xưa nhất này, tình mẫu tử của Đức Maria được dùng để chứng minh nhân tính thực sự của Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì khác. Chính vào thời điểm đó và trong một môi trường như vậy mà điều này được hình thành trong Kinh Tin Kính “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Lúc ban đầu, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người: là Thiên Chúa vì bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, và là con người vì được sinh ra theo xác thịt, nghĩa là, bởi Đức Maria.
Trong giai đoạn cổ xưa nhất, danh hiệu Theotokos đã được sử dụng để nói về Đức Maria, như Origen đã dùng vào thế kỷ thứ ba. Từ đó trở đi, chính việc sử dụng tước hiệu này đã đưa Giáo Hội đến việc khám phá sâu xa hơn về tình mẫu tử thánh thiêng, mà chúng ta có thể gọi “metaphysical maternity” - “tình mẫu tử siêu hình”. Đó là thời điểm của những cuộc tranh luận lớn về Kitô học trong thế kỷ thứ năm, khi vấn đề chính liên quan đến Chúa Giêsu Kitô đã không còn là về tính nhân loại thật sự của Ngài nhưng là sự hiệp nhất trong ngôi vị của Ngài. Tình mẫu tử của Đức Maria không còn được nhìn thấy trong tương quan với bản tính nhân loại của Chúa Kitô, nhưng, đúng hơn, liên quan đến một bản thể duy nhất là Ngôi Lời đã làm người. Và vì Đức Kitô duy nhất này, được sinh ra bởi Đức Maria theo xác thịt, không ai khác chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, do đó, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa đích thực.
Không chỉ có mối quan hệ thể lý giữa Đức Maria và Chúa Giêsu, nhưng, ngoài ra còn có một mối quan hệ siêu hình, và điều này đặt Mẹ lên một tầm cao, tạo ra một mối quan hệ độc đáo giữa Mẹ và Chúa Cha. Tại Công đồng Êphêsô, điều này đã trở thành một thành tựu vĩnh viễn của Giáo Hội.
Văn bản của Công Đồng viết:
“Bất cứ ai không tuyên xưng Thiên Chúa thực sự là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và, do đó, Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc, là người đã tạo ra xác thịt cho Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thánh nhục thể, là Theotokos – Mẹ Thiên Chúa, thì người ấy là người bị chúc dữ.”[1]
Đó là một thời gian hân hoan tưng bừng cho người dân Êphêsô, những người đã chờ đợi các Nghị Phụ bên ngoài phòng họp Công Đồng và đi cùng các ngài đến những nơi cư ngụ của họ với đèn đuốc và thánh ca. Một loan báo như vậy gây ra một sự bùng nổ lòng tôn kính dành cho Mẹ Thiên Chúa chưa bao giờ suy giảm, cả ở Tây phương lẫn Đông phương, được thể hiện trong các lễ nghi phụng vụ, các tượng ảnh, thánh ca, và trong rất nhiều các nhà thờ dành riêng để tôn kính Đức Mẹ, bao gồm “Santa Maria Maggiore” – “Đền Thờ Đức Bà Cả” - ở Rôma.
Vẫn còn một chiều sâu khác cần được khám phá trong tình mẫu tử thánh thiêng của Đức Maria bên cạnh hai chiều kích thể lý và siêu hình. Trong các cuộc tranh luận về Kitô học, danh hiệu Theotokos được chú trọng nhiều hơn đến bản tính loài người của Chúa Kitô hơn là của Đức Maria, ngay cả khi đó là một danh hiệu của Đức Mẹ. Những hệ quả logic liên quan đến con người của Đức Maria và đặc biệt là sự thánh thiện cá nhân của Mẹ vẫn còn phải được rút ra. Theotokos có nguy cơ trở thành một điều gây xung đột giữa các khuynh hướng thần học đối nghịch thay vì là một biểu hiện của đức tin và lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Đức Maria.
Các tác giả Latinh và đặc biệt là Thánh Augustinô đã có những đóng góp lớn về điều này. Tình mẫu tử của Đức Maria được coi là một tình mẫu tử trong đức tin, đó cũng là một tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là một thiên sử thi về đức tin của Đức Maria. Bàn về câu hỏi của Chúa Giêsu “Ai là mẹ tôi?” Câu trả lời của Thánh Augustinô đã gán cho Đức Maria mức độ cao nhất trong tình mẫu tử thiêng liêng xuất phát từ việc làm theo thánh ý Chúa Cha:
“Lẽ nào Đức Trinh Nữ Maria lại không làm thánh ý Chúa Cha, khi Mẹ là người đã tin trong đức tin của mình, và trong đức tin đã thụ thai, là người đã được lựa chọn để hạ sinh Đấng cứu rỗi loài người, và là người đã được tạo ra bởi Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô được tạo ra bởi Mẹ? Chắc chắn, Đức Maria đã làm theo thánh ý Chúa Cha và do đó, đối với Đức Maria trở thành môn đệ của Chúa Kitô là điều còn cao trọng hơn là trở thành Mẹ của Chúa Kitô.”[2]
Tình mẫu tử về thể lý và siêu nhiên của Đức Maria giờ đây đã lên ngôi nhờ sự thừa nhận một tình mẫu tử thiêng liêng, hay một tình mẫu tử trong đức tin, khiến Đức Maria trở thành đứa con đầu tiên và thánh thiêng nhất của Thiên Chúa, là môn đệ đầu tiên và ngoan ngoãn nhất của Chúa Kitô, là tạo vật, mà Thánh Augustinô nói tiếp rằng “vì danh dự dành cho Chúa không hề mắc tội lỗi nào”[3]. Từ một quan điểm khách quan, tình mẫu tử về thể lý hay “thực sự” của Đức Maria, vì mối quan hệ ngoại thường và độc đáo nó tạo ra giữa Mẹ và Chúa Giêsu, và giữa Mẹ và cả Ba Ngôi, đã và sẽ tiếp tục là vinh dự lớn nhất và là một đặc ân không có gì sánh bằng, nhưng điều này chính là vì nó tìm thấy một đối tác chủ quan trong đức tin khiêm nhường của Đức Maria. Đối với bà Êvà, chắc chắn là một đặc ân độc đáo, khi được là “mẹ của tất cả các loài thọ sinh” nhưng vì thiếu đức tin, điều đó chẳng có ích gì với bà, và thay vì được chúc phúc, bà đã trở nên bất hạnh.
Đức Maria là người duy nhất trong thế giới loài người có thể nói với Chúa Giêsu những gì Chúa Cha trên trời nói với Ngài: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.” (x Tv 2: 7; Dt 1: 5). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong tất cả sự đơn sơ và hầu như không nhận thức được chân giá trị to lớn ông đã đưa ra cho loài người, nói rằng Chúa Giêsu là “của Thiên Chúa và của Mẹ Maria.”[4] Nó giống như nói rằng một người là con của một người đàn ông và một người phụ nữ cụ thể. Dante Alighieri cố gắng bao gồm các nghịch lý kép (trinh nữ và mẹ; mẹ và con gái) trong một câu: “Lạy Mẹ Ðồng Trinh, là con gái của Con Mẹ!”[5]
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tự nó là đủ để thiết lập sự vĩ đại của Đức Maria và để biện minh cho danh dự dành cho Mẹ. Người Công Giáo đôi khi bị khiển trách vì đã phóng đại danh dự và tầm quan trọng mà họ dành cho Đức Maria, và, chúng ta phải thừa nhận rằng những lời trách móc như thế đôi khi có thể biện minh được, ít nhất là đối với cách Mẹ được tôn vinh. Nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ về những gì Thiên Chúa đã làm. Khi biến Mẹ thành Mẹ Thiên Chúa, Chúa Cha đã tôn vinh Mẹ đến nỗi không ai có thể tôn vinh Mẹ hơn, ngay cả khi người ấy có nhiều lưỡi như những ngọn cỏ, theo cách nói của Luther.[6]
Đối với tất cả các Kitô hữu, cho đến nay tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” vẫn là điểm gặp gỡ hay cơ sở chung để từ đó bắt đầu tìm ra một sự đồng thuận về vị thế của Đức Maria trong đức tin. Đó là danh hiệu đại kết duy nhất theo nghĩa là nó được công nhận bởi tất cả các Giáo Hội. Luther đã viết: “Tín điều khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ đầu và Công Đồng Êphêsô không định nghĩa điều này như một điều mới mẻ vì đó là một niềm tin đã được khẳng định trong Phúc Âm và Thánh Truyền. Những lời này (Lc 1:32; Gal 4: 4) khẳng định mạnh mẽ rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.”[7] Zwingli đã viết: “Theo tôi, Đức Maria thật sự đáng được gọi là Genitrix của Thiên Chúa, Theotokos,” và ở một chỗ khác Zwingli cũng gọi Đức Maria là “Theotokos của Thiên Chúa, được lựa chọn ngay cả trước khi Mẹ có đức tin.”[8] Calvin, đến lượt mình, đã viết, “Kinh Thánh bảo cho chúng ta một cách rõ ràng rằng Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1:32) và Đức Trinh Nữ ấy cũng là Mẹ của Chúa chúng ta.”[9]
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, do đó, là tước hiệu chúng ta phải luôn luôn quay trở lại, và như các tín hữu Chính Thống vẫn làm, chúng ta phải phân biệt tước hiệu này với vô số những danh xưng và tước hiệu khác được gán cho Đức Maria. Nếu điều đó được tất cả các Giáo Hội thực hiện nghiêm túc và tận dụng tối đa, bên cạnh việc thừa nhận về mặt lý thuyết, nó sẽ đủ để tạo ra một sự hiệp nhất cơ bản xung quanh Đức Maria, Đấng thay vì là nguyên nhân chia rẽ giữa các Kitô hữu sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự hiệp nhất Kitô giáo, một sự phù trợ từ mẫu “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52).
1. Denzinger-Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, Số. 252.
2.Thánh Augustinô, Các bài giảng, 72 A (Denis 25), 7 {Miscellanea Agostiniana I, tr. 162).
3. Thánh Augustinô, Về Thiên Nhiên và Ân Sủng, 36, 42 (CSEL 60, trang 263).
4. Thánh Ignatiô thành Antiôkia, Thư gửi Êphêsô, 7, 2.
5. Dante Alighieri, Paradiso XXXIII, 1.
6. Luther, Bài ca Magnificat (ed. Weimar 7, trang 572 f.).
7. Luther, Về các Công Đồng và Giáo Hội (ed. Weimar 50, trang 591 f.).
8. H. Zwingli, Trình bày đức tin Kitô giáo, Zwingli, Hauptschriften der Theologie III, Zurich, 1948, tr. 319; Trình thuật Đức tin (Fidei ratio), 6.
9.Calvin, Các định chế Kitô giáo, II, 14, 4 (London, SCM Press, 1961, I, trang 486 f.).
Source:Raniero Cantalamessa
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN