Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Tâm trạng của Đức Thánh Cha khi bị kẹt trong thang máy. Diễn từ tại dinh tổng thống Mozambique
05/09/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Năm ngày 5 tháng 9, lúc 9:45 sáng, Đức Thánh Cha đã viếng thăm tổng thống Filipe Nyusi tại dinh tổng thống gọi là Palacio da Ponta Vermelha

Vài nét về lịch sử cận đại của Mozambique.

Tháng 7 năm 1497, nhà thám hiểm Vasco da Gama lãnh đạo một hạm đội gồm 4 chiếc tàu rời cảng Lisbon thám hiểm Phi Châu. Tháng 12 năm đó, ông vượt qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi sang bờ phía Đông, khám phá ra những vùng đất người Âu Châu chưa bao giờ đặt chân đến, trong đó có Mozambique. Hầu hết các vùng đất này đang nằm dưới ách cai trị của những người Hồi Giáo Ả rập.

Tháng Ba, 1498, ông giả làm một người Hồi Giáo để vào yết kiến quốc vương Mozambique. Chẳng may, kế hoạch bị lộ, ông phải rút lui. Tuy nhiên, ông khám phá ra vùng đất này thật lý tưởng cho các chiến hạm Bồ Đào Nha. Nơi đây có thể cung cấp nước ngọt, gỗ và nhân công. Tóm lại là một chặng dừng chân lý tưởng của các chiến hạm Bồ Đào Nha trên đường viễn chinh nhằm thu phục các quốc gia vùng Vịnh và Á Châu.

Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây.

Tháng 4 năm 1974, Bồ Đào Nha trải qua một thời kỳ khó khăn với cuộc đảo chính quân sự ở Lisbon. Nhân cơ hội này, Mặt trận giải phóng Mozambique, gọi tắt là FRELIMO, được sự ủng hộ của cộng sản Trung Quốc từ thập niên 1960, đã giành được quyền kiểm soát lãnh thổ này. Mozambique giành được độc lập khỏi tay Bồ Đào Nha ngày 25 tháng 6 năm 1975.

Mozambique theo chế độ cộng hòa, đa đảng. Tổng thống, là người đứng đầu nhà nước, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống hiện nay là Ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO, nhậm chức vào ngày 15 tháng Giêng 2015. Ông là vị tổng thống thứ Tư của Mozambique từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1975.

Thủ tướng do Tổng thống chỉ định là người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng hiện nay là Ông Carlos Agostinho do Rosário, cũng là một thành viên của đảng FRELIMO.

Sau cuộc hội kiến với tổng thống kéo dài trong 30 phút, cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Quốc hội Mozambique có 250 ghế, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu và có nhiệm kỳ 5 năm. Hiện nay, Quốc hội do Đảng FRELIMO chiếm đa số.

Diễn từ trước chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Trong diễn từ chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng thống,

Thành viên Chính phủ, Quốc hội và Ngoại giao đoàn,

Quí Nhà Cầm quyền,

Quí Đại diện xã hội dân sự,

Thưa quý bà và qúy ông,

Tôi cảm ơn ngài, thưa Ông Tổng thống, vì những lời chào mừng và lời mời tốt đẹp của ngài đến thăm đất nước này. Tôi sung sướng một lần nữa được đến Châu Phi và khai mạc Hành trình Tông đồ này ở đất nước của ngài, được chúc phúc bằng vẻ đẹp tự nhiên của nó và bằng sự phong phú văn hóa lớn lao phát sinh từ niềm vui hiển nhiên trong đời sống người dân của ngài và niềm hy vọng của họ vào một tương lai tốt đẹp hơn.



Tôi thân ái chào các thành viên Chính phủ, Quốc hội và Ngoại giao đoàn, và các Đại diện của xã hội dân sự có mặt ở đây. Qua qúy vị, tôi muốn tiếp cận và trìu mến chào thăm toàn thể người dân Mozambique, từ Rovuma đến Maputo, những người đã mở cửa cho chúng tôi để phát huy một tương lai hòa bình và hòa giải.

Tôi muốn những lời gần gũi và liên đới đầu tiên của tôi được ngỏ cùng tất cả những ai bị các trận bão Idai và Kenneth đánh phá, mà các hậu quả tàn phá tiếp tục được cảm nhận bởi rất nhiều gia đình, đặc biệt ở những nơi chưa thể xây dựng lại, bởi vì chúng không thể xây dựng lại, bởi vì chúng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt này. Đáng buồn thay, tôi sẽ không thể đích thân đến thăm các bạn, nhưng tôi muốn các bạn biết sự tham gia của riêng tôi vào nỗi thống khổ và đau khổ của các bạn, và cam kết của cộng đồng Công Giáo để đáp ứng tình huống khó khăn nhất này. Trong bối cảnh thảm khốc và hoang tàn, tôi cầu nguyện để, nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, sự quan tâm thường xuyên sẽ được bầy tỏ bởi tất cả các nhóm dân sự và xã hội, những nhóm coi mọi người như ưu tiên của họ và đang ở các vị thế có thể cổ vũ việc tái thiết cần thiết.

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của bản thân tôi và của cộng đồng quốc tế lớn hơn, vì những nỗ lực thực hiện trong những thập niên gần đây để bảo đảm rằng hòa bình một lần nữa là chuẩn mực, và hòa giải là con đường tốt nhất để đương đầu với những khó khăn và thách thức mà qúy vị gặp phải trong tư cách một quốc gia. Trong tinh thần này và với ý hướng này, một tháng trước, qúy vị đã ký vào Serra da Gorongosa, Thỏa ước chấm dứt dứt khoát các thù địch quân sự giữa người Mozambique anh em. Một cột mốc được chúng ta chào đón với niềm hy vọng rằng nó sẽ chứng minh một bước tiến quyết định và dũng cảm nữa trên con đường hòa bình bắt đầu với Thỏa ước hòa bình chung năm 1992 tại Rome.

Bao nhiêu điều đã xảy ra kể từ ngày ký hiệp ước lịch sử vốn đóng ấn hòa bình và dần dần bắt đầu có kết quả! Những thành quả đầu tiên đó duy trì niềm hy vọng và quyết tâm biến tương lai của qúy vị không phải thành một tương lai xung đột, mà là một tương lai biết thừa nhận rằng qúy vị tất cả đều là anh chị em, con trai con gái của một lãnh thổ duy nhất, những người quản lý có một số phận chung. Can đảm mang lại hòa bình! Lòng can đảm thực sự: không phải là lòng can đảm của vũ lực và bạo lực, nhưng một lòng can đảm phát biểu cụ thể trong việc theo đuổi ích chung một cách không mệt mỏi vì (xem Đức Phaolô VI, Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 1973).

Qúy vị đã trải qua đau khổ, sầu buồn và phiền não, nhưng Qúy vị đã từ chối để các mối liên hệ nhân bản bị chi phối bởi sự báo thù hoặc đàn áp, hoặc cho phép thù hận và bạo lực có lời nói quyết định cuối cùng. Như người tiền nhiệm, Thánh Gioan Phaolô II, đã nhắc nhở trong chuyến viếng thăm đất nước của Qúy vị vào năm 1988: “Nhiều người đàn ông, đàn bà và trẻ em bị thiếu nhà ở, thức ăn đầy đủ, trường học để được huấn giáo, bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, nhà thờ để gặp gỡ và cầu nguyện và các lĩnh vực để cung cấp việc làm cho người lao động. Hàng ngàn người buộc phải dời cư để tìm an ninh và phương tiện sinh tồn; những người khác đã lánh nạn ở các quốc gia lân cận... Hãy nói không với bạo lực, và hãy nói có với hòa bình!” (Đến thăm Tổng thống Cộng hòa, 16 tháng 9 năm 1988, 3).

Trong suốt những năm này, Qúy vị đã nhận ra việc theo đuổi hòa bình lâu dài - một sứ mệnh đặt lên vai mọi người – đòi phải có một nỗ lực vất vả, liên tục và không ngừng nghỉ ra sao, vì hòa bình là một bông hoa mỏng manh, vật lộn mới nở hoa trên mặt đất sỏi đá của bạo lực” (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới 2019). Kết quả là, nó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục, với quyết tâm nhưng không cuồng tín, với lòng can đảm nhưng không đề cao, với lòng kiên cường nhưng một cách thông minh, để cổ vũ hòa bình và hòa giải, chứ không phải bạo lực, thứ chỉ mang lại hủy diệt.

Như chúng ta biết, hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà là một cam kết không mệt mỏi - đặc biệt về phía những ai trong chúng ta được trao cho trách nhiệm lớn hơn – để nhìn nhận, bảo vệ và phục hồi một cách cụ thể phẩm giá của anh chị em chúng ta, quá thường bị bỏ qua hoặc làm ngơ, để họ có thể xem mình là những người chủ động cầm vận mệnh quốc gia. Chúng ta cũng không thể bỏ qua sự kiện này là ‘không có cơ hội bình đẳng, các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm thấy một địa hình màu mỡ để phát triển và cuối cùng bùng nổ. Khi một xã hội – bất kể là địa phương, quốc gia hay hoàn cầu - sẵn lòng để một phần của mình ở ngoài rìa, thì không có chương trình hay tài nguyên chính trị nào dành cho việc thực thi pháp luật hoặc hệ thống giám sát có thể đảm bảo sự yên tĩnh mãi mãi” (Evangelii Gaudium, 59).

Hòa bình đã làm cho sự phát triển của Mozambique trong một số lĩnh vực trở thành khả hữu. Những tiến bộ đầy hứa hẹn đã được thực hiện trong các lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tôi khuyến khích qúy vị tiếp tục nỗ lực xây dựng các cơ cấu và định chế cần thiết để bảo đảm rằng không ai cảm thấy bị bỏ rơi, đặc biệt những người trẻ tuổi vốn chiếm một phần rất lớn trong dân số của đất nước qúy vị. Họ không chỉ là niềm hy vọng của lãnh thổ này; họ còn là hiện tại của nó, một hiện tại thách thức, tìm kiếm và cần tìm ra những nguồn đáng giá có thể cho phép họ tận dụng tốt tất cả tài năng của họ. Họ có khả năng gieo hạt giống để phát triển sự hòa hợp xã hội mà tất cả mọi người đều mong muốn.

Một nền văn hóa hòa bình đòi hỏi “một diễn trình liên tục trong đó mọi thế hệ mới phải tham gia” (ibid., 220). Vì lý do này, con đường phải đi phải là một con đường hỗ trợ và hoàn toàn thấm nhuần nền văn hóa gặp gỡ: biết nhìn nhận người khác, tạo các dây liên kết và xây dựng những cây cầu. Về phương diện này, điều chủ yếu là phải trân trọng ký ức như một con đường mở ra hướng về tương lai, như một hành trình dẫn đến việc đạt được các mục tiêu chung, các giá trị và ý tưởng chung có thể giúp vượt qua các lợi ích hẹp hòi hoặc đảng phái. Bằng cách này, sự giàu có thực sự của quốc gia qúy vị có thể được tìm thấy trong việc phục vụ người khác, đặc biệt là người nghèo. Qúy vị có một sứ mệnh lịch sử đầy can đảm để đảm nhiệm. Mong qúy vị đừng ngừng nghỉ bao lâu còn có những trẻ em và người trẻ không đến trường, các gia đình vô gia cư, công nhân thất nghiệp, nông dân không có đất để canh tác. Đó là những nền tảng cho một tương lai hy vọng, bởi vì nó sẽ là một tương lai của phẩm giá! Đó là các vũ khí của hòa bình.

Hòa bình cũng mời gọi chúng ta nhìn về trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Từ quan điểm này, Mozambique là một quốc gia rất được chúc phúc, và qúy vị có trách nhiệm đặc biệt phải chăm sóc phước lành này. Bảo vệ đất đai cũng là bảo vệ sự sống, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt bất cứ khi nào chúng ta thấy xu hướng cướp phá và lột da do lòng tham thường không được nuôi dưỡng bởi chính các cư dân của những vùng đất này, cũng không được thúc đẩy bởi lợi ích chung của người dân qúy vị. Một nền văn hóa hòa bình hàm ngụ một sự phát triển có năng xuất, bền vững và bao gồm, trong đó mọi người Mozambique có thể cảm thấy rằng vùng đất này là của họ, nơi họ có thể thiết lập các mối liên hệ huynh đệ và công bằng với hàng xóm và mọi thứ xung quanh họ.

Thưa Tổng thống, qúy nhà cầm quyền! Tất cả qúy vị đều được trao nhiệm vụ giúp tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời: bình minh của hòa bình và hòa giải có thể bảo vệ quyền của con trai và con gái qúy vị trong tương lai. Tôi cầu nguyện để, trong thời gian tôi dành cho qúy vị này, cả tôi nữa, trong sự hiệp thông với các giám mục anh em của tôi và Giáo Hội Công Giáo ở vùng đất này, có thể giúp làm cho hòa bình, hòa giải và hy vọng ngự trị dứt khoát ở giữa qúy vị.

Tâm trạng của Đức Thánh Cha khi bị kẹt trong thang máy.

Ký giả Philipine của đài truyền hình Công Giáo Pháp KTO được tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Rome sang Maputo cho biết các ký giả trên chuyến bay đã phá lên cười khi nhắc lại một tai nạn khá buồn cười đã xảy ra với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày Chúa Nhật đầu tháng Chín vừa qua, tức là chỉ vài ngày trước chuyến bay đưa ngài sang tông du Phi châu lần thứ 4.

Phil Pullella, một ký giả kỳ cựu của Reuters trên các chuyến bay tháp tùng Đức Giáo Hoàng trong các chuyến tông du đã mở ra trước mặt Đức Thánh Cha Phanxicô một dải ruy băng màu trắng, đỏ và vàng được sử dụng bởi lính cứu hỏa để phong tỏa các khu vực nơi họ đang làm việc. Thế là các ký giả phá ra cười.

Điện áp sụt giảm là chuyện có thể xảy ra trong bất kỳ chung cư nào, nhưng chuyện này đã xảy ra với Đức Giáo Hoàng thì thật là khôi hài.

Tin tức về việc Đức Giáo Hoàng bị mắc kẹt trong thang máy đến 25 phút vào hôm Chúa Nhật đã được truyền đi khắp thế giới sau khi ngài giải thích lý do ngài bắt đầu trễ hơn thường lệ với các tín hữu và khách hành hương đã phải chờ đợi ngài trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Philipine cho biết Đức Thánh Cha thổ lộ với các ký giả rằng lúc bấy giờ ngài là rất sốt ruột vì hàng ngàn người đang phải chờ đợi ngài giữa trưa nắng chói chang của một ngày hè.

Trong số những món quà và trao đổi ngắn gọn, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời bình luận về một cuốn sách mới xuất bản ở Pháp của nhà báo Nicolas Senèze, là một ký giả chuyên viết cho tờ La Croix. Nicolas Senèze cũng có mặt trên chuyến bay này. Chính anh đã giới thiệu cuốn sách mới của mình với các ký giả. Cuốn sách có tựa đề “How America Wants To Change the Pope”, nghĩa là Nước Mỹ muốn thay đổi Đức Giáo Hoàng như thế nào? Chính Đức Thánh Cha đã đọc cuốn này được xuất bản trên tờ báo Messaggero. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết Đức Giáo Hoàng luôn coi những lời chỉ trích xây dựng và hợp lý là một vinh dự, đặc biệt khi những lời chỉ trích này đến từ những người hiểu biết, và trong trường hợp này từ một quốc gia quan trọng.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/252095.htm

CÁC TIN KHÁC: