Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Các tín hữu Ba Lan tấp nập đến trại tử thần Auschwitz cầu nguyện cùng Thánh Massimiliano Kolbe
24/08/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã quyết định thực hiện một chương trình mục vụ đặc biệt kỷ niệm cái chết và sự hy sinh anh dũng của Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe giữa bối cảnh Ba Lan đang trải qua một thời kỳ đặc biệt khó khăn với trào lưu đồng tính.

Trong suốt mấy tuần qua, bắt đầu từ giữa tháng Sáu, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Các nhà hoạt động đồng tính hô hào tự do tính dục, khoái lạc cá nhân. Họ diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh các vị trong Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đặt hoa trước trại tập trung Auschwitz I để kính nhớ Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe.

Trong chương trình này Kim Thúy sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em gương hiến mạng sống của mình cho tha nhân của Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe và Thụy Khanh sẽ trình bày với quý vị và anh chị em vài nét về trại tử thần Auschwitz.

Cha Thánh Massimiliano Maria Kolbe

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 1 tháng Chín năm 1939, Hitler xua quân tấn công vào Ba Lan. Hai ngày sau đó, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bắt đầu.

Hitler đã cho dựng lên vô số những nhà tù trong những phần lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng. Kinh hoàng nhất là trại tù Auschwitz ở Ba-Lan nơi 1.1 triệu người đã bị giết trong đó 90% là người Do Thái.

Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại Auschwitz, một tù nhân đã trốn khỏi trại. Theo luật của trại giam này, cứ một tù nhân vượt ngục thì 10 tù nhân khác trong cùng khu đó phải chết thay. 10 người này sẽ bị bắn bỏ hay bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến chết.

Thế là, 10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên “đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi-hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:

- Chúa ơi, con không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ và các con của con nữa!

Tiếng khóc não nùng ai oán đó làm bầu không khí vốn đã căng thẳng càng trở nên ghê rợn hơn.

Bổng nhiên, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về phía viên chỉ huy người Đức tên là Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng vừa đe dọa vừa quát lớn:

- Đứng lại! Ông muốn gì?

Người tù đáp:

- Tôi là Linh Mục Công Giáo muốn chết thay tù nhân này!

Viên chỉ huy kinh ngạc hất hàm hỏi:

- Tại sao?

Tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:

- Bởi vì tôi độc-thân, còn ông ta đã lập gia đình và có con cái!

Viên chỉ huy người Đức hỏi thêm:

- Ông là ai?

Tù nhân khoan thai trả lời:

- Tôi là Linh Mục Công Giáo!

Mọi người im lặng nín thở. Viên chỉ huy người Đức thật sự sững-sờ, lúng-túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:

- Được!

Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano Maria Kolbe, thuộc dòng Phanxicô Viện-Tu, người Ba Lan.

Cha được thụ phong linh mục năm 1918 và được nhiều người Ba Lan biết đến như là vị tông đồ nhiệt thành, hăng say truyền bá lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh thời, có lần Cha Kolbe nói tiên tri:

- Sẽ có một ngày quý vị trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa, trên tường thành cao nhất của điện Cẩm-Linh.

Điều đó đã xảy ra, thưa quý vị và anh chị em.

Cha Kolbe cũng đã từng sang Nhật Bản trong 6 năm và thiết lập một nhà dòng, một tờ báo và một chủng viện tại Nagasaki.

Khi chiến tranh bùng nổ cha đã giúp hơn 2000 người Do Thái trốn tránh sự lùng bắt của người Đức. Vì thế, ngày 17 tháng Hai năm 1941, cha bị bắt và ngày 28 tháng Năm bị đưa vào trại Auschwitz.

Trong phòng biệt giam, cha cử hành thánh lễ cho các tù nhân khác, ban các phép bí tích cuối cùng cho họ, an ủi họ sẽ sớm được đoàn tụ với Mẹ Maria trên thiên đàng. Bất cứ khi nào lính canh kiểm tra cũng thấy cha Massimiliano Kolbe quỳ cầu nguyện. Ơn lạ của Đức Mẹ là sau hai tuần bị bỏ đói và không có nước uống, mọi người đều chết hết nhưng ngài vẫn còn sống.

Tối ngày 14 tháng 8 năm 1941, lính canh đã chích carbolic acid cho ngài chết và sáng hôm sau đã thiêu thi thể ngài đúng ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Năm đó ngài được 47 tuổi sau 23 năm linh mục.

Vài nét về trại tử thần Auschwitz

Auschwitz là một mạng lưới các trại tập trung và các trại tàn sát của Đức quốc xã trong thế chiến II. Nó bao gồm Auschwitz I, là trại đầu tiên được thành lập với mục đích là một trại tập trung; Auschwitz-Birkenau II, là trại vừa tập trung vừa tàn sát, Auschwitz III-Monowitz là trại lao động phục vụ chiến tranh, và 45 trại vệ tinh khác.

Auschwitz I đầu tiên được xây dựng để giam giữ các tù chính trị Ba Lan từ năm 1940. Tháng 9 năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu chính sách diệt chủng người Do Thái và Auschwitz-Birkenau II được thành lập để thực hiện “giải pháp chung cuộc của Đức Quốc xã đối với vấn nạn Do Thái”.

Từ đầu năm 1942 đến cuối năm 1944, xe lửa tấp nập vận chuyển người Do Thái tới các phòng hơi ngạt của trại Birkenau từ khắp nơi trên các lãnh thổ do Đức chiếm đóng tại châu Âu. Các tù nhân bị giết bằng thuốc trừ sâu Zyklon B. Ít nhất 1.1 triệu tù nhân chết tại trại tập trung Auschwitz, khoảng 90 phần trăm trong số họ là người Do Thái. Khoảng 1 phần 6 những người Do Thái thiệt mạng trong chính sách diệt chủng người Do Thái đã chết tại Auschwitz. Những người khác đã bị đưa đến Auschwitz bao gồm 150,000 người Ba Lan, 23,000 người Rumani, 15,000 tù binh chiến tranh Liên Xô, và hàng chục ngàn người với các quốc tịch khác nhau.

Những người không bị giết chết trong các phòng hơi ngạt thường chết vì đói, bị cưỡng bức lao động, bệnh truyền nhiễm, hành quyết, hay bị dùng làm thí nghiệm y khoa.

Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, có 7,000 thành viên của Schutzstaffel Đức, thường được gọi là quân đoàn tử thần SS, phụ trách công tác cai ngục và tàn sát các tù nhân. Cách nào đó chỉ có 12 phần trăm trong số những kẻ này bị kết án về các tội ác chiến tranh. Một số người, trong đó có chỉ huy trại là Rudolf Höss, bị xử tử. Nhưng đa số đều thoát tội và sống nhởn nhơ bên các nước Nam Mỹ.

Auschwitz là chứng tá của một ý chí có hệ thống nhằm tận diệt mạng sống con người, được diễn dịch thành những dẫy trại thẳng tắp, với hai hàng kẽm gai phân cách các mương hào do chính các tù nhân đào. Ngày nay, người ta còn thấy các khối xi măng của các lò thiêu, mà bọn Quốc Xã cho nổ tung trước khi bỏ chạy để dấu giếm tội ác của chúng. Mọi sự ở đây đều toát ra một sự khiếp đảm mà tâm trí ta khó có thể chấp nhận được, khó có thể hiểu nổi tại sao con người lại có thể làm điều ấy với đồng loại của mình.

Đứng trước nơi khiếp đảm này nhiều người tự hỏi: “Thiên Chúa đang ở nơi đâu?” Đó là câu hỏi đầu tiên mà Elie Wiesel, người lãnh giải Nobel về Hoà Bình, đã hỏi khi cho rằng: “trước khi Thiên Chúa hỏi tôi 'ngươi đang ở đâu', tôi phải hỏi Người 'Chúa ở nơi đâu khi người ta giết anh tôi, giết chị tôi, giết dân tộc tôi?'“

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do con người kể cả tự do chống lại Ngài. Và khi Con một Ngài phải gánh chịu một hình thức bạo lực tàn bạo là bị đóng đinh chân tay vào Thánh Giá, Thiên Chúa đã không can thiệp. Nhưng đối với nhiều người, những câu hỏi ấy vẫn là những câu hỏi không dễ dàng trả lời.

Còn đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trại tập trung Auschwitz này chính là trường dạy thánh thiện của ngài: chính tại đây, ngài tìm ra sự thật về con người, và quyết định xem chức linh mục của ngài như một lời đáp trả đối với những gì xẩy ra trong Thế Chiến II, những đau khổ lớn lao mà người khác phải trải nghiệm thay vì ngài.

Thực thế, chính trong cuộc chiến đó, Wojtyla đã quyết định trở thành linh mục và gia nhập chủng viện hầm trú do Đức Hồng Y Adam Sapieha tổ chức. Đối với ngài, là người mà từ niên thiếu đã có nhiều bạn hữu Do Thái, Auschwitz không phải chỉ là một thảm kịch trừu tượng nhưng nó tạo nên một phần đời ngài. Kinh nghiệm Auschwitz phát sinh nơi Đức Gioan Phaolô II một dấn thân mạnh bạo để tranh đấu cho phẩm giá và quyền lợi con người, cho việc tìm kiếm đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo, cho cuộc gặp gỡ tại Assisi giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để mọi người cùng hợp tác vào nền văn minh tình thương.

Năm 1965, lúc còn là một Tổng Giám Mục trẻ của Krakow, tức cũng là Tổng Giám Mục của Auschwitz, Đức Wojtyla đã tới đây cử hành Lễ Các Thánh. Trong bài giảng hôm đó, ngài nói rằng ta có thể nhìn chỗ này bằng con mắt đức tin. Dù Auschwitz là nơi cho ta thấy con người có thể trở nên độc ác đến mức nào, ta vẫn không thể để mình bị đánh qụy vì cái cảm tưởng khủng khiếp này, trái lại phải nhìn tới những dấu chỉ của đức tin, như thánh Maximilian Kolbe từng làm. Theo Đức Wojtyla, Auschwitz cũng làm chứng cho sự cao cả của con người, cho những gì con người có thể thực hiện được, đó là bước theo Thầy Chí Thánh để chinh phục sự chết nhân danh tình yêu, như Chúa Kitô từng làm.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/251911.htm

CÁC TIN KHÁC: