Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 01/07/2019: Nỗi buồn Công Giáo Ấn
30/06/2019 12:00:00 SA
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong năm ngoái, 2018, Ngân hàng Vatican, hay còn gọi là “Viện Giáo Vụ” (IOR), lời được 17 triệu 500 ngàn Euro. Trong năm 2017 trước đó, Ngân hàng Vatican lời được đến 31 triệu 900 ngàn Euro. Như thế, đã có sự giảm sút tiền lời lên đến 14 triệu 400 ngàn Euro.
Những con số trên đây được đưa ra trong phúc trình thường niên của Ngân hàng Vatican được công bố hôm 11 tháng 6.
Trong năm 2018, Ngân hàng Vatican có 14,953 khách hàng với nguồn tài chánh là 5 tỷ Euro, tức là giảm 300 triệu Euro so với năm 2017. Trong ngân khoản vừa nói của các khách hàng có 3 tỷ 200 triệu Euro là tiền tiết kiệm họ ký thác nơi Viện Giáo Vụ.
Phúc trình cho biết do những con lốc thị trường tài chánh đã làm giảm lãi xuất.
Trong tiến trình giảm bớt các chi phí, Ngân hàng Vatican đã giảm bớt chi phí xuống còn 16 triệu Euro, so với 18 triệu 700 ngàn Euro hồi với năm 2017.
2. Narendra Modi mưu toan Hindu hóa Giáo Hội tại Ấn
Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại từ văn hóa đến bạo lực.
Xã hội Ấn về nguyên tắc là một xã hội thế tục. Tuy nhiên, dưới thời Narendra Modi, hiện tượng Hindu hóa diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy cách điều hành giao thông không giống ai của cảnh sát giao thông Ấn. Những người cảnh sát này chỉ đường theo các điệu múa của Ấn Giáo.
Theo quan điểm của Ấn Độ giáo, toàn bộ vũ trụ trời đất này được hình thành từ các điệu múa của người vũ công tối cao, là Nataraja. Trong kinh điển Ấn Giáo, có 23 vũ công được tôn thờ và được gọi là các Apsaras. Họ là những người nhảy múa để làm hài lòng các vị thần và thể hiện những sự thật tối cao trong ma thuật của sự di chuyển. Mỗi vị thần đều có những hứng thú khác nhau đối với điệu múa. Cho nên, Ấn Giáo có rất nhiều các điệu múa trong đó hai trường phái lasya và tandava.
Các cảnh sát viên này được huấn luyện để chỉ đường theo các điệu múa của cả hai trường phái lasya và tandava. Có quá nhiều điệu múa khiến người điều khiển các phương tiện giao thông không phải là người theo Hindu hoa mắt và gặp nhiều khó khăn trong việc nhận ra ý muốn của các nhân viên cảnh sát.
3. Ủy ban công lý hòa bình Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án nạn buôn người sang Trung Quốc
Hôm 19 tháng Sáu, một hội nghị được tổ chức bởi nhiều nhóm khác nhau, bao gồm Trung tâm Công lý Xã hội, Ủy ban Nhân quyền Pakistan, Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia đã họp tại Lahore để kỷ niệm lần thứ năm án lệnh của Tòa án Tối cao nước này về quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo ban hành vào ngày 19 tháng 6 năm 2014.
Vào thời điểm đó, Tối Cao Pháp Viện Pakistan đã ra lệnh cho chính quyền liên bang và tiểu bang thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của những nhóm thiểu số, như an ninh tốt hơn tại các nơi thờ phượng, cải thiện sự khoan dung tôn giáo và xã hội, thành lập ủy ban quốc gia cho người thiểu số, bảo đảm hạn ngạch công việc và cải cách chương trình giảng dạy của các trường.
Năm năm sau, các nhóm thiểu số vẫn phàn nàn rằng không có gì được thực hiện để đưa án lệnh này vào thực tiễn.
Phát biểu về vấn đề này, Đức Tổng Giám Mục Joseph Arshad nói rằng chính phủ cần phải thực hiện cam kết của thẩm phán Muhammad Ali Jinnah là phải bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi công dân Pakistan bằng cách thực hiện các án lệnh của Tòa án.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới lại nảy sinh. Chẳng hạn, Peter Jacob, giám đốc điều hành của Ủy ban công lý hòa bình Hội Đồng Giám Mục Pakistan lên án nạn buôn người sang Trung Quốc làm gái mãi dâm. Nhiều tín hữu Kitô, nhất là các cô gái trẻ ở nông thôn đã bị các nhóm buôn người lừa bán sang Trung Quốc.
Trong đoạn video này, cô gái trẻ này rất tin tưởng khi thấy đám cưới của mình được chứng hôn bởi một mục sư Tin Lành. Mục sư đó là mục sư giả. Cô bị lừa đưa sang Thượng Hải, bị thu giữ hộ chiếu, bắt làm gái mãi dâm. Cô chỉ thoát được trong một tình cờ may mắn. Cô cho biết rất đông các cô gái Pakistan đã phải chịu cùng một cảnh ngộ.
4. Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople sang Tòa Thánh dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Từ thời xa xưa Giáo Hội Roma đã có truyền thống cử hành lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong cùng một ngày. Tiếp tục truyền thống đó, lúc 9:30 sáng thứ Bẩy 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài cũng làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.
Theo một truyền thống tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo, hàng năm Tòa Thượng Phụ Constantinople gởi một phái đoàn sang Rôma vào ngày 29 tháng Sáu để tham dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo cũng gởi phái đoàn sang Istanbul vào ngày 30 tháng Mười Một để mừng lễ thánh Anrê, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống.
Năm nay, phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople được hướng dẫn bởi Ðức Tổng Giám mục Telmissos Job, đại diện Ðức Thượng Phụ Constantinople tại Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội và đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp quốc tế về Ðối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống.
Sáng ngày 28 tháng Sáu, Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến phái đoàn và ngày hôm sau, phái đoàn đã tham dự Thánh lễ do Ðức Thánh Cha chủ sự.
Không chỉ “tham dự” mà thôi, các vị trong phái đoàn Chính Thống Giáo đóng một vai trò quan trọng trong lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Chẳng hạn như trước khi bắt đầu thánh lễ vị trưởng phái đoàn Chính Thống Giáo đã đi cùng với Đức Thánh Cha xuống hầm mộ Thánh Phêrô. Hai vị đã cùng cầu nguyện tại đây trước khi các dây Pallium được đưa lên từ đây.
Trên toàn thế giới có khoảng 260 triệu tín hữu Chính Thống Giáo thuộc 15 Giáo Hội độc lập với nhau là các Giáo Hội Constantinople, Alexandria, Antiôkia, Giêrusalem, Georgia, Cyprus, Bảo Gia Lợi, Serbia, Nga, Hy Lạp, Ba Lan, Rumani, Albania, Cộng Hòa Tiệp và Slovakia, và Ukraine.
Giáo hội Chính Thống Constantinople là Giáo hội Chính thống lâu đời nhất và Ðức Thượng Phụ Constantinople là Giáo chủ danh dự của toàn thể 15 Giáo hội Chính Thống.
5. Những cuộc Đại ly giáo giữa những người theo Chúa Kitô
Cuộc Đại ly giáo đầu tiên trong Kitô giáo đã diễn ra hơn 900 năm trước. Sự lạnh nhạt ngày càng tăng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 11 giữa Giáo hội Đông phương có trụ sở tại Constantinople và Giáo Hội Công Giáo có trụ sở tại Rôma đã dẫn đến cuộc Đại ly giáo năm 1054, chia rẽ những người theo Chúa Kitô thành Chính thống giáo Đông phương và Công Giáo Tây phương.
Mong muốn hàn gắn xuất phát từ Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 20 với Công đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965. Tuy nhiên, cần phải có sự can đảm, cởi mở và tầm nhìn xa của hai nhà lãnh đạo vĩ đại từ cả hai phía để phá bỏ những xấu hổ và tai tiếng tích lũy hơn 900 năm. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng năm 1964, khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras của Constantinople gặp gỡ và ôm hôn nhau ở Giêrusalem.
Kể từ đó, hai Giáo hội đã tham gia đối thoại để tiến đến hiệp thông hoàn toàn.
Cuộc Đại ly giáo thứ hai diễn ra ngay trong lòng Giáo Hội Tây phương. Năm 1517, mang trong tay 95 luận điệu của mình đến trước cửa nhà thờ Wittenberg Castle, Martin Luther đã bắt đầu một quá trình lôi kéo hàng triệu người tách ra khỏi sự hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô để lập ra Tin Lành. Tuy Luther có phần đúng khi chỉ trích sự lạm dụng của Giáo Hội ở thời Trung cổ, nhiều người Công Giáo khác, như Erasmus, cũng đã làm như vậy; nhưng Luther đã tổng kết bằng cách quy chụp Đức Giáo Hoàng là phản Kitô giáo; đạp đổ các giáo lý về Thánh Thể, và thiết lập một tiền lệ để cho các nhà cải cách cực đoan mổ xẻ các bí tích.
6. Cuộc Đại ly giáo mới nhất trong Giáo Hội Đông phương
Ngày 15 tháng 10 năm ngoái, 2018, Giáo hội Chính Thống Nga đã tuyên bố đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople, để đáp lại quyết định của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô công nhận một Giáo hội Chính thống Ukraine tự trị.
Trong một tuyên bố dài dòng đầy rẫy những xuyên tạc lịch sử, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nhấn mạnh rằng các Giáo Hội Chính thống tại Nga và Ukraine từ lâu đã “tạo thành một thể thống nhất trong nhiều thế kỷ.” Vì vậy, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng hành động của Đức Thượng Phụ thành Constantinople là một sự “vi phạm giáo luật của giáo hội và là một sự can thiệp của một Giáo Hội địa phương vào lãnh thổ của một Giáo Hội khác”.
Tuyên bố của Thánh Công Đồng Chính thống Nga bác bỏ sự khẳng định quyền bính của Đức Thượng Phụ Constantinople trên các Giáo hội Chính thống khác. Tuyên bố cáo buộc rằng Đức Thượng Phụ thành Constantinople thường xuyên can thiệp vào các cộng đồng chính thống của Đông Âu, gây tổn hại cho Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa; và cư xử như một vị “Giáo Hoàng của Chính Thống Giáo”.
Trước quyết định mới nhất của Tòa Thượng Phụ Constantinople, Thánh Công Đồng Chính thống Nga cho biết, “Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bị buộc phải bãi bỏ những lời cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Constantinople và lấy làm tiếc sẽ phải đình chỉ tất cả các cử hành Phụng Vụ với hàng giáo phẩm của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tuyên bố cũng nói thêm rằng Giáo hội Chính thống Nga sẽ rút khỏi các ủy ban thần học và các cơ quan liên Giáo Hội chính thống khác do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lãnh đạo.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 28 tháng 12, năm ngoái 2018, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây.
7. Ðức Thánh Cha công bố đề tài Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Lisbon vào năm 2022.
Ðức Thánh Cha Phanxicô công bố đề tài Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2022 tại Lisboa, Bồ đào nha, là “Ðức Maria đứng dậy và vội vã lên đường” (Luca 1,39).
Ngài tuyên bố như trên trong buổi tiếp kiến 350 bạn trẻ, trong đó có 250 đại biểu trẻ đến từ 109 quốc gia, vừa kết thúc Diễn đàn giới trẻ quốc tế lần thứ 11, do Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, tổ chức tại trung tâm của dòng Camêlô ở Ciampino gần Roma, với mục đích thăng tiến việc thực thi Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2018 về đề tài “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”.
Ðức Thánh Cha cho biết trong cuộc lữ hành liên đại lục của các bạn trẻ, ngài đã chọn đề tài vừa nói. Và trong 2 năm, trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Lisbon, ngài mời gọi giới trẻ suy tư về các câu Kinh Thánh: “Hỡi người trẻ, tôi nói với anh, hãy đứng dậy! (Luca 7,14) và câu Chúa nói trong sách Tông đồ công vụ đoạn 26 câu 16: “Hãy đứng lên, Ta đặt ngươi làm chứng nhân về những gì ngươi đã thấy”.
Ðức Thánh Cha nói: “Qua những điều đó, tôi cũng muốn lần này có một sự hòa hợp lớn giữa hành trình tiến về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Lisbon và hành trình sau Thượng Hội Ðồng Giám Mục về giới trẻ. Các bạn đừng làm ngơ không nghe tiếng Chúa đang thúc đẩy các bạn đứng lên và đi theo những con đường Chúa đã chuẩn bị cho các bạn. Như Mẹ Maria và cùng với Mẹ, mỗi ngày các bạn hãy trở thành những người mang niềm vui của Chúa và tình thương của Người”.
Trước đó, trong phần đầu của bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha ví các bạn trẻ vừa tham dự Diễn đàn quốc tế giới trẻ như những môn đệ trên đường Emmaus, được mời gọi mang ánh sáng của Chúa Kitô vào trong đêm đen của thế giới. Ngài nói: “Các bạn trẻ thân mến, các bạn được kêu gọi trở thành ánh sáng trong đêm đen của bao nhiêu người đồng lứa tuổi chưa được biết niềm vui của đời sống mới trong Chúa Giêsu”.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng “niềm vui mà chúng ta không chia sẻ với người khác thì không phải là niềm vui chân thực... Chúng ta đặc biệt gặp gỡ Chúa Giêsu trong cộng đoàn và qua những nẻo đường thế giới. Hễ chúng ta càng mang Chúa đến cho tha nhân, thì chúng ta càng cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Và tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ làm điều đó khi các bạn trở về nguyên quán của mình... và như các bạn biết, ngọn lửa, để không tắt ngúm, nó phải lan ra, phải trải rộng. Vì thế các bạn hãy nuôi dưỡng và làm lan rộng ngọn cửa Chúa Kitô ở trong tâm hồn các bạn!”
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN