Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 17/6/2019 - Nhà thờ xây 137 năm vẫn chưa có phép, Giám Mục qua đời vẫn bị bách hại
16/06/2019 12:00:00 SA
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức (李思德, Li Si-de), sinh năm 1927, là Giám Mục Thiên Tân (天津, Tianjin) được Tòa Thánh công nhận, nhưng bọn cầm quyền Trung Quốc không công nhận, đã qua đời hôm thứ Bảy 8 tháng Sáu sau một cơn bệnh dài.
Thông tấn xã Công Giáo Asia News cho biết đến nay, Hội Công Giáo Yêu nước do cộng sản dựng lên để chi phối các hoạt động của Giáo Hội đã cấm không cho tổ chức tang lễ cho ngài và cấm an táng ngài trong nghĩa trang Công Giáo.
Thi hài của ngài hiện được đặt ở một nhà quàn dành cho công chúng, chứ không được đặt ở nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của giáo phận Thiên Tân. Các tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng đang tìm cách xin nhà cầm quyền dân sự thành phố Thiên Tân cho phép cử hành lễ an táng ngài tại một nhà thờ nhỏ. Một tín hữu nói với AsiaNews rằng “nhà cầm quyền địa phương đối xử văn minh hơn nhiều so với Hội Công Giáo Yêu nước.”
Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức sinh ngày 03 tháng 10 năm 1927 tại Tuân Hóa (Đường Sơn, Hà Bắc), trong một gia đình Công Giáo truyền thống, với sáu anh chị em. Từ thời thơ ấu, ngài đã cảm thấy ơn gọi dâng hiến mình cho Chúa và vào năm 1940 ngài vào tiểu chủng viện địa phương. Năm 1945, ngài được chuyển đến tiểu chủng viện ở Thiên Tân. Năm 1949, ngài vào đại chủng viện Văn Thánh (文圣区, Wen Sheng) ở Bắc Kinh và ngày 10 tháng 7 năm 1955 ngài được thụ phong linh mục của Giáo Phận Thiên Tân.
Sau khi Mao Trạch Đông giành được quyền lực tại Trung Quốc, Hiệp hội Yêu nước được ra đời để kiểm soát Giáo Hội và tạo ra một cộng đồng “độc lập” với Tòa Thánh, Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức đã bị bắt vào năm 1958. Được trả tự do ngày 16 Tháng Hai năm 1962, ngài trở về với công việc mục vụ tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Thiên Tân , nhưng lại bị bắt và bị giam giữ từ năm 1963 đến năm 1980 trong các trại lao động cưỡng bức.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Thiên Tân và ngày 15 tháng Sáu 1982, ngài được tấn phong giám mục Giáo Phận Thiên Tân trong bí mật. Năm 1989, sau khi tham gia vào phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc Hầm trú – trong đó các Giám Mục yêu cầu bọn cầm quyền cho tự do tôn giáo nhiều hơn - ngài bị bắt giam lần thứ ba. Năm 1991, ngài được trả tự do và trở về nhà thờ chính tòa Thiên Tân. Tuy nhiên, năm 1992 ngài bị bọn cầm quyền quản thúc tại làng Lương Trang Tử (良莊子, Liang ZhuangZi) thuộc huyện Tập Hiền (集贤, Ji Xian) là một huyện miền núi của tỉnh Hắc Long Giang (黑龙江,Heilongjiang) cho đến khi qua đời.
Năm 1963, cộng sản Trung Quốc chỉ định linh mục Giuse Lý Đức Bồi (李德培,Li De-pei) làm Giám Mục Thiên Tân. Vị này qua đời cùng với vạ tuyệt thông vào ngày 13 tháng Bẩy 1991.
Trong thập niên 1980, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu các Giám Mục Trung Quốc bí mật phong chức Giám Mục cho cha Mêchiô Thạch Hồng Trinh (石鴻禎, Shi Hongzhen)và cha Giuse Thạch Hồng Thần (石洪臣, Shi Hongchen) làm Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá Thiên Tân. Hai vị này là anh em bà con với nhau.
Đức Cha Giuse Thạch Hồng Thần được chính Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức tấn phong Giám Mục. Vị này có quan hệ “cởi mở” với bọn cầm quyền Trung Quốc nên sau khi linh mục Giuse Lý Đức Bồi qua đời, Hội Công Giáo Yêu nước đã bổ nhiệm Giám Mục Giuse Thạch Hồng Thần là Giám Mục Thiên Tân. Tòa Thánh đã ra vạ tuyệt thông cho vị này vì việc này. Ngài đã qua đời vào ngày 3 tháng Ba, 2005.
Đức Cha Mêchiô Thạch Hồng Trinh là Giám Mục phó với quyền kế vị chính thức trở thành Giám Mục Thiên Tân sau cái chết của Đức Cha Lý Tư Đức. Tuy nhiên, ngài đau yếu thường xuyên sau những năm dài tù tội trong các trại cải tạo lao động.
Giáo Phận Thiên Tân có khoảng 100,000 tín hữu, được chăm sóc bởi 40 linh mục chính thức và 20 linh mục thầm lặng. Có 40 nữ tu chính thức và 20 nữ tu thầm lặng tại Thiên Tân.
2. Nhà thờ Thánh Gia ở Barcelona có giấy phép sau 137 năm khởi công
Chính quyền thành phố Barcelona đã chính thức cấp phép xây dựng nhà thờ Thánh Gia (Sagrada Familia) ở thành phố này, sau khi nhà thờ được khởi công xây cất cách đây 137 năm.
Nhà thờ Thánh Gia là biểu tượng của thành phố Barcelona, mỗi năm tiếp đón hàng triệu du khách đến viếng thăm. Vào năm 1885, kiến trúc sư Antoni Gaudi đã xin phép quận San Marti, hiện nay được sát nhập vào thành phố Barcelona, nhưng không nhận được trả lời. Chỉ cho đến năm 2016, chính quyền thành phố mới khám phá là nhà thờ này chưa bao giờ có phép xây dựng kể từ khi công việc xây cất bắt đầu vào năm 1882. Hội đồng thành phố Barcelona mới đây đã cấp phép cho ủy ban xây dựng.
Giấp phép mới cấp khẳng định rằng đền thờ sẽ hoàn thành vào năm 2026, có chiều cao tối đa là 172 mét và chi phí xây dựng là 374 triệu euro.
Nhà thờ Thánh Gia do kiến trúc sư nổi tiếng người xứ Catalan, ông Antoni Gaudi, thiết kế. Vào năm 2005, nhà thờ được tổ chức Unesco xếp vào số các di sản văn hóa thế giới. Chi phí xây dựng nhà thờ lấy từ số tiền đóng góp và vé vào cửa thăm viếng nhà thờ. Nhà thờ sẽ được hoàn thành vào năm 2026, trùng với dịp kỷ niệm 100 năm kiến trúc sư Gaudi qua đời.
Năm 2017, nhà thờ Thánh Gia có 4.5 triệu người viếng thăm. Đây là một trong những điểm du lịch chính của Tây Ban Nha.
3. Vài nét về Vương cung thánh đường Nhà thờ ngoại hiệu Thánh Gia
Vương cung thánh đường Nhà thờ ngoại hiệu Thánh Gia (tiếng Catalunya: Basilica del Temple Expiatori de la Sagrada Família; tiếng Tây Ban Nha: Basilica y Templo Expiatorio de la Sagrada Familia), thường được gọi Sagrada Família, là một nhà thờ Công Giáo lớn đang xây tại Barcelona, Catalunya, Tây Ban Nha, được coi là kiệt tác của kiến trúc sư nổi tiếng người Catalunya Antoni Gaudí. Vì cỡ vĩ đại và phong cách độc đáo, nó là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Barcelona và là một biểu tượng của Tây Ban Nha.
Ngoài ra, Sagrada Família còn nổi tiếng vì là nhà thờ duy nhất trên thế giới có thời gian xây quá lâu, hơn một thế kỷ và lại còn xây… không phép.
Nhà thờ này được khởi công xây dựng từ năm 1882 và sau 136 năm nó vẫn chưa hoàn thành dù hằng năm thu hút 20 triệu khách đến chiêm ngưỡng với 4,5 triệu người vào bên trong nhà thờ.
Ngày 18 tháng 10 năm 2018, sau 3 năm thương lượng, chính quyền thành phố Barcelona và những người phụ trách thánh đường Sagrada Familia mới đạt được thỏa thuận về giấy phép xây dựng chính thức.
Thông tin cho biết bên thánh đường sẽ trả 36 triệu euro cho chính quyền trong 10 năm để góp phần cho việc chỉnh trang đô thị và cải thiện phương tiện giao thông công cộng ở khu vực quanh điểm du lịch. Với thỏa thuận vừa đạt được, kiệt tác kiến trúc tôn giáo này sẽ được hoàn thành vào năm 2026, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của kiến trúc sư Antoni Gaudí. Tiền đầu tư để tiếp tục xây dựng nhà thờ được thu về từ việc bán vé tham quan cho du khách.
Một trong những nét đặc sắc nhất của nhà thờ là 18 ngọn tháp hình con suốt quay tơ, tượng trưng cho mười hai sứ đồ, 4 thánh sử chép Phúc âm, Đức Mẹ Maria và ngọn tháp cao nhất - 170 m là Chúa Giêsu.
Trên đỉnh của các ngọn tháp có những bức điêu khắc tượng trưng theo truyền thống: con bò (Thánh sử Luca), đại bàng (Thánh sử Gioan), sư tử (Thánh sử Máccô) và người có cánh (Mátthêu) hoặc hình bánh thánh với chùm bông lúa, chén lễ và chùm nho, biểu tượng của phép Thánh Thể...
Mặt trước của nhà thờ được trang trí nhiều bức tượng tái hiện quãng đời của Đức Chúa. Bên trong nhà thờ được chiếu sáng bởi những luồng ánh sáng mặt trời xuyên thẳng qua hình oval trên vòm trần và những khuôn cửa kính màu lộng lẫy.
Ngày 7 tháng 11 năm 2010, nhà thờ được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thánh hiến và nâng lên thành vương cung thánh đường trong dịp thăm Santiago de Compostela và Barcelona.
Nhà thờ được ghi vào danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 1984, và cũng được xếp vào danh sách 12 bảo vật của Tây Ban Nha năm 2007.
4. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viếng thăm Kosovo
Trong chuyến tông du hồi đầu tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia, nhưng ngài đã không đến thăm Kosovo.
Để chứng tỏ cho thấy Đức Thánh Cha cũng có lòng ưu ái với quốc gia tân lập này, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có chuyến viếng thăm tại đây từ 8 đến 10 tháng Sáu.
Sáng Chúa Nhật 09 tháng Sáu, là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm, Đức Hồng Y đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Mẹ Têrêsa ở thủ đô Pristina. Trong dịp này, ngài đã ban bí tích thêm sức cho các thiếu nhi của giáo phận. Hiện diện tại Thánh lễ có ông Kadri Veseli, chủ tịch Quốc hội, và phó Thủ Tướng Enver Hoxhaj.
Trong Thánh lễ, Đức Hồng Y đã nói với những người hiện diện và truyền thông địa phương: “Tôi hân hạnh và vui mừng mang đến cho Đức Giám Mục của anh chị em và tất cả anh chị em hiện diện nơi đây lời chào và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha gần gũi trong tinh thần với nhân dân Kosovo và đặc biệt với cộng đoàn Công Giáo ở miền đất này”. Đức Hồng Y cũng mời gọi các tín hữu và cách chung, người dân Kosovo, hãy là những người xây dựng hòa bình, “luôn luôn và với tất cả mọi người”. Ngài nhấn mạnh rằng trong những lúc khó khăn nhất của lịch sử, giáo hội tại Kosovo không bao giờ đánh mất ý thức rằng mình là một phần bé nhỏ của Giáo hội hoàn vũ to lớn.
Đức cha Dodë Gjergji, Giám Mục giáo phận thủ đô, đã bày tỏ sự vui mừng về sự hiện diện của Đức Hồng Y Parolin và nói: “Giây phút này đã được chờ đợi từ nhiều thế kỷ”. Đức cha cũng khẳng định lòng trung thành của Giáo hội địa phương đối với người kế vị thánh Phêrô và cám ơn sự nâng đỡ của Tòa Thánh.
Vào ban chiều, Đức Hồng Y Parolin đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Mẹ hằng cứu giúp ở thành phố Prizren.
Hôm thứ Hai 10 tháng Sáu, là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gặp Tổng thống Hashim Thaçi.
Tổng thống đã từng gặp Đức Hồng Y hai lần tại Vatican và cũng đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, Đức Hồng Y gặp Thủ tướng Ramush Haradinaj và trước khi trở về Roma, ngài đã gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và giáo dân tại trung tâm “Bogdani Polis”.
Kosovo tuyên bố quyền tự trị của mình vào tháng 2 năm 2008. Số tín hữu Công Giáo tại Kosovo chiếm 3% trên tổng số 1 triệu 800 ngàn dân.
5. Lòng ưu ái của Tòa Thánh với Kosovo
Cũng để cho thấy lòng ưu ái của Đức Thánh Cha với quốc gia tân lập này, chúng tôi xin được mạn phép nhắc lại một thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm 5 tháng Chín vừa qua.
Thông báo cho biết như sau:
“Hôm nay, phụng vụ cử hành lễ kính Thánh Têrêsa thành Calcutta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng miền Giám Quản Tông Tòa Prizren lên hàng Giáo phận, và đặt tên là Prizren-Prishtina, để tái lập một giáo phận đã tồn tại trong lịch sử. Tân giáo phận sẽ giữ nguyên qui chế của giáo phận này trực thuộc Tòa Thánh.
Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha Dodë Gjergji, cho đến nay là Giám Quản Tông Tòa địa hạt này, làm Giám Mục.”
Prizren là một thành phố và là một thủ phủ thuộc tỉnh Prizren của Kosovo. Theo cuộc điều tra dân số năm 2011, thành phố Prizren có 85,100 dân, nếu tính luôn vùng phụ cận là 177, 800 dân.
Prizren là một thành phố lịch sử nằm trên bờ sông Prizren Bistrica, và trên sườn núi Šar ở phía nam Kosovo. Thành phố này có biên giới với Albania và Cộng hòa Macedonia.
Theo đường bộ, thành phố này Skopje, nơi sinh của Mẹ Têrêsa, 99 km về phía tây bắc của Skopje, 85 km về phía nam của Pristina và 175 km về phía đông bắc của thủ đô Tirana.
6. Vài nét về Cộng Hòa Kosovo
Kosovo thuộc Đông Nam Âu Châu, có biên giới với Cộng hòa Macedonia và Albania về phía nam, Montenegro về phía tây, và Serbia về phía bắc và phía đông. Miền đất này đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với tên gọi nước Cộng hòa Kosovo. Serbia công nhận quyền cai trị lãnh thổ của chính phủ dân cử Kosovo, nhưng vẫn tiếp tục coi đây là tỉnh tự trị Kosovo và Metohija. Chính vì thế, chỉ có một số các quốc gia tuyên bố công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, nhưng không phải mọi quốc gia đều công nhận điều này. Toà Thánh cũng không công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền.
Trong thời kỳ cổ đại, miền đất Kosovo là một phần của Vương quốc Dardania trước khi rơi vào tay của Đế quốc Ottoman từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Sau khi Đế quốc Ottoman thất bại trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất (1912–13), Serbia chiếm đóng phần lớn lãnh thổ này, và Montenegro sáp nhập phần phía tây còn lại vào lãnh thổ của mình. Trong thời cộng sản Nam Tư, hai lãnh thổ này được gọi là Kosovo và Metohija.
Căng thẳng sắc tộc kéo dài giữa cư dân Albania và Serb khiến lãnh thổ bị phân chia theo dân tộc, dẫn đến những hành vi bạo lực mà cao điểm là Chiến tranh Kosovo 1998–99. Chiến tranh kết thúc với sự can thiệp quân sự của NATO, buộc Cộng hòa Liên bang Nam Tư triệt thoái binh sĩ khỏi Kosovo. Ngày 17 tháng Hai năm 2008, Nghị viện Kosovo tuyên bố thành lập quốc gia độc lập.
Có khoảng 65,000 người Công Giáo ở Kosovo, trong tổng số khoảng hai triệu người. Hầu hết cư dân Kosovo là người Albani, như Mẹ Teresa. Gần 95 phần trăm dân số theo Hồi giáo.
7. Ðức Thánh Cha khai mạc Ban điều hợp quốc tế của Phong trào canh tân trong Thánh Linh.
Trưa ngày 08 tháng 06 năm 2019, tại đại thính đường Phaolô VI, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 6,000 tham dự viên Hội nghị Quốc tế các nhà lãnh đạo thuộc Phong trào Canh tân trong Thánh Linh của Công Giáo và chính thức khai mạc Ban điều hợp quốc tế của Phong trào canh tân trong Thánh Linh, gọi là Charis.
Ngỏ lời với các tham dự viên, Ðức Thánh Cha nhắc rằng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2019 bắt đầu một giai đoạn mới trong hành trình của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh được thành lập 52 năm trước. Ðức Thánh Cha nói: “Một giai đoạn đánh dấu bởi sự hiệp thông giữa tất cả các thành viên của gia đình đặc sủng, trong đó sự hiện diện quyền năng của Chúa Thánh Thần được hiển thị để đem lại điều tốt lành cho toàn Giáo hội. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần giúp mọi người trở nên bình đẳng, bởi vì tất cả và mỗi người được sinh ra bởi cùng Chúa Thánh Thần, người lớn hay trẻ nhỏ, người dấn thân ở cấp độ hoàn vũ hay địa phương, tạo nên một toàn thể vĩ đại hơn từng phần riêng rẽ”.
Nói về hình thức phục vụ mới này, qua việc thành lập Ban điều hợp quốc tế, Ðức Thánh Cha triển khai 4 yếu tố:
Thứ nhất là “mới mẻ”. Ðức Thánh Cha nói rằng sự thay đổi, điều mới mẻ, có thể gây nên cảm giác không chắc chắc. Sự sợ hãi này hoàn toàn theo tính cách con người, nhưng những con người của Thần Khí thì không sợ hãi điều này. Ngài nhắc lại lời Chúa: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) và khẳng định: những điều mới mẻ của Thiên Chúa luôn là phúc lành đến từ trái tim yêu thương của Người. Ðức Thánh Cha nói đến cám dỗ nghĩ rằng “chúng tôi đang ổn trên con đường chúng tôi đi, mọi sự đang diễn tiến tốt, tại sao lại thay đổi?... Cách nghĩ này không đến từ Chúa Thánh Thần.”
Ðiểm thứ hai là “độc nhất”. Hình thức phục vụ mới này trợ giúp tất cả mọi nhóm đặc sủng được Chúa Thánh Thần khơi dậy trên thế giới.
“Phục vụ” là điểm thứ ba được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: Ngài nói: “Như anh em biết, trong Giáo hội, điều hành cũng là phục vụ, nhưng điều hành không phải là công việc của anh em. Anh em được yêu cầu lo lắng cho các nhu cầu khác nhau và trợ giúp hành trình theo các tốt nhất có thể”.
Ðiểm cuối cùng là “hiệp thông”. Ðức Thánh Cha nhắc đến sự đa dạng của các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã gợi lên trong 52 năm, nhưng tất cả một lòng, hướng về Chúa Cha và làm chứng cho sự hiệp nhất trong đa dạng. Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy mở rộng gia đình hiệp nhất này để mọi người có thể cư ngụ dưới mái nhà như các thành viên của một gia đình, không ai quan trọng hơn, vì tất cả là con yêu dấu của cùng một Cha.
Cuối cùng Ðức Thánh Cha yêu cầu các thành viên của Phong trào hãy chia sẻ bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần với mọi người trong Giáo hội; phục vụ cho sự hiệp nhất của thân mình Chúa Kitô, là Giáo hội; và phục vụ những người nghèo và những người khốn khổ nhất về thể lý cũng như tinh thần. Ðức Thánh Cha nói rằng 3 điều này là các hình thức của chứng tá mà chúng ta được mời gọi thực hành khi truyền giảng Tin mừng cho thế giới. Loan báo Tin Mừng chính là làm chứng cho tình yêu. Ngài nhắc rằng những Kitô hữu đầu tiên đã gây ấn tượng bởi tình yêu đối với nhau: “Hãy nhìn xem họ yêu thương nhau biết dường nào”. Ðức Thánh Cha cảnh giác: “Có thể thành lập các văn phòng dành cho việc rao giảng Tin Mừng, có thể lên các chương trình cẩn thận khả thi, nhưng thiếu tình yêu thì những thứ này trở thành vô ích!”
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN