Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23/5/2019: Hồng Y kéo cầu dao bị phạt? Nhà thờ Đức Bà Paris: Hứa nhiều cho chưa bao nhiêu
22/05/2019 12:00:00 SA
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bộ trưởng Nội Vụ Italia là ông Matteo Salvini đã chỉ trích dữ dội Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng vì ngài, với kiến thức của một người thợ điện chuyên nghiệp trước khi đi tu, đã tự mình, không cần nhờ ai, phá niêm phong của một hộp điện, kéo cầu dao lên cho cư dân của một chung cư ở Rôma có điện trở lại.
Chung cư đông đúc này ở Rôma đã không có điện và nước nóng trong nhiều ngày. Những dịch vụ này đã bị đình chỉ bởi công ty cung cấp năng lượng vì những người dân trong chung cư chậm trễ thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Tổng cộng số tiền thiếu lên đến khoảng €300,000, tức là khoảng 337,000 Mỹ Kim.
Người thanh niên này cho biết, Đức Hồng Y đã đến tận nơi, mở nắp hộp điện ngầm chôn dưới lòng đất này và đích thân làm mọi việc cần thiết của một người thợ điện chuyên nghiệp để kích hoạt lại nguồn cung cấp điện cho tòa nhà.
Đức Hồng Y giải thích hành động bất tuân dân sự này là “một cử chỉ tuyệt vọng và nhân đạo” để giúp các gia đình đang phải vất vả với cuộc sống.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Đức Hồng Y có bị phạt hay không? Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi này với các đồng nghiệp người Ý.
Vấn đề này nhìn theo một khía cạnh nào đó là một vấn đề lớn vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia của Ý. Tuy nhiên, ở Ý người ta có câu nói rằng: “Chuyện muốn lớn thì lớn. Muốn nhỏ thì nhỏ.”
Bộ trưởng Matteo Salvini cũng là phó thủ tướng của Ý là một người chủ trương hạn chế di dân và có lập trường chống đối gay gắt với cá nhân Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong vấn đề người nhập cư.
Tuy nhiên, Matteo Salvini là một người theo chủ trương dân tuý, nói cho dễ hiểu là một người mị dân, nên trước sự ủng hộ của đông đảo người dân Ý đối với hành động Đức Hồng Y, ông ta không có ý muốn xé to chuyện này ra. Ông ta chỉ thách thức Đức Hồng Y có gan thì trả số tiền 337,000 Mỹ Kim mà cư dân trong chung cư này thiếu nhà nước.
Chuyện bị phạt có lẽ sẽ không xảy ra.
2. Dư luận tại Ý về việc Đức Hồng Y Konrad Krajewski bất tuân dân sự, kéo cầu dao cho một chung cư có điện
Dư luận tại Ý có nhiều người hoan nghênh Đức Hồng Y Krajewski. Những người trong chung cư hết sức ngưỡng mộ ngài và gọi ngài là anh hùng Robin Hood của họ. Tờ La Repubblica gọi ngài là anh hùng của dân nghèo. Nhóm hoạt động xã hội Spin Time xin được tặng ngài huy chương thành viên danh dự.
Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói chống đối. Người chủ tiệm này nói rằng:
“Đôi khi tôi không hiểu được vị giáo hoàng này.”
Ông nhắc lại rằng hôm 9 tháng Năm Đức Phanxicô đã gặp các thành viên của cộng đồng Gypsy tại Ý. Dịp này, ngài kêu gọi họ đừng mất hy vọng vào một tương lai trong đó họ không bị phân biệt đối xử nữa.
“Hãy xem, nếu ai đó đến đây làm việc, đóng thuế, xây dựng một gia đình lành mạnh, tôi sẵn sàng chào đón họ 100%. Nhưng nếu họ đến đây để ăn cắp, để lừa đảo, để tạo ra vấn đề, thì tại sao tôi phải chào đón họ?”
3. Giáo dân làm giàu bằng cách chửi bới các Giám Mục và linh mục. Hồi kết: ở tù
Cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ một nhà văn Công Giáo nổi tiếng với cáo buộc đã viết những bài phỉ báng và vu cáo một giám mục và các linh mục trong một giáo phận Công Giáo ở miền Nam nước này.
Henry Sawpon Howlader, 54 tuổi, là một nhà thơ, nhà báo nhưng trên hết là một nhà thầu xây dựng gia cư tại quận Barishal, đã bị bắt tại nơi cư trú, bị đưa ra trước một tòa án địa phương và bị tống ngục vào ngày 14 tháng Năm.
“Chúng tôi đã bắt giữ anh ta sau khi tìm thấy những bằng chứng về những bài viết phỉ báng làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo của cộng đồng Kitô giáo,” Mas Masum Billah, sĩ quan cảnh sát ở tỉnh Barishal, nói với thông tấn xã Công Giáo ucanews.com.
Vụ bắt giữ diễn ra vài giờ sau khi một linh mục Công Giáo địa phương, thay mặt cho Giáo phận Barishal, đệ đơn kiện ba người, trong đó có Henry, theo Đạo luật An ninh Kỹ thuật số nghiêm ngặt được ban hành vào năm 2018 tại Bangladesh.
Cha Michael Dewri, tổng đại diện của Giáo phận Barishal, nói với ucanews.com rằng giáo phận phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật vì “đã tuyệt vọng không còn biết làm sao hơn.”
“Henry bắt đầu tấn Công Giáo hội sau khi giáo quyền địa phương từ chối giao cho anh ta một mảnh đất để anh ta có thể xây một con đường dẫn đến nhà mình,” vị linh mục nói.
“Chúng tôi không thể chấp nhận yêu cầu của anh ta vì nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho Giáo hội. Vì thế, anh ấy tức giận,” Cha Dewri giải thích.
Trong một xã hội Hồi Giáo, những bài bôi bác Giáo Hội của Henry được nồng nhiệt ưa chuộng, các bài báo nảy lửa của ông và cả các bài thơ cáo buộc các giáo sĩ Công Giáo trong Giáo phận Barishal tham nhũng và vô đạo đức, đã được xuất bản trên phương tiện truyền thông chính thống. Ông cũng là một người sử dụng rất thành công Facebook.
Trong khi Giáo Hội lãnh đủ trước các tấn kích của Henry, nhờ sự cổ vũ của người Hồi Giáo, uy tín của anh ta, cùng với nghề thầu khoán xây dựng phất lên như diều gặp gió. Henry thực sự làm giàu bằng cách chửi bới Đức Giám Mục và các linh mục, tu sĩ trong giáo phận.
Cha Dewri cho biết chuyện này đã kéo dài trong nhiều năm, và “nhiều lần giáo quyền đã gửi thư cho anh ta và anh ta hứa sẽ dừng lại, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.”
Diễn biến cuối cùng đã khiến giáo phận phải cậy nhờ đến pháp luật có liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại Sri Lanka hôm Chúa Nhật Phục sinh 21 tháng Tư.
Vào đầu năm nay, các học giả Hồi Giáo tại Bangladesh tính nhầm ngày lễ “Shab-e-Barat” (đêm tha thứ) của Hồi Giáo. Họ ấn định lễ này diễn ra vào ngày 21 tháng 4, tức là lễ Phục sinh. Sau khi tính toán lại các dịch chuyển của mặt trăng, các học giả Hồi Giáo tuyên bố đã tính lộn, và tính lại là ngày 22 tháng 4, tức là Thứ Hai sau lễ Phục Sinh. Vào thời điểm đó, ngày 21 tháng 4 đã được tuyên bố là một ngày nghỉ. Cho nên, trong năm nay, Bangladesh có đến hai ngày nghỉ liền nhau.
Nhân được nghỉ nhiều như thế, giáo phận Barishal đã tổ chức một sự kiện văn hóa và mời đại diện các tôn giáo khác đến dự tiệc mừng lễ Phục sinh vào ngày thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh.
Chương trình đã được lên kế hoạch từ lâu. Cho nên, dù xảy ra biến cố đau thương ở quốc gia láng giềng Sri Lanka, Đức Cha Lawrence Subrata Howlader vẫn cho tiến hành sự kiện văn hóa và tiệc mừng này. Ngài cũng nhận định rằng biến cố tại Sri Lanka càng thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm sự cảm thông giữa các tôn giáo.
Henry đã viết một bài báo nảy lửa chửi bới Đức Giám Mục, các linh mục, và nữ tu tham dự tiệc mừng là “ngu ngốc”, vô tình… Hầu như tất cả các nhật báo tại thành phố Barishal đều đăng bài báo này hôm 23 tháng 4.
Trong những ngày gần đây, Henry đã viết thêm các bài báo khác loan tin thất thiệt là Tòa Thánh đang điều tra Đức Cha Subrata về bữa tiệc này, gây xôn xao trong dư luận xã hội.
Vì thế, giáo phận đã phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
4. Mã Lai Á phát hiện và ngăn chặn âm mưu khủng bố các nhà thờ và chùa chiền tại Miến Điện
Chính quyền Mã Lai Á đã đập tan một âm mưu của quân khủng bố Hồi Giáo IS nhằm tấn công các nhà thờ Công Giáo, các chùa chiền Phật giáo và các đền thờ Ấn Độ giáo tại Miến Điện.
Lực lượng an ninh Mã Lai Á đã thực hiện hai cuộc hành quân cảnh sát tại Kuala Lumpur và Terengganu, thu giữ một khẩu súng lục tự động, 15 viên đạn và sáu quả bom tự chế.
“Những kẻ khủng bố bao gồm một người Mã Lai Á, một người Nam Dương và hai người Rohingya.” Abdul Hamid Bador, tân tư lệnh cảnh sát quốc gia Mã Lai Á, nói trong một cuộc họp báo được tổ chức hôm 15 tháng 5.
Abdul Hamid nói với các phóng viên rằng nhóm này đã nhận được lệnh từ một chiến binh IS người Mã Lai Á đang trốn tránh tại Syria, nhưng không cho biết danh tính của người này.
Người đàn ông ở Syria đã chỉ thị cho các thành viên đang nằm vùng ở Mã Lai Á tiến hành các cuộc tấn công, và các nghi phạm đã có kế hoạch thực hiện nó kể từ tháng Giêng.
Quân khủng bố Hồi Giáo IS vốn có lòng căm thù với các tín hữu Kitô. Trong khi đó, người Rohingya giữ trong lòng mối hận sâu xa đối với người Phật Giáo Miến Điện. Còn Ấn Giáo thì sao?
Tướng Abdul Hamid giải thích rằng “Bốn kẻ khủng bố muốn trả thù cho cái chết của một lính cứu hỏa Hồi giáo, là một người gốc Mã Lai Á, đã chết vào tháng 11 năm ngoái trong các cuộc đụng độ giáo phái tại một ngôi đền Hindu ở Subang Jaya, thuộc bang Selangor.”
Theo dự trù, nhóm khủng bố này sẽ ra tay trong các tuần đầu tiên của tháng Ramadan, bắt đầu vào ngày 6 tháng Năm.
Một trong những nghi phạm Rohingya bị giam giữ là một thanh niên 20 tuổi có thẻ tị nạn của Liên Hợp Quốc. Chàng trai 20 tuổi này bị kết tội đã lên kế hoạch tấn công tòa Đại sứ Miến Điện ở Kuala Lumpur.
5. Nhà thờ Đức Bà Paris - hứa cho nhiều nhưng cho chưa có bao nhiêu
Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit vừa ra một thông báo bày tỏ quan ngại rằng hầu hết số tiền cam kết hỗ trợ cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà vẫn chưa nhận được.
Các phương tiện truyền thông loan tin rằng các mạnh thường quân hứa hỗ trợ một ngân khoản lên đến hơn 1 tỷ euro, tức là 1.12 tỷ Mỹ Kim nhưng đến nay Tòa Giám Mục chỉ nhận được 13.5 triệu euro.
Trong số 13.5 triệu euro đã nhận được cho đến nay, 9.5 triệu euro đến từ 43,000 cá nhân tại Pháp và nước ngoài. Bốn triệu còn lại đến từ các nhà tài trợ lớn.
Trong trận hỏa hoạn kinh hoàng ngày 15 tháng Tư, ngọn tháp cao của nhà thờ và hầu hết mái nhà thờ đã bị thiêu hủy. Biến cố này đã gây xúc động sâu xa; và nhiều thương gia giầu có trên thế giới đã đua nhau đưa ra các con số tài trợ rất lớn.
Tờ Charlie Hebdo, vốn có khuynh hướng châm biếm, tweet rằng các thương gia này chỉ bồng bột hứa vậy thôi theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit vẫn bày tỏ hy vọng rất lạc quan của ngài. La Fondation Notre-Dame, tức là quỹ tái thiết nhà thờ Đức Bà, do Tòa Giám Mục điều hành đang đàm phán với hai gia đình Pinault và Arnault, chuyên sản xuất các hàng xa xỉ của Pháp, là những nhà tài trợ lớn đã cam kết 100 triệu và 200 triệu euro. Ông Christophe Rousselot, giám đốc La Fondation Notre-Dame cho biết: “Chúng tôi đang rất cần số tiền này để bắt đầu tiến trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.”
Trong một diễn biến phức tạp những người vô gia cư đã tập trung tại Nhà thờ Đức Bà Paris trong nhiều ngày qua để biểu tình với các biểu ngữ như “Người vô gia cư cũng cần một mái nhà.”
Trước diễn biến này La Fondation du Patrimoine, tức là quỹ tài trợ cho các di sản văn hóa quốc gia, là một trong bốn cơ quan được giao nhiệm vụ quyên góp để tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris đã tuyên bố đã ngừng thu tiền.
Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester nói hôm thứ Hai: “Thật quá sớm để nghĩ rằng chúng ta có quá nhiều tiền thu được cho việc tái thiết này.”
6. Chủ đề Hội nghị Gia đình Thế giới 2021: Tình yêu gia đình: ơn gọi và một con đường dẫn đến sự thánh thiện
Hôm 17 tháng Năm, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chủ đề cho Hội nghị Gia đình Thế giới lần tới diễn ra tại Rôma vào năm 2021.
Toàn văn thông báo viết như sau:
Tình yêu gia đình: ơn gọi và một con đường dẫn đến sự thánh thiện
Đây là chủ đề được Đức Thánh Cha chọn cho Hội nghị Gia đình Thế giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 23 đến 27 tháng 6 năm 2021. Nhân kỷ niệm lần thứ Năm công bố Tông huấn Amoris Laetitia, và ba năm sau khi ban hành Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), chủ đề này được chọn là để nhấn mạnh tình yêu gia đình như một ơn gọi và một cách để nên thánh, và một phương thế để hiểu và chia sẻ ý nghĩa sâu sắc và cứu chuộc của các mối quan hệ gia đình trong cuộc sống hàng ngày. Hướng đến những mục đích này, Hội nghị mời gọi anh chị em tín hữu đọc lại Tông huấn Amoris Laetitia dưới ánh sáng của lời kêu gọi nên thánh được Tông huấn Gaudete et Exsultate đưa ra.
Tình yêu phu phụ và tình yêu gia đình cho chúng ta thấy món quà quý giá của cuộc sống cùng nhau khi sự hiệp thông được nuôi dưỡng và nền văn hóa duy cá nhân, tiêu thụ và hoang phí bị lật ngược. “Trải nghiệm thẩm mỹ của tình yêu được thể hiện trong ‘ánh mắt’ xem tha nhân như những cùng đích trong chính họ” (Tông huấn Amoris Laetitia, 128), đồng thời nhận ra nơi những người khác căn tính gia đình thánh thiêng của họ như là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con, hay những bậc ông bà.
Khi hôn nhân và gia đình định hình một kinh nghiệm cụ thể về tình yêu, chúng thể hiện ý nghĩa cao cả của mối quan hệ nhân bản; và những vất vả của cuộc sống được chia sẻ trước những bất trắc của đường đời; và con người được dẫn dắt hướng tới một cuộc gặp gỡ với Chúa. Hành trình này, khi được sống với lòng chung thủy và sự bền đỗ, sẽ củng cố tình yêu và tạo điều kiện cho ơn gọi nên thánh của mỗi cá nhân được thể hiện trong mối quan hệ vợ chồng và gia đình. Theo nghĩa này, đời sống gia đình Kitô là một ơn gọi và một cách để nên thánh, một biểu hiện của “khuôn mặt hấp dẫn nhất của Giáo hội” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 9)
7. Phụ nữ Đức biểu tình không bước vào nhà thờ để buộc Giáo Hội phải phong chức linh mục cho phụ nữ
Một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Phong trào cực đoan này đang gây xôn xao trong Giáo Hội tại Đức.
Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, và tuyên bố rằng ngoài Đức Mẹ ra, những người nam trong Giáo hội không đánh giá đúng mức bất cứ một người phụ nữ nào khác.
Trong các cuộc biểu tình, họ mang theo một bức ảnh của Đức Mẹ bị bịt miệng.
Những đòi hỏi cực đoan và thái độ thiếu tôn kính với Đức Mẹ đã vấp phải những chỉ trích đáng kể từ người Công Giáo Đức. Một số người Đức đã ra mắt một trang web lấy tên “Maria 1.0”, nói rằng Mẹ của Thiên Chúa không cần bất kỳ cập nhật nào và không nên bị sử dụng như một công cụ đấu tranh cho các yêu sách mang đầy mầu sắc ý thức hệ.
Các cuộc biểu tình của nhóm phụ nữ Công Giáo Đức này đã gây chia rẽ trong Giáo Hội tại Đức. Hầu hết, các giáo dân người Đức chống đối lại các cuộc biểu tình quá khích này. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Giáo hội tại Đức lại công khai ủng hộ nhóm này.
Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück hỗ trợ chiến dịch.
Đức Cha Bode, chủ tịch Ủy ban Phụ nữ của Hội Đồng Giám Mục Đức, nói rằng ngài lấy làm tiếc là các phụ nữ biểu tình sẽ không tham dự Thánh lễ, nhưng ngài tin rằng điều quan trọng là “chúng ta phải thừa nhận sự thiếu kiên nhẫn của nhiều phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, những người bị tổn thương sâu sắc vì sự đóng góp của họ đã không được đánh giá đúng mức.”
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên trang web chính thức của Tổng giáo phận Paderborn, cha Alfons Hardt là Tổng đại diện của tổng giáo phận đã ca ngợi những người tổ chức chiến dịch là “những người phụ nữ biết lo lắng cho tương lai của Giáo Hội”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đều đã dạy rằng bí tích phong chức linh mục chỉ được dành riêng cho nam giới và Giáo Hội không thể thay đổi điều này.
8. Hội Đồng Giám Mục Venezuela thực hiện video cho thấy tình cảnh bi thảm của người dân
“Trong những tình huống khó khăn mà đất nước chúng ta đang gặp phải, với những bấp bênh cao độ mà các công dân đã phải trải qua trong những năm gần đây, Hội Đồng Giám Mục Venezuela vẫn luôn đứng về phía dân nghèo và bảo vệ những người vô phương tự vệ đang phải chịu đựng những đau khổ. Vì lý do này, những tiếng nói cần phải được cất lên để tố cáo những bất công, ngày qua ngày, gây thiệt hại cho cả quốc gia; và cực lưc phản đối làn sóng bạo lực đã được bọn cầm quyền tung ra đối với dân chúng.” Với những lời giới thiệu này, Hội Đồng Giám Mục Venezuela, gọi tắt là CEV đã gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc một video mô tả những gì người dân của đất nước này đang trải qua, cụ thể là sự đàn áp khắc nghiệt đối với tất cả những ai không đồng ý với bọn cầm quyền.
Video của các Giám Mục Venezuela có tựa đề là “Venezuela! Sống và bước đi với Chúa Giêsu Kitô, Chủ tể của lịch sử!”.
Trong video này các Giám mục đã nhắc lại những gì các ngài đã thực hiện qua các hành động, các thông cáo, những hô hào, các thư mục vụ trong đó các ngài đồng hành, khuyến khích và dưỡng nuôi hy vọng cho các công dân, và kêu gọi những người nam nữ thiện chí hiệp nhất với nhau trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột hiện có.
Trong khi đó, hôm 14 tháng Năm, Hội đồng Thường trực của Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu đã phê chuẩn một nghị quyết bác bỏ quyền miễn trừ của các thành viên Quốc hội Venezuela nhằm bắt giam các thành viên Quốc Hội chống đối lại bọn cầm quyền Maduro. Trong tài liệu này, các quốc gia Mỹ Châu đã lên án việc bắt giữ ông Edgar Zambrano, phó chủ tịch Quốc hội, và yêu cầu phải trả tự do cho ông ngay lập tức.
9. Thống đốc Kay Ivey ban hành luật cấm phá thai triệt để tại Alabama
Trong khi tại New York và Virgina, các nhà lập pháp không ngừng cố gắng mở rộng việc cho phép phá thai, thậm chí chính vào lúc sản phụ hạ sinh thai nhi, trong một diễn biến bất ngờ và đáng mừng, Thượng viện Alabama đã phê chuẩn một biện pháp có hiệu lực cấm gần như tất cả các vụ phá thai trong tiểu bang, đặt ra một thách thức trực tiếp với phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào năm 1973 công nhận quyền của một người phụ nữ được chấm dứt thai kỳ.
Đây là một diễn biến mà các nhà hoạt động phò sinh lạc quan nhất nằm mơ cũng không thấy nổi trước các trào lưu tại Hoa Kỳ.
Luật mới cấm phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ và truy tố tất cả các bác sĩ tham gia vào phẫu thuật phá thai. Những bác sĩ này có thể bị buộc tội hình sự và phải đối mặt với 99 năm tù. Ngoại lệ duy nhất là trong trường hợp khi cuộc sống của người mẹ có nguy cơ nghiêm trọng. Các trường hợp phá thai vì bị hãm hiếp hoặc loạn luân đã là một chủ đề gây tranh luận gay gắt giữa các nhà lập pháp tiểu bang Alabama trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, vào giờ chót, ngay cả các trường hợp này cũng không được phép phá thai.
Hạ viện đã phê chuẩn dự luật này. Đó là nỗ lực sâu rộng nhất trong toàn cõi Hoa Kỳ cho đến nay để hạn chế quyền phá thai.
Luật mới sau đó đã được chuyển đến bàn của Thống đốc Kay Ivey, một người Cộng hòa. Trong một email vào tối thứ ba, Lori Davis Jhons, một phát ngôn viên của thống đốc, cho biết nữ thống đốc Ivey sẽ không đưa ra lời bình luận nào cho đến khi bà có cơ hội xem xét kỹ lưỡng phiên bản cuối cùng của dự luật đã được thông qua.
Lori đã ban cho những người phò phá thai vài giờ hy vọng mong manh nữa. Sáng thứ Tư, 15 tháng Năm, 2019, Thống đốc Kay Ivey đã chính thức ký ban hành luật mới.
10. Công bố các Sắc lệnh của Bộ Tuyên Thánh. Giáo Hội sắp có thêm 2 vị thánh mới cùng với 2 Chân Phước và 5 Bậc Đáng Kính
Hôm 13 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn Bộ Tuyên Thánh do Đức Hồng Angelo Becciu, tổng trưởng của Bộ này hướng dẫn. Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã chuẩn y và cho phép Bộ Tuyên Thánh ban hành các Sắc lệnh công nhận:
- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Chân phước Giuseppina Vannini (nhũ danh Giuditta Adelaide Agata), người sáng lập Dòng Nữ Tử San Camillo; sinh tại Rôma, Ý vào ngày 7 tháng 7 năm 1859 và qua đời ở đó vào ngày 23 tháng 2 năm 1911;
- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Chân phước Dulce Lopes Pontes (nhũ danh Maria Rita), thuộc Tu Hội Các Nữ Tu Truyền Giáo Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội; sinh tại São Salvador da Bahia, Brazil, vào ngày 26 tháng 5 năm 1914 và qua đời ở đó vào ngày 22 tháng 5 năm 1992;
- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Bậc Đáng Kính Lucia của Đức Mẹ Vô nhiễm (nhũ danh Maria Ripamonti), nữ tu khấn trọn Dòng Nữ Tì Bác Ái; sinh tại Acquate, Ý vào ngày 26 tháng 5 năm 1909 và mất tại Brescia, Ý vào ngày 4 tháng 7 năm 1954;
- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giovanni Battista Pinardi, giám mục hiệu tòa Eudossiade và là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Turin; sinh tại Castagnole Piemonte, Ý vào ngày 15 tháng 8 năm 1880 và qua đời tại Turin, Ý vào ngày 2 tháng 8 năm 1962;
- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Carlo Salerio, linh mục của Hội Thừa Sai Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, vị sáng lập Hội Nữ tu Phạt tạ; sinh tại Milan, Ý vào ngày 22 tháng 3 năm 1827 và qua đời ở đó vào ngày 29 tháng 9 năm 1870;
- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Domenico Lázaro Castro, linh mục Dòng Đức Bà Truyền Giáo; sinh tại San Adrian de Juarros, Tây Ban Nha, vào ngày 10 tháng 5 năm 1877 và qua đời tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 22 tháng 2 năm 1935;
- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Salvador thành Casca (nhũ danh Hermínio Pinzetta), nữ tu Dòng Capuchin; sinh tại Casca, Brazil vào ngày 27 tháng 7 năm 1911 và mất tại Flores da Cunha, Brazil, vào ngày 31 tháng 5 năm 1972;
- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa María Eufrasia Iaconis (nhũ danh Maria Giuseppina Amalia Sofia), vị sáng lập Tu hội Con gái Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội; sinh tại Casino di Calabria, nay là Castelsilano, Ý, vào ngày 18 tháng 11 năm 1867 và qua đời tại Buenos Aires, Argentina vào ngày 2 tháng 8 năm 1916.
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN