Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 20/05/2019: Tông du thứ 30: Rumani – Nước cộng sản duy nhất có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa
19/05/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6. Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Rumani viết theo tiếng địa phương là România, tiếng Anh là Romania. Người Việt thường gọi là Rumani có lẽ gọi theo tiếng Pháp: Roumanie.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, Rumani là một quốc gia khá độc đáo đối với chúng ta. Tuy nằm trong khối cộng sản Đông Âu, Rumani có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam Cộng Hòa. Thật vậy, ngày 26 tháng Sáu năm 1969, Chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Rumani Nicolae Ceaușescu đã ký hiệp định thư thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước với tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu bất chấp những phản đối của Liên Sô và khối cộng sản. Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa chỉ chính thức đóng cửa vào ngày 2 tháng Bẩy 1976[1], hơn một năm sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, Rumani cũng đóng một vai trò quan trọng trong những sáng kiến nhằm vãn hồi hòa bình.

Địa dư và dân số

Rumani là một quốc gia tại đông nam Âu châu, với diện tích 238,391 km². Phần lớn diện tích của quốc gia này nằm trên vùng đồng bằng sông Danube. Rumani giáp với Ukraine và Moldova về phía bắc và đông bắc; giáp với Hung Gia Lợi về phía tây bắc; giáp với Serbia về phía tây nam; giáp với Bảo Gia Lợi về phía nam và giáp với Biển Đen về phía đông.

Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, dân số nước này là 21,457,000 người. Như thế, Rumani là quốc gia thành viên đông dân thứ bảy của Liên minh Âu châu và thứ mười một của Âu châu. 83.4% dân là người chính gốc Rumani. Kế đến là người gốc Hung Gia Lợi với 6.1% trong đó đa số là người Công Giáo.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh vào năm 2017, 85.4% dân số Rumani theo Chính Thống Giáo, 7.35% theo Công Giáo và 4.4% theo Tin Lành. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, người Hồi Giáo gần như không có bao nhiêu tại quốc gia này. Dân tộc Rumani được kể là một trong các dân tộc sùng đạo tại Âu Châu. Bất kể gần nửa thế kỷ sống dưới ách cộng sản vô thần, chỉ có 0.2% người Rumani tự nhận mình là người vô thần.

Thủ đô và thành phố lớn nhất của Rumani là Bucharest. Đó cũng là thành phố lớn thứ sáu trong Liên Hiệp Âu Châu và lớn thứ 10 nếu tính trên toàn lục địa Âu châu. Các khu đô thị lớn khác bao gồm Iași, Timișoara, Cluj-Napoca, Constanța, Craiova và Galați. [2]

Lịch sử cận đại

Lịch sử Rumani chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử, văn hóa La Mã cổ đại. Lãnh thổ Rumani ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều tiểu quốc thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania.

Vương quốc Rumani được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Sô chiếm đóng Rumani. Gheorghe Gheorghiu-Dej, một lãnh đạo đảng Cộng sản bị cầm tù năm 1933, được giải thoát vào năm 1944 đã trở thành nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Rumani. Sau chiến thắng nhờ gian lận vào năm 1946, Gheorghiu-Dej buộc vua Mihai I phải thoái vị và rời khỏi đất nước, và tuyên bố Rumani là một nước cộng hòa nhân dân.

Rumani vẫn chịu sự chiếm đóng trực tiếp về quân sự và sự kiểm soát kinh tế ngặt nghèo của Liên Sô cho đến cuối thập niên 1950. Trong thời gian 14 năm chiếm đóng này, tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Rumani đã bị đưa về Nga khiến quốc gia này rơi vào tình trạng nghèo đói và cạn kiệt tài nguyên.

Ba ngày sau cái chết của Gheorghiu-Dej vào tháng 3 năm 1965, Nicolae Ceaușescu lên nắm quyền và trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Rumani và cả ở thế giới phương Tây, vì chính sách đối ngoại độc lập, thách thức quyền lực của Liên Sô. Chính trong bối cảnh đó, ông đã thiết lập ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Liên Bang Đức, và tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Israel sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, cũng như thẳng thắn lên án Liên Sô và Khối Warsaw trong việc can thiệp quân sự vào Ba Lan, Tiệp Khắc, và Hung Gia Lợi.

Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Rumani và nước này quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, 1989, hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu bị một toà án quân sự xử tử hình và lệnh hành quyết diễn ra ngay sau đó.

Rumani chính thức trở thành một thành viên của NATO vào năm 2004 và thành viên Liên minh Âu châu vào năm 2007.[2]

Kinh tế

Sau thời kỳ cộng sản, Rumani trở thành quốc gia gần như nghèo nhất Âu Châu và phải mượn nợ quốc tế để phục hồi đất nước.

Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trong giai đoạn 2013-17, do xuất khẩu công nghiệp mạnh, thu hoạch nông nghiệp xuất sắc và gần đây hơn là các chính sách tài chính mở rộng trong năm 2016-2017. Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế, dẫn đầu là thương mại với Liên Hiệp Âu Châu, chiếm khoảng 70% thương mại của Rumani.

Chính sách cắt giảm thuế và tăng lương bắt đầu vào năm 2017 đang mang lại những thành quả kinh tế phấn khởi tại Rumani. [3]

Chính trị

Rumani ngày nay là một nước cộng hòa đại nghị. Hiến pháp quy định quốc gia này được điều hành bởi một Tổng thống, một Quốc hội, một Toà án Hiến pháp và một hệ thống các tòa án bên dưới bao gồm Tòa án Tối cao.

Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm, và không được giữ 2 nhiệm kỳ. Khác với nước láng giềng Bảo Gia Lợi mà Đức Thánh Cha vừa viếng thăm, thủ tướng, là người đứng đầu chính phủ, được chỉ định bởi tổng thống chứ không phải là bởi Quốc Hội.

Tổng thống Rumani, người sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha, là ông Klaus Iohannis, đã giữ chức vụ này từ ngày 21 tháng 12 năm 2014. Thủ tướng hiện nay là bà Viorica Dăncilă, được tổng thống chỉ định vào ngày 29 tháng Giêng năm 2018.

Rumani có hai viện Quốc hội: Hạ viện và Thượng viện. [2]

Giáo Hội Công Giáo tại Rumani

Người Công Giáo theo nghi thức Latinh ở Rumani là thành viên của một sắc dân thiểu số Hung Gia Lợi. Họ không phải là những di dân. Tổ tiên họ vẫn ở đó từ trước nhưng các cuộc chiến tranh, bản đồ được vẽ lại, nên giờ đây họ thấy mình là người Rumani. Đó là một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi các Kitô hữu Chính thống ở một trong những xã hội sùng đạo tôn giáo nhất Châu Âu. Người Công Giáo sống chủ yếu trong các khu vực đồng bằng ở phía đông của khu vực Transylvania. Người ta có cảm giác rằng những khu vực này là những cái nôi hay một thành trì của Công Giáo. Có một truyền thuyết được phổ biến rộng rãi là Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trước một nhóm người Công Giáo đang bảo vệ khu vực này chống lại một đội quân Tin lành xâm lược. Một cuộc hành hương hàng năm đến địa điểm Đức Mẹ hiện ra này giúp củng cố ý thức rằng đây là một thành trì của Công Giáo ở Đông Nam Âu Châu.[4]

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, Rumani có 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương, và một giáo hạt tòng nhân cho người Armenia.

Tổng số người Công Giáo là 1,453,000, được chăm sóc mục vụ bởi 2006 linh mục trong 1,892 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 1,141 nữ tu. Giáo Hội sở hữu 15 bệnh viện, 34 viện dưỡng lão và các nhà chăm sóc cho người khuyết tật và một số lớn trường trung học và tiểu học. Giáo Hội cũng có cả một trường Đại Học. [4]

Rumani có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Miguel Maury Buendía, 63 tuổi, người Ý.

7 vị Giám Mục người Rumani sẽ được tuyên phong Chân Phước tử đạo

Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, vào sáng thứ Ba 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y và truyền công bố các sắc lệnh công nhận 7 Giám Mục Rumani bị cộng sản giết hại là các vị tử đạo.

Các Đức Giám Mục Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tito Livio Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu đã được nhìn nhận là bị giết vì lòng thù hận đức tin trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1970 dưới sự cai trị của Nicolae Ceaușescu.

Tất cả các ngài đã bị bắt và bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tập trung lao động cho đến chết, thường là do bị cô lập, cảm lạnh, đói khát, bệnh tật hoặc lao động chân tay nặng nhọc. Hầu hết các vị khi còn sống không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án; và khi chết bị vùi chôn trong các ngôi mộ không để lại dấu vết, không được an táng theo nghi lễ tôn giáo.

Một năm trước khi qua đời, Đức Cha Iuliu Hossu được nâng lên hàng là Hồng Y “in pectore” – không công khai danh tính. Sau khi trải qua nhiều năm bị cô lập, ngài qua đời trong một bệnh viện ở Bucharest năm 1970. Lời cuối cùng của ngài là: “Cuộc đấu tranh của tôi đã kết thúc, cuộc đấu tranh của bạn xin vẫn tiếp tục”.

Ngoài việc bị giam cầm và cô lập, Đức Cha Vasile Aftenie còn bị tra tấn tại Bộ Nội vụ cộng sản Rumani đến mức chết vì vết thương vào ngày 10 tháng 5 năm 1950.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong thông báo đưa ra hôm 24 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết được cập nhật về chuyến viếng thăm 3 ngày của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Rumani, từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2019.

Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Thứ Sáu 31 tháng Năm.

Lúc 8:10, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang phi trường quốc tế Henri Coandă-Otopeni của Bucarest.

Lúc 11:30, giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni. Tưởng cũng nên biết thêm là Bucarest đi trước Rôma một giờ.

Tại đây sẽ có nghi thức chào đón Đức Thánh Cha.

Sau các nghi thức chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ dùng xe hơi di chuyển đến dinh Cotroceni, là Phủ Tổng Thống Rumani nơi sẽ diễn ra các nghi thức đón tiếp chính thức tại tiền đình của dinh này vào lúc 12g05.

Tiếp theo đó là các cuộc hội kiến của ngài với Tổng thống Klaus Iohannis và sau đó với nữ thủ tướng Viorica Dăncilă.

Lúc 13 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại Phủ Tổng Thống Cotroceni.

Lúc 15:45, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha là Kinh Lạy Cha vào lúc 17g tại nhà thờ chính tòa mới của Giáo Hội Chính Thống Rumani nằm kế bên Tòa Thượng Phụ.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Nhà thờ Chính Tòa Thánh Giuse của thủ đô Bucarest vào lúc 18g10.

Thứ Bẩy 1 tháng Sáu 6

Lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương vào lúc 17g25.

Lúc 17:25, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa tại Iasi.

Lúc 19g, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về thủ đô Bucarest.

Lúc 20g, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni.

Chúa Nhật 2 tháng Sáu

Lúc 9h sáng Chúa Nhật 2 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Sibiu. Sau 40 phút bay, ngài đến nơi. Từ đây, Đức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Blaj để chủ sự thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho 7 Giám Mục Công Giáo Rumani tử đạo dưới thời cộng sản.

Lúc 13:25, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người du mục Rom tại vận động trường thành phố Blaj vào lúc 15g45.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 16g35, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới phi trường Sibiu. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức từ biệt, trước khi Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Rôma vào lúc 17:20. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến Rôma vào lúc 18g45 tối Chúa Nhật 2 tháng Sáu.

[1] Foreign relations of Romania

[2] Romania - Wiki

[3] CIA FactBook

[4] Romania


Source:Holy See Press Office

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/250523.htm

CÁC TIN KHÁC: