Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 10/05/2019: Tượng Đức Mẹ bị chặt đầu ở Hà Nam, Trung Quốc
10/05/2019 12:00:00 SA

1. Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp khốc liệt anh chị em giáo dân Công Giáo ở Hà Nam

Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ các chính sách đàn áp và Trung Hoa hóa Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, đặc biệt là ở tỉnh Hà Nam (河南, Henan – trước gọi là Hồ Nam). Thông tấn xã AsiaNews báo động rằng bọn cầm quyền đang tiếp tục thi hành một chiến dịch triệt hạ các thánh giá kéo dài trong 4 năm qua ở tỉnh Hà Nam. Hôm thứ Hai 29 tháng Tư, nhà cầm quyền địa phương thành phố Vệ Huy (卫辉, Weihui), trong giáo phận An Dương (安阳, Anyang), đã phá hủy những cây thánh giá bằng sắt khổng lồ nổi bật trên hai tháp chuông.

Hai videos về chiến dịch này, đã được gửi tới AsiaNews, cho thấy các công nhân trên những cần cẩu cao đang gỡ bỏ các cây thánh giá. Hàng chục cảnh sát đang ở trong sân để ngăn chặn những lời chỉ trích và các kháng cự của anh chị em giáo dân. Nhiều tín hữu, bất lực trước sự lạm dụng quyền lực của bọn cầm quyền, quỳ gối trên các bậc thang của nhà thờ trong lời cầu nguyện và ca hát. Các tín hữu vẫn cầu nguyện suốt cả ngày.

Thoạt đầu, bọn cầm quyền tỉnh Hà Nam cho rằng phải cần phá hủy các thánh giá vì có quá nhiều thánh giá nổi bật trên nền trời. Nhưng sau đó, chúng tiến thêm một bước nữa là xông vào bên trong các nhà thờ loại bỏ các đồ trang trí, tranh vẽ và ảnh tượng được đánh giá là “quá Tây” nhằm mục đích “Trung Hoa hóa”, nghĩa là nhằm đưa ra một Kitô giáo “theo đặc điểm của Trung Quốc”, và trên hết phải bị đặt dưới quyền lực của Đảng Cộng sản. Ở Hà Nam, chiến dịch này đã kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, các thánh giá được thay thế bằng cờ Trung Quốc, khiến các nhà thờ trông giống một “văn phòng chính phủ” hơn là một nơi thờ phượng.

Kể từ khi cho ra mắt pháp lệnh mới về các hoạt động tôn giáo, Hà Nam đã trở thành một nơi thí nghiệm các hình thức đàn áp: một số nhà thờ đã bị đóng cửa, cấm dạy giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, các ngôi mộ của các tín hữu Kitô bị phá hủy.

Theo một số linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng, lý do rất đơn giản: ở Hà Nam các Kitô hữu chiếm khoảng 4% dân số, khiến địa phương này trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ Kitô hữu cao nhất. Một linh mục cho biết “Bằng cách tung ra các hình thức bạo lực như vậy, bọn cầm quyền chủ yếu muốn làm lung lạc những người đang có ý định trở thành người Công Giáo hơn là nhắm vào những người đã là người Công Giáo.” Chúng biết rõ là chúng khó lòng lung lạc những người đã có một đức tin sâu sắc.

2. Phúc trình tự do tôn giáo vẫn liệt kê Việt Nam là nước đáng quan ngại

Hãng tin CNA, ngày 29 tháng Tư, cho hay, theo một báo cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, đa số các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới là ở Trung Đông, Á Châu và Phi Châu.

Báo cáo trên, được công bố ngày 29 tháng Tư, cho hay ngoại trừ Cuba, tất cả các quốc gia vi phạm đều ở đông bán cầu.

Chủ tịch Ủy Ban trên, Tenzin Dorjee, viết trong một phụ bản đính kèm báo cáo: “Mục đích của chúng tôi không phải chỉ để nêu tên những nước vi phạm, nhưng cung cấp các hành động cụ thể để Chính Phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra trong lúc làm việc với các quốc gia này nếu muốn lấy tên ra khỏi danh sách của chúng tôi”.

Mỗi năm, Ủy Ban trên đều nhận diện “các quốc gia gây lo ngại đặc biệt” bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn xác định “các vi phạm có hệ thống, liên tiếp và quá đáng” về tự do tôn giáo.

Các tác nhân không phải là quốc gia được dành cho danh hiệu “các thực thể gây lo ngại đặc biệt” nhưng cũng sử dụng cùng các tiêu chuẩn như trên.

Một số các vi phạm trên bao gồm: tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ giá; giam giữ lâu mà không xét xử; bắt cóc hay giam giữ bí mật; và các bác bỏ trắng trợn quyền sống, quyền tự do, và an toàn bản thân.

Trong số 16 quốc gia được nhận diện là “các quốc giai gây lo ngại đặc biệt” trong năm 2019 có 10 quốc gia được bộ ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận hồi tháng 11 năm 2018. Đó là Miến Điện, Trung Hoa, Eritrea, Iran, Bắc Hàn, Pakistan, Saudi Arabia, Sudan, Tajikistan và Turmenistan. Bảng liệt kê cũng kể thêm 6 nước khác là Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria, Nga, Syria, Uzbekistan và Việt Nam.

Thêm vào đó, Ủy Ban còn nhận diện 12 nước khác phạm 1, 2 hoặc 3 tiêu chuẩn để bị coi là “các quốc gia gây lo ngại đặc biệt” bằng cách xếp họ vào danh sách “loại hai”. Đó là các nước: Afghanistan, Azerbaijan, Bahrain, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Nam Dương, Iraq, Kazakhstan, Lào, Mãlai, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số các tác nhân không phải quốc gia, Ủy Ban nhận diện Nhà Nước Duy Hồi Giáo, Taliban ở Afghanistan, al-Shabaab ở Somalia, và lần đầu tiên xuất hiện trên danh sách năm nay là Houthis ở Yemen và Hayat Tahrir al-Sham ở Syria.

Houthis là bộ lạc theo phái Shiite Hồi Giáo, từng kiểm soát phần lãnh thổ chủ yếu và đã đuổi tổng thống khỏi thủ đô năm 2015. Saudi Arabia và một số đồng minh Ả Rập giúp phản công bọn này. Iran thì tiếp tục ủng hộ chúng. Chúng đang đánh lại liên minh do Saudi Arabia lãnh đạo nhằm kiểm soát cả nước, nhất là thành phố cảng quan trọng Hodeidah.

Kết quả 3 năm cuộc nội chiến Yemen là khoảng từ 13,500 tới 80,000 người chết và hàng triệu người tản cư, và khoảng 14 triệu người hay gần như thế có nguy cơ chết vì đói.

Báo cáo khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ đề cử một cố vấn đặc biệt bên cạnh tổng thống thống để lo về tự do tôn giáo quốc tế.

Ủy ban ghi nhận rằng tuy Toà Thánh Vatican đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Trung Hoa về việc bổ nhiệm các giám mục hồi tháng Chín, “tuy nhiên, việc đàn áp Giáo Hội Công Giáo hầm trú đã gia tăng cuối năm vừa qua”.

Trong số các nhận định được lồng vào báo cáo có các nhận định của Johnnie Moore; người này gọi thoả thuận Vatican-Trung Quốc là “thỏa thuận gây ra các biến cố đáng báo đông nhất”.

Ông viết: “Ngay trong những ngày Vatican còn đang thương thảo, Trung Quốc đã sử dụng thoả thuận đang được bàn cãi để thực hiện việc đóng cửa một số cộng đồng lớn nhất và nổi tiếng nhất quốc gia nhưng không đăng ký”.

Ông tin rằng Vatican “nay mang một trách nhiệm tinh thần và luật pháp nặng nề phải giúp giải quyết vấn đề do chính mình giúp tạo ra, dù là bất đắc dĩ, bằng cách cung cấp giấy phép cho Trung quốc tấn công đầy tội ác các cộng đồng Kitô giáo (như được trưng dẫn trong báo cáo này) và bằng cách cung cấp cho chính phủ Trung Quốc lá chắn thêm nữa để họ tiếp tục các lạm dụng không thể hiểu được, không thể bào chữa được và vô nhân đạo chống các người Hồi Giáo ở phía tây đất nước”.

Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế là một định chế lưỡng đảng nhằm cố vấn cho Tổng thống, Quốc hội, và Bộ Ngoại giao về các vấn đề tự do tôn giaó trên thế giới.

3. Đức Hồng Y DiNardo: Quốc gia chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn như thế này

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên án vụ nổ súng tại một hội đường Do Thái gần San Diego vào ngày thứ Bẩy 27 tháng 4, là ngày kết thúc lễ Vượt Qua của người Do Thái, và cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng.

“Cùng với các anh em giám mục, tôi vô cùng đau buồn và lo lắng sâu sắc trước tin tức một nơi thờ phượng khác đã phải gánh chịu bạo lực.

Đất nước chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn như thế này,” Đức Hồng Y DiNardo cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật 28 tháng Tư.

“Thế giới của chúng ta nên thoát ra được những hành động thù hận như thế này và chủ nghĩa bài Do Thái. Cuộc tấn công này tham gia vào một danh sách quá dài các cuộc tấn công chống lại những người vô tội, những người thuộc mọi tín ngưỡng, những người chỉ muốn tụ tập và cầu nguyện,” ông nói.

Vụ thảm sát hôm Thứ Bảy tại hội đường Chabad ở Poway, California, đã giết chết một người và làm ba người khác bị thương. Kẻ nổ súng đã bị bắt và bị buộc tội giết người. Đây là vụ xả súng bắn chết người thứ hai tại một hội đường Do Thái trong sáu tháng qua. Hung thủ, John Earnest, đã viết và xuất bản một bản tuyên ngôn chống Do Thái trước cuộc tấn công.

Earnest cũng đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công đốt phá một đền thờ Hồi giáo ở Escondido, California, hồi tháng Ba vừa qua.

4. Phụ bản tờ “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” của tờ Quan Sát Viên Rôma sẽ được tái bản trong vài ngày tới

Tạp chí “Donne Chiesa Mondo” - “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới”, một nguyệt san được công bố như một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh, đã bị gián đoạn trong tháng Tư vừa qua sau khi toàn ban biên tập đã đồng loạt từ chức.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 30 tháng Tư, 2019 cho biết:

Tờ Quan Sát Viên Rôma vui mừng thông báo rằng tạp chí hàng tháng, Donne Chiesa Mondo (Phụ nữ Giáo Hội Thế giới) sẽ được xuất bản thường xuyên từ tháng 5. Ban biên tập gồm có: Francesca Bugliani Knox, Elena Buia Rutt, Yvonne Dohna Schlobitten, Chiara Giaccardi, Sharhzad Housmand Zadeh, Amy-Jill Levine, Marta Rodríguez Díaz, Giorgia Salatiello, Carola Susani và Rita Pinci (Điều hợp viên)

Ban chủ nhiệm gồm: Giulia Galeotti, Silvia Guidi, Valeria Pendenza, và Silvina Pérez.

Rita Pinci đã làm việc hơn hai mươi năm với tư cách là phóng viên cho nhật báo Il Messaggero hàng ngày. Bà là tổng biên tập trung ương và do đó là phó giám đốc của tờ báo. Rita là người phụ nữ Ý đầu tiên nắm giữ những vai trò này trên một tờ báo lớn hàng ngày tại Italia. Silvina Pérez là phó giám đốc của cổng thông tin Tcs-Hdp, biên tập tạp chí Specchio của tờ La Stampa, và là phó giám đốc của tuần báo Panorama và Chi. Ông đã làm việc cho Huffington Post Italia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng lập viên Lucetta Scaraffia và toàn ban biên tập, gồm toàn phụ nữ, của tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới”, đã đồng loạt từ chức vào cuối tháng Ba vừa quaa.

Scaraffia cáo buộc ông Andrea Monda, tân chủ nhiệm tờ Quan Sát Viên Rôma vào đầu năm nay dự định sẽ nắm giữ vị trí chủ biên của tờ tạp chí phụ nữ do bà lãnh đạo. Theo bà, ông Monda đã lùi bước sau khi ban biên tập đe dọa sẽ từ chức và các tờ báo Công Giáo phân phối các bản dịch của tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” tại Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ Latin, nói với bà rằng họ sẽ ngừng phân phối nếu bà không còn giữ trách nhiệm chủ biên.

“Sau những nỗ lực bất thành nhằm đưa chúng tôi vào vòng kiểm soát, là những nỗ lực gián tiếp nhằm loại bỏ tính hợp pháp của chúng tôi”. Để dẫn chứng, bà Scaraffia nói với thông tấn xã AP rằng nhiều phụ nữ khác được đưa vào để viết cho tờ Quan Sát Viên Rôma “với một quan điểm đối kháng với chúng tôi”.

Trong một tuyên bố, ông Monda phủ nhận việc cố gắng làm suy yếu tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” và nói rằng ông chỉ cố gắng củng cố những tiếng nói và quan điểm của phụ nữ khác trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Ông khẳng định luôn bảo đảm quyền tự chủ của tạp chí, và tự giới hạn bản thân trong việc đề xuất các ý tưởng và giới thiệu những người có thể đóng góp cho tờ tạp chí phụ nữ.

“Tránh sự can thiệp vào phụ bản hàng tháng này, tôi đã yêu cầu đừng có một cuộc đối đầu thực sự trên tờ Quan Sát Viên Rôma, dựa trên cơ chế nhóm này đối kháng với nhóm kia hoặc việv hình thành các nhóm kín. Tôi đã làm như vậy như là một dấu hiệu của sự cởi mở và của ‘paressia’, (quyền tự do nói lên sự thật) mà Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu.”

Ông Monda cho biết thêm ông ghi nhận quyết định rút lui một cách tự nguyện của Scaraffia, cám ơn bà vì các đóng góp của bà, và cam kết rằng tạp chí sẽ được tiếp tục theo ý hướng hiện nay là “không có chủ nghĩa giáo sĩ trị hay tương tự.”

5. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ: “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khủng hoảng và đầy khó khăn”

Các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã nhóm phiên khoáng đại từ hôm thứ Hai 29 tháng Tư và sẽ kết thúc hôm thứ Sáu 3 tháng Năm. Trong diễn từ khai mạc, Đức Tổng Giám Mục Rogelio Cabrera López của tổng giáo phận Monterrey, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ nhận định như sau:

“Là các Giám mục Mễ Tây Cơ, chúng ta phải nhận ra rằng, trong tư cách là một Giáo hội, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng và khó khăn lớn. Không chỉ vì những vụ tai tiếng đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín và thẩm quyền đạo đức của chúng ta, mà còn vì sự thay đổi của thời đại mà chúng ta đang sống và chúng ta đang phản ứng không thỏa đáng. Có một số điều nào đó không thay đổi, nhưng lại có những con người thay đổi; những người sống trong một cuộc khủng hoảng văn hóa - nhân học sâu sắc đang thay đổi. Như chúng ta đã nói trong Dự án Mục vụ Toàn cầu của chúng ta:

“Quá trình biến đổi mà chúng ta đang sống, mang đến những đổi thay mà ngay cả chúng ta, trong tư cách là Giám mục và nhiều linh mục, vẫn chưa hiểu, vì vậy chúng ta khó có thể có một phản ứng đầy đủ và kịp thời trước chiều sâu và tốc độ của sự thay đổi đang diễn ra và đó là lý do tại sao chúng ta bối rối.”

Người di cư, thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số và thậm chí cả các linh mục không phải lúc nào cũng cảm thấy gần gũi và nhạy cảm với các vấn đề của họ. Trong bối cảnh thay đổi này, chúng ta lại bị đặt trước tai ương ấu dâm khủng khiếp mà chúng ta chưa biết phải đối mặt ra sao trong quá khứ, nhưng hiện tại chúng ta đang giải quyết nhanh chóng, bằng cách ưu tiên hỗ trợ các nạn nhân và thiết lập các cam kết và các giao thức thích hợp.

Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị hiện tại mà đất nước chúng ta đang sống, một nơi rất phân cực, không thiếu những tiếng nói yêu cầu và thậm chí đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ chống đối hơn, không chỉ là một sự phản kháng, mà còn là một thái độ đối lập hoàn toàn. Tôi tin rằng quan điểm của các giám mục chúng ta phải là một trong những quan điểm tôn trọng đối với chính quyền dân sự, nhưng không từ bỏ quyền phơi bày sự thật mà chúng ta tin tưởng; hợp tác trong các vấn đề phổ biến đối với chúng tôi, nhưng từ bỏ bất kỳ mong muốn hợp tác nào là đồng lõa và nhằm thủ lợi.

Thời điểm đổi thay này đặt chúng ta vào trạng thái phải cảnh giác để khám phá con đường của Chúa, phải biết phân định để thực hiện những gì Ngài yêu cầu Giáo hội của Ngài thực thi trong thời điểm lịch sử này.”

6. Phong chân phước cho bốn vị tử đạo thời đại hy sinh vì đức tin ở Argentina

Đức Hồng Y Angelo Becciu, Chủ tịch Thánh bộ Phong thánh đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước tại Argentina cho Đức cha Enrique Angelelli, Cha Carlos Murias, Cha Gabriel Longueville, và một giáo dân, giảng viên giáo lý tên là Wenceslao Pedernera. Tất cả đã bị sát hại vào năm 1976 trong cuộc chiến vô nghĩa tại Argentina.

Người đầu tiên gọi bốn vị này là tử đạo, chính là Đức Tổng Giám Mục Jorge Bergoglio của Buenos Aires, khi ngài dâng thánh lễ tưởng niệm cầu nguyện cho các ngài tại Nhà thờ La Rioja. Đức cha Angelelli, đã đổ máu mình để rao giảng Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô tương lai đã giảng rằng đây là dòng máu của các vị tử đạo, là hạt giống cho Giáo hội.

Ý nghĩa của việc tử đạo

Trong lễ phong Á thánh cho bốn vị tân chân phước tại Công viên thành phố La Rioja, Đức Hồng Y Angelo Becciu, đã nói nhiều về ý nghĩa của việc tử đạo thời nay. Nhân chứng của các ngài đã biến đổi thất vọng của cuộc sống ích kỷ, trong một xã hội khép kín, chối từ các giá trị đạo đức thiêng liêng thành niềm hy vọng... Các vị tân chân phước tử đạo khích lệ chúng ta hãy trở thành những người quảng bá cho hòa bình, hãy là những tác nhân cho công lý và là chứng tá cho sự đoàn kết.

Những vị tử đạo hiện đại này là ai?

Giám mục Enrique Angelelli là con của một gia đình người Ý di cư. Công việc mục vụ của ngài khởi đầu ở Córdoba và sau đó ở La Rioja, Ngài luôn nỗ lực tập trung vào việc giúp đỡ người nghèo và bị áp bức.

Tại Argentina vào giữa năm 1970, bắt đầu cuộc chiến bẩn thỉu, khi quân đội sát máu cánh hữu bắt cóc, tra tấn và ám sát bất cứ ai mà chúng nghi ngờ có thể trở thành một mối đe dọa chính trị hoặc chống lại ý thức hệ của họ. Có hơn 30.000 người mất tích, phần đa là sinh viên, đoàn viên của công đoàn, các ký giả báo chí, nghệ sĩ và cả linh mục tu sĩ nữa.

Cha Carlos de Dios Murias, một linh mục dòng Phanxicô và nhà truyền giáo người Pháp, và Cha Gabriel Longueville, đã cùng nhau hoạt động trong cùng một giáo xứ ở vùng nông thôn, các ngài tranh đấu cho công bằng xã hội. Vào tháng 7/1976, các ngài bị bắt và tra tấn cho đến chết và thi thể của ngài bị chặt ra từng mảnh… Một tuần sau, Wenceslao Pedernera, một giáo dân và là một giáo lý viên, cũng bị bắn chết trước mặt vợ và ba cô con gái của ông.

Lần lượt sẽ đến tôi

Giám mục Angelelli biết rằng ngài cũng nằm trong danh sách những người sẽ bị xử tử nên ngài luôn cẩn phòng; ấy vậy mà vào ngày 4/8/1976, khi ngài đang lái về lại Tòa giám mục sau khi cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho hai linh mục của giáo phận bị sát hại, thì xe của ngài bị lật và ngài bị giết ngay ở lề đường. Năm 2014, một Tòa án ở Argentina đã xác nhận rằng vụ sát hại ngài là một hành động bỉ ổi do Nhà nước chủ xướng.

Trong bài giảng tại lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Becciu nói cả bốn người đều bị giết, vì những nỗ lực tích cực mà các ngài thể hiện để bảo vệ cho công bằng chân lý Kitô giáo. Vào thời điểm các ngài bị sát hại, chính quyền lúc đó đã làm tất cả những gì có thể để phá hủy những nỗ lực đem lại công bằng cho xã và nâng cao phẩm giá của con người.

Mô hình đời sống Kitô hữu

Đức Hồng Y gọi bốn vị Chân phước này là mẫu mực của đời sống Kitô hữu. Điển hình như Đức cha Angelelli đã luôn khích lệ các linh mục của mình ngày ngày hãy thực thi chức vụ linh mục của mình với lòng bác ái nhiệt thành và vững mạnh trong đức tin. Còn về hai linh mục, Đức Hồng Y nói: các ngài khuyến khích các linh mục hôm nay đừng thỏa hiệp, hãy giữ lòng trung thành bằng mọi giá. Và Đức Hồng Y kết luận: còn vị chân phước giáo dân và gảng viên giáo lý kia là một người cha của gia đình, đã nêu gương và chỉ dạy cho các tín hữu ngày nay biết sống với niềm tin tinh khiết và luôn để cho đức tin hướng dẫn cuộc đời của mình…

7. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Quà tặng của Chúa Giêsu ban cho chúng ta là hòa bình, niềm vui và sứ mệnh.

Trong giờ Kinh Lạy Nữ Vương trưa Chúa Nhật 28/4/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Quà tặng của Chúa Giêsu ban cho chúng ta là hòa bình, niềm vui và sứ mệnh”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ bài Phúc âm của Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Phục sinh cho thấy các Tông đồ đã hoang mang và sợ hãi khi Thầy của mình bị kết án tử! Tuy nhiên cái chết của Chúa đã mang lại hòa bình như là một chiến thắng trước sự ác!

Hòa bình ở bên bạn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói Phục sinh của Chúa Giêsu mang lại hòa bình đích thực, bởi vì qua cái chết hy sinh trên thập giá, Chúa đã hòa giải Thiên Chúa với nhân loại và đã chiếng thắng tội lỗi và thần chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của lũ lụt tại Nam Phi

Đức Thánh Cha nhắc nhớ lại tình trạng Thánh tông đồ Toma, người đã không tận mắt chứng kiến sự kiện phi thường khi Chúa hiện ra trong Phòng tiệc ly, Thánh nhân đòi được đụng chạm vào Đấng phục sinh thì mới tin; nên Chúa Giêsu đã hiện ra để xua tan sự hoài nghi của Toma và mời ngài hãy đụng chạm vào vết thương của Chúa.

Những vết thương đó đã mang lại hòa bình, bởi vì chúng là dấu hiệu của tình yêu vô bờ bến mà Chúa Giêsu đã đánh bại các thế lực thù địch của loài người là tội lỗi, xấu xa và sự chết.

Món quà của niềm vui

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay món quà thứ hai mà Chúa Giêsu phục sinh mang đến cho các môn đệ của mình là niềm vui, “các môn đệ vui mừng khi nhìn thấy Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở cho mọi người hay mùa Phục sinh là thời gian của niềm vui, sự phục sinh của Giêsu là lý do lớn nhất cho niềm vui của chúng ta khi Chúa phá hủy những rào cản và các thế lực tội ác của thế gian khiến chúng ta vui sướng khôn nguôi!

Nhiệm vụ của các tông đồ

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục quảng diễn: Ngoài hòa bình và niềm vui, Chúa Giêsu còn mang đến cho các môn đệ của mình một sứ mệnh.

Ngài nói với họ, như Cha đã sai Thầy, Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, các con sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng con sức mạnh để làm chứng tá cho Thầy…

Theo Đức Thánh Cha thì tình yêu và sức mạnh này, được các tông đồ truyền lại cho các đấng kế vị các ngài và cho mọi tín hữu của Chúa.

Đức Phanxicô giải thích: Chúa Giêsu Phục sing giao phó cho tất cả mọi Kitô hữu trách nhiệm loan báo sự Phục sinh của Người.

Những ai đã lãnh nhận bí tích Thanh tảy đều được kêu gọi loan truyền những món quà thiêng liêng là hòa bình và niềm vui của Chúa phục sinh cho toàn thế giới, mỗi người tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục sinh, chúng ta được mời gọi đến với Chúa Kitô bằng đức tin, hãy mở rộng tâm hồn cho hòa bình, niềm vui và sứ mệnh; đó chính là lời tuyên xưng lòng thương xót của Chúa, làm chứng nhân cho niềm vui về một tình yêu biến đổi và cứu chuộc của Chúa.

8. Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon cho hay: Tài liệu làm việc (instrumentum Labouris) sẽ được xuất bản vào tháng 6

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, xác nhận rằng Văn kiện về “Công cụ Lao động” của Thượng hội đồng vùng Amazon, sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày 6-27/10 năm nay, sẽ được ấn hành vào tháng 6 tới.

Amazon: Những phương cách hiện diện mới cho Giáo hội và cho một hệ sinh thái thích hợp, đó là chủ đề của Hội đồng Giám mục đặc biệt, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố vào ngày 15/10/2017, hầu tìm ra những đường hướng mới cho việc truyền giáo cho dân chúng vùng đó, đặc biệt cho những người Thổ dân da đỏ, đã bị lãng quên và không có một viễn ảnh tương lai nào, và cũng để giải quyết những khủng hoảng của việc hủy hoại rừng Amazon, cái lá phổi quan trọng của hành tinh chúng ta đang sinh sống.

Các thành viên của Thượng hội đồng này sẽ nhận được tập tài liệu làm việc cho các cuộc hội thảo, trả lời và suy tư trước những câu hỏi và vấn đề liên quan đến vùng Amazonia trong suốt ba tuần của Thượng Hội Đồng. Đó là một sưu tập thu tóm tắt tất cả các tài liệu nhận được từ các cuộc tham vấn thăm dò được thực hiện bởi Tổng thư ký của Thượng Hội đồng dựa trên các Tài liệu đã được chuẩn bị và trình bày vào ngày 8 tháng 6 năm 2018, bao gồm cả một bảng câu hỏi.

Gặp gỡ Đức Thánh Cha vào tháng Năm tới

Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha do Thông tấn xã Vatican thực hiện, Đức Hồng Y Baldisseri cho biết Đức Thánh Cha sẽ chủ sự một cuộc họp vào tháng 5 tới để duyệt qua các tài liệu làm việc sẽ được dùng trong Thượng Hội Đồng, sau đó các tài liệu ấy sẽ được xuất bản vào tháng Sáu năm nay.

Đức Hồng Y chủ tịch của Thượng hội đồng cũng cho hay các nghị phụ của Thượng hội đồng vùng Amazonia, bao gồm các quốc gia Bolivia, Ecuador, Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Surinam, Guyana và Guyana của Pháp sẽ được qui tụ về Rome.

Người Thổ dân Da đỏ sẽ được mời tham dự

Hiện tại, ngoài các thành viên như là Chủ tịch của bảy Hội đồng các Giám mục trong khu vực và một số đại diện của năm châu lục... Đức Thánh Cha còn mời những chuyên viên khác nữa.

Đức Hồng Y Baldisseri cho hay: Người Thổ dân da đỏ sẽ được mời tham dự cách đặc biệt, vì đây chính là một Thượng Hội Đồng nói lên sự quan tâm đặc biệt dành cho họ.

Trong khi chuẩn bị cho Thượng hội đồng vùng Amazon, Ban thư ký của Thượng hội đồng đã phối hợp với các Mạng lưới của Giáo hội Vùng Amazon gọi là Pan-Amazonia (REPAM), bao gồm các đại diện của các giáo phận trong khu vực, cùng với các chuyên gia khác đang phục vụ trong công tác mục vụ và quảng bá về các sắc dân trong vùng Amazon.

Đức Hồng Y Baldisseri đã tổ chức cuộc họp giữa REPAM và các thành viên của tiền Thượng hội đồng vào tháng 11 năm 2018 tại Manaus, Brazil, qua 45 cuộc họp với nhiều vị trưởng tộc và các vị đứng đầu của các lãnh thổ và qua 15 cuộc hội thảo với những diễn đàn mở rộng...

9. Đức Phanxicô nói với hội nghị quốc tế về Thánh Kinh: Lời Chúa luôn sống động

Theo tin Zenit, ngày 26 tháng Tư, tại Đại Sảnh Clementine của Tông Điện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên một Hội Nghị Quốc Tế do Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo bảo trợ nhân dịp tổ chức này kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Chủ đề Hội Nghị là “Thánh Kinh và Đời Sống: Linh Hứng Thánh Kinh Cho Toàn Bộ Đời Sống Và Sứ Mệnh Mục Vụ Của Giáo Hội – Các Kinh Nghiệm Và Thách Đố”. Hội nghị diễn ra tại Hotel Ergife, Rôma, trong các ngày 24-26 tháng Tư, 2019.

Nhân buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các tham dự viên. Sau đây là nguyên văn lời ngài:

Thưa qúy Hồng Y, qúy hiền huynh trong hàng giám mục, thưa anh chị em

Mượn lời Thánh Tông Đồ Phaolô, tôi xin chào mừng anh chị em , những “người qúy yêu của Thiên Chúa tại Rôma”, chúc anh chị em “ơn sủng và bình an” (Rm 1:7). Tôi cám ơn Đức Hồng Y Tagle về lời chào kính ngỏ cùng tôi nhân danh anh chị em. Anh chị em tụ họp nhân dịp kỷ niệm năm thứ 50 ngày thành lập Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo. Dịp kỷ niệm 50 năm này giúp anh chị em cơ hội duyệt lại việc anh chị em phục vụ Giáo Hội và củng cố nhau trong cam kết truyền bá Lời Chúa.

Các suy tư của anh chị em được khai triển xung quanh hai chữ: Kinh thánh và đời sống. Tôi cũng muốn nói vài điều với anh chị em về nhị thức không thể tách rời này. “Lời Chúa luôn sống động” (Dt 4:12): nó không chết hay già cỗi; nó vẫn còn mãi mãi (xem 1 Pr 1:25). Nó vẫn còn trẻ mãi trong viễn tượng của tất cả những gì đang xảy ra (xem Mt 24:35) và duy trì những ai đem nó ra thực hành khỏi sự già cỗi nội tâm. Nó đang sống và trao ban sự sống. Điều quan trọng cần nhớ là Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống, thích làm việc qua Kinh thánh. Thật ra, Lời mang hơi thở của Thiên Chúa đến với thế giới; nó truyền hơi ấm của Chúa vào trái tim. Tất cả các đóng góp học thuật, các tác phẩm đã được xuất bản đều và không thể không phục vụ cho việc này. Chúng giống như củi đốt, khi được cố gắng thu lượm và gom góp, sẽ cho ta hơi ấm. Tuy nhiên, như củi không tự sản xuất nhiệt năng thế nào, các nghiên cứu tốt nhất cũng thế; Lửa cần, Chúa Thánh Thần cần để Kinh Thánh có thể bùng cháy trong trái tim và trở thành sự sống. Lúc đó, củi tốt có thể hữu ích để nhóm lên ngọn lửa này. Nhưng Kinh Thánh không phải là một bộ sách tốt để nghiên cứu. Đó là Lời ban sự sống cần được gieo vãi, hồng phúc mà Đấng Phục sinh yêu cầu phải thu thập và phân phát để có sự sống nhân danh Người (Xem Ga 20:31).

Trong Giáo hội, Lời ban sự sống không thể nào thay thế được. Do đó, các bài giảng là điều rất cần thiết. Giảng giải không phải là một thao tác hùng biện cũng không phải là một tập hợp các ý niệm khôn ngoan của con người: nó sẽ chỉ là củi đốt. Thay vào đó, nó là việc chia sẻ Chúa Thánh Thần (Xem 1 Cr 2: 4), chia sẻ Lời Thiên Chúa từng đánh động trái tim người giảng giải, người truyền đạt hơi ấm đó, việc được xức dầu đó. Có biết bao lời lẽ hàng ngày lọt vào tai chúng ta, truyền tải thông tin và cung cấp nhiều nhập lượng (input); có biết bao, có lẽ quá nhiều điều, đôi khi đạt tới mức vượt quá khả năng thu nhận chúng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể từ bỏ Lời của Chúa Giêsu, Lời duy nhất ban sự sống đời đời (Xem Ga 6:68), Lời mà chúng ta cần tới mỗi ngày. Thật đáng yêu khi nhìn thấy “một mùa” hoa “tình yêu mới lớn hơn dành cho Thánh Kinh về phần mọi thành viên của dân Chúa, để. . . mối liên hệ với chính con người của Chúa Giêsu được làm cho sâu sắc hơn (Tông huấn Verbum Domini, 72). Sẽ là điều tốt hơn nếu Lời Chúa “ngày càng trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt của giáo hội (Tông huấn Evangelii Gaudium, 174)”; một trái tim đang đập nhịp, lên sinh lực cho các chi thể của Nhiệm thể. Chính ước muốn của Chúa Thánh Thần trong việc nhào nắn chúng ta thành Giáo hội theo khuôn khổ Lời Chúa, một Giáo hội không tự nói và nói về mình, nhưng có Chúa trong lòng và trên môi miệng mình, đã hàng ngày rút tỉa từ Lời của Người. Thay vào đó, luôn có cơn cám dỗ muốn công bố chính chúng ta và nói về năng động tính của chúng ta, nhưng lúc ấy, sự sống không được truyền tải tới thế giới.

Lời ban sự sống cho mỗi tín hữu, dạy họ phải từ bỏ chính mình để công bố Người. Theo nghĩa này, nó hành động như một thanh kiếm sắc, đâm sâu, biện phân suy nghĩ và tình cảm, đem sự thật ra ánh sáng, đem vết thương đến chữa lành (Xem Dt 4:12; Gióp 5:18). Lời Chúa dẫn đến việc sống theo cách vượt qua: như hạt giống, chết đi, mang lại sự sống, như trái nho qua máy ép sản xuất ra rượu nho, như trái ô-liu cho dầu sau khi qua máy ép ô liu. Do đó, khi thúc đẩy các hồng phúc sự sống từ căn để, Lời ban sự sống. Nó không để ta yên tĩnh, nó thách thức. Một Giáo hội sống bằng cách lắng nghe Lời Chúa, không bao giờ bám lấy các an toàn của chính mình. Giáo hội ấy ngoan ngoãn đối với những điều mới lạ không lường trước được của Chúa Thánh Thần. Giáo hội ấy không mệt mỏi công bố, không nhường bước cho thất vọng, không từ bỏ việc cổ vũ hiệp thông ở mọi bình diện, vì Lời Chúa kêu gọi hợp nhất và mời gọi mỗi người lắng nghe người khác, thắng vượt chủ nghĩa duy đặc thù (particularisms) của chính mình.

Do đó, Giáo hội, khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, sẽ sống để công bố Lời ấy, không loay hoay với chính mình mà rảo khắp các phố phường thế giới: không phải vì Giáo hội thích chúng hay vì chúng dễ đi, nhưng vì chúng là những nơi để công bố. Một Giáo hội trung thành với Lời Chúa không hà tiện hơi thở của mình để công bố sứ điệp sơ truyền (kerygma) và không mong đợi được đánh giá cao. Lời Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và được tràn đổ xuống thế giới, thúc đẩy Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Kinh thánh là thuốc chích tốt nhất giúp Giáo Hội khỏi bị khép kín và tự bảo toàn. Nó là Lời của Thiên Chúa, chứ không phải lời của chúng ta và nó khiến chúng ta không nằm ở trung tâm, bảo vệ chúng ta khỏi sự tự mãn và thái độ háo thắng (triumphalism), kêu gọi chúng ta liên tục ra khỏi chính mình. Lời Chúa có một lực ly tâm, không hướng tâm, nó không rút vào bên trong mà đẩy ra bên ngoài - hướng tới điều nó chưa đạt tới. Nó không bảo đảm những niềm an ủi hâm hấp, vì nó là lửa và gió: Nó là Thần Khí làm cho trái tim bốc cháy và di chuyển tới chân trời, mở rộng chân trời bằng óc sáng tạo của nó.

Kinh thánh và đời sống: chúng ta hãy cam kết làm cho hai từ ngữ này liên kết chặt chẽ với nhau để từ ngữ này không bao giờ lại không có từ ngữ kia. Tôi muốn kết thúc như lúc bắt đầu, với một lời phát biểu của Thánh Tông đồ Phaolô, người vào cuối bức thư, đã viết: “Thưa anh em, còn về những điều khác, anh em hãy cầu nguyện”. Giống như ngài, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện. Tuy nhiên, Thánh Phaolô nêu rõ lý do cầu nguyện: “để lời Chúa được phổ biến mau chóng” (2 Tx 3: 1). Chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc để Kinh Thánh không ở trong thư viện giữa nhiều cuốn sách nói về nó, nhưng nó có thể rảo khắp các phố phường thế giới, chờ đợi nơi mọi người đang sinh sống. Tôi hy vọng anh chị em sẽ là những người tốt lành mang Lời Chúa, với cùng sự nhiệt tình mà chúng ta đọc được trong các trình thuật Phục Sinh những ngày này, trong đó, mọi người cùng chạy: các phụ nữ, Thánh Phêrô, Thánh Gioan, hai môn đệ Emmau. . . Họ chạy đến gặp gỡ và công bố Lời hằng sống. Đó là lời chúc chân thành của tôi dành cho anh chị em, cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm.

10. Tài liệu mới của Tòa Thánh lên án “nền toàn trị mềm” của các xã hội dân chủ

Theo tin AsiaNews, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh vừa công bố một tài liệu làm nổi bật việc vi phạm tự do tôn giáo ngay tại các quốc gia tự cho mình là tự do dân chủ vì việc họ chủ trương một điều gọi là “trung lập ý thức hệ” hướng đến “một nền toàn trị mềm” (a soft totalitarianism).

Thường thường, vi phạm tự do tôn giáo chỉ bạo lực nhằm diệt trừ đức tin của người khác, nhất là bạo lực giết người từng gây ra cho các Kitô hữu, người Do Thái Giáo và Hồi Giáo gần đây.

Thế nhưng ngày nay còn có 1 hình thức tử đạo mới dành cho các Kitô hữu từng được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, nhấn mạnh. Đó là hình thức vi phạm tự do tôn giáo tại các quốc gia vẫn tự hào coi mình là tự do dân chủ.

Đó là kết luận của một tài liệu mới được Ủy Ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận, và được công bố ngày 26 tháng Tư vừa qua, tựa là “Tự Do Tôn Giáo Vì Thiện Ích Mọi Người” (mới có ấn bản tiếng Ý).

Thực thế, Ủy ban tuyên bố rằng trong bối cảnh văn hóa xã hội của nhiều thập niên gần đây, nhà nước dân chủ đang tiến tới một “nền toàn trị mềm”, một nền toàn trị - nhân danh điều gọi là “tính trung lập ý thức hệ” – có khuynh hướng nhằm loại bỏ “mọi biện minh đạo đức và mọi cảm hứng tôn giáo”, do đó, ủng hộ “một ý thức hệ trung lập mà trong thực tế, nhằm áp đặt việc loại bỏ các phát biểu tôn giáo khỏi lãnh vực công cộng”. Và điều này “làm chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự truyền bá chủ nghĩa hư vô đạo đức trong lãnh vực công cộng”.

Chúng ta đang phải đối diện với “việc thế tục mô phỏng quan niệm thần quyền của tôn giáo, một thứ quyền quyết định tính chính thống và tính lạc giáo về tự do nhân danh một tầm nhìn cứu chuộc-chính trị của xã hội lý tưởng: tiên thiên (a priori) quyết định căn tính hoàn toàn duy lý, hoàn toàn dân sự, hoàn toàn nhân bản của nó. Ở đây, tính tuyệt đối và tính tương đối của nền luân lý tự do này mâu thuẫn với những hiệu quả của việc loại trừ không tự do trong phạm vi công cộng, bên trong điều gọi là tính trung lập tự do của nhà nước “.

Nhưng “một nền văn hóa dân sự, tức nền văn hóa tự xác định lấy chủ nghĩa nhân bản của riêng mình qua việc loại bỏ thành tố tôn giáo khỏi con người, sẽ buộc phải loại bỏ những phần quyết định trong lịch sử của chính nó: kiến thức của nó, truyền thống của nó, sự gắn bó xã hội của nó. Hậu quả sẽ là việc loại bỏ những phần chủ yếu hơn của nhân tính và quyền công dân mà nhờ đó, xã hội đã được hình thành”.

“Phản ứng đối với sự yếu kém về mặt duy nhân bản sẽ dọn đường cho một chủ nghĩa cuồng tín vô thần hoặc thậm chí thần quyền tuyệt vọng mà nhiều người vẫn coi là chính đáng (đặc biệt là những người trẻ tuổi). Sự lôi cuốn không thể nào hiểu được do các hình thức bạo lực và toàn trị của ý thức hệ chính trị hay đấu tranh tôn giáo, tạo ra, mà người ta vốn gán cho sự phán xét của lý trí và lịch sử, phải khiến chúng ta đặt câu hỏi một cách mới và phân tích sâu xa hơn”.

Tài liệu nhắc lại rằng ngay tuyên bố Dignitatis humanae (Nhân phẩm) của Công Đồng cũng đã nói rằng theo Kitô giáo “chúng ta không được ép buộc mình vào tôn giáo, bởi vì sự ép buộc này không xứng đáng với bản chất con người do Thiên Chúa tạo dựng”. “Thiên Chúa kêu gọi mọi người đến với Người, nhưng không ép buộc bất cứ ai. Do đó, quyền tự do này trở thành một quyền căn bản mà con người có thể đòi hỏi một cách ý thức và có trách nhiệm đối với Nhà nước”. Do đó, lời quả quyết của Đức Gioan Phaolô II rằng tự do tôn giáo là nền tảng của mọi quyền tự do khác, là một đòi hỏi bất khả nhượng của phẩm giá mọi người và tạo thành “sự bảo đảm mọi quyền tự do vốn bảo đảm lợi ích chung của mọi người và mọi dân tộc”.

Tuy nhiên, ngày nay, trong sự phổ biến các quyền chủ quan của nhà nước dân chủ hiện thời, tự do tôn giáo mất đi vị trí quyền căn bản của mình và bị giảm xuống thành một quyền chủ quan như những quyền khác. Hơn nữa, “điều tự cho là tính trung lập ý thức hệ của nhà nước tự do, một ý thức hệ loại trừ có chọn lọc quyền tự do được làm chứng một cách minh bạch của cộng đồng tôn giáo nơi công cộng, đã mở ra một khoảng cách cho tính siêu việt giả tạo của một ý thức hệ quyền lực đen tối. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh cáo chúng ta chống lại việc đánh giá thấp sự thờ ơ tôn giáo này: “Khi, nhân danh một ý thức hệ, chúng ta muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, kết cục chúng ta sẽ tôn thờ các ngẫu thần, và chẳng bao lâu con người sẽ đánh mất chính mình, phẩm giá của họ sẽ bị chà đạp, các quyền của họ sẽ bị vi phạm”.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/250372.htm

CÁC TIN KHÁC: