Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Chứng từ của 1 linh mục có vợ và 4 con – Lời khuyên của Đức Giáo Hoàng
10/05/2019 12:00:00 SA
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đó lúc 16g, Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ
Các linh mục và nam nữ tu sĩ tham dự cuộc gặp gỡ này đến từ hai cộng đoàn nghi lễ Latinh và nghi lễ Đông phương. Đối với linh mục trong nghi lễ Đông phương, luật độc thân linh mục không phải là bắt buộc. Cho nên, cuộc gặp gỡ này không chỉ bao gồm các linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng còn bao gồm cả gia đình của họ.
Trong cuộc gặp gỡ này, bên cạnh các chứng từ của các linh mục và nam nữ tu sĩ nghi lễ Latinh, đặc biệt có chứng từ của một linh mục thuộc nghi lễ Đông phương là Cha Goce và bà vợ ngài là Gabriella cùng với các con là Filip, Blagoj, Luca và Ivan.
Sau các chứng từ này là diễn từ của Đức Thánh Cha. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Cảm ơn anh chị em đã cung cấp cho tôi cơ hội này để gặp anh chị em. Tôi đặc biệt biết ơn về khoảnh khắc này, trong đó tôi có thể thấy Giáo Hội thở hoàn toàn bằng cả hai lá phổi của mình, là nghi thức Latinh và nghi thức Đông phương, để tiếp nhận không khí luôn mới mẻ và được canh tân của Chúa Thánh Thần. Hai lá phổi là cần thiết và bổ sung, giúp chúng ta cảm nhận tốt hơn vẻ đẹp của Chúa (x. Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, 116). Chúng ta hãy cảm tạ trước cơ hội để có thể thở sâu, như một thể duy nhất, và cảm nhận Chúa tốt lành với chúng ta dường bao.
Tôi cảm ơn anh chị em vì những chứng từ, mà bây giờ tôi muốn đề cập đến. Anh chị em đã nhắc đến một thực tế là anh chị em rất ít về số lượng và có nguy cơ chiều theo một não trạng phức hợp nhất định của tâm lý tự ti. Trong khi tôi đang lắng nghe anh chị em, tôi nghĩ về Maria, người đã lấy một cân dầu nguyên chất, xức lên bàn chân của Chúa Giêsu và sau đó lau khô bằng tóc mình. Vị Thánh Sử kết luận mô tả của ngài về cảnh này bằng cách nói: “Ngôi nhà tràn ngập mùi thơm của nước hoa” (Ga 12: 3). Mùi cam tùng đó đã có thể thấm vào mọi thứ, để lại ấn tượng không nhầm vào đâu được.
Không ít trường hợp, chúng ta cảm thấy cần phải “tính toán” và xem xét tình trạng mọi thứ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào nhân số của chúng ta, chúng ta rất ít; các phương tiện có trong tay cũng không nhiều. Kế đó, chúng ta xem xét số lượng đông đảo các nhà dòng và những hoạt động tông đồ mà chúng ta phải hỗ trợ. Chúng ta có thể tiếp tục liệt kê tất cả những tình huống mà chúng ta trải nghiệm về sự bấp bênh của những tài nguyên mà chúng ta có nhằm thực hiện nhiệm vụ truyền giáo mà chúng ta đã được ủy thác. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều này, dường như kết toán của chúng ta đều là “thâm thủng”.
Đúng thế, Chúa nói với chúng ta: ai trong anh em muốn xây một ngọn tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong (x Lc 14:28-29)
Nhưng “tính toán” mọi thứ có thể dẫn chúng ta vào sự cám dỗ đặt quá nhiều sự cậy trông vào chính mình, rơi trở lại vào khả năng riêng của chúng ta và những thiếu sót của chúng ta. Như thế, chúng ta cuối cùng cũng gần như các môn đệ trên đường Emmau, công bố lời rao giảng bằng đôi môi mình, trong khi trái tim của chúng ta bị chìm trong một sự im lặng được đánh dấu bởi một nỗi thất vọng tinh tế ngăn cản nó lắng nghe Đấng đang đi bên cạnh chúng ta và là nguồn mạch của vui mừng và hân hoan.
Anh chị em thân mến, “tính toán” mọi thứ luôn luôn là cần thiết, khi nó có thể giúp chúng ta hiểu và đến gần tất cả những người phải vật lộn hàng ngày để kiếm sống. Đó là những gia đình không phát triển, người già và những người bị bỏ rơi, người bệnh và những người phải nằm liệt giường, những người trẻ thất vọng và không có tương lai, và những người nghèo nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta thực sự là một Giáo Hội của những người ăn xin cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. “Tính toán” mọi thứ là chính đáng, chỉ khi nó cho phép chúng ta một lần nữa trở thành huynh đệ với nhau và chú ý tới những người khác, thể hiện sự hiểu biết và quan tâm khi chúng ta đến gần với những nỗi thất vọng và những bất định cảm nhận bởi rất nhiều người trong anh chị em của chúng ta, là những người khao khát được xức dầu để có thể nâng họ lên và chữa lành hy vọng của họ.
“Tính toán” mọi thứ là chính đáng, nhưng chỉ để nói lên một cách mạnh mẽ hơn hết và cầu nguyện cùng người dân chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” Tôi muốn lặp lại điều này cùng với anh chị em: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” [cộng đoàn cùng lặp lại lời cầu nguyện này với Đức Thánh Cha].
Tôi chỉ cần nói rằng vùng đất này đã có thể ban cho thế giới và cho Giáo Hội nơi Mẹ Teresa một dấu chỉ cụ thể như thế về cách thức một người nhỏ bé, được Chúa xức dầu, có thể thấm nhuần vào mọi thứ, một khi hương thơm của Tám Mối Phúc Thật được lan tỏa trên đôi chân nhân loại mệt mỏi của chúng ta. Có bao nhiêu người cảm thấy thoải mái bởi sự dịu dàng trong ánh mắt của mẹ, được an ủi bởi sự âu yếm của mẹ, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng của mẹ và được nuôi dưỡng bởi sự can đảm trong đức tin của mẹ, là điều có thể khiến ngay cả những người bị lãng quên nhất ở giữa chúng ta nhận ra rằng họ không bị Chúa quên lãng! Lịch sử được viết bởi những người như thế, là những người không ngại hiến dâng cuộc sống của họ cho tình yêu: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25:40). Chúng ta tìm thấy biết bao những khôn ngoan trong những lời sau của Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá: “Chắc chắn rằng những bước ngoặt quyết định nhất trong lịch sử thế giới được đồng xác định đáng kể bởi các linh hồn mà chưa có cuốn sách lịch sử nào đã từng đề cập đến. Và chúng ta chỉ tìm thấy những linh hồn mà chúng ta mắc nợ họ vì những bước ngoặt quyết định trong cuộc sống cá nhân của chúng ta vào ngày khi tất cả những gì ẩn khuất được tiết lộ”(Vorgebenes Leben und Epiphanie: GW XI, 145).
Quá thường là chúng ta để bản thân mình nghĩ rằng mọi thứ có thể khác đi nếu chúng ta mạnh mẽ, đầy quyền thế và có ảnh hưởng. Bí quyết của sức mạnh, quyền thế, và ảnh hưởng của chúng ta, và thậm chí sự trẻ trung của chúng ta, xuất phát từ một nơi khác, chứ không phải từ thực tế là “các trương mục của chúng ta đều ổn thỏa”, chẳng lẽ đó không phải là sự thật sao? Tôi hỏi anh chị em điều này, bởi vì tôi có một ấn tượng sâu sắc trước chứng tá của Davor, khi anh ấy chia sẻ với chúng ta điều gì thực sự chạm đến trái tim mình. Anh chị em biết rõ điều này: điều đã cứu anh chị em khỏi não trạng chạy theo sự nghiệp cũng đang trở lại trong ơn gọi đầu tiên, tiếng gọi đầu tiên của anh chị em và quyết tâm lên đường tìm kiếm Chúa phục sinh nơi Ngài sẽ được tìm thấy. Anh chị em lên đường, bỏ lại phía sau các hình thức an ninh của mình, để bước đi trên các đường phố và quảng trường của phố phường. Ở đó, anh chị em cảm thấy rằng ơn gọi và cuộc sống của anh chị em đã được đổi mới. Khi cong lưng xuống trên cuộc sống hàng ngày của anh chị em mình để chia sẻ với họ và xức dầu cho họ bằng hương thơm của tinh thần, trái tim mục tử của anh chị em bắt đầu đập một lần nữa và với cường độ lớn hơn.
Anh chị em đã đến gần để xức dầu cho đôi chân mệt mỏi của Thầy, đôi chân mệt mỏi của những cá nhân cụ thể, nơi họ được tìm thấy, và Chúa đang đợi anh chị em, để xức dầu cho anh chị em một lần nữa trong ơn gọi của anh chị em. Điều này rất quan trọng. Để làm mới chính mình, chúng ta phải thường xuyên quay lại và gặp gỡ Chúa, hồi tưởng lại những ký ức về lời mời gọi đầu tiên của chúng ta. Tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái nói với các Kitô hữu rằng: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Hãy nhớ lại vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi chúng ta, và từ cuộc gặp gỡ đó, với con mắt của Chúa Giêsu, nhận được sức mạnh để tiến về phía trước. Đừng bao giờ mất ký ức của anh chị em về lời mời gọi đầu tiên! Hãy nhớ lại lời mời gọi đầu tiên như một “bí tích”. Những khó khăn của người hoạt động tông đồ thực sự có thể làm chúng ta kiệt sức, và chúng ta có thể mất nhiệt tình. Chúng ta cũng có thể mất khao khát cầu nguyện, được gặp gỡ Chúa. Nếu anh chị em thấy mình ở vị trí này, hãy dừng lại! Quay lại và gặp Chúa trong lời mời gọi đầu tiên của anh chị em. Ký ức này sẽ cứu anh chị em.
Quá thường biết chừng nào là chúng ta bỏ ra năng lượng và tài nguyên của mình trong các cuộc họp, những cuộc thảo luận và chương trình, nhằm bảo tồn các đường hướng, phương pháp và mục tiêu chẳng khiến cho một ai được phấn khởi và cũng chẳng thể mang đến một chút hương thơm Tin Mừng nào khả dĩ mang lại sự thoải mái và mở ra những con đường hy vọng, không những thế còn tước mất của chúng ta những cuộc gặp gỡ cá vị với tha nhân? Mẹ Têrêsa thật là chí lý khi nói rằng: “Mọi thứ vô dụng đều đè nặng lên tôi!” (A. Comastri, Mẹ Teresa, Una goccia di Acqua pulita, 39). Chúng ta hãy để lại đằng sau tất cả những gánh nặng ngăn cản chúng ta khỏi nhiệm vụ và ngăn anh chị em của chúng ta hít thở mùi thơm của lòng thương xót. Một cân cam tùng đã có thể thấm vào mọi thứ, để lại ấn tượng không nhầm vào đâu được.
Chúng ta đừng tước mất những gì là tốt nhất trong sứ vụ của chúng ta; cũng đừng bóp nghẹt nhịp đập của thần khí.
Cảm ơn, Cha Goce và Gabriella: anh chị em đã can đảm trong cuộc sống. Và cảm ơn các con của anh chị em là Filip, Blagoj, Luca và Ivan, vì đã chia sẻ với chúng ta niềm vui và mối quan tâm của anh chị em, cả trong sứ vụ và trong cuộc sống gia đình, cũng như là bí quyết về cách tiếp tục vượt qua những lúc khó khăn mà anh chị em phải chịu đựng. Sự kết hợp của hôn nhân, ân sủng của hôn nhân trong đời sống mục vụ đã giúp anh chị em bước đi cùng nhau trên con đường này, như một gia đình.
Chứng tá của anh chị em có “hương thơm Tin Mừng” của những cộng đoàn đầu tiên. Chúng ta hãy nhớ rằng “Tân Ước nói về ‘những giáo hội nhóm họp tại gia’ (x 1 Cor 16:19; Rom 16: 5; Col 4:15; Philem 2). Không gian sống của một mái gia đình có thể biến thành một giáo hội tại gia, một khung cảnh cho Bí tích Thánh Thể - anh chị em đã cử hành Bí tích Thánh Thể trong nhà của mình biết bao lần – trước sự hiện diện của Chúa Kitô ngự trên bàn ăn trong ngôi nhà. Chúng ta không bao giờ có thể quên hình ảnh được tìm thấy trong Sách Khải Huyền, nơi Chúa nói: ‘Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’ (Kh 3:20). Đây là hình ảnh của một ngôi nhà đầy sự hiện diện của Thiên Chúa, cầu nguyện chung và muôn vàn ơn phúc”(Amoris Laetitia, 15). Bằng cách này, anh chị em đưa ra một chứng tá sống động về cách thế mà “đức tin không loại bỏ chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng lôi kéo chúng ta sâu hơn vào trong thế giới” (thượng dẫn, 181). Thế giới có thể không như chúng ta muốn, cũng không phải là chính chúng ta “hoàn hảo” hay không tì vết. Nhưng chúng ta, được xức dầu mỗi ngày với niềm tin vào tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho chúng ta, bị cuốn hút vào sự bấp bênh của cuộc sống và của các gia đình. Một niềm tin dẫn dắt chúng ta, như Cha Goce đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng, là phải phát triển những khía cạnh nhất định và quan trọng của cuộc sống thường bị bỏ qua trong một xã hội bị xáo trộn bởi các mối quan hệ quay cuồng và hời hợt: đó là các khía cạnh của tình yêu dịu dàng, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Và tôi muốn nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng của sự dịu dàng trong sứ vụ linh mục cũng như trong chứng tá của đời tu. Có những nguy hiểm khi chúng ta không sống trong gia đình, khi không có nhu cầu vuốt ve con cái mình, như Cha Goce, vì trái tim chúng ta có thể trở nên hơi có tính cách của “người nam nữ độc thân”. Ngoài ra còn có sự nguy hiểm mà các lời khấn trinh khiết của các nữ tu và lời thề độc thân của các linh mục thực sự biến thành một lời thề của người “độc thân cố chấp”. Bao nhiêu tác hại đến từ một nữ tu hoặc một linh mục sống như thế! Do đó tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dịu dàng. Hôm nay tôi nhận được ân sủng quan sát các chị em tỏ ra dịu dàng: khi tôi đến đài tưởng niệm Mẹ Theresa, tôi thấy có các chị em nữ tu ở đó và quan sát thấy cách chăm sóc người nghèo với sự dịu dàng sâu sắc. Xin dịu dàng nhé. Đừng bao giờ to tiếng. Hãy là nước được làm phép, chứ đừng là giấm! Hãy luôn luôn với sự ngọt ngào đó của Tin Mừng để biết cách vuốt ve các linh hồn. Hãy nhớ lại một từ được đề cập bởi một tu huynh của chúng ta: anh ấy nói về sự nghiệp. Khi não trạng sự nghiệp bước vào chức vụ linh mục và đời tu, trái tim trở nên cứng rắn và cay đắng và nó mất đi sự dịu dàng. Linh mục hoặc nữ tu coi ơn gọi của mình như một sự nghiệp đã mất khả năng vuốt ve.
Tôi thích nghĩ về mỗi gia đình như một “biểu tượng của Thánh Gia Nagiarét. Cuộc sống hàng ngày của thánh gia chia sẻ [với các gia đình khác] gánh nặng và thậm chí là ác mộng, như khi các ngài gặp bạo lực không thể tưởng tượng được của Hêrôđê. Kinh nghiệm này, buồn thay, tiếp tục hành hạ các gia đình tị nạn, những người trong thời đại chúng ta cảm thấy bị từ chối và không nơi nương tựa”(Tông huấn Amoris Laetitia, 20). Qua đức tin được xây dựng từ những vất vả hàng ngày, họ có thể “biến một chuồng gia súc thành một ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với những chiếc tã nghèo nàn và một sự phong phú của tình yêu” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 286). Chúng ta rất cần vật chất, chúng là rất cần thiết, nhưng chúng không phải là điều quan trọng nhất. Vì lý do đó, chúng ta đừng bao giờ mất khả năng vuốt ve, đừng bao giờ mất đi sự dịu dàng của một thừa tác viên và sự hiền dịu của tu sĩ tận hiến.
Cám ơn anh chị em đã cho thấy thiên nhan quen thuộc của Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là vị Thiên Chúa không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên giữa những nồi và chảo! [chú thích của người dịch: Thánh Têrêsa thành Avila nói ‘Đừng nghĩ rằng nếu bạn có nhiều thời gian, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện. Từ bỏ ý tưởng đó đi! Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn trong một khoảnh khắc chứ không phải trong một khoảng thời gian dài, vì hành động của Ngài không được đo bằng thời gian. Hãy biết rằng ngay cả khi bạn đang ở trong bếp, Chúa chúng ta đang di chuyển giữa những nồi và chảo’].
Anh chị em thân mến, cảm ơn một lần nữa về cơ hội để Giáo Hội có thể hít thở sâu hơn bằng cả hai lá phổi. Chúng ta hãy xin Thánh Linh tiếp tục canh tân chúng ta trong sứ mệnh của mình, với sự tự tin khi biết rằng Ngài muốn thấm nhuần mọi thứ với sự hiện diện của Người.
Và ở đây, tôi cũng muốn cảm ơn - và bây giờ anh chị em sẽ bối rối - tôi muốn cảm ơn một trong những linh mục của anh chị em, một người cha của một gia đình, là người đã chấp nhận làm thông dịch viên [vỗ tay].
[Cộng đoàn hát kinh Lạc Cha]
[Phép lành của Đức Thánh Cha]
Source:Libreria Editrice Vaticana
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN