Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Hoàng cung Marốc tưng bừng chào đón Đức Thánh Cha
30/03/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã đưa tin lúc 10:45 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang thủ đô Rabat của Marốc.

Lúc 14:00, máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống đến sân bay quốc tế Salé của Rabat. Tưởng cũng nên biết, Rabat và Rôma có cùng một múi giờ.

Lúc 14:40 đã diễn ra nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại quảng trường trước Đền thờ Hồi giáo Hassan.

Cũng tại quảng trường này, vào lúc 15g, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Marốc là một nước quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia, thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc vương Marốc nắm giữ quyền lực bao la cả hành pháp lẫn lập pháp, đặc biệt là về quân sự, chính sách đối ngoại và các vấn đề tôn giáo. Quyền hành pháp được thực thi bởi chính phủ, trong khi quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và lưỡng viện Quốc Hội. Nhà vua có thể ban hành các sắc lệnh gọi là dahirs, có hiệu lực pháp lý. Ông cũng có thể giải tán Quốc Hội sau khi tham khảo ý kiến của Thủ tướng và chủ tịch của tòa án hiến pháp.

Trong diễn từ trước chính quyền, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Hoàng Thượng,
Các vị Hoàng Thân Quốc Thích,
Các vị Hữu Trách của Vương quốc Marốc,
Và Các Thành viên của Ngoại giao đoàn,


Các Bạn thân mến,
As-Salam Alaikum!
Bình an ở cùng các bạn


Tôi rất vui được đặt chân đến đất nước này với vẻ đẹp tự nhiên, nơi lưu giữ dấu vết của các nền văn minh cổ đại và làm chứng cho một lịch sử lâu dài và hấp dẫn. Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đức Vua Mohammed VI vì lời mời thân ái của ngài, vì sự chào đón nồng nhiệt mà ngài đã dành cho tôi nhân danh toàn dân Marốc, và đặc biệt, vì lời giới thiệu tốt đẹp của ngài.

Chuyến viếng thăm này cho tôi một dịp vui mừng và biết ơn, vì nó cho phép tôi tận mắt nhìn thấy sự phong phú của đất nước, dân tộc và những truyền thống của các bạn. Tôi cũng biết ơn vì chuyến viếng thăm của tôi mang đến một cơ hội quan trọng để thúc đẩy đối thoại liên tôn và sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người theo hai tôn giáo của chúng ta, khi chúng ta kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thánh Phanxicô thành Assisi và Quốc Vương al-Malik al-Kamil tám thế kỷ trước. Sự kiện tiên tri đó cho thấy rằng lòng can đảm gặp gỡ nhau và mở rộng bàn tay huynh đệ là một con đường hòa bình và hòa hợp cho nhân loại, trong khi chủ nghĩa cực đoan và thù hận gây ra chia rẽ và hủy diệt. Tôi hy vọng rằng sự tương ái, tôn trọng và hợp tác lẫn nhau của chúng ta sẽ giúp củng cố những mối liên kết của tình bạn chân thành và cho phép các cộng đồng của chúng ta có thể chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho các thế hệ sắp tới.

Ở vùng đất này, là một cây cầu tự nhiên giữa Châu Phi và Châu Âu, tôi muốn khẳng định một lần nữa nhu cầu hợp tác của chúng ta trong việc tạo ra các động lực mới cho việc xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, được đánh dấu bằng những nỗ lực trung thực, can đảm và không thể thiếu để thúc đẩy một cuộc đối thoại trong niềm tôn trọng về sự phong phú và khác biệt của mỗi dân tộc và mỗi cá nhân. Tất cả chúng ta được kêu gọi để đáp lại thách đố này, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại, khi những khác biệt của chúng ta và tình trạng thiếu sự hiểu biết lẫn nhau có nguy cơ bị khai thác để trở thành một nguyên nhân cho xung đột và chia rẽ.

Xa hơn, nếu chúng ta muốn chia sẻ việc xây dựng một xã hội cởi mở, huynh đệ và tôn trọng sự khác biệt, điều quan trọng là phải thúc đẩy văn hóa đối thoại và miệt mài gắn bó với nó, chấp nhận hợp tác lẫn nhau như là quy tắc ứng xử và sự hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn của chúng ta (xem Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhân Loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng Hai năm 2019). Chúng ta được kêu gọi theo đuổi con đường này không mệt mỏi, trong nỗ lực giúp nhau vượt qua những căng thẳng và hiểu lầm, những khuôn sáo và thành kiến tạo ra sợ hãi và chống đối. Bằng cách này, chúng ta sẽ khuyến khích sự phát triển của một tinh thần hợp tác hiệu quả và tôn trọng. Một điều cũng rất cần thiết nữa là chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa cực đoan phải bị chống lại bằng một tình đoàn kết từ phía tất cả các tín đồ, dựa trên các giá trị cao cả chung, là những điều truyền cảm hứng cho hành động của chúng ta. Vì lý do này, tôi rất vui vì tôi sẽ sớm được đến thăm Viện Mohammed VI nơi đào tạo các Imam, và các nhà giảng thuyết nam nữ của Hồi giáo. Được thành lập bởi Bệ Hạ, Viện này tìm cách đào tạo hiệu quả và lành mạnh nhằm chống lại mọi hình thức cực đoan, thường dẫn đến bạo lực và khủng bố, và trong mọi trường hợp, tạo thành một hành vi phạm tội chống lại tôn giáo và chống lại chính Thiên Chúa. Chúng ta đều biết việc cung cấp một sự chuẩn bị phù hợp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo trong tương lai thật là quan trọng biết bao, nếu chúng ta muốn đánh thức một tinh thần tôn giáo thực sự trong trái tim của các thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó, đối thoại chân thực giúp chúng ta đánh giá đầy đủ hơn tầm quan trọng của tôn giáo trong việc xây dựng những cầu nối giữa các dân tộc và đáp ứng thành công những thách thức mà tôi đã đề cập ở trên. Trong khi tôn trọng sự khác biệt của chúng ta, đức tin vào Thiên Chúa khiến chúng ta thừa nhận phẩm giá nổi bật của mỗi con người, cũng như các quyền bất khả nhượng của người ấy. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo ra con người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và Người kêu gọi họ sống như anh chị em với nhau và truyền bá các giá trị của lòng tốt, tình yêu và hòa bình. Đó là lý do tại sao tự do lương tâm và tự do tôn giáo - không chỉ giới hạn trong tự do phượng tự mà thôi – nhưng còn phải cho phép tất cả mọi người sống theo niềm tin tôn giáo của họ - gắn liền một cách bất khả phân ly với phẩm giá con người. Về vấn đề này, luôn luôn cần phải tiến xa hơn sự khoan dung đơn thuần giới hạn trong việc tôn trọng và quý trọng người khác. Điều này đòi hỏi phải gặp gỡ và chấp nhận những người khác trong niềm tin tôn giáo đặc thù của họ và làm phong phú lẫn nhau thông qua sự đa dạng của chúng ta, trong một mối quan hệ được đánh dấu bởi thiện chí và sự theo đuổi những cách thế chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Hiểu theo cách này, việc kiến tạo những cầu nối giữa mọi người - từ quan điểm đối thoại liên tôn – mời gọi một tinh thần quan tâm lẫn nhau, tình bạn và tình huynh đệ thực sự.

Hội nghị quốc tế về quyền của tín hữu các tôn giáo thiểu số ở các quốc gia Hồi giáo, được tổ chức tại Marrakech vào tháng Giêng năm 2016, đã đề cập đến vấn đề này và tôi vui mừng lưu ý rằng hội nghị ấy, trong thực tế, đã lên án bất kỳ sự khai thác tôn giáo nào như là một biện pháp phân biệt đối xử hoặc tấn công người khác. Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt ra khỏi khái niệm tôn giáo thiểu số để đề cao quyền công dân và việc công nhận giá trị của con người, là những điều phải có một vị trí trung tâm trong mọi hệ thống luật pháp.

Tôi cũng cho rằng việc hình thành vào năm 2012 Viện Đại kết Al Mowafaqa ở Rabat là một dấu chỉ tiên tri. Viện này là một sáng kiến của người Công Giáo và các Kitô hữu của các hệ phái Kitô khác ở Marốc nhằm tìm cách thúc đẩy chủ nghĩa đại kết, cũng như đối thoại với văn hóa và với Hồi giáo. Công việc đáng khen ngợi này thể hiện sự quan tâm và mong muốn của các Kitô hữu sống ở đất nước này muốn xây dựng những cây cầu như một phương thế thể hiện và phục vụ tình huynh đệ của nhân loại.

Tất cả những cách thế này là nhằm ngăn chặn sự lạm dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, cực đoan và chủ nghĩa cuồng tín mù quáng, và việc nại đến danh thánh Chúa nhằm biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức (xem Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhân Loại, Abu Dhabi, ngày 4 tháng Hai năm 2019).

Cuộc đối thoại chân thực mà chúng ta muốn khuyến khích cũng dẫn đến việc lưu ý đến thế giới chúng ta đang sống, là ngôi nhà chung của chúng ta. Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, COP 22, cũng được tổ chức tại Marốc, một lần nữa chứng minh rằng nhiều quốc gia nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ hành tinh này, nơi Chúa đã đặt chúng ta sống và đóng góp cho một sự chuyển đổi sinh thái thực sự vì lợi ích của sự phát triển toàn vẹn con người. Tôi bày tỏ sự đánh giá cao những tiến bộ đang đạt được trong lĩnh vực này và tôi rất hài lòng về sự tăng trưởng tình đoàn kết đích thực giữa các quốc gia và các dân tộc trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chính đáng và lâu dài cho các tai họa đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta và sự sống còn của gia đình nhân loại. Chỉ khi chúng ta biết cùng nhau theo đuổi cuộc đối thoại kiên nhẫn, thận trọng, thẳng thắn và chân thành, chúng ta mới có hy vọng đưa ra được các giải pháp thích hợp để đảo ngược xu hướng nóng lên toàn cầu và đạt được mục tiêu xóa bỏ nghèo đói (x. Laudato Sí, 175).

Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng ngày nay tiêu biểu cho một lời hiệu triệu khẩn cấp cần phải đưa ra các hành động cụ thể nhằm loại bỏ các nguyên nhân buộc nhiều người phải rời bỏ đất nước và gia đình phía sau, để thường chỉ thấy mình bị gạt ra ngoài lề và bị khước từ. Tháng 12 năm ngoái, một lần nữa ở Marốc, hội nghị liên chính phủ về Hiệp Ước Toàn Cầu cho di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã thông qua một tài liệu có giá trị như một điểm tham chiếu cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Nhưng, vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc chuyển từ các cam kết đã đưa ra ở hội nghị đó, ít nhất là về nguyên tắc, sang các hành động cụ thể, và đặc biệt hơn là việc thay đổi thái độ đối với người di cư, ta phải xem họ là những con người, chứ không phải là những con số, và thừa nhận quyền và nhân phẩm của họ trong cuộc sống hàng ngày và trong các quyết định chính trị. Các bạn hiểu rõ mối quan tâm lớn của tôi đối với số phận thường rất nghiệt ngã của những người như vậy, những người phần lớn sẽ không rời khỏi đất nước của họ nếu họ không bị buộc phải làm như thế. Tôi tin rằng Marốc, nơi tổ chức Hội nghị với sự cởi mở và lòng hiếu khách đặc biệt, sẽ tiếp tục là một tấm gương trong cộng đồng quốc tế về tình người đối với những người di cư và những người tị nạn, để ở đây, cũng như ở các nơi khác, họ có thể tìm thấy sự chào đón và bảo vệ hào phóng, một cuộc sống tốt hơn và một sự hòa nhập trong phẩm giá vào xã hội. Khi điều kiện cho phép, sau đó họ có thể quyết định trở về nhà trong điều kiện mạng sống họ được an toàn và nhân phẩm cũng như quyền lợi của họ được tôn trọng. Vấn đề di cư sẽ không bao giờ được giải quyết bằng cách đặt ra thêm các rào cản, gây ra nỗi sợ hãi cho người khác hoặc từ chối hỗ trợ cho những người mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ. Chúng ta cũng biết rằng việc củng cố hòa bình thực sự thông qua việc theo đuổi công bằng xã hội là điều không thể thiếu để sửa chữa sự mất cân bằng kinh tế và bất ổn chính trị, là những điều luôn có vai trò rất lớn trong việc tạo ra xung đột và đe dọa toàn nhân loại.

Thưa Bệ Hạ,
Quý vị hữu trách, và các bạn thân mến!


Kitô hữu đánh giá rất cao vị thế họ được dành cho trong xã hội Marốc. Họ muốn làm phần việc của mình trong việc xây dựng một quốc gia huynh đệ và thịnh vượng, xuất phát từ sự quan tâm đến thiện ích chung của dân tộc. Về vấn đề này, tôi nghĩ đến công việc quan trọng của Giáo Hội Công Giáo ở Marốc trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội và trong lĩnh vực giáo dục, thông qua các trường học, mở rộng cửa cho học sinh, sinh viên của mọi hệ phái, mọi tôn giáo, và mọi tầng lớp. Để tạ ơn Chúa vì tất cả những gì đã hoàn thành, xin cho phép tôi được khuyến khích người Công Giáo và tất cả các Kitô hữu trở thành những người phục vụ, những người cổ vũ và những người bảo vệ tình huynh đệ của nhân loại ở Marốc này.

Thưa Bệ Hạ,
Quý vị hữu trách, và các bạn thân mến!


Tôi cảm ơn các bạn và tất cả người dân Marốc một lần nữa vì sự chào đón nồng nhiệt và sự quan tâm của các bạn.

Shukran bi-saf!

Nguyện xin Đấng toàn năng, Nhân Lành và giàu Lòng Thương Xót, bảo vệ các bạn và ban phước cho Marốc! Cảm ơn các bạn.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 16g, Đức Thánh Cha đã viếng thăm lăng tẩm của Vua Mohammed V, trước khi hội kiến riêng với Vua Mohammed VI tại hoàng cung vào lúc 16:25.

Lúc 17:10, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Học Viện Mohammed VI nơi đào tạo các Imam, và các nhà giảng thuyết nam nữ của Hồi giáo.

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày diễn ra lúc 18:10 khi Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas giáo phận Rabat để gặp gỡ anh chị em di dân.

Source:Libreria Editrice Vaticana

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/249597.htm

CÁC TIN KHÁC: