Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Trước tội lỗi lạm dụng tính dục, Hồng Y Phi Luật Tân bật khóc trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên
21/02/2019 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội khai mạc hôm 21 tháng Hai tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican.

Trong chương trình này, Kim Thúy hân hạnh giới thiệu với quý vị và anh chị em bài thuyết trình đầu tiên của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle diễn ra ngay sau lời khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bài thuyết trình của ngài có nhan đề “Mùi chiên: Biết được nỗi đau và chữa lành vết thương của họ là cốt lõi trong sứ vụ người mục tử”.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân đã đọc bài thuyết trình này trước Đức Thánh Cha và 190 tham dự viên, trong đó có lúc quá xúc động ngài đã bật khóc.

Mở đầu bài thuyết trình Đức Hồng Y nói:

“Sự lạm dụng trẻ vị thành niên của những thừa tác viên từng được phong chức đã gây ra vết thương không chỉ cho các nạn nhân, mà còn cho gia đình của họ, cho hàng giáo sĩ, Giáo hội, xã hội rộng lớn hơn, chính các thủ phạm và các giám mục.

Nhưng, một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận một cách khiêm nhường và đau buồn, rằng đã có những vết thương do các giám mục của chúng ta gây ra cho các nạn nhân và trên thực tế là toàn bộ cơ thể của Chúa Kitô. Chúng ta hờ hững trước sự đau khổ của các nạn nhân, thậm chí đến mức khước từ họ và che đậy các tai tiếng để bảo vệ thủ phạm và cơ chế đã làm tổn thương người dân của chúng ta, để lại vết thương sâu sắc trong mối quan hệ của chúng ta với những người mà chúng ta được sai đến phục vụ.

Người dân đang hỏi rất đúng: ‘Những mục tử được kêu gọi có mùi chiên trên người có bỏ chạy không khi thấy mùi hôi thối quá nồng nặc của những trẻ em và những người dễ bị tổn thương mà các vị lẽ ra phải bảo vệ?’ Những vết thương đòi hỏi phải được chữa lành. Nhưng việc chữa lành như thế bao gồm những gì?

Làm thế nào để chúng ta trong tư cách là giám mục, như những người từng là một phần của vết thương ấy, giờ đây thúc đẩy sự chữa lành trong bối cảnh cụ thể này? Chủ đề chữa lành vết thương đã là chủ đề của nhiều nghiên cứu liên ngành. Và tôi không thể giả vờ là biết tất cả những phát hiện của khoa học xã hội và nhân văn về chủ đề này, nhưng tôi tin rằng chúng ta cần phục hồi và duy trì một niềm tin và một quan điểm giáo hội để hướng dẫn chúng ta. Tôi nhắc lại: một quan điểm đức tin và giáo hội để hướng dẫn chúng ta, như đã nhấn mạnh nhiều lần bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Đức Hồng Y đã thuật lại trình thuật Tin Mừng việc Chúa hiện ra với Tông Đồ Tôma.

“Tin Mừng Thánh Gioan đã tường thuật một cuộc hiện ra của Chúa Phục sinh với các môn đệ vào buổi tối của ngày thứ nhất trong tuần. Các cánh cửa đã được khóa lại vì các môn đệ co rúm lại trong sợ hãi, tự hỏi liệu họ có phải là người tiếp theo bị bắt và bị đóng đinh hay không. Chính trong khoảnh khắc bất lực hoàn toàn này, Chúa Giêsu sống lại và vẫn còn bị thương đang đứng giữa họ. Sau khi chào họ với thông điệp phục sinh ‘Bình an cho anh em’, Ngài đã cho họ thấy bàn tay và cạnh sườn Người, được ghi dấu bằng những vết thương vẫn còn đang mở. Chỉ bằng cách đến gần vết thương của Ngài, họ mới có thể được sai đi trong một sứ vụ hòa giải và tha thứ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông Tôma đã không ở với họ tại thời điểm đó. Bây giờ chúng ta hãy nghe kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Phục sinh và Tôma.

Lúc ấy, một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa!’ Ông Tôma đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.’ Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em.’ Rồi Người bảo ông Tôma: ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.’ Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’”

Từ trình thuật Tin Mừng này, Đức Hồng Y nhận xét rằng:

“Chúng ta hãy lưu ý cách Chúa Giêsu mời họ một lần nữa nhìn vào vết thương của Người. Người thậm chí còn khăng khăng bảo ông Tôma hãy đặt ngón tay vào vết thương ở tay Người và đưa tay vào vết thương cạnh sườn Người. Hãy thử tưởng tượng Tôma cảm thấy như thế nào. Nhưng từ việc nhìn thấy vết thương của Chúa phục sinh, ông đã đưa ra lời tuyên xưng đức tin tối cao về Chúa Giêsu là Chúa và Thiên Chúa. Nhìn thấy và chạm vào vết thương của Chúa Giêsu là nền tảng cho hành động và cho việc tuyên xưng đức tin. Chúng ta có thể học được gì từ cuộc gặp gỡ thân mật này? Bằng cách lặp lại hành động này hai lần, vị Thánh Sử nói rõ rằng những người được sai đi để công bố cốt lõi của đức tin Kitô của chúng ta, là sự chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, chỉ có thể làm như vậy với tính xác thực nếu họ liên tục tiếp xúc với những vết thương của nhân loại. Đó là một trong những dấu ấn của sứ vụ chúng ta. Điều này đúng với Tôma, và cũng đúng với Giáo hội của mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại chúng ta. Đức Cha Tomas Halik đã từng viết: Chúa Kitô đến với Tôma và cho ông thấy vết thương của Người. Điều này có nghĩa là sự phục sinh không phải là sự ‘mờ dần’ hay ‘nhạt nhòa’ của thập giá. Vết thương vẫn còn là vết thương. Vết thương của Chúa Kitô vẫn còn trong vết thương của thế giới chúng ta. Và Đức Cha Halik nói thêm ‘thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Tôi tin chắc rằng những người nhắm mắt trước những vết thương trong thế giới của chúng ta không có tư cách để nói ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’ Đối với Đức Cha Halik, nhìn thấy và chạm vào vết thương của Chúa Kitô trong vết thương của nhân loại là điều kiện để có một đức tin đích thực. Ngài còn nói thêm ‘Tôi không thể tin cho đến khi tôi chạm vào những vết thương, và sự khổ đau của thế giới - vì tất cả những vết thương đau đớn, tất cả sự khốn khổ của thế giới và của loài người là những vết thương của Chúa Kitô! Tôi không có quyền tuyên xưng Chúa trừ khi tôi nghiêm chỉnh trước nỗi đau của người lân cận. Đức tin mà chỉ muốn nhắm mắt lại với đau khổ của mọi người chỉ là một ảo ảnh.’ Đức tin chỉ có thể được sinh ra và tái sinh từ vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh và Phục sinh được nhìn thấy và động chạm nơi vết thương của loài người. Chỉ có một đức tin bị tổn thương là đáng tin cậy (Halik). Làm sao chúng ta có thể tuyên xưng đức tin nơi Chúa Kitô khi chúng ta nhắm mắt trước tất cả những vết thương do lạm dụng gây ra?”

Bàn về tầm mức của cuộc khủng hoảng hiện nay, Đức Hồng Y nói:

“Thưa các anh chị em, đây là những gì đang bị đe doạ tại thời điểm khủng hoảng này do việc lạm dụng trẻ em và cách giải quyết kém cỏi của chúng ta đối với những tội ác này. Người dân của chúng ta cần chúng ta đến gần vết thương của họ và thừa nhận lỗi lầm của chúng ta nếu chúng ta muốn làm chứng xác thực và đáng tin cậy cho niềm tin của chúng ta vào Chúa Phục sinh. Điều này có nghĩa là mỗi chúng ta và anh chị em của chúng ta ở nhà phải có trách nhiệm cá nhân trong việc mang lại sự chữa lành vết thương này trong nhiệm thể Chúa Kitô và cam kết làm mọi việc trong khả năng và quyền hạn của chúng ta sao cho trẻ em được an toàn, được chăm sóc trong cộng đồng của chúng ta.

Các anh chị em thân mến, chúng ta cần gạt bỏ mọi do dự để đến gần vết thương của người dân chúng ta vì sợ chính mình bị thương. Vâng, phần lớn những vết thương mà chúng ta sẽ phải chịu là một phần của sự phục hồi ký ức mà chúng ta phải trải qua, cũng như những môn đệ của Chúa Giêsu. Những vết thương của Chúa Phục sinh đã nhắc nhở các môn đệ về sự phản bội, sự phản bội của chính họ, việc họ bỏ rơi Chúa Giêsu để cứu mạng mình trong nỗi sợ hãi. Họ đã chạy trốn ngay giây phút đầu tiên gặp nguy hiểm, sợ phải trả giá cho việc làm môn đệ, và trong trường hợp của Phêrô, thậm chí còn phủ nhận rằng ông chẳng hề biết Chúa. Vết thương của Chúa Giêsu, cũng nhắc nhở họ và chúng ta rằng những vết thương thường bị gây ra bởi sự mù quáng của tham vọng, sự mù lòa luật pháp và lạm dụng quyền lực đến mức kết án một người vô tội phải chết như một tên tội phạm. Những vết thương của Chúa Kitô Phục sinh mang theo ký ức về sự đau khổ của người vô tội, nhưng chúng cũng mang theo ký ức về sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

Nếu chúng ta muốn trở thành những tác nhân chữa lành, chúng ta hãy từ chối mọi khuynh hướng là một phần của suy nghĩ trần tục, trong đó từ chối nhìn và chạm vào vết thương của người khác. Đó là vết thương của Chúa Kitô trong những người bị thương. Những người bị thương vì lạm dụng và tai tiếng này cần chúng ta phải mạnh mẽ trong đức tin trong thời điểm hiện nay. Thế giới cần những nhân chứng xác thực cho sự phục sinh của Chúa Giêsu, những người dám gần gũi với vết thương của Ngài như là hành động đức tin đầu tiên. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là một hành động của đức tin.”

Một cách cụ thể, Đức Hồng Y bàn đến vấn đề khi xảy ra các cáo buộc, các giám mục và các vị bề trên nên đứng về phía nào, người được cho là bị hại và đang kêu đòi công lý hay người bị cáo buộc là thuộc cấp gần gũi của mình?

“Cuối cùng, chúng ta lo ngại rằng trong một số trường hợp, các giám mục và các vị bề trên nhà dòng bị cám dỗ - thậm chí đôi khi còn bị áp lực - phải lựa chọn giữa nạn nhân và hung thủ. Chúng ta nên giúp đỡ ai? Ai nên được giúp đỡ? Giờ đây, việc tập trung vào công lý và sự tha thứ cho chúng ta câu trả lời: Chúng ta phải tập trung vào cả hai. Về phía nạn nhân, chúng ta cần giúp họ bày tỏ nỗi đau sâu sắc và chữa lành cho họ. Về phía thủ phạm, chúng ta cần phục vụ công lý, cần giúp họ đối mặt với sự thật không che đậy biện giải, đồng thời không bỏ qua thế giới nội tâm của họ, và những vết thương của chính họ.

Đôi khi, chúng ta bị cám dỗ để nghĩ theo luận lý ‘hoặc là’: Chúng ta hoặc là cố gắng đứng về công lý, hoặc là chúng ta cố gắng đưa ra sự tha thứ. Chúng ta cần thay đổi sang lập trường ‘cả hai’ khi chúng ta cố tình hỏi những câu hỏi như sau: Làm thế nào chúng ta có thể phục vụ cả công lý và đồng thời nuôi dưỡng sự tha thứ khi đối mặt với vết thương lạm dụng tình dục này? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn một sự tha thứ bị bóp méo đến mức đánh đồng với việc cứ để cho bất công xảy ra, tiếp tục và chúng ta phủ nhận sai lầm? Làm thế nào chúng ta có thể giữ một cái nhìn chính xác về sự tha thứ trong khi đưa ra một sự thương xót bất ngờ xuất phát từ tình yêu vô điều kiện đối với những người đã làm sai, đồng thời, làm mọi cách phục vụ công lý? Làm thế nào chúng ta có thể canh tân Giáo hội bằng cách quyết liệt sửa chữa sai lầm và bước đi với người bị lạm dụng, kiên nhẫn và liên tục cầu xin sự tha thứ của họ, với nhận thức rằng những gì chúng ta trao ra có thể chữa lành cho họ nhiều hơn?”

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/249018.htm

CÁC TIN KHÁC: