Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Mái Ấm Samaritano nhân lành
28/01/2019 12:00:00 SA

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đang dần khép lại.

Như chúng tôi đã tường trình, sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sau thánh lễ, lúc 10 giờ 45, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Mái Ấm Samaritano nhân lành” tiếng Tây Ban Nha gọi là Casa Hogar el Buen Samaritano và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kể từ khi trường hợp HIV đầu tiên xảy ra ở Panama vào năm 1984, cho đến nay đã có khoảng 30,000 trường hợp nhiễm HIV.

Hình thức lây truyền chủ yếu là thông qua quan hệ tình dục, tiếp theo là lây truyền theo đường sinh sản từ mẹ sang con.

Theo giới tính, số lượng nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Số lượng người nam nhiễm HIV cao gấp đôi số người nữ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Panama đặc biệt quan tâm đến những con số thống kê theo đó, ở những người trẻ, tỷ số này thậm chí còn thấp hơn cả 1:1. Khi con số những người nữ mắc bệnh tăng dần, số trẻ em sơ sinh bị lây nhiễm HIV theo đường sinh sản cũng tăng dần.

Các nhà đạo đức học tại Panama bày tỏ những quan ngại sâu xa về cuộc cách mạng tình dục nơi nữ giới, và những ảnh hưởng tai hại của phim ảnh khiêu dâm.

Ước tính có khoảng 25,000 đến 30,000 người đang sống chung với HIV và trong đó gần 1,000 là trẻ em và 8,000 là thanh niên từ 15 đến 24 tuổi.

Đến nay, khả năng tử vong của người nhiễm HIV là 75%, khiến nhiều trẻ em mồ côi cha hay mẹ hoặc cả hai. Ước tính số trẻ mồ côi ở Panama hiện nay là 13,000.

Trong bối cảnh đó, Mái Ấm Samaritano nhân lành đã được thành lập từ năm 2005 nhằm cung cấp cho nhiều người cơ hội phục hồi nhanh chóng và tái hòa nhập xã hội. Mái Ấm cung cấp thuốc men cho các bệnh nhân không có sự hỗ trợ của gia đình và không có nguồn lực kinh tế, cũng như một nơi mà họ có thể được chăm sóc toàn diện, nhằm phục hồi thể chất, cảm xúc và tinh thần của họ.

Mái Ấm Samaritano nhân lành cũng giúp nâng cao nhận thức về khả năng lây nhiễm HIV, hướng dẫn các gia đình có người thân mắc bệnh để họ có thể được chấp nhận và tránh lây nhiễm cho những người khác trong gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại đây. Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến,

Các Giám đốc, Cộng sự và Nhân viên Mục vụ,

Các bạn thân mến,


Cảm ơn cha Domingo, vì những lời chào của cha thay mặt cho mọi người hiện diện. Tôi vốn mong chờ cuộc gặp gỡ này với các bạn ở đây thuộc Ngôi nhà Samaritanô nhân hậu này, và với những người trẻ khác từ Trung tâm Gioan Phaolô II, Nhà Thánh Giuse của các Nữ tu Bác ái và “Nhà tình yêu” của Dòng anh em của Chúa Giêsu tại Kkottonngae. Ở bên các bạn hôm nay cho tôi lý do để có một hy vọng đổi mới. Cảm ơn các bạn đã cho tôi điều này.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, tôi đã có thể đọc chứng từ của một thành viên trong Ngôi nhà này, một chứng từ đã làm trái tim tôi xúc động. Chứng từ đó viết: “Ở đây, tôi đã tái sinh”. Ngôi nhà này, và tất cả các trung tâm mà các bạn đại diện, là dấu chỉ một cuộc sống mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Thật dễ dàng xác nhận đức tin của một số anh chị em của chúng ta khi chúng ta nhìn thấy nó hành động trong việc xức dầu các vết thương, làm tươi mới lại niềm hy vọng và khuyến khích đức tin.

Cũng không phải những người mà chúng ta có thể gọi là “những người thụ hưởng hàng đầu” trong các nhà của các bạn là những người duy nhất được tái sinh; ở đây, Giáo hội và đức tin cũng được sinh ra và liên tục được tái tạo bằng tình yêu.

Như Cha Domingo đã nói với chúng ta: Chúng ta bắt đầu được tái sinh khi Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đôi mắt để nhìn những người khác, không chỉ như những người chúng ta sống cùng - và điều này cũng đã nói lên rất nhiều rồi - nhưng như những người hàng xóm của chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng một ngày nọ, Chúa Giêsu được người ta hỏi: Người hàng xóm của tôi là ai? (Lc 10,29). Người đã không trả lời bằng các lý thuyết, hoặc đưa ra một bài diễn văn chải chuốt, kiêu kỳ. Thay vào đó, Người kể một câu chuyện - chuyện dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu - một thí dụ cụ thể rút ra từ đời thực mà tất cả các bạn đều biết và trải nghiệm. Người hàng xóm của tôi trước hết là một khuôn mặt mà tôi gặp trên đường đi, một khuôn mặt khiến chúng ta di chuyển và bị lay động. Di chuyển khỏi những cách cố định thực hiện sự việc và những ưu tiên của chúng ta, và bị lay động sâu sắc bởi những gì người đó đang trải nghiệm đến nỗi chúng ta dừng lại và nhường chỗ cho anh ấy hoặc cô ấy trên hành trình của chúng ta. Đó là những gì người Samaritanô nhân hậu nhận ra khi nhìn thấy người đàn ông bị bỏ rơi nửa chết ở bên đường, không chỉ bởi những tên cướp mà còn bởi sự thờ ơ của một linh mục và một thầy lêvi, những người không thể bận tâm đến việc đi tới để giúp đỡ ông ta. Vì sự thờ ơ cũng có thể gây thương tích và giết người. Một số vì một vài đồng tiền khốn khổ, một số khác vì sợ trở nên ô uế.

Bất cứ vì lý do nào của họ, hoặc khinh miệt hay ác cảm xã hội, họ không thấy gì sai lầm khi để người đàn ông đó nằm lại bên lề đường. Người Samaritanô nhân hậu, bất luận trong truyện dụ ngôn hay trong tất cả các ngôi nhà của các bạn, cho chúng ta thấy rằng người hàng xóm của chúng ta trước hết là một con người, một con người có khuôn mặt thật, một khuôn mặt đặc thù, không phải là một điều để tránh né hoặc làm ngơ, bất luận tình huống của anh ta hay cô ta như thế nào. Và khuôn mặt đó biểu lộ nhân tính của chúng ta, rất thường đau khổ và bị làm ngơ.

Như thế, người hàng xóm của chúng ta là một khuôn mặt hết sức gây bất tiện cho cuộc sống của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở chúng ta và chỉ ra các bước tiến cho chúng ta hướng tới những gì thực sự quan trọng, và nó giải phóng chúng ta khỏi tất cả những gì nhàm sáo và hời hợt trong cung cách chúng ta bước theo chân Chúa.

Được hiện diện ở đây là được chạm vào khuôn mặt mẫu thân của Giáo hội, một khuôn mặt có khả năng nói tiên tri và tạo ra một căn nhà, tạo ra một cộng đồng. Khuôn mặt Giáo hội thường không được nhìn thấy; nó đi qua mà không được ai lưu ý.

Tuy nhiên, nó là một dấu chỉ của lòng thương xót cụ thể và tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, một dấu chỉ sống động của tin mừng phục sinh mà ngay cả bây giờ vẫn đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.

Tạo ra một căn nhà là tạo ra một gia đình. Đó là học cách cảm thấy được nối kết với những người khác bằng những ràng buộc lớn hơn là thực dụng và thực tiễn, những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống của chúng ta có tính nhân bản hơn một chút. Tạo ra một căn nhà là để cho lời tiên tri lên xương thịt và làm cho ngày giờ của chúng ta bớt lạnh lẽo, thờ ơ và vô danh hơn.

Đó là tạo ra những mối dây ràng buộc qua các hành vi đơn giản, hàng ngày mà tất cả chúng ta đều có thể làm. Một căn nhà, và căn nhà này tất cả chúng ta đều biết rất rõ, đòi mọi người phải làm việc với nhau. Không ai có thể thờ ơ hoặc xa cách, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng căn nhà. Và điều đó cũng có nghĩa là xin Chúa ban cho chúng ta ơn thánh để học cách kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, để bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi nên tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy lần, bao nhiêu lần nếu cần thiết. Tạo ra những mối dây ràng buộc mạnh mẽ đòi sự tin tưởng và tín thác được nuôi dưỡng hàng ngày bằng kiên nhẫn và tha thứ.

Đó là cách phép lạ diễn ra: chúng ta cảm thấy ở đây chúng ta được tái sinh, ở đây chúng ta được tái sinh vì chúng ta cảm thấy sự mơn trớn của Thiên Chúa, một sự mơn trớn giúp chúng ta mơ ước một thế giới có tính người nhiều hơn, và do đó mơ ước một thế giới có tính Thiên Chúa hơn.

Tôi cảm ơn tất cả các bạn về gương sáng và sự quảng đại của các bạn. Tôi cũng cảm ơn các định chế của các bạn, và các tình nguyện viên và các nhà hảo tâm. Tôi cảm ơn tất cả những người đã làm cho Tình yêu của Thiên Chúa trở nên cụ thể và có thực hơn bao giờ hết bằng cách nhìn vào mắt những người xung quanh ta và thừa nhận rằng chúng ta thẩy đều là hàng xóm. Bây giờ, lúc chúng ta sắp sửa đọc kinh Truyền Tin, tôi phó thác các bạn cho Đức Mẹ của chúng ta. Chúng ta xin Đức Mẹ, trong tư cách một bà mẹ nhân từ, đầy tình yêu dịu dàng và gần gũi, dạy chúng ta mỗi ngày một cố gắng để khám phá ra ai là người hàng xóm của của chúng ta, và giúp chúng ta nhanh chóng ra đi gặp gỡ họ, cho họ một căn nhà, một vòng ôm, nơi việc chăm sóc và tình yêu anh em gặp nhau. Đây là một sứ mệnh liên quan đến mỗi người chúng ta.

Tôi khuyến khích các bạn đặt bên dưới tà áo Đức Mẹ mọi mối quan tâm và nhu cầu của các bạn, mọi nỗi buồn và nỗi đau của các bạn, để, như một người Samaritanô nhân hậu, Đức Mẹ sẽ đến với chúng ta và giúp đỡ chúng ta bằng tình yêu mẫu thân và với nụ cười của ngài, nụ cười của một Bà Mẹ.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/248648.htm

CÁC TIN KHÁC: