Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 31/12/2018: Diễn từ cuối năm của Đức Thánh Cha với giáo triều Rôma
31/12/2018 12:00:00 SA
Vào dịp cuối năm, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với giáo triều Rôma để nhìn lại đời sống Giáo Hội và thế giới trong năm sắp trôi qua.Trong buổi phát hình cuối năm 2018 này, chương trình Giáo Hội Năm Châu xin mượn lời Đức Thánh Cha nói với giáo triều Rôma để tổng kết năm 2018 đang sắp trôi qua.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Năm 2018 được ghi dấu bằng những tai tiếng gây ra bởi tội lỗi lạm dụng tính dục. Cho nên, trong bài diễn văn với giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã cực lực kết án tội ác giáo sĩ lạm dụng tình dục, hứa hẹn rằng giới lãnh đạo Giáo Hội sẽ không bao giờ che đậy việc lạm dụng hay coi nhẹ nó nữa.
Ngài nói: “Xin hiểu rõ rằng trước những điều ghê tởm này, Giáo hội sẽ không chừa một nỗ lực nào để làm tất cả những gì cần thiết hòng đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm những tội ác như vậy. Giáo hội sẽ không bao giờ tìm cách che giấu hoặc coi nhẹ bất cứ trường hợp nào”.
Ngài nói tiếp: “Không thể phủ nhận rằng một số người trong quá khứ, vì thiếu trách nhiệm, không tin tưởng, thiếu đào tạo, thiếu kinh nghiệm, hay thiển cận về thiêng liêng và nhân bản, đã xử lý nhiều trường hợp một cách thiếu nghiêm chỉnh và nhanh chóng như đáng lý phải làm. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Đây là sự lựa chọn và quyết định của toàn thể Giáo hội”.
Bài diễn văn dài 40 phút phần lớn tập chú vào “đại nạn lạm dụng và bất trung”.
Đức Giáo Hoàng đưa ra một sứ điệp kiên quyết với những “người tận hiến, những người được Chúa xức dầu, những người ngày nay ‘lạm dụng kẻ yếu thế, lợi dụng chức vụ và quyền hạn thuyết phục của mình’”
Với bàn tay rõ ràng run rẩy khi đọc bản văn soạn sẵn, Đức Phanxicô trực tiếp nói với các giáo sĩ lạm dụng rằng họ hãy chuẩn bị đương đầu với công lý. Ngài nói: “Với những ai lạm dụng các vị thành niên, tôi xin ngỏ lời này: hãy hoán cải và tự nộp mình cho công lý con người, và chuẩn bị lãnh công lý của Thiên Chúa”.
Ngài nói thêm: “Hãy nhớ lời lẽ của Chúa Kitô: ‘bất cứ ai gây cho một trong những người bé nhỏ tin vào Ta này phạm tội, thà quàng cối đá vào cổ họ và ném họ xuống biển sâu cho chết đuối. Khốn cho thế gian vì các gương mù gương xấu! Các gương mù cần xẩy ra nhưng khốn cho người nào gây ra gương mù”.
Dưới đây là nguyên văn bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
Đêm đã qua, ngày đã gần. Do đó, chúng ta hãy để qua một bên các việc làm của bóng tối và mặc lấy áo giáp của ánh sáng (Rm 13:12).
Tràn đầy niềm vui và hy vọng tỏa ra từ khuôn mặt của Hài Nhi Thánh, năm nay chúng ta lại tập hợp để trao đổi lời chúc mừng Lễ Giáng sinh, lưu tâm đến tất cả những niềm vui và cuộc đấu tranh của thế giới chúng ta và của Giáo hội.
Với anh chị em và các đồng sự, với tất cả những người phục vụ trong Giáo Triều, với các Đại diện Giáo hoàng và nhân viên của các Tòa Sứ Thần khác nhau, tôi gửi lời chúc tốt đẹp và thân ái của tôi cho một Lễ Giáng sinh đầy hồng phúc. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự tận tụy hàng ngày của anh chị trong việc phục vụ của Tòa thánh, Giáo hội và Người kế vị Thánh Phêrô. Cảm ơn anh chị em rất nhiều!
Cũng cho phép tôi được ngỏ lời chào đón nồng nhiệt đến Vị Phó của Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, người đã bắt đầu việc phục vụ đầy đòi hỏi và quan trọng của mình vào ngày 15 tháng 10 vừa qua. Sự kiện ngài phát xuất từ Venezuela đã tôn trọng tính Công Giáo của Giáo hội và sự cần thiết Giáo Hội phải tiếp tục mở rộng chân trời của mình đến tận cùng trái đất. Đức Tổng Giám Mục thân mến, xin chào mừng, và chúc cho công việc của ngài được nhiều điều tốt đẹp nhất!
Giáng sinh tràn ngập niềm vui và khiến chúng ta biết chắc rằng sẽ không có tội lỗi nào lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa; không hành động nào của chúng ta có thể ngăn bình minh của ánh sáng thần thiêng của Người tái xuất hiện trong trái tim con người. Lễ mừng này mời gọi chúng ta đổi mới cam kết có tính Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian và ánh sáng của vũ trụ. Chúa Kitô, ‘thánh thiện, không tì vết, không vẩn đục, (Dt 7:26) không biết tội lỗi (x. 2Cr 5:21) và chỉ đến để chuộc tội cho người ta (xem Dt 2:17).
Tuy nhiên, Giáo hội, luôn siết chặt tội nhân vào lòng mình, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, không ngừng đi theo con đường thống hối và đổi mới. Giáo Hội ‘dấn bước giữa những cuộc bách hại của thế giới và những niềm an ủi của Thiên Chúa, công bố thập giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x. 1Cr 11:26). Nhưng nhờ quyền năng của Chúa phục sinh, Giáo Hội được ban sức mạnh để vượt qua, một cách kiên nhẫn và yêu thương, các nỗi buồn và khó khăn của mình, cả nỗi buồn và khó khăn từ bên trong lẫn những nỗi buồn và khó khăn từ bên ngoài, để có thể biểu lộ cho thế giới, một cách trung thành, mặc dù với bóng tối, mầu nhiệm của Chúa cho đến, cuối cùng, nó sẽ được tỏ lộ dưới ánh sáng trọn vẹn (Lumen Gentium, 8).
Trong niềm xác tín rằng ánh sáng luôn chứng tỏ mạnh hơn bóng tối, tôi muốn suy niệm với anh chị em về ánh sáng liên kết Giáng sinh (Chúa đến lần đầu trong khiêm nhường) với Tái Lâm (Parousia= lần đến thứ hai của Người trong vinh quang) và củng cố chúng ta trong niềm hy vọng không làm ta thất vọng. Đó là niềm hy vọng trên đó cuộc sống cá nhân chúng ta, và toàn bộ lịch sử Giáo hội và thế giới, phụ thuộc.
Chúa Giêsu được sinh ra trong một tình huống xã hội, chính trị và tôn giáo được đánh dấu bằng căng thẳng, bất ổn và u ám. Sự ra đời của Người, được chờ đợi bởi một số người, nhưng bị nhiều người khác từ khước, thể hiện luận lý học thần thánh không dừng lại trước sự ác, nhưng, thay vào đó, đã biến đổi nó từ từ nhưng chắc chắn thành sự thiện. Thế nhưng, nó cũng đưa ra ánh sáng thứ luận lý học ma mãnh (malign logic) biến đổi chính sự thiện thành sự ác, trong mưu toan giữ nhân loại mãi trong tuyệt vọng và bóng tối. Ánh sáng chiếu tỏa trong bóng tối và bóng tối không thắng vượt được nó (Ga 1: 5).
Mỗi năm, Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng sự cứu rỗi của Thiên Chúa, được tự do ban cho toàn thể nhân loại, cho Giáo hội và đặc biệt cho chúng ta, những người được thánh hiến, không hành động độc lập với ý chí, sự hợp tác, tự do và nỗ lực hàng ngày của chúng ta. Ơn cứu rỗi là một hồng phúc phải được chấp nhận, nâng niu và làm phát sinh hoa trái (x. Mt 25: 14-30). Nói chung và đối với chúng ta nói riêng là những người được Chúa xức dầu và thánh hiến, làm Kitô hữu không có nghĩa là hành động như một nhóm ưu tuyển tự nghĩ rằng họ có Thiên Chúa ở trong túi, nhưng là những người biết rằng họ được Chúa yêu thương mặc dù là tội nhân không xứng đáng. Những người được thánh hiến không là gì ngoài là những người đầy tớ trong vườn nho của Chúa, những người phải giao nộp đúng kỳ mùa gặt và hoa lợi của nó cho chủ vườn nho (x. Mt 20: 1-16).
Sách thánh và lịch sử của Giáo hội cho thấy rõ rằng ngay cả những người được chọn cũng có thể thường xuyên tiến đến chỗ suy nghĩ và hành động như thể họ là chủ nhân của ơn cứu rỗi chứ không phải là người nhận lãnh nó, như những người giám sát các mầu nhiệm của Thiên Chúa chứ không phải các thừa tác viên khiêm tốn của chúng, như những người thu thuế chứ không phải là đầy tớ của đoàn chiên được giao phó họ chăm sóc.
Do kết quả của lòng nhiệt thành quá mức và sai lầm, thay vì bước theo Chúa, chúng ta thường hay tự đặt mình trước Người, như Thánh Phêrô, người dám khuyên can Thầy và do đó đáng bị những lời quở trách nặng nề nhất của Chúa Kitô: “Sa-tan! Hãy xéo khỏi Ta. Vì ngươi đã suy tưởng không phải việc của Thiên Chúa mà là việc của loài người (Mc 8, 33).
Anh chị em thân mến,
Năm nay, trong thế giới hỗn loạn của chúng ta, con thuyền Giáo hội đã trải nghiệm, và tiếp tục trải nghiệm, nhiều khoảnh khắc khó khăn, và vật lộn với gió mạnh và bão lớn. Nhiều người thấy mình hỏi Thầy Chí Thánh, Đấng xem ra đang mê ngủ: Thưa Thầy, Thầy không lưu tâm gì là chúng con sắp tiêu tùng cả hay sao? (Mc 4:38). Những người khác, chán nản với các báo cáo tin tức, đã bắt đầu mất niềm tin và từ bỏ Giáo Hội. Lại còn những người khác, vì sợ hãi, lợi ích cá nhân hoặc các mục đích khác, đã tìm cách tấn Công Giáo Hội và làm nặng nề thêm các vết thương của Giáo Hội. Trong khi đó, nhiều người khác không che giấu nỗi vui của họ khi thấy Giáo Hội gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người, vâng nhiều người khác, vẫn tiếp tục bám lấy Giáo Hội, trong niềm tin chắc chắn rằng, “cổng hỏa ngục sẽ không thắng thế được Giáo Hội” (Mt 16:18).
Trong khi đó, Nàng Dâu của Chúa Kitô vẫn tiến trên đường hành hương của mình giữa những niềm vui và phiền não, giữa những thành công và khó khăn từ bên trong và từ bên ngoài. Không còn nghi ngờ gì nữa, các khó khăn từ bên trong luôn là những khó khăn gây tổn thương và có tính hủy hoại nhất.
Các phiền não
Các phiền não quả là nhiều. Tất cả di dân kia, buộc phải rời bỏ quê hương của họ và liều mạng sống của họ, mất mạng hoặc sống sót chỉ để thấy các cánh cửa bị cấm và anh chị em của họ trong gia đình nhân loại của chúng ta quan tâm nhiều hơn đến lợi thế chính trị và quyền lực! Tất cả nỗi sợ và định kiến ấy! Tất cả những con người đó, và nhất là những đứa trẻ chết hàng ngày vì thiếu nước, thức ăn và thuốc men! Tất cả sự nghèo đói và thiếu thốn đó! Tất cả bạo lực đó nhắm vào những người dễ bị tổn thương và chống lại phụ nữ ấy! Tất cả những cuộc chiến tranh, cả tuyên bố lẫn không tuyên bố ấy. Tất cả máu vô tội tràn đổ hàng ngày ấy! Tất cả những điều vô nhân đạo và tàn bạo xung quanh chúng ta ấy! Tất cả những người cả ngày nay nữa đang bị tra tấn một cách có hệ thống trong các phòng giam của cảnh sát, trong các nhà tù và trại tị nạn ở nhiều nơi trên thế giới ấy!
Chúng ta cũng đang trải nghiệm một thời tử đạo mới. Dường như cuộc bách tàn khốc và độc ác của Đế quốc Rôma vẫn chưa kết thúc. Một Nêrông mới luôn được sinh ra để đàn áp các tín hữu chỉ vì đức tin của họ vào Chúa Kitô. Các nhóm cực đoan mới mọc lên và nhắm vào các nhà thờ, nơi thờ phượng, các thừa tác viên và các thành viên tín hữu. Các phe đảng và phe nhóm mới và cũ sống bằng cách nuôi dưỡng thù hận và thù nghịch với Chúa Kitô, với Giáo hội và các tín hữu. Biết bao nhiêu Kitô hữu ngay bây giờ đang chịu gánh nặng của sự bách hại, đẩy ra bên lề, kỳ thị và bất công trên khắp thế giới của chúng ta. Ấy thế nhưng, họ tiếp tục can đảm nhận lãnh cái chết hơn là bác bỏ Chúa Kitô. Ngay cả ngày nay, khó khăn xiết bao trong việc tự do thực hành đức tin ở mọi nơi trên thế giới nơi tự do tôn giáo và tự do lương tâm không hề hiện hữu.
Hạnh - Tấm gương anh hùng của các vị tử đạo và vô số người Samaritanô tốt lành - những người trẻ, các gia đình, các phong trào bác ái và thiện nguyện, và rất nhiều tín hữu và người thánh hiến - tuy nhiên, vẫn không thể khiến chúng ta bỏ qua sự phản chứng và tai tiếng do một số đứa con và thừa tác viên của Giáo hội đem lại.
Ở đây tôi sẽ tự giới hạn vào những tai họa của sự lạm dụng và bất trung.
Trong thời gian qua, Giáo hội đã cương quyết loại trừ tội ác lạm dụng, một tội ác kêu báo thù tới Chúa, tới Thiên Chúa, Đấng luôn lưu tâm đến những đau khổ của nhiều vị thành niên phải chịu vì các giáo sĩ và người thánh hiến: lạm dụng quyền lực và lương tâm và lạm dụng tình dục.
Trong các suy tư của riêng tôi về chủ đề đau đớn này, tôi đã nghĩ tới Vua David - một trong những người “được Chúa xức dầu” (xem 1 Sm 16:13; 2 Sm 11-12). Là một tổ tiên của Hài Nhi Thánh, Đấng cũng được gọi là “con trai của David”, Ông đã được chọn, được tôn làm vua và được Chúa xức dầu. Vậy mà Ông đã phạm ba tội một lần, ba lạm dụng nghiêm trọng một lúc: “Lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền và lạm dụng lương tâm”. Ba hình thức lạm dụng riêng biệt này dù sao cũng gặp nhau và chồng chéo lên nhau.
Như chúng ta đã biết, câu chuyện bắt đầu khi Vua, mặc dù là một chiến binh được chứng minh, đã ở nhà để giải trí, thay ra trận giữa dân Chúa. Vì sự thuận tiện và lợi ích của riêng mình, David lợi dụng địa vị làm vua (lạm dụng quyền lực). Là người được Chúa xức dầu, ông lại làm theo ý muốn riêng của mình, và do đó kích động sự suy đồi đạo đức không thể cưỡng lại và việc làm suy yếu lương tâm. Chính trong tình huống này, từ sân thượng cung điện, ông nhìn thấy Bathsheba, vợ của Uriah người Hittite, đang tắm (xem 2 Sm 11) và thèm muốn nàng. Ông cho triệu nàng và họ ăn nằm với nhau (lại một sự lạm dụng quyền lực nữa, cộng với lạm dụng tình dục). Ông lạm dụng một người đàn bà đã có chồng và để che giấu tội lỗi của mình, Ông cho gọi Uriah trở về và tìm cách bất thành thuyết phục ông ta qua đêm với vợ. Sau đó, ông ra lệnh cho vị chỉ huy quân đội của ông đẩy Uriah đến chỗ chết trận (một sự lạm dụng quyền lực nữa, cộng với việc lạm dụng lương tâm). Chuỗi tội lỗi chẳng bao lâu sau lan rộng và nhanh chóng trở thành một mạng lưới thối nát.
Những tia lửa lười biếng và dục vọng, và việc “bãi bỏ lính canh” là những điều châm ngòi cho chuỗi tội lỗi nghiêm trọng: ngoại tình, dối trá và giết người. Nghĩ rằng vì mình là vua, nên có thể có và làm bất cứ điều gì mình muốn, David cố gắng lừa dối người chồng của Bathsheba, dân của ông, chính ông và thậm chí cả Thiên Chúa. Nhà vua bỏ bê mối quan hệ của mình với Thiên Chúa, không tuân theo các điều răn thần thiêng, làm tổn hại sự chính trực đạo đức của chính mình, mà không hề cảm thấy tội lỗi. Người “được xức dầu” tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình như thể không có gì xảy ra. Mối quan tâm duy nhất của ông là giữ gìn hình ảnh của mình, để giữ thể diện của mình. Đối với “những người nghĩ rằng họ không phạm tội lỗi nặng nề nào đối với luật của Thiên Chúa có thể rơi vào tình trạng bơ phờ. Vì họ không thấy có gì nghiêm trọng để trách móc bản thân, nên họ không nhận ra rằng đời sống thiêng liêng của họ đã dần trở nên hâm hấp. Họ kết thúc ở thế suy yếu và hư hỏng (Gaudete et Exsultate, 164). Từ chỗ phạm tội, giờ đây, họ trở thành thối nát.
Ngày nay cũng vậy, có những người thánh hiến, người “được Chúa xức dầu”, lạm dụng những người yếu thế, lợi dụng địa vị và quyền lực thuyết phục của họ. Họ thực hiện những hành vi ghê tởm nhưng vẫn tiếp tục thực thi thừa tác vụ của mình như thể không có gì xảy ra. Họ không sợ Thiên Chúa hay sự phán xét của Người, mà chỉ sợ bị phát hiện và vạch mặt. Các thừa tác viên đang xé nát thân thể giáo hội, tạo nên các tai tiếng và làm mất uy tín nhiệm vụ cứu rỗi của Giáo Hội và các hy sinh của rất nhiều đồng huynh đệ của họ.
Anh chị em thân mến,
Xin hiểu rõ rằng trước những điều ghê tởm này, Giáo hội sẽ không chừa một nỗ lực nào để làm tất cả những gì cần thiết hòng đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm những tội ác như vậy. Giáo hội sẽ không bao giờ tìm cách che giấu hoặc coi nhẹ bất cứ trường hợp nào. Không thể phủ nhận rằng một số người trong quá khứ, vì thiếu trách nhiệm, không tin tưởng, thiếu đào tạo, thiếu kinh nghiệm, hay thiển cận về thiêng liêng và nhân bản, đã xử lý nhiều trường hợp một cách thiếu nghiêm chỉnh và nhanh chóng như đáng lý phải làm. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Đây là sự lựa chọn và quyết định của toàn thể Giáo hội.
Tháng hai tới, Giáo hội sẽ lặp lại quyết tâm của mình trong việc theo đuổi một cách quảng đại con đường thanh tẩy. Giáo Hội sẽ đặt vấn đề, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, làm thế nào để bảo vệ các trẻ em cách tốt nhất, tránh những thảm kịch này, mang lại sự chữa lành và phục hồi cho các nạn nhân, và để cải thiện việc huấn luyện trong các chủng viện. Một nỗ lực sẽ được thực hiện để biến các sai lầm quá khứ thành các cơ hội để loại trừ đại họa này, không những khỏi cơ thể của Giáo hội mà còn khỏi cơ thể của xã hội nữa. Vì nếu thảm kịch nghiêm trọng này có liên quan đến một số thừa tác viên thánh hiến, chúng ta có thể hỏi nó bắt rễ sâu xa như thế nào trong các xã hội và gia đình của chúng ta. Thành thử, Giáo hội sẽ không tự giới hạn vào việc chữa lành vết thương của chính mình, nhưng sẽ tìm cách đối phó thẳng thắn với cái ác từng gây ra cái chết từ từ của rất nhiều con người, trên bình diện luân lý, tâm lý và nhân bản.
Anh chị em thân mến,
Khi thảo luận về đại họa này, một số người, ngay trong Giáo hội, đã đổ trách nhiệm lên một số chuyên gia truyền thông, cáo buộc họ bỏ qua đa số áp đảo các trường hợp lạm dụng không do giáo sĩ vi phạm và cố tình muốn tạo ấn tượng sai lầm rằng tội ác này chỉ ảnh hưởng đến một mình Giáo Hội Công Giáo. Bản thân tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những chuyên gia truyền thông đã trung thực và khách quan và tìm cách vạch mặt những kẻ săn mồi này và làm cho tiếng nói của các nạn nhân của họ được nghe thấy. Ngay cả khi nó chỉ liên quan đến một trường hợp lạm dụng duy nhất (một thứ gì đó tự nó vốn quái dị), Giáo hội cũng yêu cầu mọi người đừng im lặng nhưng đưa nó ra ánh sáng một cách khách quan, vì tai tiếng lớn hơn trong vấn đề này sẽ là tai tiếng che giấu sự thật.
Tất cả chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có việc David gặp nhà tiên tri Nathan mới khiến ông hiểu được sự nghiêm trọng của tội lỗi mình. Ngày nay, chúng ta cần những Nathan mới để giúp nhiều David tự nâng mình thoát khỏi cuộc sống giả hình và đồi trụy. Xin vui lòng, chúng ta hãy giúp Mẹ Thánh Giáo hội trong nhiệm vụ khó khăn nhận ra các vụ thật khỏi các vụ giả, những lời buộc tội khỏi các lời vu khống, sự khiếu nại khỏi những lời nói bóng gió, tin đồn khỏi phỉ báng. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì người có tội có khả năng khéo léo che đậy dấu vết của họ, đến nỗi nhiều bà vợ, bà mẹ và chị em không thể phát hiện chúng nơi những người gần gũi nhất với họ: chồng, bố nuôi, ông nội, chú, anh em, hàng xóm, thầy giáo và những người tương tự. Các nạn nhân cũng vậy, được những kẻ săn mồi của họ lựa chọn cẩn thận, thường thích im lặng và sống trong nỗi sợ hãi xấu hổ và nỗi khiếp sợ bị bác bỏ.
Với những ai lạm dụng các vị thành niên, tôi xin ngỏ lời này: hãy hoán cải và tự nộp mình cho công lý con người, và chuẩn bị lãnh công lý của Thiên Chúa. Hãy nhớ lời lẽ của Chúa Kitô: ‘bất cứ ai gây cho một trong những người bé nhỏ tin vào Ta này phạm tội, thà quàng cối đá vào cổ họ và ném họ xuống biển sâu cho chết đuối. Khốn cho thế gian vì các gương mù gương xấu! Các gương mù cần xẩy ra nhưng khốn cho người nào gây ra gương mù!” (Mt 18:6-7).
Anh chị em thân mến,
Giờ đây, hãy cho tôi nói về một phiền não khác, đó là sự bất trung của những người phản bội ơn gọi, lời hứa có tuyên thệ của họ, sứ mệnh của họ và sự tận hiến của họ cho Thiên Chúa và Giáo hội. Họ ẩn đằng sau những ý tốt để đâm lưng anh chị em của họ và gieo cỏ dại, chia rẽ và hoang mang. Họ luôn tìm thấy những lời bào chữa, bao gồm cả những lời bào chữa trí thức và thiêng liêng, để tiến tới một cách điềm nhiên trên con đường dẫn đến sự hư hỏng.
Điều này không có gì mới trong lịch sử Giáo hội. Thánh Augustinô, khi nói về hạt giống tốt và cỏ dại, đã nói: thưa anh em, anh em có tin rằng cỏ dại không thể mọc lên trên cả ngai tòa các giám mục không? Anh em có nghĩ điều này chỉ thấy ở dưới thấp chứ không ở trên cao không? Trời cấm chúng ta làm cỏ dại!... Ngay trên ngai tòa các giám mục cũng có thể tìm thấy hạt tốt và cỏ dại; thậm chí trong các cộng đồng khác nhau của tín hữu, hạt tốt và cỏ dại vẫn có thể được tìm thấy (Bài giảng 73, 4: PL 38, 472).
Những lời trên của Thánh Augustinô thôi thúc chúng ta nhớ đến câu tục ngữ xưa: “Đường đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt”. Chúng giúp chúng ta nhận ra rằng Tên Cám Dỗ, Tên Tố Cáo Vĩ Đại, là người mang chia rẽ, gieo rắc bất hòa, lén lút gây thù hằn, thuyết phục con cái Thiên Chúa và khiến họ nghi ngờ.
Đằng sau những người gieo cỏ dại này, chúng ta luôn tìm thấy ba mươi đồng tiền bạc. Do đó, hình ảnh David đưa chúng ta đến hình ảnh Judas Iscariot, một người đàn ông khác được Chúa chọn đã bán đứng Thầy mình và trao nộp Người chịu chết. David tội nhân và Judas Iscariot sẽ luôn có mặt trong Giáo hội, vì họ đại diện cho sự yếu đuối, vốn là một phần trong thân phận làm người của chúng ta. Họ là hình tượng của tội lỗi và tội ác phạm phải bởi những người được chọn và thánh hiến. Hợp nhất trong tính trầm trọng của tội lỗi họ, dù sao họ cũng khác nhau khi nói đến việc hoán cải. David ăn năn, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa; Giuđa đã treo cổ tự tử.
Do đó, để làm cho ánh sáng Chúa Kitô tỏa sáng, tất cả chúng ta có nhiệm vụ chống lại mọi thối nát thiêng liêng, một điều còn “tệ hơn cả sự sa ngã của người tội lỗi, vì nó là một hình thức mù quáng thoải mái và tự thỏa mãn. Mọi thứ sau đó xem ra đều có thể chấp nhận được: lừa dối, vu khống, ích kỷ và các hình thức tự lấy mình làm tâm điểm khác, vì ‘ngay cả Satan cũng cải trang thành một thiên thần của ánh sáng (2 Cr 11:14). Solomon cũng đã kết thúc ngày giờ của mình như thế, trong khi David, người đã phạm tội rất nặng, đã có thể bù đắp cho sự ô nhục của mình” (Gaudete et Exsultate, 165).
Các niềm vui
Các niềm vui của chúng ta cũng nhiều trong năm qua. Ví dụ: kết quả thành công của Thượng hội đồng dành cho người trẻ; các tiến bộ đạt được trong việc cải tổ Giáo Triều; các nỗ lực đưa ra để đạt được sự rõ ràng và minh bạch trong các vấn đề tài chánh; công việc đáng khen của Văn phòng Tổng Thanh Lý và AIF; kết quả tốt mà IOR đã đạt được; Luật mới của Thị Quốc Vatican; Sắc lệnh về lao động ở Vatican và nhiều kết quả khác ít thấy hơn. Chúng ta có thể nghĩ tới các Chân Phúc và Thánh mới vốn là những “viên đá quý” trang trí cho khuôn mặt của Giáo hội và tỏa hy vọng, đức tin và ánh sáng cho thế giới của chúng ta. Ở đây phải đề cập đến mười chín vị tử đạo của Algeria mới đây: “Mười chín đời sống hiến mình cho Chúa Kitô, cho Tin mừng của Người và cho người dân Algeria... những mô hình của sự thánh thiện hàng ngày, sự thánh thiện của 'các vị thánh hàng xóm' (Thomas Georgeon, “Nel segno della fraternità”, L'Osservatore Romano, ngày 8 tháng 12 năm 2018, trang 6). Rồi còn số lượng lớn lao các tín hữu mỗi năm lãnh nhận phép rửa và do đó đổi mới tuổi trẻ của Giáo hội như một bà mẹ mắn con, và nhiều đứa con của bà trở về nhà và tái đón nhận đức tin và đời sống Kitô giáo. Tất cả các gia đình và cha mẹ ấy coi trọng đức tin của họ và hàng ngày truyền nó lại cho con cái họ bằng niềm vui tình yêu của họ (x. Amoris Laetitia, 259-290). Và chứng tá đưa ra bởi rất nhiều người trẻ đã can đảm chọn cuộc đời tận hiến và chức linh mục.
Một nguyên nhân đích thực khác của niềm vui là số lượng lớn những người đàn ông và đàn bà thánh hiến, giám mục và linh mục, những người hàng ngày sống ơn gọi của họ một cách trung thành, im lặng, thánh thiện và từ bỏ mình. Họ là những người thắp sáng bóng tối của nhân loại bằng chứng tá đức tin, tình yêu và đức ái. Những người làm việc kiên nhẫn, vì tình yêu dành cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, nhân danh người nghèo, người bị áp bức và nhỏ bé nhất trong anh chị em của chúng ta; họ không tìm cách xuất hiện trên những trang báo đầu tiên hoặc nhận giải thưởng. Bỏ lại tất cả phía sau và hiến dâng cuộc sống của họ, họ mang ánh sáng đức tin đến bất cứ nơi nào Chúa Kitô bị bỏ rơi, khát nước, đói ăn, bị giam cầm và trần truồng (x. Mt 25: 31-46). Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều cha xứ hàng ngày cống hiến những tấm gương tốt cho dân Chúa, những linh mục gần gũi với các gia đình, biết tên mọi người và sống những cuộc sống giản dị, có đức tin, sốt sắng, thánh thiện và bác ái. Họ bị các phương tiện truyền thông đại chúng làm ngơ, nhưng nếu không có họ, bóng tối đã ngự trị rồi.
Anh chị em thân mến,
Khi nói đến ánh sáng, phiền não, David và Judas, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của một ý thức ngày càng tăng dẫn đến nghĩa vụ cảnh giác và bảo vệ đối với những người được giao phó việc cai quản trong các cơ cấu của đời sống giáo hội và thánh hiến. Thực thế, sức mạnh của bất cứ định chế nào đều không phụ thuộc vào việc bao gồm những người đàn ông và đàn bà bà hoàn thiện vào sự sẵn lòng thanh tẩy không ngừng, vào khả năng khiêm nhường thừa nhận lỗi lầm của mình và sửa chữa chúng; và vào khả năng chỗi dậy sau khi vấp ngã. Nó phụ thuộc vào việc nhìn thấy ánh sáng Giáng sinh tỏa ra từ máng cỏ ở Bethlehem, vào việc bước đi trên các nẻo đường lịch sử để cuối cùng tiến đến Tái Lâm.
Do đó, chúng ta cần mở rộng trái tim của chúng ta chào đón ánh sáng thực sự, là Chúa Giêsu Kitô. Người là ánh sáng có thể soi sáng cuộc đời và biến bóng tối của chúng ta thành ánh sáng; Ánh sáng của điều thiện chiến thắng điều ác; ánh sáng của tình yêu thắng vượt hận thù; ánh sáng của sự sống chiến thắng sự chết; ánh sáng thần thiêng biến mọi sự và mọi người thành ánh sáng. Người là ánh sáng của Thiên Chúa chúng ta: nghèo và giàu, thương xót và công bằng, hiện diện và giấu ẩn, nhỏ bé và vĩ đại.
Chúng ta hãy ghi nhớ đoạn văn tuyệt vời này của Thánh Macarius Cả, một Giáo Phụ ở sa mạc thế kỷ thứ tư, nói về Giáng sinh: Thiên Chúa tự làm cho mình nhỏ bé! Đấng không thể tiếp cận và không bị tạo dựng, trong sự tốt lành vô hạn và khôn tả của mình, đã lấy một thân xác và làm cho mình trở nên bé nhỏ. Trong lòng tốt của mình, Người xuống khỏi vinh quang của mình. Không ai ở trên trời hay dưới đất có thể nắm bắt được sự vĩ đại của Thiên Chúa, và không ai ở trên trời hay dưới đất có thể nắm bắt được cách Chúa làm cho mình nghèo và nhỏ bé vì người nghèo và người nhỏ bé. Sự vĩ đại của Người không thể hiểu được như thế nào, thì sự yếu đuối của Người cũng không thể hiểu được như vậy” (xem Ps.-Macarius, Bài giảng IV, 9-10; XXII, 7: PG 34: 479-480; 737-738).
Chúng ta hãy nhớ rằng Giáng sinh là ngày lễ của Thiên Chúa vĩ đại, người làm cho mình trở nên nhỏ bé và trong sự yếu đuối của mình không ngừng trở nên vĩ đại. Và trong phép biện chứng vĩ đại và nhỏ bé này, chúng ta tìm thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa. Sự vĩ đại trở nên nhỏ bé và sự yếu đuối trở thành vĩ đại (Homily in Santa Marta, 14 tháng 12 năm 2017; xem Homily ở Santa Marta, 25 tháng 4 năm 2013).
Mỗi năm, Lễ Giáng sinh cho chúng ta sự chắc chắn này: ánh sáng của Thiên Chúa sẽ tiếp tục tỏa sáng, bất chấp sự khốn cùng của con người. Nó cho chúng ta sự chắc chắn này: Giáo hội sẽ trồi lên đẹp đẽ hơn nhiều từ những khổ nạn này, sẽ thanh khiết và rạng rỡ hơn. Tất cả những tội lỗi và thiếu sót cũng như tội ác do một số con cái của Giáo hội phạm sẽ không bao giờ có thể làm mất vẻ đẹp khuôn mặt của Giáo Hội. Thật vậy, thậm chí chúng còn là một bằng chứng chắc chắn cho thấy sức mạnh của Giáo Hội không phụ thuộc chúng ta mà cuối cùng phụ thuộc Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của thế giới và ánh sáng của vũ trụ, Đấng yêu thương và hiến mạng sống cho Giáo Hội. Lễ Giáng sinh cho chúng ta sự chắc chắn này: những sự ác nghiêm trọng mà một số người vấp phạm sẽ không bao giờ có thể che mờ tất cả những điều tốt đẹp mà Giáo hội đã tự do thực hiện trên thế giới. Lễ Giáng sinh mang lại sự chắc chắn này: sức mạnh thực sự của Giáo hội và các cố gắng hàng ngày của chúng ta, thường ẩn giấu, nằm ở nơi Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội trong mọi thời đại, biến cả tội lỗi thành cơ hội tha thứ, biến thất bại thành cơ hội đổi mới, và biến cái ác thành một cơ hội để thanh tẩy và chiến thắng.
Cảm ơn anh chị em rất nhiều và chúc mọi người một Giáng sinh vui vẻ!
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN