Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/12/2018: Nhìn lại các diễn biến nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2018
18/12/2018 12:00:00 SA

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2017 rất đáng quan ngại

Trong những năm vừa qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo. Tuy nhiên, oái oăm thay, số các nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất không phải là ở các quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo hoặc ở các quốc gia Châu Á, nhưng chính là tại Mỹ châu Latinh nơi có một đa số rõ rệt dân chúng là người Công Giáo. Điều này không chỉ xảy ra trong năm nay 2017, nhưng là một thực tại liên tục trong suốt 8 năm vừa qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra nhận xét cay đắng như trên trong bản phúc trình về con số các nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị thảm sát trong năm 2017 sắp kết thúc.

Trong năm 2017, 23 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo đã bị giết trên toàn thế giới, trong đó có 13 linh mục, 1 sư huynh, 1 nữ tu, và 8 giáo dân truyền giáo.

Phân bố theo lãnh thổ, đây là năm thứ 8 liên tiếp Mỹ Châu Latinh (Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) là nơi có số lượng lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết chết với con số lên đến 11 vị trong đó có 8 linh mục, 1 sư huynh và 2 giáo dân truyền giáo. Kế đến là Phi Châu, nơi có 10 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết gồm 4 linh mục, 1 nữ tu, và 5 giáo dân truyền giáo. Tại Á châu, 1 linh mục, và 1 giáo dân truyền giáo đã bị giết. Cả hai đều bị giết tại Phi Luật Tân, là quốc gia duy nhất tại châu Á nơi đa số dân theo Công Giáo

Nếu chúng ta xét riêng từng quốc gia, thì trong năm 2017, Nigeria dẫn đầu với 5 nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết, tiếp đến là Mễ Tây Cơ có 4 vị, Colombia và Phi Luật Tân mỗi nước có hai vị.

Với 4 linh mục bị giết, Mễ Tây Cơ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Báo cáo của Fides cũng đề cập đến một giám mục bị giết tại giáo phận Bafia của Cameroon. Xác Đức Cha Jean-Marie Benoit Bala được tìm thấy trong dòng sông Sanaga vào ngày 2 tháng Sáu. Cơ quan tư pháp của Cameroon quyết liệt cho rằng Đức Cha tự tử, trong khi Hội Đồng Giám Mục kiên trì lặp lại rằng Đức Cha không tự sát, nhưng “đã bị sát hại tàn bạo” trước khi bị ném xuống giòng sông đang chảy xiết.

2. Bối cảnh Hội Nghị: “Đương đầu với bạo lực nhân danh tôn giáo”

Tháng 10 năm 2016, quân Iraq mở cuộc tấn công vào vùng bình nguyên Ninivê. Đầu tháng Giêng 2017, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị vây chặt trong thành Mosul. Những biến chuyển ấy khiến nhiều người lạc quan tin rằng làn sóng bách hại các Kitô hữu trên thế giới sẽ phải chậm lại. Nhưng không, tổ chức Open Doors vừa công bố một báo cáo cho thấy 3,066 Kitô hữu đã bị giết vì niềm tin Kitô của mình trong năm ngoái 2017, nhiều gấp hai lần năm 2016.

Tất cả 11 nước vẫn thường được xem là bạc đãi các Kitô hữu nhất giờ đây đều được coi là những nơi bách hại dã man hơn bao giờ hết trong 26 năm theo dõi của Open Doors. Dựa trên các dữ liệu về năm lĩnh vực của cuộc sống - cuộc sống riêng tư, gia đình, cộng đồng, quốc gia và Giáo Hội, Open Doors khẳng định rằng trên toàn thế giới có đến 50 quốc gia nơi sự bách hại các tín hữu Kitô đã lên đến mức cực đoan một cách đáng báo động.

Bắc Triều Tiên vẫn giữ vị trí số một trong việc khủng bố các Kitô hữu, theo sau là Afghanistan và Somalia, nơi mà các Kitô hữu thường xuyên phải gánh chịu những hình thái bạo lực của người Hồi giáo.

Báo cáo mới nhất của Open Doors nêu bật những mức độ bức hại chưa từng thấy ở Ai Cập, là nơi năm ngoái có hơn 200 Kitô hữu bị đuổi ra khỏi nhà và 128 người bị giết vì đức tin của họ. Ai Cập là nơi sinh sống của cộng đồng Coptic lớn nhất ở Trung Đông, phần lớn là người theo Chính Thống Giáo. Trong ngày Giáng sinh vừa qua, các Kitô hữu đã tham dự các nghi lễ cùng với những người lính giữa các hàng rào an ninh nghiêm nhặt. Lễ Phục Sinh năm ngoái hai vụ đánh bom nhà thờ đã giết chết 49 người.

Theo những tác giả của báo cáo này, việc bọn khủng bố Hồi giáo bị đẩy lùi khỏi Iraq và Syria đã góp phần làm gia tăng mức độ bạo lực ở các nước xung quanh.

Cựu Giám đốc điều hành của Open Doors tại Vương quốc Anh và Ái Nhĩ Lan là bà Lisa Pearce nói: “Kitô hữu ở Ai Cập đang phải đối mặt với một sự phân biệt và đe dọa nặng nề, nhưng họ quyết liệt không chối bỏ niềm tin của mình. Chúng ta những người sống ở Anh và Ái Nhĩ Lan khó tưởng tượng hết nổi những khía cạnh đau thương mà họ phải gánh chịu.”

Bà nói rằng các hình thức phân biệt đối xử bao gồm việc không có việc làm, bị từ chối giấy phép quy hoạch gia cư và là mục tiêu của các cuộc tấn công khi họ đi nhà thờ.

Danh sách của Open Doors cũng nhấn mạnh đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, là nước trong ba năm gần đây đã tăng đều đặn lên đến hạng 31 trong năm nay.

Các khu vực đáng quan tâm khác là chủ nghĩa cực đoan Hindu ở Ấn Độ và Nepal, cũng như xu hướng bách hại đang nổi lên ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Malaysia.

Theo báo cáo, cuộc bách hại tiếp tục gia tăng trên khắp châu Phi, với Sudan, Somalia, Eritrea và Libya là những quốc gia trong số 11 nước tồi tệ nhất.

3. Đức Hồng Y Vinko Puljić /vin-kô pu-líc/: 10,000 người Công Giáo di tản khỏi Bosnia mỗi năm vì bị kỳ thị

Bosnia và Herzegovina /bốt-nhi-a héc-sê-gô-vi-na/ đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna /vơ-bốts-nia/, đã lại báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia /krô-tsi-a/. Khoảng 10,000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Hồng Y cho biết như sau:

Thưa Đức Hồng Y, xin ngài cho biết khái quát về tình hình hiện tại của người Công Giáo ở Bosnia và Herzegovina

Trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia /krô-tsi-a/thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Điều gì làm họ hoảng sợ nhất, thưa Đức Hồng Y?

Không có quyền bình đẳng đối với họ trong những miền mà người Công Giáo là thiểu số so với đa số dân là người Hồi giáo hay Chính thống Serbia. Phân biệt đối xử được thể hiện rõ rệt trong các điều khoản chính trị và hành chính, nhất là ở nơi làm việc. Chúng tôi rất âu lo cho tương lai. Nếu không có người Croatia ở đó, thì người Công Giáo càng ít đi rất nhiều.

Đức Hồng Y có thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào không?

Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.

Các Kitô hữu đóng góp như thế nào để vượt qua những hậu quả của chiến tranh, thưa Đức Hồng Y?

Chúng tôi cho rằng thật là một ân sủng lớn lao để được sống đức tin của mình. Chúng tôi kín múc hy vọng và sức mạnh từ lời cầu nguyện cộng đồng và cá nhân. Thánh Lễ Chúa Nhật và các cuộc hành hương của chúng tôi là một nguồn sức mạnh quan trọng. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong thực tại của con người, và do đó chúng ta nên trải nghiệm Giáng sinh trong mọi chiều kích thực tại của nó. Trước Hài Nhi Giêsu, chúng ta được kêu gọi để minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa là nguồn vui đích thực của chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều là những thụ tạo được Chúa yêu thương.

Cũng giống như Thiên Chúa đã đến và sống giữa chúng ta, Emmanuel là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vì vậy chúng ta cũng phải gần gũi với nhau và gần gũi với Chúa hơn. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải chữa lành các vết thương bằng cách tha thứ cho nhau và phó thác mọi sự cho sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa.

4. Tuyên bố của Đức Cha Jacques Benoit-Gonin về phép lạ thứ 70 tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức

Một giám mục Pháp tuyên bố hôm Chúa Nhật 11 tháng 2 rằng Giáo Hội chính thức công nhận là phép lạ việc phục hồi không thể giải thích được về mặt Y khoa của một nữ tu bị liệt kinh niên đã nhiều năm.

Nữ tu Bernadette Moriau, sau nhiều năm bị liệt nặng, đã được chữa lành một cách “đột ngột, tức khắc, hoàn toàn và khỏi hẳn từ đó đến nay”. Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, là Giám mục Giáo phận Beauvais đã tuyên bố như trên trong thánh lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Đây là phép lạ thứ 70 xảy ra ở Lộ Đức nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.

Phép lạ này đã xảy ra gần 10 năm trước sau khi sơ Bernadette Moriau tham dự một buổi lễ sức dầu cho các bệnh nhân tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở miền Nam nước Pháp.

Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức là nơi Đức Mẹ đã hiện ra cách đây 160 năm với một cô gái 14 tuổi, được coi là một nơi linh thánh vì nhiều bệnh nhân đã được khỏi bệnh cách kỳ diệu. Nước chảy từ suối trong hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra có quyền năng chữa lành và hàng triệu người hành hương đến viếng thánh địa này mỗi năm.

Phép lạ xảy ra đối với sơ Moriau đã trải qua nhiều cuộc nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi của Ủy ban Y tế Quốc tế Lourdes trước khi Giáo Hội đưa ra quyết định cuối cùng liệu đó có phải là một phép lạ hay không.

Sơ Moriau đã phải trải qua 4 lần giải phẩu cột sống từ năm 1968 đến năm 1975 và đã bị tuyên bố là bại liệt hoàn toàn vào năm 1980. Một chân sơ bị xoắn vĩnh viễn, buộc sơ phải đeo nẹp và dùng xe lăn. Sơ cho biết đã phải dùng những liều morphine rất cao để giảm đau.

Người nữ tu giờ đây đã 79 tuổi nói: “Tôi chưa bao dám cầu xin một phép lạ,” khi kể lại cuộc hành hương vào tháng 7 năm 2008 của sơ đến Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Sơ nói trong một video được đăng trên trang web của giáo phận Beauvais rằng sau khi trở về nhà dòng của mình ở gần thành phố Beauvais và đang khi cầu nguyện trong nhà nguyện “Tôi cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy khắp cơ thể mình, một sự thư giãn, ấm áp ... Tôi về phòng của mình, và ở đó có một giọng nói với tôi “tháo nẹp con ra đi”, “Thật kinh ngạc, tôi có thể đi đứng như thường”

Sơ Moriau cho biết thêm ngay lập tức sơ quăng hết tất cả cả dụng cụ trợ giúp, từ cái nẹp sắt, đến cái xe lăn và cả những ống morphine - và đi bộ 5km một vài ngày sau đó.

Trong thông cáo của giáo phận Beauvais, Đức Cha Jacques Benoit-Gonin cho biết chi tiết như sau : “Chiều ngày 11/07/2008, khi sơ Moriau đang chầu Thánh Thể, sơ đã trải qua một khoảnh khắc ngoại thường khi hiệp thông với Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức và với cuộc hành hương mà sơ mới thực hiện. Khi sơ trở về phòng mình, sơ cảm thấy được thúc đẩy bỏ hết các bộ phận trợ giúp trên người mình: các máy móc y khoa và tắt cả máy kích thích thần kinh... Ngay lập tức sơ bắt đầu bước đi mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, hoàn toàn độc lập. Sơ đã gọi các sơ cùng dòng đến chứng kiến và các sơ đó đã nhận thấy sự thay đổi.”

Đức Cha Jacques Benoit-Gonin nói sự thay đổi “đột ngột, tức khắc, hoàn toàn và khỏi hẳn từ đó đến nay” đã khiến ngài nhận ra đây có thể là một phép lạ. Ủy ban Y khoa Lourdes sau nhiều cuộc nghiên cứu đã khẳng định rằng những thay đổi này không thể giải thích được “trong tình trạng hiện tại của kiến thức khoa học của chúng ta”

Phép lạ trước đây ở Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, tức là phép lạ thứ 69, đã được tuyên bố vào năm 2013. Một phụ nữ Ý đến thăm Lộ Đức năm 1989, bị cao huyết áp nghiêm trọng và nhiều vấn đề khác đã được chữa lành hoàn toàn.

Không phải mọi phép lạ đều được công bố tại Lộ Đức. Một nữ tu người Pháp, là sơ Marie Simon-Pierre, được tuyên bố là đã khỏi bệnh Parkinson sau khi cầu nguyện cùng cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Phép lạ này được công bố tại Vatican trong tiến trình tuyên thánh cho vị Giáo Hoàng Ba Lan vào năm 2014.

Ít nhất 7200 trường hợp khỏi bệnh đã được Ủy ban Y khoa Lourdes ghi nhận, đến nay Giáo Hội chỉ mới công nhận 70 phép lạ.

5. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói trong tâm tư tôi đang hành hương về Nhà.

Trong một lá thư gửi tiến sĩ Massimo Franco, một ký giả của tờ báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Người Ðưa Tin Chiều, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã trả lời cho nhiều độc giả của tờ báo muốn biết về tình trạng sức khỏe của ngài.

Thư của Đức Bênêđíctô thứ 16 gửi cho Tiến sĩ Massimo Franco được gửi từ đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican và đã đến trụ sở báo ở Roma vào sáng ngày 06 tháng 02 vừa qua.

Trong thư Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:

Tiến sĩ Franco thân mến,

Tôi cảm động khi nhiều độc giả của quý báo muốn biết về những ngày cuối đời tôi diễn ra thế nào. Tôi chỉ có thể nói về điều này là, khi sức khỏe thể lý đang dần suy giảm đi, thì trong nội tâm, tôi đang trong cuộc hành hương tiến về Nhà.

Thật là một ân phúc đối với tôi, trong đoạn đường cuối này, có khi hơi mệt mỏi, được bao bọc bởi một tình yêu và lòng tốt mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được.

Theo nghĩa này, tôi xem câu hỏi của các độc giả của quý báo như là một sự đồng hành. Vì điều này, tôi không thể làm gì hơn là cám ơn và về phần tôi, tôi đoan chắc là cầu nguyện cho tất cả các bạn.

Trân trọng kính chào.

Bênêđíctô thứ 16

6. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức KHÔNG tán thành việc chúc lành cho các cặp đồng tính

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức kêu gọi các linh mục chăm sóc mục vụ tốt hơn cho những người Công Giáo đồng tính, nhưng ngài nói: “Tôi nghĩ điều đó không đúng” khi được hỏi liệu ngài có thể tưởng tượng ra một ngày nào đó Giáo Hội Công Giáo sẽ có một nghi thức để chúc lành cho các cặp đồng tính.

Đức Hồng Y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào ngày 3 tháng Hai vừa qua.

Các phương tiện truyền thông Công Giáo Đức đã giải thích các nhận xét của Đức Hồng Y như một bước chống lại đề xuất của Đức Cha Franz-Josef Bode, là Giám mục giáo phận Osnabruck. Tháng Giêng vừa qua, Đức Cha Bode nói Giáo Hội Công Giáo nên tranh luận về khả thể hình thành một buổi lễ chúc phúc trong nhà thờ cho các cặp đồng tính người Công Giáo.

Tuy nhiên, có lẽ vì trở ngại ngôn ngữ, nên một số phương tiện truyền thông tiếng Anh và các blog đã giận dữ trước lời nhận xét của Hồng Y Marx, và cho rằng Đức Hồng Y Marx “tán thành” các buổi lễ chúc phúc như thế.

Căng thẳng dâng cao đến mức Đức Cha Charles J. Chaput, là Tổng Giám mục của Philadelphia lên tiếng kêu gọi các giám mục trên thế giới hãy lên tiếng minh định quan điểm của các ngài trước một viễn ảnh nguy hiểm cho đức tin như vậy.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói, “bất cứ nghi lễ chúc phúc nào như thế” sẽ là một sự hợp tác với một hành động vô luân, bất kể mức độ chân thành của những người muốn được chúc lành vì điều đó gây ra những nhầm lẫn và lừa dối các tín hữu, và sẽ làm tổn thương sự hiệp nhất của Hội thánh chúng ta. Chúng ta không thể lờ đi hoặc im lặng trước vấn đề này”.

Giáo Hội Công Giáo khẳng định hôn nhân chỉ có thể là giữa một người nam và một người nữ. Giáo Hội cũng dạy rằng mặc dù những người đồng tính đáng được tôn trọng và chăm sóc về tinh thần, nhưng hành vi tính dục đồng giới là một tội lỗi nghiêm trọng.

Trong cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marx, người phỏng vấn nói rằng nhiều người tin rằng Giáo Hội nên chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, phong chức phó tế cho phụ nữ và kết thúc sự độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh.

Theo bản dịch sang tiếng Anh do Hội Đồng Giám mục Đức vừa đưa ra nằm kết thúc vụ tranh luận sóng gió này, Đức Hồng Y Marx nói ngài không tin rằng những thay đổi này là những gì Giáo Hội cần nhất hiện nay. “Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào Giáo Hội có thể đáp ứng được những thách thức do những hoàn cảnh mới của cuộc sống ngày nay, cũng như những hiểu biết mới trong công việc mục vụ, và việc chăm sóc mục vụ”.

Đức Hồng Y nói tiếp rằng theo giáo huấn và gương mẫu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc chăm sóc mục vụ, “chúng ta phải xem xét tình hình của mỗi cá nhân, lịch sử cuộc đời, tiểu sử của họ, những khó khăn người ấy phải trải qua, những hy vọng phát sinh, những mối quan hệ của người ấy. Chúng ta phải nghiêm túc hơn và phải cố gắng hơn trong việc tháp tùng với mọi người trong hoàn cảnh sống của họ.”

Ngài nói thêm là những điều này cũng đúng trong việc mục vụ dành cho những người đồng tính luyến ái: “Chúng ta phải gần gũi về phương diện mục vụ với những người cần chăm sóc và cũng muốn được chăm sóc. Và chúng ta cũng phải khuyến khích các linh mục và các nhân viên mục vụ khích lệ mọi người trong những tình huống cụ thể. Tôi không thấy có vấn đề gì ở đây. Một vấn đề hoàn toàn khác là làm thế nào để được thực hiện trong bầu khí công cộng và theo đúng phụng vụ. Đây là những điều bạn phải cẩn thận và phải suy nghĩ một cách chín chắn”

Mặc dù loại trừ khả năng có thể đưa ra các “giải pháp chung” chẳng hạn như một nghi thức công cộng, Đức Hồng Y Marx nói, “điều đó không có nghĩa là không có gì xảy ra, nhưng tôi thực sự phải dành lại cho các mục tử tại chỗ trong việc đồng hành cùng các cá nhân với sự chăm sóc mục vụ. Trong lãnh vực này bạn có thể thảo luận các vấn đề, như hiện đang được thảo luận, và xem xét: Chẳng hạn như các nhân viên mục vụ nên đương đầu với vấn đề này như thế nào? Tuy nhiên, tôi thực sự muốn nhấn mạnh đến việc dành lại vấn đề này cho các linh mục tại chỗ và các cá nhân cụ thể, và xin đừng đòi hỏi bất kỳ những quy tắc nào nữa - Có những điều không thể điều chỉnh được.”

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục cho hay Đức Hồng Y không muốn được phỏng vấn thêm.

7. Kinh cầu Đức Bà cứu các nữ tu Damascus thoát chết trong gang tấc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây được thu hình vào ngày Chúa Nhật Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 2016 khi tổng thống Syria là ông Bashar Al-Assad, cùng với vợ và các con đến thăm một ngôi làng Kitô giáo lâu đời tại Saydnaya, một vùng ven ở phía Bắc thủ đô Damascus.

Đây là những thời khắc thanh bình nhất của vùng này. Chẳng may, là trong vòng chỉ mới hơn một năm tình hình đã xấu đi rất nhanh.

Cuộc chiến tại Syria đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ trong suốt 7 năm qua. Từ đầu năm nay, chiến sự chung quanh thủ đô Damascus đã bùng lên dữ dội. Chẳng hạn như tại quận Đông Ghouta, nơi phiến quân dùng làm cứ điểm bắn hoả tiễn vào thủ đô Damascus, máy bay Nga và Syria đã ném bom vào cả thường dân vô tội trong một cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của các nhóm phiến quân. Tính cho đến ngày 23 tháng Hai vừa qua, Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất đã có 541 thường dân vô tội bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Trong báo cáo đưa ra hôm 8 tháng Hai, Caritas Syria cho biết: “Hơn 200 quả đạn pháo đã rơi vào các khu phố phía đông của Damascus, khiến 28 người chết và 90 người bị thương. Các cuộc tấn công vẫn đang tiếp diễn”

Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, trong báo cáo hôm 22 tháng Hai cho biết thêm như sau: “Đạn pháo rơi dữ dội vào tu viện của nữ tu Annie Demerjian. Bà và những người khác trong tu viện đã thoát chết trong gang tấc. Quả bích kích pháo rơi trúng chỗ trú ẩn cùa họ nhưng không nổ.”

Nữ tu Annie nói: “Hôm qua, tức là ngày 21 tháng Hai, cảnh tượng ở đây giống như địa ngục. Hoả tiễn rơi xuống như mưa. Người bị thương nằm la liệt. Các sinh viên đang trốn trong tu viện và các nữ tu chúng tôi khiêng họ xuống hầm trong khi không ngớt đọc kinh cầu Đức Bà. Một trái hỏa tiễn rơi đúng vào căn hầm chúng tôi. May mắn, nó không nổ. Nó nổ có lẽ chúng tôi chết hết. Thật đúng là Đức Bà phù hộ các tín hữu.”

Cha Andrzej Halemba thành viên Caritas địa phương nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ:

“Bạo động đang gia tăng vì các nhóm liên quan đến al-Qaida muốn chiếm một căn cứ quân sự then chốt ở vùng này. Căn cứ này, được gọi là ‘Căn cứ ô tô’, chứa nhiều binh lính, quân xa cũng như các kho vũ khí lớn.”

“Hãy cầu nguyện cho chúng tôi ở Syria”, cha Andrzej Halemba nói.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc chiến tại Syria trong những ngày này vẫn đang hết sức ác liệt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em trong đức tin của chúng ta.

Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con.

Ðức Bà phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.

8. Công bố Tông Huấn Gaudete et Exsultate

Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “ơn gọi thánh thiện trong thế giới hiện đại” đã được công bố vào sáng ngày thứ Hai 9 tháng Tư.

Tài liệu này đã được Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma trình bày tại một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tham dự cùng Đức Tổng Giám Mục còn có nhà báo Gianni Valente, một người Ý làm việc cho Fides, cơ quan thông tấn xã Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Paola Bignardi, một nhà giáo dục và là cựu Chủ tịch Tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia.

Tựa đề của lời Tông huấn là cụm từ được sử dụng trong Phúc Âm Matthêu chương 5 câu 12, phần cuối của Tám Mối Phúc Thật “Anh em hãy mừng rỡ hân hoan, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

Đức Thánh Cha Phanxicô, năm nay 81 tuổi, đã công bố trước đó hai Tông huấn, cả hai đều đưa ra những suy tư từ các cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục. “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Phúc Âm), được công bố vào năm 2013, tập trung vào việc công bố Tin Mừng trong thế giới hiện đại và bao gồm các đề xuất từ Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về phúc âm hóa mới. Tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu thương), được công bố năm 2016 và tập trung vào việc mục vụ gia đình. Tông huấn này bao gồm các đề xuất thảo luận trong các phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2014 và 2015.

9. Sau đại họa cộng sản, dân số Chính Thống Giáo tăng gấp đôi

Theo lịch sử, sự hiện diện của Chính Thống Giáo tại Trung và Đông Âu đã bắt đầu vào thế kỷ thứ 9, nhờ các nỗ lực truyền giáo cuả các thừa sai đến từ thủ đô Constantinople của đế chế Byzantine (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Chính Thống Giáo được truyền đầu tiên đến Bảo Gia Lợi, Serbia và Moravia (nay là một phần của Cộng hòa Tiệp), và sau đó, bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, được truyền sang Nga.

Sau cuộc Đại Ly Giáo vào năm 1054, hoạt động truyền giáo của các thừa sai Chính Thống Giáo được mở rộng khắp Đế chế Nga từ những năm 1300 đến những năm 1800.

Chẳng may là trong thế kỷ qua, nhiều vùng rộng lớn tại và Đông Âu và toàn bộ nước Nga rơi vào sự thống trị của cộng sản. Dân số Chính Thống Giáo sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ sau khi cộng sản sụp đổ tại Đông Âu và tại Nga dân số Chính Thống Giáo trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi và bây giờ đứng ở mức gần 260 triệu người. Riêng ở Nga, đã có hơn 100 triệu người xưng mình là tín hữu Chính Thống Giáo, một sự hồi sinh rất mạnh sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Mặc dù có sự gia tăng số lượng tuyệt đối, tỷ lệ tương đối các Kitô hữu Chính thống so với Công Giáo và các hệ phái Kitô đã giảm mạnh do sự tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều trong số những người theo đạo Tin Lành, và người Công Giáo. Ngày nay, chỉ có 12% Kitô hữu trên toàn thế giới là Chính thống, so với 20% cách đây một thế kỷ. Và 4% tổng dân số toàn cầu là Chính thống, so với ước tính 7% vào trước khi xảy ra cuộc Cách Mạng Bolshevik tại Nga.

Sự phân bố địa lý của Chính thống giáo cũng khác với các truyền thống Kitô giáo khác trong thế kỷ 21. Năm 1910 - ngay trước khi xảy ra các sự kiện gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga, và sự tan rã của một số đế quốc châu Âu - tất cả ba chi nhánh chủ yếu của Kitô giáo (Chính thống, Công Giáo và Tin Lành) đều chủ yếu tập trung ở châu Âu. Nhưng sau đó, người Công Giáo và Tin lành đã mở rộng ra bên ngoài lục địa này, trong khi Chính Thống Giáo vẫn tập trung chủ yếu ở châu Âu. Ngày nay, 77% các tín hữu Chính Thống sống ở châu Âu. Ngược lại, chỉ có 24% người Công Giáo và 12% người Tin lành hiện đang sống ở châu Âu.

Trong khi Chính thống giáo lan truyền trên khắp lục địa Á-Âu, các nhà truyền giáo Tin Lành và Công Giáo từ Tây Âu đi ra các châu lục khác, qua Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh, và những nước khác nữa, mang Kitô giáo phương Tây (Công Giáo và đạo Tin Lành) đến vùng cận Sahara Châu Phi, Đông Á và Châu Mỹ - những vùng mà trong thế kỷ 20 có sự tăng dân số nhanh hơn nhiều so với châu Âu.

Ngày nay, cộng đoàn Chính Thống Giáo lớn nhất bên ngoài Đông Âu là ở Ethiopia với khoảng 36 triệu tín hữu, chiếm gần 14% tổng dân số Chính thống trên toàn thế giới.

10. Phản ứng tại Pháp về lời kêu gọi của tổng thống Macron hàn gắn các quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) tại trường đại học Bernardins ở Paris, vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một vấn đề nhạy cảm trong một xứ sở nơi tôn giáo và nhà nước đã bị luật pháp tách biệt vào năm 1905. Bên cạnh đó, giờ đây Pháp cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất châu Âu.

Ông Macron còn đi xa hơn thế khi kêu gọi có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.

Tổng thống nhận xét rằng việc ông có mặt giữa các Giám Mục tự nó đã là một thành tựu quan trọng vì “chúng ta chia sẻ cảm giác rằng mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước đã bị hư hại, rằng đã đến lúc chúng ta, cả các vị và tôi, đều muốn sửa chữa điều đó”.

Lớn lên trong một gia đình chẳng theo tôn giáo nào, Macron đã tự mình xin được chịu phép Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi lên 12 tuổi.

Lời kêu gọi của tổng thống đã được các đối thủ chính trị đón nhận một cách hằn học. Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên tổng thống thất cử trong cuộc đua vào tháng Năm 2017 nói:

“Chúng ta mất ba thế kỷ nội chiến và đấu tranh để có được như ngày hôm nay, hoàn toàn không có lý do gì để vặn ngược đồng hồ quay trở lại... vì một ý tưởng bất chợt như thế của tổng thống”

Cựu Thủ tướng Manuel Valls và lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure nói rằng việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước phải là một trụ cột chính trị, ở một đất nước mà các công chức bị cấm không được đeo mạng che mặt Hồi giáo và những trang phục khác có ý nghĩa tôn giáo.

Chính phủ của tổng thống Macron hiện đang vất vả tìm cách xác định lại các quy chế và vai trò của Hồi Giáo là tôn giáo lớn thứ hai tại Pháp, sau một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo giết chết khoảng 240 người kể từ đầu năm 2015.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo không coi nặng và chẳng kỳ vọng gì nhiều nơi các phát biểu của tổng thống Macron. Các ngài không nghĩ rằng một sớm một chiều các ngài có thể gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ.

Đức Hồng Y Georges Pontier, người đã gặp tổng thống vào tối thứ Hai, nói với đài truyền hình CNews rằng ông hiểu những nhận xét của tổng thống không có gì khác hơn là một lời mời gọi tham dự vào các cuộc đối thoại cởi mở hơn.

Ngài nói: “Một số người tưởng tượng Giáo Hội Công Giáo muốn áp đặt quyền hạn của mình trên tư duy của mọi người, và hơn thế nữa, nhưng điều đó không đúng”.

11. Các tổ chức phò sinh hoan nghênh quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bỏ quyền phá thai khỏi các nhân quyền

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã loại bỏ một phần nói về “quyền sinh sản” trong báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của mình và thay thế nó bằng các số liệu thống kê nói lên “sự ép buộc trong kiểm soát dân số”.

Báo cáo quốc gia năm 2017 về thực tiễn nhân quyền, được công bố tuần trước, đưa ra các thông tin về phá thai cưỡng bức, buộc triệt đường sinh sản và “các biện pháp kiểm soát dân số cưỡng chế khác”.

Mục này trước đây dưới thời Obama được gọi mục về “quyền sinh sản” mà trong thực chất là quyền phá thai, ngừa thai nhằm áp lực các quốc gia kém mở mang phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa trong sinh sản.

Ông Michael Kozak phát ngôn viên Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết sự thay đổi này là “không làm giảm các quyền của người phụ nữ” mà đúng hơn là “ngừng sử dụng một thuật ngữ có nhiều ý nghĩa khác nhau.”

Các nhóm phò sinh đã hoan nghênh sự thay đổi này. Lila Rose of Live Action cho biết: “Quyền sinh sản 'từ lâu đã là một thứ lộng ngôn xảo ngữ nhằm hủy hoại cuộc sống con người trong bụng mẹ.”

“Một cụm từ có vẻ như trao quyền cho người phụ nữ nhưng thực chất là buộc họ giết những đức con chưa chào đời.”

12. Tranh luận về vấn đề cho người Tin Lành rước lễ: Đức Thánh Cha khuyên các Giám Mục Đức tìm kiếm một sự đồng tâm nhất trí

Một nhóm các Giám mục Đức đã gặp nhau tại Vatican để có một cuộc thảo luận về đề xuất mục vụ liên quan đến việc cho phép người phối ngẫu Tin Lành của một người Công Giáo được Rước Lễ.

Trong cuộc họp diễn ra tại Vatican hôm thứ Năm 3 tháng 5, các quan chức cao cấp của Vatican và các thành viên của Hội Đồng Giám mục Đức đã tổ chức một cuộc thảo luận về một đề cương hướng dẫn mục vụ được Hội đồng Giám mục Đức công bố vào tháng Hai. Hội đồng Giám mục Đức vào thời điểm đó đã chuẩn y việc thảo ra các hướng dẫn, có khả năng mở rộng sự cho phép người phối ngẫu Tin Lành của một người Công Giáo được Rước Lễ.

Theo một tuyên bố từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh, được phát hành sau khi cuộc gặp gỡ xảy ra, cuộc họp đã diễn ra trong một “bầu không khí thân ái và huynh đệ.”

Các Giám mục Đức đã được Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đến Rôma sau khi “một số đáng kể” các Giám mục bày tỏ sự chống đối của họ đối với các hướng dẫn được đề xuất. Bảy Giám mục các giáo phận tại Đức đã lên tiếng kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin, Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật làm sáng tỏ việc này.

Trong cuộc đối thoại, diễn ra bằng tiếng Đức, Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đánh giá cao sự dấn thân đại kết của các Giám mục Đức” và yêu cầu các ngài tìm kiếm “một dàn xếp có thể đồng tâm nhất trí với nhau được”.

Tuyên bố của phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng trong cuộc họp, nhiều quan điểm khác nhau đã được thảo luận, liên quan đến, chẳng hạn như, việc mở rộng sự cho phép Rước Lễ này liên quan thế nào đến Đức tin và việc chăm sóc mục vụ; sự liên quan đối với Giáo Hội phổ quát; và các khía cạnh pháp lý khác nhau của vấn đề. “Đức Tổng Giám Mục Ladaria sẽ thông báo cho Đức Thánh Cha về nội dung của buổi thảo luận”. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói.

Cuộc họp hôm thứ Năm đã diễn ra tại trụ sở của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Các giám mục Đức sau đây đã có mặt trong cuộc thảo luận: Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức; Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Köln; Đức Giám Mục Felix Genn của Münster; Đức Giám Mục Karl Heinz Wiesemann, là Giám mục giáo phận Speyer và là chủ tịch ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Đức; Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, Giám mục Regensburg và là phó chủ tịch ủy ban giáo lý; Đức Giám Mục Gerhard Feige, Giám mục giáo phận Magdeburg và là chủ tịch Ủy ban Hội nghị đại kết Kitô Giáo; và Cha Hans Langendorfer, linh mục dòng Tên, thư ký Hội đồng Giám mục Đức.

Về phía Tòa Thánh, ngoài Đức Tổng Giám Mục Ladaria, còn có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo; Đức cha Markus Graulich, Tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản lập pháp; và Cha Hermann Geissler, người đứng đầu văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/247959.htm

CÁC TIN KHÁC: