Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu 17/12/2018: Tổng thống Rodrigo Duterte đòi giết các Giám Mục chỉ trích ông ta
16/12/2018 12:00:00 SA
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trước thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho Đức Giám Mục Pierre Claverie và 18 bạn tử đạo, những vị đã bị giết vì đức tin ở Algeria trong khoảng thời gian từ 1994 đến 1996, Đức Thánh Cha nói rằng các vị tử đạo có một vị trí đặc biệt trong Giáo hội.
Trong lá thư gửi cho Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha viết:
“Giáo hội luôn dành sự tôn kính đặc biệt cho các vị tử đạo, những người có niềm tin và tình yêu Chúa mãnh liệt đến độ dám đổ máu đào để minh chứng cho đức tin”
Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh là đặc sứ của Đức Thánh Cha trong lễ tuyên phong Chân Phước vào ngày 8 tháng 12 cho 19 vị tử đạo Algeria tại Đền thánh Đức Mẹ Thánh Giá ở Oran, Algeria.
Trong bức thư của ngài, được viết bằng tiếng Latinh, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ những đau khổ và bách hại mà Chúa Kitô đã trải qua, đồng thời trích dẫn lời Chúa nói với các môn đệ Ngài rằng “tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15:20)
Đức Thánh Cha nhận xét rằng những lời này đã được xác nhận xuyên suốt thời gian và không gian trong các cuộc bách hại và trong việc tử đạo của các Kitô hữu.
Trích dẫn tông huấn Gaudete et exsultate (Hãy vui mừng hân hoan) của ngài vừa được công bố trong năm nay, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Bách hại không phải là chuyện của quá khứ vì ngày nay chúng ta cũng đang chứng kiến điều đó, qua việc đổ máu, như trường hợp của rất nhiều các vị tử đạo đương thời, và cả trong các hình thức tinh tế hơn như vu cáo và dối trá.”
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “lúc này lúc khác, sự bách hại cũng có thể diễn ra dưới những dạng thức chế diễu trong đó người ta cố gắng biếm họa đức tin của chúng ta và bôi lọ chúng ta như những kẻ ngu xuẩn.”
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các Kitô hữu không nên sợ bị bách hại vì Chúa Kitô đã từng nói với những môn đệ Ngài rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 18-20)
Cái chết của 19 vị tử đạo này giống như một hạt giống được gieo trên sa mạc và “những hạt giống đã nảy mầm”, dẫn đến sự tăng trưởng của các nhân đức, Đức Phanxicô viết tiếp. Các vị tử đạo yêu cuộc sống vĩnh cửu đến độ bất chấp cái chết, và bây giờ “các ngài đã dành được điều mình yêu thích, và các ngài sẽ đạt được điều đó viên mãn hơn nữa khi được phục sinh từ trong kẻ chết”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên Chân Phước này do Bộ Tuyên Thánh trình lên ngài vào tháng Giêng năm nay.
Đức Cha Claverie, người Algeria gốc Pháp, là Giám mục Oran từ năm 1981 cho đến ngày ngài chịu tử đạo, ngày 1 tháng 8 năm 1996, là một trong những vị Chân Phước vừa được tuyên phong. Ngài và các bạn tử đạo đã bị giết trong cuộc Nội chiến ở Algeria bởi những người Hồi giáo cực đoan.
Ngoài Đức Cha Claverie còn có Sư huynh Henri Vergès, Nữ tu Paul-Hélène Saint-Raymond, Nữ tu Esther Paniagua Alonso, Nữ tu Caridad Álvarez Martín, Cha Jean Chevillard, Cha Alain Dieulangard, Cha Charles Deckers, Cha Christian Chessel, Nữ tu Angèle-Marie Littlejohn, Nữ tu Bibiane Leclercq, Nữ tu Odette Prévost, Sư huynh Luc Dochier, Sư huynh Christian de Chergé, Sư huynh Christophe Lebreton, Sư huynh Michel Fleury, Sư huynh Bruno Lemarchand, Sư huynh Célestin Ringeard, and Sư huynh Paul Favre-Miville.
Những bạn tử đạo nổi tiếng nhất của Đức Cha Claverie là bảy tu sĩ dòng Trap bị bắt cóc tại tu viện Tibhirine vào tháng 3 năm 1996. Các ngài bị giữ như các con tin nhằm trao đổi với một số thành viên bị bắt giam của Nhóm Hồi giáo vũ trang Algeria. Khi mục đích này bất thành, các ngài bị giết vào tháng 5, 1996. Câu chuyện của các ngài đã được dựng thành phim trong bộ phim của Pháp mang tên “Des Hommes Et Des Dieux” năm 2010. Bộ phim đã giành được giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes.
Sau cái chết của các tu sĩ Tibhirine, Đức Cha Claverie biết rằng cuộc sống của ngài đang gặp nguy hiểm. Một quả bom phát nổ ở lối vào Tòa Giám Mục ngày 1 tháng 8 năm 1996, giết chết ngài và một người phụ tá, là anh Mohamed Bouchikhi.
2. Bối cảnh tử đạo của các vị vừa được tuyên Chân Phước tại Algeria
Hôm 08 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, trong tư cách là đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã chủ tế thánh lễ tuyên phong Chân Phước vào ngày 8 tháng 12 cho 19 vị tử đạo Algeria tại Đền thánh Đức Mẹ Thánh Giá ở Oran, Algeria.
Tháng 12, 1991 Mặt trận Cứu nguy Hồi Giáo thắng lớn trong vòng thứ nhất trong hai vòng của cuộc tuyển cử Quốc Hội. Trước nguy cơ thành lập một chính phủ Hồi Giáo quá khích, chính quyền Algeria can thiệp vào ngày 11 tháng Giêng 1992 và hủy bỏ kết quả bầu cử.
Nội chiến giữa chính quyền Algeria và các nhóm Hồi Giáo Vũ Trang bùng nổ và kéo dài cho đến tháng 10, 1997. Hơn 100,000 thường dân vô tội bị các nhóm Hồi Giáo vũ trang giết hại trong giai đọan này.
Vào ngày 27 tháng Ba năm 1996, 7 đan sĩ dòng Trap bị bắt cóc. Đến ngày 21 tháng Năm thì nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria tuyên bố nhận trách nhiệm đã tàn sát các đan sĩ này. Ngày 30 tháng Năm 1996, người ta tìm thấy thủ cấp các vị, nhưng không tìm thấy phần thi thể còn lại. Cái chết của 7 đan sĩ dòng Trap gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria đã tuyên bố nhận trách nhiệm giết hại các vị, tướng Pháp François Buchwalter cả quyết là chính quân đội Algeria đã giết các đan sĩ người Pháp này.
Dòng Trap có trụ sở tại Tibhirine, nước Algeria. Đây là một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam.
Ngoài 7 đan sĩ nói trên, còn có một vị Giám Mục khác là Đức Cha Pierre Claverie sinh năm 1938, bị giết năm 1996. Trong công việc mục vụ, ngài luôn để chăm sóc người Hồi Giáo nên người Hồi Giáo Algeria rất thương mến ngài và gọi ngài là Giám Mục của người Hồi Giáo. Ngài qua đời trong một vụ ám sát bằng bom khi cùng người tài xế đi đến tòa Giám Mục. Tang lễ của ngài được nhiều người Hồi Giáo tham dự.
Ngày 27 tháng Giêng vừa qua, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành nghị định cứu xét việc tuyên phong chân phước cho các đan sĩ này và Đức Cha Pierre Claverie.
Vụ tàn sát dã man các đan sĩ dòng Trap đã được giới điện ảnh Pháp làm thành phim có tựa đề “Des Hommes Et Des Dieux”, được trao giải thưởng Grand Prix tại đại hội điện ảnh Cannes, ở Pháp.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã viết lời tựa cho một cuốn sách bằng tiếng Pháp viết về bảy tu sĩ dòng Trap này.
Ngài viết:
“Hai mươi năm sau cái chết của họ, chúng ta được mời gọi là dấu chỉ của sự đơn sơ và lòng thương xót trong thời đại chúng ta, trong việc thực hành hàng ngày việc cho đi chính mình, theo gương Chúa Kitô,” Đức Giáo Hoàng đã viết như trên trong lời nói đầu cuốn sách có tựa đề: Tibhirine: L'heritage; nghĩa là Di sản Tibhirine, vừa được ra mắt công chúng hôm 6 tháng Tư, 2016.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngoài lòng thương xót, “sẽ không có cách nào khác để chống lại cái ác đã dệt thành một mạng nhện trong thế giới của chúng ta.”
3. Linh mục bị tạt axit khi đang giải tội
Chiều ngày 5 tháng 12, cha Mario Guevara, 59 tuổi, là cha xứ của Nhà thờ Chính Tòa của thủ đô Managua, Nicaragua, đã bị tạt axit sulfuric vào mặt khi đang ngồi tòa giải tội.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết cha Mario bị nhiều vết phỏng nghiêm trọng nhưng tình trạng của ngài đã ổn định và đã vượt qua được những nguy hiểm liên quan đến tính mạng.
Hung thủ là một phụ nữ 24 tuổi. Y thị, là một kẻ hoạt động phò phá thai quá khích, đã cố gắng chạy thoát nhưng bị anh chị em giáo dân có mặt trong nhà thờ bắt giữ giao cho cảnh sát. Các nguồn tin cảnh sát tại Managua cho biết trong lời khai ban đầu với các nhà điều tra y thị nói rằng cô ta bị Satan xúi giục phải làm như thế.
Tuyên bố từ tổng giáo phận yêu cầu anh chị em cầu nguyện cho cha Mario. Sức khỏe ngài vốn đã có nhiều vấn đề vì bệnh tiểu đường lâu năm. Tổng giáo phận cũng xin các tín hữu cầu nguyện “cho tất cả các linh mục của chúng ta” trong Tuần Cửu Nhật mừng lễ Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
4. Bà cụ 85 tuổi: “Ai muốn gỡ bỏ bức tranh Đức Mẹ của tôi, giết tôi trước đã”.
Bà Millie Francis đã suýt chết một lần nên bà sẵn sàng chịu mất mạng. Lần này là để bảo vệ một bức tranh Đức Mẹ.
Các nhà quản lý tài sản tại công viên nhà di động Vanguard của cộng đồng hưu trí nơi Millie Francis cư ngụ ở phía tây tiểu bang Florida đã yêu cầu bà gỡ bỏ một cửa sổ căn nhà di động của bà trên đó vẽ bức tranh Đức Mẹ Guadalupe.
Tờ Bradenton Herald của Florida cho biết bà Francis, năm nay 85 tuổi nói với các nhân viên của công viên:
“Muốn gỡ bỏ bức tranh Đức Mẹ của tôi hả? Giết tôi trước đã. Đừng có hòng dạy bảo bà già này phải làm gì. Đây là nước Mỹ. Chừng nào tôi còn hai tay và hai chân, tôi sẽ làm điều tôi muốn.”
16 năm trước, trong một cuộc giải phẩu, Millie Francis đã được tuyên bố chết lâm sàng trong 15 phút.
Đức tin Công Giáo và lòng sùng kính của bà đối với Đức Mẹ Guadalupe, vị thánh bảo trợ của Mỹ châu, càng thêm mãnh liệt đến mức bà nói với các nhân viên của công viên rằng bà sẵn sàng ra tòa chứ không loại bỏ bức tranh của mình.
Thiết kế thông thường của một căn nhà di động bao gồm một cửa sổ làm bằng kính. Tuy nhiên, bà Millie Francis đã thay miếng kính bằng một miếng gỗ trên đó vẽ bức tranh Đức Mẹ Guadalupe. Bà giải thích rằng làm như thế tránh được những cái nhìn tò mò vào trong nhà bà của những người hàng xóm và tránh được ánh pin đi tuần của các nhân viên bảo vệ thường làm phiền bà vào ban đêm.
“Tôi không muốn nói rằng tôi đã được thị kiến hay bất cứ điều gì tương tự như thế, nhưng tôi cảm thấy được linh hứng từ Đức Mẹ Guadalupe để có bức tranh Đức Mẹ.”
Đại diện của ban quản lý công viên nói với các phóng viên rằng bà Francis không xin phép họ khi thay miếng kính bằng miếng ván. Tuy nhiên, bà Francis nói việc buộc bà loại bỏ hình ảnh Đức Mẹ là một hành động phân biệt đối xử với đức tin Công Giáo của bà.
Những người hàng xóm khác đã trang trí bãi cỏ và xe kéo của họ với đủ thứ hình ảnh, “Đức Mẹ không làm tổn thương bất cứ ai.”
“Có tất cả mọi thứ ngoài kia, chẳng ai bắt bẻ, nhưng điều này là do tôi là người Công Giáo thành ra có vấn đề”, bà nói.
Vào ngày 9 tháng 11, các luật sư đại diện cho Vanguard đã cho bà Francis hạn chót là 30 ngày để loại bỏ hình ảnh Đức Mẹ. Hạn chót để bà tuân thủ quyết định của họ là 9 tháng 12, ba ngày trước ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe. Nhưng bà Francis cương quyết giữ vững quyết tâm của mình.
5. Ủy ban nhân quyền Phi Luật Tân chỉ trích tuyên bố của tổng thống Rodrigo Duterte đòi giết các Giám Mục chỉ trích ông ta
Hôm thứ Năm 6 tháng 12, văn phòng của Rodrigo Duterte, tổng thống Phi Luật Tân, đã lên tiếng thanh minh một tuyên bố gây tranh cãi của tổng thống đưa ra một ngày trước, trong đó ông ta đòi giết các Giám Mục chỉ trích mình.
Trong một bài phát biểu trước các quan chức chính quyền địa phương hôm thứ Tư, ông Duterte nói Giáo Hội Công Giáo chỉ là một “tổ chức đạo đức giả” bao gồm các giáo sĩ “vô dụng”.
“Những Giám Mục này đáng bị giết, họ chỉ là những kẻ ngốc chẳng ích lợi gì. Họ chỉ biết chỉ trích mà thôi,” ông ta nói:
Duterte có mối thù với Giáo Hội Công Giáo vì các Giám Mục thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích về chiến dịch bài trừ ma túy gây ra cái chết của nhiều người vô tội.
Salvador Panelo, phát ngôn viên của tổng thống, sau đó thanh minh với các phóng viên rằng tuyên bố khiêu khích của tổng thống xuất phát từ sự thất vọng rằng những nỗ lực cải thiện đất nước của ông đang bị đánh giá thấp.
“Tôi nghĩ đó chỉ là một sự cường điệu của tổng thống. Chúng ta nên làm quen với phong cách này của tổng thống.”
“Tổng thống, như bất kỳ con người nào, cũng biết buồn bực.”
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân quyền của Phi Luật Tân cho rằng những lời tuyên bố chống lại các nhà lãnh đạo tôn giáo là “đáng báo động và nghiêm trọng”, cảnh báo rằng những lời lẽ này có thể dẫn đến những hành vi bạo lực.
“Giáo Hội và các linh mục ... làm việc trực tiếp với các cộng đồng và các gia đình đang phải gánh chịu nhiều hình thức vi phạm nhân quyền xuất phát từ chiến dịch bài trừ ma túy của chính phủ”, Jacqueline Ann de Guia, phát ngôn viên của ủy ban nói.
Cô nói thêm: “Thay vì gọi các vị là vô dụng, chính quyền cần phải xem xét một cách nghiêm chỉnh những quan tâm của các ngài như những thách đố có giá trị được đưa ra trên cơ sở là nhằm thăng tiến chứ không phải làm hạ giảm việc bảo vệ nhân quyền của tất cả mọi người”
6. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm bán đảo Ả Rập vào năm tới.
Đức Thánh Cha sẽ thăm Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Hai và sẽ dự một cuộc họp liên tôn tại đây.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Mohammed bin Zayed Al Nahyan, hoàng thái tử của Abu Dhabi, và hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đã mời Đức Thánh Cha đến thăm.
UAE là nơi có nhiều người Công Giáo đến từ Phi Luật Tân và các nước Nam Á khác. Họ thường phải làm việc trong các điều kiện tồi tệ. Chín phần trăm trong số 6,1 triệu dân của UAE là các Kitô hữu.
Vì có rất ít nhà thờ được phép xây dựng, nên các giáo xứ tại UAE là các giáo xứ lớn nhất trên thế giới. Hai nhà thờ ở Abu Dhabi và hai nhà thờ khác ở Dubai được dùng làm nơi thờ phượng của hàng trăm ngàn tín hữu.
Vượt qua biên giới Ả-rập Xê-út, người Công Giáo không được phép thực hành đức tin của mình một cách công khai. Các thánh lễ phải được tổ chức trong bí mật hoặc trong các đại sứ quán hoặc các cơ sở ngoại giao khác.
7. Nguyên TGM Wilson của Úc Châu được trắng án không phạm tội che dấu lạm dụng tình dục
Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, nguyên Tổng Giám Mục Adelaide, người bị kết tội vào tháng Năm vừa qua vì che giấu tội lạm dụng tình dục của linh mục James Fletcherr đối với các trẻ em giúp lễ trong thập niên 1970 nay đã trắng án. Đơn kháng án của ngài đã thành công.
Một tòa án ở New South Wales hôm thứ Năm đã ra phán quyết có lợi cho Đức Tổng Giám Mục Wilson. Tòa án New South Wales nói rằng có sự nghi ngờ hợp lý đối với tội danh tòa án tại Newcastle đã cáo buộc ngài.
Đức Tổng Giám Mục Wilson, 68 tuổi, là giáo sĩ Công Giáo cấp cao nhất ở Úc bị kết tội liên quan đến việc che dấu lạm dụng tình dục. Theo bản án truớc đây ngài bị quản chế tại gia, về ở cùng với người em gái. Đức Tổng Giám Mục Wilson đã từ chức vào tháng Bảy vừa qua trong khi chờ đợi phán quyết của tòa án đối với đơn kháng cáo của ngài.
8. Phán quyết trước đây của tòa án ở Newcastle hồi tháng 8 vừa qua
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng chánh án Robert Stone của Tòa án ở Newcastle hôm 14/8 đã đưa ra một phán quyết theo đó Đức Tổng Giám Mục Wilson phải chịu 1 năm tù nhưng ít nhất ngài bị quản thúc tại gia trong 6 tháng.
Tòa án địa phương trước đó đã thẩm định nhà của chị Đức Tổng Giám Mục có đủ điều kiện để làm nơi quản thúc Đức Tổng Giám Mục Wilson hay không. Từ chiều ngày 14/8 Đức Tổng Giám Mục đã về nhà chị ngài sống trong thời gian 6 tháng quản thúc, nghĩa là Đức Tổng Giám Mục không được đi đâu cho tới ngày 13 tháng Hai năm 2019.
Chánh án Robert Stone cho hay “Đức Tổng Giám Mục tỏ ra bình thản, không phản kháng lại bản án”. Theo chánh án Stone thì tâm tình bảo vệ Giáo Hội Công Giáo vẫn là “động lực chính” của Đức Tổng Giám Mục.
Theo chánh án Stone thì Đức cha Wilson vẫn là một giám mục trong Giáo hội, nhưng không có quyền giám mục thừa tác và ngài sẽ không có khả năng được phục chức.
Cuối tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Wilson khỏi chức vụ Tổng giám mục của Tổng Giáo phận Adelaide.
CÁC TIN KHÁC:
- Nguy cơ diệt vong các cộng đoàn Kitô tại Iraq trước sự dửng dưng của thế giới
- Công tác ngày 27/7/2014
- Chia sẻ Phúc Âm Chúa Nhật 18 Thường niên Năm A
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành
- Video: Tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014: Đức Hồng Y Edward Clancy ân nhân người Việt Công Giáo Sydney
- Video: Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh về Nhóm Thánh Ca Mới
- Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07-13/08/2014: Tám Mối Phúc Thật
- Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican: 8 – 14/08/2014 - Đức Thánh Cha tông du Hàn quốc, Tòa Thánh tố cáo những thế lực đằng sau thảm họa nhân đạo tại Iraq
- ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ VINH SƠN