Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 21-27/08/2014 - Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa Giêsu với người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình
27/08/2014 12:00:00 SA

1. Bài huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết chung thứ Tư ngày 27 tháng 8.

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ Tư 27 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của sự hiệp nhất. Ngài kêu gọi các Kitô hữu nhận ra những tội lỗi gây ra khi làm đổ vỡ sự hiệp nhất trong giáo xứ và cộng đồng, như ghen tuông, đố kỵ và ác cảm.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội là duy nhất và thánh thiện. Thứ nhất là vì Giáo Hội xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, từ mầu nhiệm của hiệp nhất và hiệp thông trọn vẹn. Giáo Hội là thánh thiện vì kể từ khi Giáo Hội được thành lập bởi Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, và được đổ đầy với tình yêu và ơn cứu rỗi của Ngài.

Trong khi chúng ta, các thành viên của Giáo Hội, là những người tội lỗi, sự hiệp nhất và thánh thiện của Giáo Hội xuất phát từ Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải hàng ngày. Chúng ta có một Đấng cầu bầu cho chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện, đặc biệt là bằng cuộc thương khó của Ngài, cho sự hiệp nhất giữa chúng ta với Ngài và Chúa Cha, và với nhau.

Thật không may, chúng ta biết rất rõ rằng những tội lỗi chống lại sự hiệp nhất - như ganh ghét, ghen tị, ác cảm – vẫn xảy ra khi chúng ta đặt mình ở vị trí trung tâm và xảy ra ngay cả trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta. Tuy nhiên Thánh ý của Thiên Chúa là chúng ta phải tăng trưởng khả năng chào đón nhau, tha thứ và yêu thương giống như Chúa Giêsu. Sự thánh thiện của Giáo Hội là nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong nhau.

Cầu xin cho tất cả chúng ta biết tự vấn lương tâm mình và xin tha thứ cho những lần chúng ta đã nhân lên những chia rẽ, hiểu lầm trong cộng đoàn của chúng ta. Cầu xin cho mối quan hệ của chúng ta với nhau có thể phản ánh đẹp hơn và hân hoan hơn sự hiệp nhất của Chúa Giêsu và Chúa Cha.
2. Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa Giêsu với người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những câu nói thời danh của Đức Thánh Cha Phanxicô là “Tôi là ai mà xét đoán người ta”, phản ánh một chủ đề thường được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến trong các bài giảng của ngài, đó là đừng kết án anh chị em mình nhưng hãy có lòng xót thương.

Trong chương trình hôm nay, Như Ý xin thuật hầu với quý vị và anh chị em câu chuyện Chúa Giêsu tha thứ cho một người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình: Hãy đi và đừng phạm tội nữa.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Ðền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Ðức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người:

"Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"

Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Ðức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.

Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ:

"Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói:

"Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp:

"Thưa thầy, không có ai cả".

Ðức Giêsu nói:

"Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!"

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 23 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các tín hữu hãy từ bỏ thái độ xăm xoi, phán xét người khác. Ngài gọi đó là thái độ của những kẻ giả hình đang bị Satan xúi giục.

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

“Khi phán xét người khác, ta đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, là Vị thẩm phán duy nhất. Nếu ai hy vọng một ngày nào đó những hành vi phạm tội của mình được tha thứ, thì đừng phán xét người khác.”

Đức Thánh Cha đã trình bày những giáo huấn của ngài dựa trên bài Phúc Âm trong ngày khi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ:

“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7: 1-3)

Đức Thánh Cha cảnh báo các tín hữu đừng chiếm đoạt vai trò thẩm phán. Đó không phải là trách nhiệm của bất kỳ ai và nếu ai trong chúng ta cố gắng phán xét anh chị em của mình, người ấy sẽ là một "kẻ thua cuộc, bởi vì người ấy cuối cùng sẽ là nạn nhân của chính thái độ thiếu thương xót của mình. Đây là những gì sẽ xảy ra với một người ham phán xét kẻ khác. "

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu "không bao giờ buộc tội", trái lại, Người luôn đứng về phía biện hộ.

Thiên Chúa không chỉ sai Chúa Giêsu, Con Ngài đến để bảo vệ chúng ta, nhưng Ngài cũng sai Chúa Thánh Thần đến để "biện hộ cho chúng tôi."

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Người cáo buộc là ai?" Và ngài trả lời: "Trong Kinh Thánh, kẻ 'cáo buộc' được gọi là ma quỷ, Satan", nhưng ngài lưu ý rằng mặc dù ma quỷ cáo buộc, "Chúa Giêsu sẽ phán xét, vào ngày sau hết, nhưng ngay lúc này Ngài cầu bầu cho chúng ta và bảo vệ chúng ta”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Phán xét anh chị em mình là một hành vi sai lầm và cuối cùng sẽ bị phán xét theo cùng một cách như thế. Thiên Chúa là ‘vị thẩm phán duy nhất’ và bất cứ ai bị phán xét cũng luôn luôn có thể dựa vào sự biện hộ của Chúa Giêsu, là trạng sư đầu tiên của mình, và kế đó là Chúa Thánh Thần".

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Nói cho cùng, những ai phán xét người khác đang ‘bắt chước ma quỷ thế gian’, là kẻ đang chờ đợi trong hậu trường để sẵn sàng buộc tội.

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bắt chước Chúa Giêsu, Đấng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, là trạng sư của chúng ta chứ đừng bắt chước những kẻ xăm xoi kết án người khác.”

3. Giáo Hội là một dân tộc được xây dựng trên đức tin

Giáo Hội mà Chúa Giêsu có ý khai sinh là một dân tộc không dựa trên huyết thống nữa mà dựa trên đức tin, nghĩa là dựa trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 tháng 8 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu chương 16 kể lại biến cố Chúa Giêsu hỏi các môn đệ người ta nói Người là ai, và đối với các ông Chúa là ai. Đại diện cho Nhóm Mười Hai ông Phêrô nói: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và Chúa Giêsu gọi ông là “có phước” vì lòng tin mà Thiên Chúa Cha đã ban cho ông, và Ngài nói với ông: “Con là Phêrô nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Chúng ta hãy dừng lại một chút trên điểm này, trên sự kiện Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi mới này: Phêrô trong tiếng nói của Chúa Giêsu là “Kêpha”, có nghĩa là “đá tảng”. Trong Thánh Kinh từ “đá tảng” được quy chiếu về Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi này không phải vì các đức tính hay công nghiệp loài người của ông, mà vì lòng tin tinh tuyền và vững chắc của ông, lòng tin đến từ trên cao.

Chúa Giêsu cảm nhận trong tim Người một niềm vui lớn lao, bởi vì Người nhận ra nơi ông Simon bàn tay của Thiên Chúa Cha và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người nhận ra rằng Thiên Chúa Cha đã ban cho ông Simon một đức tin “có thể tin cậy được”, trên đó Chúa Giêsu có thể xây dựng Giáo Hội Người, nghĩa là cộng đoàn của Người. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúa Giêsu có trong tâm trí ý muốn khai sinh ra Giáo Hội “của Người”, một dân tộc không xậy dựng trên huyết thống, nhưng trên đức tin, nghĩa là trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng. Như thế để bắt đầu Giáo Hội của Người Chúa Giêsu đã cần tìm ra nơi các môn đệ một đức tin “có thể tin cậy đươc”. Và đó là điều Người phải kiểm chứng tại thời điểm này của lộ trình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúa đã có trong trí hình ảnh của vịệc xây dựng, hình ảnh của một cộng đoàn như một ngôi nhà. Chính vì thế khi nghe lời tuyên xưng đức tin thẳng thắn của ông Simon, Người gọi ông là “đá tảng”, và bầy tỏ ý định xây dựng Giáo Hội của Người trên đức tin ấy.

Anh chị em thân mến, điều đã xảy ra một cách độc đáo nơi thánh Phêrô, cũng xảy ra nơi mọi tín hữu Kitô có niềm tin chín chắn và chân thành nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Phúc Âm hôm nay cũng gọi hỏi từng người trong chúng ta. Đức Thánh Cha nói thêm:

Nếu Chúa tìm thấy trong con tim chúng ta một đức tin, tôi không nói là toàn vẹn, nhưng chân thành, tinh tuyền, thì khi đó Người cũng thấy nơi chúng ta các viên đá sống động để xây dựng cộng đoàn của Người. Đá tảng của cộng đoàn này là Chúa Kitô, viên đá góc duy nhất. Về phần mình, thánh Phêrô là đá tảng, vì là nền tảng hữu hình sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng mỗi một tín hữu đã được rửa tội đều được mời gọi cống hiến cho Chúa Giêsu niềm tin nghèo nàn, nhưng chân thành của họ, để Người có thể tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người ngày hôm nay trên mọi phần đất của thế giới này.

Cả ngày nay nữa “người ta” nghĩ rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ lớn, một bậc thầy của sự khôn ngoan, một mẫu gương của sự công chính...Nhưng dừng lại ở đó thôi. Và cả ngày nay, Chúa Giêsu cũng hỏi các môn đệ Người: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Hãy nghĩ tới điều đó. Nhưng nhất là hãy cầu xin Thiên Chúa Cha, để qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ơn trả lời với con tim chân thành: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/129511.htm

CÁC TIN KHÁC: