Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Suy Niệm với ĐTC Phanxicô 05/11/2018: Câu chuyện Bức ảnh Chúa còn nguyên sau trận hỏa hoạn tại Wakefield
05/11/2018 12:00:00 SA

1. Tám mối phúc thật là con đường dẫn đến sự thánh thiện trong cuộc sống hàng ngày

Hôm thứ Năm 1/11, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Kitô hữu theo đuổi con đường nên thánh không phải bằng cách hoàn thành những điều phi thường nhưng hãy theo con đường của Tám mối phúc thật trong cuộc sống hàng ngày một cách triệt để chứ không nửa vời.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài huấn đức trưa thứ Năm 1 tháng 11 tại cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô nơi khoảng 2,000 tín hữu tụ tập dưới trời mưa. Lễ Các Thánh Nam Nữ là một ngày lễ nghỉ ở Ý và Vatican.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài đọc một trong Thánh Lễ trích từ Sách Khải Huyền nói về “một đoàn lũ đông đảo” hát vang những lời ca khen danh Chúa. Ngài nói những lời khen ngợi này phù hợp nhất với Thánh Lễ khi chúng ta hát kinh “Thánh, Thánh, Thánh…”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúng ta không chỉ nghĩ về các thánh, nhưng chúng ta hãy thực hiện những gì các ngài đã làm.”

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu rằng chúng ta không chỉ hiệp nhất với các vị thánh có trong lịch Phụng Vụ mà còn cả với các vị thánh “bên cạnh” của chúng ta – là những người thân và những người chúng ta quen biết mà hiện nay là một phần của đoàn lũ đông đảo được mô tả trong bài đọc một. Do đó, Lễ Các Thánh Nam Nữ là một ngày lễ gia đình, bởi vì các thánh nam nữ, những anh chị em thật sự của chúng ta, yêu mến chúng ta, biết điều gì thực sự là tốt lành cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta, chờ đợi chúng ta và muốn chúng ta hạnh phúc với các ngài trên thiên đàng.

Và con đường dẫn đến hạnh phúc này được chỉ ra bởi Tin Mừng trong ngày, là Con đường Tám mối phúc thật, trái ngược với con đường của thế gian.

Tin Mừng nói phúc cho những ai nghèo hèn, trong khi thế gian nói phúc cho những kẻ giàu có. Tin Mừng nói phúc cho những ai hiền lành, còn thế gian lại nói phúc cho những người vênh vang tự hào. Tin Mừng nói phúc cho những ai có lòng thanh sạch, thế gian lại cho những kẻ tìm kiếm những điều xảo quyệt và hoan lạc là những người có phúc.

Có vẻ như cách thức của tám mối phúc thật và sự thánh thiện nhất thiết sẽ dẫn đến thất bại, nhưng bài đọc một mô tả các vị thánh cầm “cành thiên tuế trong tay”, biểu tượng của chiến thắng. Chính các thánh nhân là những người chiến thắng, chứ không phải là thế gian, và các ngài khuyến khích chúng ta đứng về phe các ngài, về phe của Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Lễ Các Thánh Nam Nữ là một dịp tốt để chúng ta kiểm điểm lương tâm, để xem chúng ta đứng về phe nào thiên đàng hay thế gian; chúng ta sống cho Chúa hay cho chính mình; tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu hay cho một sự thỏa mãn nhất thời nào đó trong hiện tại.

Đức Thánh Cha nói, “Thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta bị kích động bởi các thánh nhân, là những vị không bao giờ chọn một lối sống nửa vời trong cuộc sống dương thế và từ trời cao đang cổ vũ chúng ta, để chúng ta biết chọn Thiên Chúa, khiêm nhường, hiền lành, thương xót và thanh tịnh, say mê thiên đàng hơn là trái đất.”

Theo Đức Thánh Cha những vị thánh anh chị em của chúng ta ngày hôm nay không yêu cầu chúng ta lắng nghe Tin Mừng một lần nữa nhưng là “đặt Tin Mừng vào thực tế, và cất bước trên con đường của tám mối phúc thật. Đó không phải là vấn đề thực hiện những điều phi thường, nhưng cứ theo con đường này mỗi ngày, chúng ta sẽ đến được thiên đàng, đến được với những gia đình của chúng ta, đến được với quê trời của chúng ta”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào mừng những người tham gia Cuộc đua Thánh, một sự kiện diễn ra hàng năm vào ngày 1 tháng 11 để tài trợ cho quỹ Truyền Giáo của dòng Don Bosco trên toàn thế giới. “Cảm ơn vì sự sáng kiến tuyệt vời của bạn và sự hiện diện của bạn,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô rằng vào ngày thứ Sáu, 2 tháng 11, Lễ Các Linh Hồn, ngài sẽ đến thăm Nghĩa trang Laurentino, cách thành phố Rôma khoảng 13 km về phía nam. “Tôi mời anh chị em đồng hành cùng tôi trong những lời cầu nguyện vào ngày tha thiết cầu xin này cho những người đã đi trước chúng ta trong ánh sáng đức tin và đang an nghỉ trong yên bình”

2. Bức ảnh Chúa còn nguyên vẹn sau trận hỏa hoạn tại Wakefield

Bản tin hôm 26/10 của Đài truyền hình Boston 25 News, một cơ quan truyền thông thế tục, cho biết nhà thờ Baptist đầu tiên ở Wakefield đã cháy thành tro bụi trong một đám cháy kinh hoàng phá hủy hoàn toàn cấu trúc đã có từ 150 năm nay.

Các nhân chứng nói với Boston 25 News rằng tối thứ Ba 23/10, sét đánh trúng vào ngọn tháp của nhà thờ khi thời tiết khắc nghiệt di chuyển qua khu vực này, gây ra một đám cháy kinh hoàng.

Các cư dân trong vùng đã bắt đầu thu dọn tàn dư của địa danh lịch sử này dưới cơn mưa tầm tã vào sáng thứ Tư.

Tòa nhà 150 năm tuổi này đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng, mọi người kinh ngạc khi thấy rằng cho dù tất cả đã bị cháy thành tro thì một bức tranh treo ở lối ra vào phía trước nhà thờ gần như vẫn còn nguyên không bị ảnh hưởng gì.

Bức tranh vẽ Chúa Giêsu Kitô đã sống sót qua trận hỏa hoạn kinh hoàng như trong địa ngục vào đêm thứ Ba, và giờ đây được đưa về nhà của một giáo dân.

“Cá nhân tôi coi đó là một dấu chỉ nhắc nhở rằng Chúa Giêsu, Đức Kitô mà chúng ta tôn thờ vẫn hằng sống và mặc dù nhà thờ của chúng tôi đã biến mất, Hội thánh của chúng tôi vẫn còn đây và Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ vẫn còn ở đây”, Maria Kakalowski một giáo dân nói.

Theo thông tấn xã Catholic News Agency, năm ngoái, hai bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria ở Corpus Christi, Texas cũng sống sót trong một trận hỏa hoạn do cơn bão Harvey gây ra, mặc dù mọi thứ chung quanh đã cháy thành than.

Tháng Bảy năm nay, hai bức tượng Đức Trinh Nữ Maria khác cũng đã sống sót sau một trận hỏa hoạn tại Trường Trung Học Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần ở Morton, Pennsylvania. Một trong hai bức tượng này cũng đã từng trải qua một trận hỏa hoạn trước đó.

3. ĐTC dâng lễ cầu cho các HY và GM qua đời trong năm

Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Bẩy 3 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 8 Hồng Y, 1 Thượng Phụ và 154 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị có hai Đức Cha Việt Nam là Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, nguyên Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, California qua đời ngày 6 tháng 12 năm ngoái 2017; và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn qua đời tại Rôma ngày 6 tháng Ba năm nay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba vừa qua.

Bài Phúc Âm trong thánh lễ trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu (25:1-13), trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay kể với chúng ta về các cô phù dâu, tất cả là mười cô, “ra đi đón chàng rể” (Mt 25: 1). Đối với tất cả chúng ta, cuộc sống là một lời mời gọi ra đi liên tục: ra đi từ bụng mẹ, từ ngôi nhà nơi chúng ta được sinh ra, từ thời thơ ấu đến tuổi trẻ, từ tuổi thanh niên đến tuổi trưởng thành, suốt cuộc đời cho đến khi chúng ta từ giã thế giới này. Đối với các thừa tác viên Tin Mừng cũng thế, cuộc sống luôn chuyển động liên tục, từ khi chúng ta ra đi khỏi mái ấm gia đình để đến bất cứ nơi nào Giáo Hội sai chúng ta đến, từ sứ vụ đa dạng này đến công tác khác. Chúng ta luôn luôn di chuyển, cho đến khi chúng ta thực hiện hành trình cuối cùng của đời mình.

Đời là một sự cố gắng không ngừng, và Tin Mừng chỉ chúng ta thấy ý nghĩa của sự cố gắng ấy: đó là ra đi để gặp gỡ Chàng Rể. Theo Tin Mừng, cuộc đời chúng ta có nghĩa là sống để chờ đợi lời hô vang lên trong đêm, và chúng ta sẽ nghe thấy điều này vào giờ chết của chúng ta: “Chàng Rể kia rồi, ra đón đi!” (Câu 6). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Chàng Rể “yêu mến và tự hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25), mang lại ý nghĩa và phương hướng cho cuộc sống của chúng ta. Đó là tất cả, không gì khác hơn. Đó là đích điểm cuối cùng chiếu sáng mọi thứ trước đó. Cũng như việc gieo hạt được đánh giá bởi thu hoạch, hành trình cuộc sống được định hình bởi mục tiêu chung cuộc của nó.

Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình để gặp gỡ Chàng Rể, thì cuộc đời chúng ta cũng là thời gian chúng ta được ban cho để lớn lên trong tình yêu. Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta là một sự chuẩn bị cho tiệc cưới, một khoảng thời gian tuyệt vời của giao ước hôn nhân. Chúng ta hãy tự hỏi: Liệu tôi có sống như một người chuẩn bị gặp gỡ Chàng Rể không? Trong sứ vụ, giữa tất cả các cuộc hội họp, những hoạt động và thủ tục giấy tờ của chúng ta, chúng ta đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn hướng về một sợi chỉ xuyên suốt giữ chặt toàn bộ tấm vải với nhau: đó là sự trông đợi Chàng Rể của chúng ta. Trung tâm của tất cả mọi thứ chỉ có thể là một con tim trong tình yêu với Chúa. Chỉ như thế, cơ thể hữu hình của sứ vụ chúng ta mới được duy trì bởi một linh hồn vô hình. Ở đây chúng ta bắt đầu nhận ra điều mà Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hai: “Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cor 4:18). Chúng ta đừng dán mắt vào những chuyện thế gian, nhưng hãy nhìn xa hơn những điều ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật chính xác khi bảo cho chúng ta biết rằng những điều thực sự quan trọng là những thực tại vô hình đối với đôi mắt chúng ta. Điều thực sự quan trọng trong cuộc sống là nghe tiếng nói của Chàng Rể. Giọng nói đó yêu cầu chúng ta hàng ngày phải bắt gặp Chúa đến và làm cho mọi hoạt động của chúng ta trở thành một phương tiện chuẩn bị cho tiệc cưới với Ngài.

Chúng ta được nhắc nhở về điều này khi Phúc Âm nói về điều thiết yếu đối với các cô phù dâu đang đợi tiệc cưới. Đó không phải là áo choàng, hoặc đèn đuốc của họ, nhưng là dầu được giữ trong các lọ nhỏ.

Ở đây chúng ta thấy một tính năng đầu tiên của dầu: nó không gây ấn tượng. Nó không hào nhoáng, nhưng không có nó thì không có ánh sáng. Điều này gợi ý cho chúng ta điều gì? Đó là trong mắt Chúa, điều quan trọng không phải là vẻ bề ngoài mà là tâm hồn (x. 1 Samuen 16: 7). Tất cả mọi thứ mà thế giới chạy theo và sau đó khoe mẽ - danh dự, quyền lực, vẻ bề ngoài, vinh quang - qua đi và không để lại chút gì phía sau. Đừng dính bén đến vẻ bề ngoài của thế gian. Đó là điều thiết yếu để chúng ta chuẩn bị cho thiên đàng. Chúng ta cần phải nói không với “văn hóa mỹ phẩm” đang bảo chúng ta phải lo lắng vẻ bề ngoài của chúng ta. Thay vì chú tâm đến diện mạo bên ngoài sẽ qua đi của mình, chúng ta nên thanh tẩy và gìn giữ tâm hồn mình, nội tâm của chính mình, là điều quý giá trong mắt Thiên Chúa.

Cùng với tính năng đầu tiên này - không hào nhoáng nhưng cần thiết – còn có một khía cạnh khác của dầu: nó tồn tại để được tiêu thụ. Chỉ khi nó bị đốt cháy nó mới lan tỏa ánh sáng. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy: chúng chỉ tỏa sáng khi được tiêu thụ, khi đốt cháy chính mình trong phục vụ. Bí quyết sống là sống để phục vụ. Sự phục vụ là vé được trình ra tại cửa của tiệc cưới vĩnh cửu. Những gì còn lại của cuộc đời, ngay ngưỡng cửa đời đời, không phải là những gì chúng ta thủ đắc được mà là những gì chúng ta đã cho đi (x. Mt 6: 19-21; 1 Cor 13: 8). Ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy nơi lời đáp trả của chúng ta đối với lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa. Và lời đáp trả đó được hình thành từ tình yêu đích thực, tự hiến và phục vụ. Phục vụ người khác có cái giá của nó, vì nó liên quan đến việc làm tiêu hao chính mình, và để cho bản thân mình được tiêu thụ. Trong sứ vụ của chúng ta, những ai không sống để phục vụ thì không đáng sống. Những người giữ quá chặt mạng sống mình thì sẽ mất.

Một tính năng thứ ba của dầu được trình bày rõ ràng trong Tin Mừng: nó phải được chuẩn bị. Dầu phải được lưu trữ trước và phải mang theo bên mình (x. câu 4, 7). Tình yêu chắc chắn là tự phát, nhưng nó không phải là ngẫu hứng. Chính vì thiếu chuẩn bị nên các cô phù dâu bị loại ra khỏi tiệc cưới đã cho thấy sự ngu xuẩn của họ. Bây giờ là lúc chuẩn bị: ở đây và bây giờ, từng ngày, tình yêu phải được lưu trữ và nuôi dưỡng. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết canh tân hàng ngày tình yêu đầu tiên của chúng ta với Chúa (x. Khải huyền 2: 4), nếu không ngọn lửa của tình yêu sẽ lụi tàn. Thật là một cám dỗ lớn lao khi chúng ta chìm đắm trong một cuộc sống không có tình yêu, mà kết cục giống như một chiếc bình rỗng, một ngọn đèn đã tắt ngấm. Nếu chúng ta không đầu tư vào tình yêu, cuộc đời sẽ bóp nghẹt nó. Những ai được mời dự tiệc cưới của Thiên Chúa không thể hài lòng với cuộc sống thụ động, bình lặng và nhàn nhã lê bước thiếu nhiệt tình, tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen và theo đuổi những tưởng thưởng thoáng qua. Một cuộc sống nhàn hạ và bình thản, hài lòng với việc thực hiện nhiệm vụ của mình mà không tự hiến, không xứng đáng với Chàng Rể.

Khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua, chúng ta hãy khẩn khoản xin lời chuyển cầu của tất cả những người đã sống cuộc sống khiêm nhường, hân hoan chuẩn bị hàng ngày để gặp Chúa. Theo gương của những chứng nhân này, những người tán tụng ngợi khen Thiên Chúa đông đảo xung quanh chúng ta, ngày hôm nay chúng ta đừng hài lòng với cái nhìn thoáng qua và không còn gì khác. Thay vào đó, chúng ta hãy ao ước biết nhìn xa hơn về phía trước, đến tiệc cưới đang chờ đợi chúng ta. Một cuộc sống cháy bỏng với ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa và được huấn luyện bởi tình yêu sẽ chuẩn bị cho chúng ta bước vào phòng tiệc cưới với Chàng Rể, mãi mãi.

4. Ký ức và hy vọng, và Tám Mối Phúc Thật

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm nghĩa trang Laurentino, một khu vực rộng 67 mẫu Anh ở vùng ngoại ô phía nam của Rôma, cách Vatican 13 km .

Khi đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Vườn thiên thần” là một khu vực rộng 600 mét vuông dành riêng cho việc chôn cất các thai nhi chết khi chưa chào đời. Ngài đã cầu nguyện ở nơi có hai bức tượng bằng đá cẩm thạch tạc hình các thiên thần, biểu tượng của sự ngây thơ và tinh khiết.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ Chúa Giêsu Phục Sinh, được khánh thành vào năm 2012. Khu vực này hình tròn với diện tích 220 mét vuông, và có 140 chỗ ngồi. Trước bàn thờ là một sân rộng 120 mét vuông.

Đức Hồng Y Camillo Ruini, quản nhiệm Rôma, đã thánh hiến nghĩa trang Laurentino vào ngày 9 tháng 3 năm 2002. Trong triều đại Giáo Hoàng của ngài, đây là nghĩa trang thứ tư mà Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm vào những ngày lễ các đẳng linh hồn 2 tháng 11.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Phụng vụ ngày hôm nay rất thực tế, rất là cụ thể. Phụng vụ ngày hôm nay là một phần của ba chiều kích cuộc đời mà ngay cả trẻ em cũng hiểu: đó là quá khứ, tương lai, và hiện tại.

Hôm nay là một ngày tưởng nhớ về quá khứ, một ngày để nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta, những người đã cũng đồng hành với chúng ta, và những người đã ban cho chúng ta sự sống. Hãy ghi nhớ, hãy ghi khắc trong lòng. Ký ức là điều làm cho một dân tộc mạnh mẽ vì nó cảm thấy mình có căn cội trong cuộc hành trình, được bắt nguồn từ một lịch sử, và có nguồn gốc sâu xa từ một dân tộc. Ký ức làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn, chúng ta là một dân tộc: một dân tộc có lịch sử, đã trôi qua; và có sự sống. Ký ức giúp chúng ta nhớ đến nhiều người đã chia sẻ cuộc lữ hành trần thế với chúng ta, và đó là lý do tại sao tôi đang hiện diện nơi đây [chỉ ra những ngôi mộ xung quanh].

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Không phải dễ để có thể nhớ hết mọi chuyện. Nhiều lần chúng ta phải cố gắng mới quay trở lại được với ý nghĩ về những gì đã xảy ra trong cuộc đời ta, với gia đình ta, và với dân tộc ta ... Hôm nay là một ngày tưởng niệm, ngày mà ký ức đưa chúng ta đến tận những gốc rễ: đến nguồn cội của ta và dân tộc ta.

Và hôm nay cũng là một ngày của hy vọng: bài đọc hai cho chúng ta thấy những gì đang chờ đợi chúng ta. Một trời mới, đất mới và thành thánh Giêrusalem mới. Vẻ đẹp là hình ảnh Giáo Hội thường dùng để làm cho chúng ta hiểu những gì đang chờ đợi chúng ta: “Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (x. Khải huyền 21: 2). Vẻ đẹp đang chờ chúng ta ... Trí nhớ và hy vọng, hy vọng được gặp gỡ, hy vọng đến được nơi Tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta, nơi Tình yêu đang chờ đợi chúng ta: là tình yêu của Chúa Cha.

Và giữa ký ức và hy vọng, có chiều kích thứ ba, đó là con đường chúng ta phải làm và là điều chúng ta đang làm. Và làm thế nào để làm con đường này mà không gây ra những lầm lỗi? Đâu là những ánh sáng giúp tôi không phạm những sai lầm? Đâu là “máy định hướng” mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta không mắc những lầm lỗi? Đó là Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Những Mối Phúc này - hiền lành, có tâm hồn nghèo khó, khát khao nên người công chính, xót thương người, có lòng thanh sạch - là những ánh sáng đồng hành cùng chúng ta để chúng ta không phạm sai lầm: đây là hiện tại của chúng ta.

Trong nghĩa trang này có ba chiều kích của cuộc sống: ký ức, chúng ta có thể thấy ở đây [chỉ ra những ngôi mộ]; hy vọng, là điều chúng ta sẽ cử hành trong đức tin ngay bây giờ, chứ không phải trong một viễn kiến tương lai; và những ánh sáng mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng để hướng dẫn chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế để chúng ta không mắc những lầm lỗi: đó là Tám Mối Phúc Thật.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đừng bao giờ đánh mất ký ức, đừng bao giờ che dấu ký ức của chúng ta - ký ức của cá nhân, của gia đình, của dân tộc; và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hy vọng, hy vọng là hồng ân Chúa ban cho ta để ta biết làm sao trông cậy, làm sao nhìn đến chân trời, chứ đừng mãi đóng kín trước một bức tường. Hãy luôn nhìn đến chân trời và hy vọng. Và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra đâu là những ánh sáng sẽ đồng hành cùng chúng ta trên con đường để đừng mắc sai lầm, và nhờ thế chúng ta đến được nơi những người đi trước đang chờ đợi chúng ta với tình thương mến dạt dào.

5. Ơn xá nhường cho các linh hồn

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Có thể nhiều người trong chúng ta không biết điều này. Đó là người Công Giáo có thể nhận được ơn toàn xá và nhường lại cho các tín hữu đã qua đời trong tám ngày đầu tiên của tháng Mười Một.

Ấn bản mới nhất của Enchiridion Indulgentiarum, nghĩa là Cẩm nang về ơn xá, cho chúng ta biết cách thức như sau:

Khoản 29:

1. Một ơn toàn xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho các tín hữu nào:

a) Thăm viếng một nghĩa trang và cầu nguyện với lòng mộ mến, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố vào mỗi ngày, bất kỳ ngày nào từ mùng 1 đến mùng 8 tháng 11.

b) Viếng một nhà thờ hoặc một nhà nguyện và đọc một kinh Lạy Cha, và một Kinh Tin Kính vào ngày lễ các linh hồn (hoặc, theo quyết định của đấng bản quyền, vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ trọng kính các thánh nam nữ.)

Người Công Giáo cũng có thể được hưởng ơn xá trong suốt thời gian còn lại của một năm trong các trường hợp sau:

2. Một ơn tiểu xá, chỉ áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục, được trao cho những tín hữu

a) Thăm viếng một nghĩa trang với lòng mộ mến và cầu nguyện, dù chỉ trong trí thôi cũng đủ, cho người quá cố,

b) Sốt sắng đọc kinh sáng hay kinh tối từ sách Nghi thức cho kẻ Chết hoặc lời cầu nguyện An nghỉ Muôn đời

Lời cầu nguyện “An nghỉ Muôn đời”, hay “Requiem aeternam” là:

“Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”

Các điều kiện để được hưởng ân xá là:

- Làm các việc đã dạy ở trên trong khi ở trạng thái có ân nghĩa với Chúa

- Xưng tội trong vòng 20 ngày

- Rước lễ

- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng

- Không vướng mắc tội lỗi, dù là tội nhẹ, dục lòng yêu mến Chúa và xa lánh tội lỗi.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/247375.htm

CÁC TIN KHÁC: