Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại quảng trường Tự do ở thủ đô Tallin của Estonia
28/09/2018 12:00:00 SA

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 09g50 sáng thứ Ba 25 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế Tallinn. Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha đã viếng thăm xã giao tổng thống tại dinh tổng thống và ngài đã đọc một diễn từ trước chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Vườn Hồng của phủ tổng thống.

Sau đó, vào lúc gần 12g, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết với giới trẻ tại nhà thờ Kaarli của Tin Lành Lutheran.

Lúc 15h30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với những người giúp vào công việc bác ái tại nhà thờ chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Lúc 16h30, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ tại quảng trường Tự Do.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong suốt lịch sử của mình, Estonia đã từng bị nhiều quốc gia láng giềng đô hộ, tiêu biểu nhất là Thụy Điển và Nga.

Chỉ nói về lịch sử cận đại thì từ thế kỷ 18 Estonia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Estonia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua một nền văn học, âm nhạc, sân khấu mang bản sắc riêng của Estonia. Vì thế, mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Người Nga ráo riết Nga hóa vùng này cho nên người Estonia có một thái độ rất e dè đối với người láng giềng xấu bụng. Vào những năm 1890 các nhà trí thức đã kêu gọi quyền tự trị lớn hơn cho vùng đất này, và xa hơn nữa là sự độc lập hoàn toàn cho Estonia. Sau khi cộng sản lên nắm chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Estonia đã tự tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 2 năm 1918. Với sự trợ giúp của phương Tây, Estonia đã chiến thắng quân đội Liên Sô trong cuộc chiến tranh giành độc lập (1918-1920).

Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Latvia, Estonia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Estonia.

Trong suốt hai năm 1939 và 1940, người Đức đã di tản kiều bào Đức ở Estonia và Latvia về nước. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1940, quân Liên Sô tiến vào Estonia, Latvia và Lithuania. Chính phủ Estonia quyết định không phản ứng lại để tránh đổ máu. Các lực lượng quân đội của Estonia được lệnh tiến hành giải giới, không chống lại Hồng quân Liên Sô. Lòng căm thù người Nga lại tăng lên một mức đáng kể nữa.

Năm 1941, Đức Quốc xã tấn công Liên Sô và sáp nhập Estonia thành một tỉnh của Đức đặt tên là Ostland. Cũng giống như tại Kiev của Ukraine, khi quân Đức tràn vào, dân chúng túa ra đường hoan hô họ như những anh hùng giải phóng.

Các trại tập trung được thành lập trên lãnh thổ Estonia với những vụ giết chóc và thảm sát đẫm máu những người Nga di dân sang Estonia.

Khoảng 70,000 người Estonia đã tham gia vào các lực lượng vũ trang Đức Quốc xã bất chấp thực tế lúc đó đã gần như hiển nhiên rằng Đức đang trên bờ vực bại trận.

Đầu năm 1944, Hồng quân Liên Sô tấn công vào Estonia. Quân Đức và vô số các đơn vị Estonia sát cánh với quân Đức chống trả dữ dội và cầm chân quân Nga suốt 6 tháng tại biên giới. Tháng Ba, 1944, máy bay Nga sô bắt đầu thả bom bừa bãi vào Tallin và các thành phố khác. Đến tháng Mười Một, 1944, quân Nga tiến vào Tallin. Cuộc tắm máu kinh hoàng bắt đầu và được tiếp diễn với cảnh hàng chục ngàn người bị đầy sang Tây Bá Lợi Á. Estonia lại bị sáp nhập vào Nga.

Quảng trường Tự do này là nơi tưởng niệm các nạn nhân cộng sản.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Khi lắng nghe bài đọc thứ nhất, là trình thuật về biến cố người Do Thái đến được núi Sinai sau khi đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ ở Ai Cập (Xh 19: 1), thật không thể không nghĩ đến anh chị em trong tư cách một dân tộc. Không thể không nghĩ về toàn bộ đất nước Estonia và tất cả các quốc gia vùng Baltic! Làm thế nào chúng ta có thể không nghĩ đến sự tham gia của anh chị em trong cuộc Cách mạng Ca hát, hay đến một chuỗi cả hai triệu người kéo dài từ đây đến Vilnius? Anh chị em biết thế nào là đấu tranh cho tự do; anh chị em có thể đồng hóa mình với dân Do Thái xưa. Như thế, thật tốt để lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với ông Môisê, để phân định những gì Chúa đang nói với chúng ta trong tư cách một dân tộc.

Dân tộc đến được núi Sinai đã thấy tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi những phép lạ và những dấu chỉ mạnh mẽ. Họ là một dân tộc đã đi vào giao ước của tình yêu, bởi vì Thiên Chúa yêu thương họ trước và biểu lộ tình yêu của Người cho họ. Họ không bắt buộc phải đi vào giao ước ấy vì Thiên Chúa muốn tình yêu của chúng ta phải là một tình yêu tự do. Khi chúng ta nói rằng chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đón nhận một lối sống, chúng ta làm như thế mà không chịu một áp lực nào, mà không cần có một sự trao đổi có qua có lại, theo đó chúng ta sẽ trung thành nếu như Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài. Trước hết, chúng ta biết rằng lời hứa của Thiên Chúa không lấy đi bất cứ điều gì từ chúng ta; trái lại, lời hứa ấy dẫn đến sự thành toàn tất cả mọi nguyện vọng nhân bản của chúng ta. Một số người nghĩ rằng họ được tự do khi họ sống mà không có Chúa hoặc giữ Ngài đứng xa xa ở một khoảng cách nhất định. Họ không nhận ra rằng, khi làm như thế, họ đã sống trong cuộc đời này như những đứa trẻ mồ côi, không có nhà để trở về. “Họ không còn là khách hành hương mà trở thành những kẻ trôi giạt, lảng vảng xung quanh chính mình và không bao giờ đạt đến bất cứ nơi nào” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 170).

Giống như dân tộc vừa thoát khỏi Ai Cập, chúng ta phải lắng nghe và tìm kiếm. Những ngày này, chúng ta có thể nghĩ rằng sức mạnh của một dân tộc được đo bằng các phương tiện khác. Một số dân nước ăn to nói lớn, đầy tự tin - không chút nghi ngờ hay do dự. Những dân tộc khác hét lên và tung ra các mối đe dọa sử dụng vũ khí, dàn quân và triển khai các chiến lược.. . Bằng cách đó họ dường như mạnh mẽ hơn. Nhưng đây không phải là “tìm kiếm” ý muốn của Thiên Chúa, mà là thu tóm quyền lực để chiếm ưu thế hơn những người khác. Bên dưới thái độ này là một sự phủ nhận luân lý và, như thế, là một sự khước từ Thiên Chúa, vì luân lý dẫn chúng ta đến với một Thiên Chúa, là Đấng mời gọi một sự đáp trả tự do và dấn thân cho tha nhân và thế giới xung quanh chúng ta, một sự đáp trả bên ngoài các tiêu chí của thị trường (x. thd., 57). Anh chị em đã không giành được tự do của anh chị em để kết cục lại trở thành những người nô lệ của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân hay sự khát khao quyền lực hoặc sự thống trị.

Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta, là những điều mà chúng ta thường che giấu đằng sau ham muốn chiếm đoạt của mình. Ngài cũng biết những bất an chúng ta cố gắng vượt qua bằng sức mạnh. Chúa Giêsu, trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khuyến khích chúng ta vượt qua những cơn khát đó trong lòng chúng ta bằng cách đến với Ngài. Ngài là Đấng có thể ban cho chúng ta sự viên mãn bởi sự phong phú nước hằng sống, sự tinh tuyền, và quyền lực bất khả khống chế của Ngài. Đức tin có nghĩa là nhận ra rằng Chúa vẫn sống và Chúa yêu mến chúng ta; Chúa không từ bỏ chúng ta, và kết quả là Ngài có khả năng can thiệp vào lịch sử của chúng ta một cách mầu nhiệm. Bởi quyền năng của Ngài và sự sáng tạo vô hạn của Ngài, Thiên Chúa đem lại sự tốt lành ngay cả khi sự ác xem ra đang thắng thế (sđd., 278).

Trong sa mạc, dân Do Thái đã bị cám dỗ tìm kiếm các vị thần khác, thờ lạy con bê vàng, để tin cậy vào sức mạnh của chính mình. Nhưng Thiên Chúa luôn mời gọi họ trở lại với Ngài, và họ nhớ lại những gì họ đã nghe và thấy trên núi. Giống như dân tộc đó, chúng ta biết chúng ta là một dân tộc được chọn, một dân tư tế, một dân thánh thiện (x. Xh 19: 6; 1 Pet 2: 9). Chính Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về tất cả những điều này (x. Ga 14:26).

Được chọn không có nghĩa là độc quyền hay giáo phái. Chúng ta là một phần nhỏ của men mà phải làm cho bột dậy lên; chúng ta không trốn tránh hoặc rút lui, hay tự xem mình tốt hơn hay tinh tuyền hơn. Con đại bàng chở che những con chim non của mình, mang chúng đến đỉnh cao cho đến khi chúng có thể tự bảo vệ mình. Sau đó, nó buộc những con chim ấy rời khỏi những khu vực thoải mái đó. Nó lắc tổ của chúng, đẩy chúng vào khoảng không bao la, nơi chúng phải dang rộng đôi cánh của mình, và nó bay bên dưới để bảo vệ chúng, để giữ cho chúng khỏi bị thương. Đây là cách Thiên Chúa hành xử với dân được chọn; Ngài muốn họ “đi ra” và bay một cách mạnh dạn, và biết rằng họ luôn được chỉ một mình Người bảo vệ mà thôi. Chúng ta phải để lại những nỗi sợ của mình ở đằng sau và đi ra khỏi nơi an toàn của mình, bởi vì ngày nay hầu hết người Estonia không nhận mình là các tín hữu nữa.

Vì thế, hãy đi ra ngoài như các tư tế, vì đó là những gì chúng ta trở thành qua bí tích rửa tội. Hãy tiến ra để xây dựng những mối quan hệ với Thiên Chúa, để tạo điều kiện cho những mối quan hệ này, để khuyến khích một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đấng đang kêu lên: “Hãy đến cùng Ta!” (Mt 11:28). Chúng ta cần phải được nhìn thấy gần gũi với những người khác, có khả năng chiêm ngắm, từ bi và sẵn lòng dành thời gian với người khác, thường xuyên bao lâu là cần thiết. Đây là “nghệ thuật tháp tùng”. Nó được thực hiện với nhịp chữa lành “gần gũi”, với một cái nhìn tôn trọng và từ bi có khả năng chữa lành, giải phóng và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 169).

Chúng ta hãy đưa ra những chứng tá như một dân tộc thánh thiện. Chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một vài người. Tuy nhiên, “tất cả chúng ta đều được gọi là thánh khi sống cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu và bằng những chứng tá trong mọi việc chúng ta làm, bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện” (x. Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan, 14). Tuy nhiên, cũng giống như nước trong sa mạc không phải là sở hữu của một cá nhân mà là một lợi ích chung, cũng giống như manna không thể được lưu trữ bởi vì nó sẽ hư hỏng, cũng thế, sự thánh thiện trong cuộc sống mở rộng, lan toả và làm sinh hoa kết quả tất cả những gì nó chạm đến. Hôm nay, chúng ta chọn cuộc sống nên thánh bằng cách đến với những vùng ngoại biên và những phần bên lề xã hội, bất cứ nơi nào anh chị em của chúng ta nằm bẹp xuống và cảm thấy bị từ chối. Chúng ta không thể nghĩ rằng có ai đó sẽ là người dừng lại và giúp đỡ, cũng không nên nghĩ rằng những vấn đề như thế sẽ được giải quyết bởi các thể chế. Chính chúng ta phải dán mắt mình lên những anh chị em đó và chìa ra một bàn tay giúp đỡ, bởi vì họ mang hình ảnh của Thiên Chúa, họ là anh chị em của chúng ta, được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu Kitô. Đây là những gì một Kitô hữu phải là; đây là sự thánh thiện được sống trên cơ sở hàng ngày (x. thd., 98).

Trong lịch sử của mình, anh chị em đã thể hiện niềm tự hào được là người Estonia. Anh chị em hát rằng: “Tôi là người Estonia, tôi sẽ luôn là người Estonia, thật tốt được là người Estonia, chúng tôi là người Estonia”. Thật là tốt biết bao khi cảm thấy mình là một phần của một dân tộc; thật tốt ngần nào khi được độc lập và tự do. Cầu xin cho chúng ta có thể đi đến ngọn núi thánh, đến núi Môisê, đến ngọn núi của Chúa Giêsu. Như khẩu hiệu của cuộc viếng thăm này, xin cho chúng ta có thể cầu xin Chúa thức tỉnh con tim chúng ta và ban cho chúng ta những ân sủng của Chúa Thánh Thần. Với những tâm tình này, cầu xin cho chúng ta, tại mọi thời điểm của lịch sử, có thể phân định thế nào là tự do, thế nào là đón nhận sự lành thánh và cảm thấy được chọn, và thế nào là để Chúa làm gia tăng dân tộc thánh thiện và dân tộc tư tế của Ngài, ở đây tại Estonia này và trên toàn thế giới.

Amen.

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Trước khi ban phép lành cuối cùng, và kết thúc chuyến tông du ở Lithuania, Latvia và Estonia, tôi muốn gửi lời tri ân đến tất cả các anh chị em, bắt đầu với Đức Cha Giám Quản Tông Tòa Estonia. Cảm ơn sự chào đón của anh chị em, được thể hiện bởi một đàn chiên nhỏ nhưng với một trái tim lớn! Tôi xin trân trọng cảm ơn Tổng thống Cộng hòa và tất cả các nhà chức trách khác của đất nước này. Một ý nghĩ đặc biệt xin được gởi đến tất cả các anh chị em Kitô hữu của chúng ta, đặc biệt là những anh chị em Tin Lành Luther, những người ở Estonia này và tại Latvia đã trao ra lòng hiếu khách trong các cuộc gặp gỡ đại kết. Cầu xin Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên con đường hiệp thông. Xin cảm ơn tất cả anh chị em!

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/246831.htm

CÁC TIN KHÁC: