Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video: Giáo Hội Năm Châu - Chuyến tông du thứ 25 của ĐTC - Giới thiệu quốc gia Latvia
20/09/2018 12:00:00 SA

Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia. Trong chương trình này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về Latvia

1. Địa dư

Latvia (/la't-vij-a/), tên chính thức là Cộng hòa Latvia, là một quốc gia trong vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu. Latvia rộng 64,589 km2, tức gần bằng Lithuania hay bằng một phần năm của Việt Nam, nhưng với một dân số ít hơn là 2,381,000 dân.

Quốc ca: Dievs, svētī Latviju! /diɛ-u̯s svɛː-tiː ˈlat-vi-ju/ (Chúa chúc phúc cho Latvia).

Latvia nằm dọc theo bờ biển phía đông nam của biển Baltic, giáp với Estonia về phía bắc, Lithuania về phía nam, Nga và Belarus về phía đông và giáp biển Baltic về phía tây.

Latvia có 9 thành phố lớn trong đó nổi bật là thủ đô Riga với hơn 1,234,000 dân, theo thống kê vào năm 2014. Thành phố lớn thứ hai là Daugavpils /dàw-ɡàw-pils/ với gần 100,000 dân.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Latvia là một ngôn ngữ rất cổ còn tồn tại cho đến nay trong số các ngôn ngữ Ấn-Âu.

2. Vài nét về lịch sử Latvia

Latvia là một quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu. Tổ tiên của người Latvia là những bộ lạc Baltic cổ đã sống ở phía đông bờ biển Baltic từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Chúa Giáng Sinh.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Sau cuộc chính biến bất thành tại Mạc Tư Khoa của các thành phần cộng sản quá khích nhằm lật đổ ông Gorbachev, ngày 21 tháng 8 1991, Latvia tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập chấm dứt thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Sô.

3. Giáo Hội tại Latvia

Theo thống kê năm 2011, 79% dân số là các tín hữu Kitô, trong đó người Công Giáo có 476,700 người, tức là 22.7%, sinh hoạt trong 3 giáo phận và 1 tổng giáo phận. Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther với hơn 700,000 tín hữu. Bên cạnh đó còn có Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với 370,000 tín hữu.

Giáo Hội tại Latvia có 135 linh mục trong đó có 108 linh mục triều và 27 linh mục dòng; 1 phó tế vĩnh viễn, 32 nam tu sĩ, và 109 nữ tu.

Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại cả ba quốc gia vùng Baltic.

Tổng giáo phận duy nhất tại Latvia là tổng giáo phận thủ đô Riga hiện do Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs /dʒɪ-nɛv stæn-kɛ-viks/ lãnh đạo. Niên giám Tòa Thánh năm 2015 ghi nhận có 222,910 người Công Giáo trong tổng giáo phận Riga, chiếm 18.1% dân số. Tổng giáo phận có 69 giáo xứ, 30 linh mục triều, 13 linh mục dòng, một phó tế vĩnh viễn, 14 nam tu sĩ không có chức linh mục và 64 nữ tu.

Đức Hồng Y Jānis Pujats /dʒæ-nɪ̈s pjʊ̈-ʒɑtz/, năm nay 88 tuổi là Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Riga. Ngài được coi là một trong những tiếng nói chỉ trích Tông huấn Amoris Laetitia.

Người dân Latvia chủ yếu theo Tin Lành Luther. Tuy nhiên, Latgale, người Latvia gọi là Latgola /l'ɑt-gɔ-lɒ/, một miền ở phía Đông Nam Latvia, lại là một miền gần như toàn tòng Công Giáo trước thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô. Trong hơn 50 năm chiếm đóng, người Nga đưa dân sang vùng này. Cho nên, ngày nay 65.8% dân số là Công Giáo và 23.8% dân số là Chính Thống Giáo Nga.

Thủ phủ của Latgale là Aglona, nơi có Đền Thánh kính Đức Mẹ lớn nhất Latvia, cách thủ đô Riga 201km. Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha, chính phủ Latvia quyết định ngày thứ Hai 24 tháng 9 năm 2018 là quốc lễ; và tăng cường 6 chuyến tàu tốc hành để dân chúng có thể di chuyển từ Riga đến Đền Thánh kính Đức Mẹ Aglona, là một địa điểm quan trọng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

4. Xã hội Latvia ngày nay

Ngày nay, Latvia là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Latvia cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu.

Liên Hợp Quốc xếp Latvia vào hàng thứ 46 trong chỉ số “phát triển nhân bản”. Lý do là vì sau nhiều năm bị ngoại bang đô hộ, người dân Latvia tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những di dân người Nga đang sống tại quốc gia này. Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

5. Chính trị Latvia

Latvia theo Quốc Hội chế. Quốc Hội, gọi là Saeima /sæ-eɪ-mɒ/, gồm một viện duy nhất với 100 đại biểu có quyền bãi nhiệm tổng thống trong một cuộc biểu quyết với tỷ số hơn 2/3. Tổng thống chỉ là người đại diện cho nhà nước trong quan hệ quốc tế, thực hiện các quyết định của Quốc hội về phê duyệt các điều ước quốc tế, và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tổng thống hiện nay là ông Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ'-dʒʊ̈n-əns/, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1966, đã đảm nhận chức vụ từ ngày 8 tháng 7 năm 2015. Ông là thành viên của Đảng Xanh, một phần của Liên minh Xanh và Nông dân. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực vào năm 2002 và vào năm 2011. Ông cũng là Bộ trưởng Bộ Môi trường từ năm 2003 đến năm 2011. Ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Latvia năm 2014 và giữ chức vụ đó cho đến khi trở thành Tổng thống vào năm 2015.

Ông Raimonds Vējonis có cha là người Latvia, mẹ là người Nga. Ngoài tiếng Latvia, ông nói thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Ông có gia đình và 2 con. Ông là một người theo dị giáo Baltic, một tôn giáo đa thần.

6. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Latvia

Theo chương trình đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 10g10, ngài sẽ đến đặt hoa tại Đài Tưởng Niệm các nạn nhân của cộng sản và phát xít, trước khi có cuộc gặp gỡ đại kết với Chính Thống Giáo tại Cung Văn Hóa Riga.

Lúc 10g40, Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại nhà thờ chính tòa Riga của Tin Lành Lutheran.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm nhà thờ chánh tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ vào lúc 11g50.

Ngài sẽ ăn trưa với các giám mục trong Nhà Thánh Gia của Tòa Tổng Giám Mục vào lúc 12g30.

Buổi chiều, lúc 14g30, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Riga Harbour đến Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona.

Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân Latvia lúc 16g30.

Sau nghi thức tiễn biệt diễn ra tại sân bay trực thăng Aglona vào lúc 18g30, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế Vilnius của Lithuania; nghĩa là ngài quay trở lại quốc gia đầu tiên trong chuyến tông du này. Chỉ sau 15 phút bay trực thăng, ngài sẽ đến nơi.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/246745.htm

CÁC TIN KHÁC: